Theo báo Stars and Stripes của quân đội Mỹ ngày 9/10, hôm 7/10, tại Căn cứ Liên hợp Lewis McChord ở Washington đã tổ chức lễ bàn giao thiết bị tên lửa siêu thanh (LRHW) Dark Eagle đầu tiên cho Tiểu đoàn 5, Trung đoàn Pháo binh dã chiến 3 thuộc Lữ đoàn Pháo binh dã chiến số 17 của Lục quân Mỹ. Tiểu đoàn này từng là đơn vị được trang bị loại tên lửa cơ động cao M-142 (High Mobility Artillery Rocket System, HIMARS).
Thông tin cho biết, mỗi quả đạn Dark Eagle nặng khoảng 7.400 kg, đường kính 88 cm, tốc độ tối đa Mach 5 (khoảng 6.174 km/h), tầm bắn tối đa 2.775 km, sử dụng bệ phóng M870 với 2 đạn/bệ được kéo bằng đầu kéo Oshkosh M983A4, cho phép di chuyển nhanh chóng, triển khai phóng và cơ động tránh bị đối phương phản công hỏa lực. Trong tương lai, mỗi đại đội pháo binh sẽ được trang bị 4 xe phóng với tổng số 8 tên lửa và một tổ hợp trung tâm chỉ huy tác chiến của đại đội, toàn bộ thiết bị có thể được vận chuyển bằng máy bay C-130 thuận tiện cho lục quân triển khai tên lửa tại sân bay dã chiến gần mặt trận nhất. Đầu đạn có kích thước không lớn, đối phương rất khó có thể khóa được nó khi đang bay.
Sơ đồ trận địa tên lửa siêu thanh Dark Eagle (Ảnh: Lockheed Martin). |
Vũ khí siêu thanh được Mỹ coi là một trong những lĩnh vực cạnh tranh quân sự chính giữa các cường quốc trong tương lai. Với lý do này, họ không tiếc công sức để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển loại vũ khí này. Tờ Stars and Stripes ngày 9 cho biết Lục quân Mỹ đã tiếp nhận các thiết bị huấn luyện trên mặt đất của lô tên lửa siêu thanh Dark Eagle đầu tiên. "Đây là sự kiện quan trọng có tính cột mốc đặt nền tảng cho Lục quân Mỹ nhanh chóng làm chủ vũ khí siêu thanh”. Tờ báo tuyên bố "tên lửa Dark Eagle có thể tấn công Trung Quốc đại lục trong vòng vài phút sau khi được phóng từ Guam".
Theo Stars and Stripes, Lục quân Mỹ nói trong một tuyên bố ngày 7/10 rằng sau khi bàn giao các thiết bị mặt đất này cho đơn vị, Lục quân Mỹ sẽ tiến gần hơn một bước tới việc triển khai tên lửa siêu thanh Dark Eagle trên thực tế. Theo báo này, các thiết bị được chuyển giao lần này bao gồm một trung tâm chỉ huy, 4 thiết bị vận tải kiêm bệ phóng, cùng các xe tải và xe kéo hạng nặng để vận chuyển chúng. Trung tướng Neil Thurgood, người đứng đầu dự án siêu thanh của quân đội Mỹ, cho biết trong một tuyên bố: "Hôm nay là một cột mốc quan trọng trong việc trang bị vũ khí siêu thanh đầu tiên của Hoa Kỳ ... Từ bây giờ, binh sĩ của chúng ta đã có thể tiến hành huấn luyện thực tế".
Hình ảnh mô phỏng tên lửa rời bệ phóng (Ảnh: 163.com). |
Theo giới truyền thông Mỹ, Dark Eagle được thiết kế có tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh (Mach 5), tương đương với tốc độ bay 6.174 km/h và có thể tấn công chính xác mục tiêu xa hơn 2.775km. "Nếu tên lửa được triển khai trên đảo Guam, nó có thể bắn trúng các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục và Biển Đông trong vòng vài phút".
Theo Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc, trên thực tế, chương trình vũ khí siêu thanh của quân đội Mỹ không tiến triển nhanh như vậy. Tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ thừa nhận rằng mặc dù một phần cơ sở vật chất trên mặt đất của hệ thống vũ khí siêu thanh này đã được chuyển giao nhưng bản thân nó vẫn thiếu thứ quan trọng nhất là đạn tên lửa. Quân đội Mỹ dự đoán rằng tên lửa Dark Eagle sẽ không sẵn sàng sử dụng cho đến ít nhất năm 2023. Nói cách khác, trong hai năm tới, Lục quân Mỹ chỉ có thể sử dụng thiết bị mô phỏng để huấn luyện cơ bản. Tờ Defense News của Mỹ thậm chí còn chế nhạo: "Quân đội Mỹ đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị cho đơn vị vũ khí siêu thanh đầu tiên, có điều chỉ thiếu mỗi đạn tên lửa".
Tại sao Lục quân Mỹ lại vội vàng tuyên truyền công khai rằng họ đã có được khả năng về tên lửa siêu thanh? Điều này có liên quan đến sự cạnh tranh của Mỹ về vũ khí siêu thanh. Các quân chủng khác nhau của quân đội Mỹ đều đang nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của riêng mình và tìm kiếm nhiều hơn sự hỗ trợ tài chính. Tờ Stars and Stripes dẫn lời các nhà phân tích an ninh nói rằng, Mỹ đã tụt lại phía sau Trung Quốc và Nga trong việc phát triển vũ khí siêu thanh. Bộ Quốc phòng Nga cách đây vài ngày cho biết họ đã lần đầu tiên bắn thử tên lửa siêu thanh Zircon từ một tàu ngầm. Ngược lại, Mỹ trước đây tập trung sức lực vào các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, nên đầu tư vào vũ khí siêu thanh bị hạn chế.
Lục quân Mỹ tiếp nhận hệ thống thiết bị tên lửa siêu thanh Dark Eagle hôm 7/10 (Nguồn: Sina). |
Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu dịch vụ Quốc hội Mỹ hồi tháng 7 cho biết "do những tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực liên quan của Nga và Trung Quốc, Mỹ buộc phải quan tâm nhiều hơn đến mối đe dọa chiến lược do tên lửa siêu thanh gây ra". Theo báo cáo này, "Trung Quốc và Nga trước đây đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm thành công các phương tiện bay siêu thanh và có thể đã có khả năng chiến đấu". Tướng Charles A. Richard, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (United States Strategic Command) hồi tháng 8 đã nói, vũ khí siêu thanh sẽ mang lại “ưu thế bất khả chiến thắng” cho Hải quân Nga.
Điều đáng chú ý là tàu lượn siêu thanh thông dụng đang được Mỹ nghiên cứu phát triển đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 3/2020. Nó bắn trúng mục tiêu với độ chính xác sai lệch chỉ 15 cm, cho thấy tính năng của tên lửa là khá tiên tiến. Mỹ đang cố bắt kịp lĩnh vực vũ khí siêu thanh, và tiến bộ của họ không thể xem thường.