Đức, Pháp, Tây Ban Nha hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 dùng chung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đức đã phân bổ 4,3 tỉ USD để cùng Pháp chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Pháp Macron sẽ gặp nhau để thảo luận việc hợp tác.
Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 (Ảnh: Chinatimes).
Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 (Ảnh: Chinatimes).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp nhau tại Paris vào ngày 22/1 để thảo luận về dự án "Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai" (FCAS).

Theo bài viết trên The EurAsian Times ngày 21/1/2023, trong khuôn khổ dự án “Future Combat Air System, FCAS” (Hệ thống Chiến đấu trên không trong tương lai), Công ty Dassault Aviation của Pháp, nơi đã phát triển máy bay chiến đấu Rafale, sẽ hợp tác với Airbus, một trong những nhà thầu sản xuất máy bay chiến đấu Typhoon, để tạo ra một nguyên mẫu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

Tuy nhiên, dự án "Hệ thống chiến đấu trên không trong tương lai" này trở nên phức tạp do phía Đức yêu cầu việc xuất khẩu quân sự cần phải được Quốc hội nước này thông qua. Đức cho rằng để dự án thành công, các hợp đồng quốc phòng cần có sự hợp tác toàn cầu; tuy nhiên, thực tế chứng minh, điều này có thể gặp phải những rào cản về kinh tế.

Sơ đồ mô phỏng “Future Combat Air System, FCAS” (Hệ thống Chiến đấu trên không trong tương lai). Ảnh: Airbus Defence.

Sơ đồ mô phỏng “Future Combat Air System, FCAS” (Hệ thống Chiến đấu trên không trong tương lai). Ảnh: Airbus Defence.

Đức và Pháp năm 2017 đã tuyên bố họ sẽ thực hiện dự án "Hệ thống chiến đấu trên không trong tương lai"; sau đó năm 2019 Tây Ban Nha cũng đã tham gia để hợp tác phát triển một loạt hệ thống máy bay chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo, tập trung vào các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Loại máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo (The Next Generation Fighter, NGF) sẽ có động cơ mới, hệ thống vũ khí, công nghệ tàng hình tiên tiến, cảm biến được nâng cao và khả năng giao tiếp với máy bay không người lái. Ngoài ra, nó cũng có thể tham gia hệ thống mạng đám mây không chiến.

Theo ý tưởng, trong tương lai loại máy bay này sẽ thay thế Rafale của Pháp, cũng như các máy bay chiến đấu Typhoon của Đức và Tây Ban Nha; đồng thời, đối với hàng không mẫu hạm tiếp theo ở Paris, cũng đang xem xét chế tạo một loại hình máy bay dùng trên tàu sân bay. Dự án Hệ thống Chiến đấu trên không trong tương lai dự kiến ​​sẽ tiêu tốn khoảng 106 tỉ USD, khiến nó trở thành một trong những chương trình vũ khí đa quốc gia lớn nhất ở châu Âu. Trước số lượng máy bay F-35 được các quốc gia châu Âu mua ngày càng tăng, mục tiêu của dự án "Hệ thống chiến đấu trên không trong tương lai" là cung cấp cho các quốc gia này các lựa chọn máy bay chiến đấu tàng hình cao cấp kiểu châu Âu.

Một mẫu phác thảo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 (Ảnh: BAE).

Một mẫu phác thảo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 (Ảnh: BAE).

“Máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo” dự kiến sẽ ​​bay chuyến đầu tiên vào năm 2027, được bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2030 và đưa vào trang bị quân đội vào năm 2040. Tuy nhiên, chỉ riêng tranh chấp của nhà thầu về khối lượng công việc và tư cách nhà thầu chính đã khiến dự án này bị trì hoãn hai năm. Nhưng, dường như Dassault và Airbus đã hóa giải được các thách thức. Họ đã thông báo vào ngày 16/12/2022 rằng họ đã hoàn thành hợp đồng trị giá 3,4 tỉ USD để tiến hành chuyến bay đầu tiên dự kiến ​​vào năm 2029.

Trong dự án hợp tác có liên quan, Tập đoàn tên lửa châu Âu (MBDA) sẽ chịu trách nhiệm về hệ thống vũ khí của máy bay chiến đấu này, trong khi Airbus sẽ chịu trách nhiệm chính về phần máy bay không người lái. Còn Tập đoàn Công nghệ quân sự Pháp Thales sẽ là đối tác chính phát triển đám mây chiến đấu cho Airbus.