Chiến tranh Nga-Ukraine làm đảo lộn thị trường vũ khí thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ ngày 24/2/2022 đã làm thay đổi về cơ bản tình hình thị trường vũ khí toàn cầu, châu Âu trở thành nơi mua vũ khí nhiều nhất, Ukraine là quốc gia mua vũ khí lớn thứ ba thế giới.
Năm 2022, vũ khí Mỹ xuất khẩu chiếm tới 40%, đứng đầu thị trường toàn thế giới (Ảnh: DPA).
Năm 2022, vũ khí Mỹ xuất khẩu chiếm tới 40%, đứng đầu thị trường toàn thế giới (Ảnh: DPA).

Theo China.com (Trung Quốc), Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển ngày 13/3 đã công bố dữ liệu cho thấy Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu đã liên tục đưa một lượng lớn vũ khí thiết bị quân sự tới Ukraine trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đưa Ukraine trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba trên thế giới trong năm 2022, chỉ sau Qatar và Ấn Độ.

Bản báo cáo mang tên "Xu hướng mua bán vũ khí quốc tế năm 2022" này cho thấy nhập khẩu vũ khí từ khắp nơi trên thế giới đều giảm trong 5 năm qua, ngoại trừ châu Âu.

Viện này cho biết nếu tính chung trong 5 năm qua, Ukraine chỉ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 14 trên thế giới, chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng vũ khí toàn cầu.

Báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy trong 5 năm qua, mức độ chuyển giao vũ khí trên toàn cầu nói chung đã giảm 5,1%, nhưng nhập khẩu vũ khí của các nước châu Âu đã tăng 47%, trong đó tốc độ tăng trưởng của các nước NATO ở châu Âu tăng rất lớn, đạt tới 65%.

Báo cáo của SIPRI về tình hình xuất nhập khẩu vũ khí toàn cầu năm 2022

Báo cáo của SIPRI về tình hình xuất nhập khẩu vũ khí toàn cầu năm 2022

Theo RT, Nga và Mỹ hiện vẫn là những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới; tuy nhiên doanh số bán vũ khí của Nga đã giảm 31% trong 5 năm qua, trong khi doanh số bán vũ khí của Mỹ tăng 14%.

Các quốc gia ở Trung Đông như Ả Rập Saudi, Ai Cập…đã có mặt trong số mười nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong 5 năm qua và hầu hết vũ khí (khoảng 54%) của họ mua từ Mỹ.

Theo báo cáo, nhập khẩu vũ khí của châu Âu trong 5 năm qua đã tăng 47% so với 5 năm trước, nếu chỉ nhìn vào năm 2022 thì nhập khẩu vũ khí của châu Âu đã tăng 93%, gần gấp đôi.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI Pieter Wezeman cho biết vào ngày 13/3 rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể nhu cầu vũ khí của châu Âu, điều này sẽ có tác động hơn nữa và các nước châu Âu có thể sẽ tiếp tục tăng tốc nhập khẩu vũ khí. Hiện các nước châu Âu bao gồm Ba Lan và Na Uy đã tăng chi tiêu quân sự, nhưng đáng chú ý nhất là Ukraine, một trong các bên của cuộc xung đột. Ông Peter Weitzman chỉ ra rằng, sự gia tăng mạnh về mức độ chuyển giao vũ khí ở châu Âu có nguyên nhân là do quan hệ căng thẳng giữa Nga với hầu hết các nước châu Âu. Ông nói: “Các nước châu Âu hiện muốn nhập khẩu vũ khí nhiều và nhanh hơn”.

Một số lượng khổng lồ tên lửa chống tăng Javelin đã được Mỹ và phương Tây chuyển giao cho Ukraine (Ảnh: AP).

Một số lượng khổng lồ tên lửa chống tăng Javelin đã được Mỹ và phương Tây chuyển giao cho Ukraine (Ảnh: AP).

Trước năm 2022, Ukraine luôn là nước nhập khẩu vũ khí không đáng kể, nhưng sau khi xung đột nổ ra, với làn sóng viện trợ vũ khí từ các nước phương Tây, Ukraine đã trở thành điểm đến vũ khí xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Qatar và Ấn Độ. Theo dữ liệu báo cáo của SIPRI, nhập khẩu vũ khí của Ukraine đã đạt 31% tổng nhập khẩu của châu Âu, chiếm 8% nhập khẩu vũ khí toàn cầu. Nhập khẩu vũ khí của Ukraine năm 2022 đã tăng hơn 60 lần so với năm trước (2021).

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm sử dụng thuật ngữ “arms transfers” (chuyển giao vũ khí), bao gồm việc mua và bán vũ khí, cũng như viện trợ vũ khí (miễn phí) – trong đó viện trợ miễn phí là nguồn vũ khí chính của Ukraine trong chiến tranh. Những vũ khí viện trợ này thường không phải là thiết bị mới được phát triển mà là hàng cũ tồn kho từ các nước tài trợ.

Chính vì lý do này mà tổng giá trị vũ khí chuyển giao cho Ukraine tương đối khiêm tốn. Theo thống kê của SIPRI, trong năm 2022, tổng giá trị thiết bị quân sự Mỹ gửi tới Ukraine không thể so sánh với tổng giá trị vũ khí bán cho Kuwait, Saudi Arabia, Qatar và Nhật Bản. Lý do chính là bốn quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn này đều mua vũ khí mới rất tiên tiến, chẳng hạn như máy bay chiến đấu. Mặc dù Ukraine đã nhiều lần yêu cầu cung cấp máy bay chiến đấu nhưng cho đến nay các đồng minh phương Tây vẫn chưa chấp thuận trong vấn đề này.

Pháo tự hành PzH-2000 của Đức được chuyển giao cho Ukraine (Ảnh: DPA).

Pháo tự hành PzH-2000 của Đức được chuyển giao cho Ukraine (Ảnh: DPA).

Những gì họ nhận được chủ yếu là vũ khí lấy từ kho dự trữ của nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm 230 khẩu pháo từ quân đội Mỹ, 280 xe bọc thép từ Ba Lan và hơn 7.000 tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không từ Anh, phần lớn là những sản phẩm được sản xuất từ lâu.

Theo SIPRI, các nước châu Âu đã bắt đầu tái vũ trang từ năm 2014 và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy nhanh xu hướng này. “Từ tàu ngầm đến máy bay chiến đấu, từ máy bay không người lái đến tên lửa chống tăng, từ súng trường đến radar…”, đều là những loại vũ khí mà các nước châu Âu đã đặt mua hoặc có kế hoạch đặt mua. Ý tưởng của họ là tăng cường khả năng quân sự bằng tất cả công nghệ quân sự hiện có."

Không giống như châu Âu, nhập khẩu vũ khí ở các châu lục khác lại đang có xu hướng giảm đi.

Trích dẫn dữ liệu trong 5 năm qua (2018-2022), báo cáo của SIPRI cho biết, nhập khẩu vũ khí toàn cầu giảm 5%, trong khi nhập khẩu vũ khí của châu Âu lại tăng 47% so với 5 năm trước (2013-2017), chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, trong đó các nước thành viên NATO tăng 65%. Nhập khẩu vũ khí của Châu Phi (giảm 40%) và Châu Mỹ (giảm 20%) là hai châu lục giảm nhiều nhất, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (giảm 7%) và Trung Đông (giảm 9%).

Lô xe tăng Leopard-2 đầu tiên được Ba Lan cung cấp đã tới Ukraine (Ảnh: Sohu).

Lô xe tăng Leopard-2 đầu tiên được Ba Lan cung cấp đã tới Ukraine

(Ảnh: Sohu).

Tuy nhiên, so với 5 năm trước đó, nhập khẩu vũ khí của Nhật Bản (tăng 171%) và Hàn Quốc (tăng 61%) là hai quốc gia có mức độ tăng rất nhanh và Australia (tăng 23%) vẫn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất ở Châu Đại Dương.

Nếu lấy năm 2022 vừa qua làm tiêu chuẩn, Trung Đông đã thay thế khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực có lượng vũ khí nhập khẩu lớn nhất thế giới. Năm 2022, Trung Đông chiếm 32% lượng vũ khí nhập khẩu của thế giới, cao hơn 2 điểm phần trăm so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (30%), tiếp theo là châu Âu với 27%. SIPRI cho rằng điều này là do Trung Quốc đã tăng mức độ nội địa hóa sản xuất vũ khí và giảm bớt nhu cầu nhập khẩu.

Xét từ góc độ quốc gia, 6 quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong năm qua là Qatar (chiếm 10%), Ấn Độ (9%), Ukraine (8%), Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (mỗi nước chiếm 7%) và Pakistan (5%) ).

Các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu vẫn không thay đổi, đáng chú ý là tỷ trọng xuất khẩu vũ khí trong toàn cầu của Mỹ đã tăng từ 33% lên 40% so với 5 năm trước, trong khi tỷ trọng của Nga giảm từ 22% xuống 16%.