"Cá sấu" Nga tung hoành Syria từng hạ gục "Con ma" F-4 và Apache Mỹ

Năm 1999, một chiếc Mi-35 (biến thể xuất khẩu của Mi-24) của Serbia đã bắn hạ một trực thăng tiến công tối tân АН-64 Apache và một trực thăng vận tải UH-60 của Mỹ tham gia vào chiến dịch giải cứu phi công F-16 bị rơi. Mi-24 cũng đã bắn hạ "con ma" F-4 của Israel.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trực thăng đấu trực thăng

Chiến tranh Iran-Iraq lần đầu tiên trong lịch sử đã trở thành vũ đài cho các trận không chiến ác liệt giữa các trực thăng. Giao chiến chủ yếu là các trực thăng tiến công Mi-24 và АН-1 Cobra bằng tên lửa chống tăng có điều khiển.

Xin kể lại một trận đánh tiêu biểu. Ngày 25/2/1984, 3 trực thăng АН-1 của Iran bất ngờ tấn công 3 chiếc Mi-24 của Iraq. Nhưng các trực thăng Mi-24 bay thành chuỗi rộng nên các trực thăng AH-1 đã phóng tên lửa chống tăng TOW ở cự ly tối đa và bắn trượt. Phát đạn tên lửa này đã khiến các phi công Iraq biết được họ bị tấn công và lập tức vòng lại, lao vào đối phương. Họ đã tránh được 6 quả tên lửa chống tăng có điều khiển bay chậm và kém cơ động của Iran, sau đó phóng các tên lửa của mình bắn hạ 2 chiếc Cobra.

Chiếc thứ ba đã mưu toan lẩn trốn, nhưng một chiếc Mi-24 đã dễ dàng đuổi kịp và hạ gục nó ở cự ly 1,5 km bằng một loạt đạn rocket. Trong ngày hôm đó, mọi thứ đều may mắn đối với Mi-24, nhưng kết cục các trận đánh đó cũng khác nhau. Iraq tuyên bố Mi-24 bắn hạ 10 AH-1 và tổn thất 6 Mi-24. Còn Iran thì nêu con số hoàn toàn ngược lại. Sự thật chắc chắn là đâu đó ở giữa. Đúng là kỳ phùng địch thủ.   

Đánh đêm

Mi-24 còn đánh bại cả những trực thăng hiện đại hơn của quân đội Mỹ. Năm 1999, một chiếc Mi-35 (biến thể xuất khẩu của Mi-24) của Serbia đã bắn hạ một trực thăng tiến công tối tân АН-64 Apache và một trực thăng vận tải UH-60 của Mỹ tham gia vào chiến dịch giải cứu phi công chiếc tiêm kích F-16 bị rơi.

Đáng chú ý là thành tích này được lập trong một trận đánh đêm, mặc dù Mi-24 vốn được sản xuất vào năm 1986 thua kém xa về trang bị so với chiếc АН-64D hiện đại bắt đầu được đưa vào sản xuất vào năm 1993. Ưu thế duy nhất của Mi-35 là các tên lửa chống tăng có điều khiển Shturm biến thể mới nhất có tầm bắn 7 km.

Ở đây, trang bị hiện đại đã làm hại người Mỹ. Chiếc Apache có radar nhìn vòng. Người Serbia đã phát hiện được bức xạ của radar này và bí mật tiếp cận theo phương vị đến cự ly 6.700 m và phóng 1 tên lửa Shturm. Sau khi tiêu diệt chiếc Apache, chiếc Mi-35 của Serbia đuổi theo và bắn gục chiếc UH-60.


Chiến thắng khẳng định 100%

Ngày 22/7/2002, một chiếc Mi-35 của Triều Tiên đã bắn hạ một chiếc АН-64 của Hàn Quốc. Đây là trường hợp hiếm hoi mà thắng lợi được xác nhận 100%. Ban đầu, Hàn Quốc phủ nhận việc trực thăng của mình bị bắn hạ và khẳng định rằng, nó rơi là do trục trặc của hệ thống bay bám địa hình.

Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ đã tiến hành điều tra độc lập và phát hiện trong các mảnh xác chiếc Apache các thanh volfram được dùng làm các phần tử sát thương ở tên lửa của Mi-35. Đây là trường hợp hiếm hoi khi bản thân người Mỹ tự cố gắng tìm cách chứng minh vũ khí trang bị của mình bị tiêu diệt. Đó là vì giả thiết trục trặc kỹ thuật có nguy cơ làm công ty Mỹ McDonnell Douglas, nhà sản xuất AH-62, tổn thất lớn về tài chính. Trong đa số các trường hợp khác, các địch thủ thường không dễ dàng thừa nhận chiến thắng của Mi-24.


Những huyền thoại về Mi-24

Ngày 8/6/1982, trên bầu trời Li-băng đã diễn ra một sự kiện độc đáo khi "Cá sấu" hạ gục "Conma": một trực thăng Mi-24 của Syria đã bắn hạ một tiêm kích siêu âm F-4 Phantom của Israel. Chiếc F-4 tấn công chiếc Mi-24 và để lộ mình do bức xạ radar trên khoang của chiếc tiêm kích.

Chiếc Mi-24 ngoặt về phía đối phương và phóng vào bán cầu trước máy bay địch 2 quả tên lửa không đối không R-60 từ cự ly 8 km. Cả 2 quả tên lửa đều bắn trúng chiếc tiêm kích đang lao vào tấn công với tốc độ bằng 1,5 lần tốc độ âm thanh.

Ngày 27/10/1982, theo tờ báo Baghdad Observer của chính phủ Iraq, một chiếc Mi-24 cũng bắn rơi một chiếc Phantom. Dĩ nhiên là hai chiến thắng này không được địch thủ xác nhận. 

Theo VND