Ủy ban Luật gia Quốc tế và Hiệp hội Luật sư Ấn Độ khởi kiện Trung Quốc

VietTimes -- Gần đây, Ủy ban Luật gia Quốc tế và Hiệp hội Luật sư Ấn Độ đã gửi đơn lên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc che giấu dịch bệnh dẫn đến đại dịch toàn cầu.
Dịch bệnh COVID-19 do virus Corona mới gây ra đã lây lan ra khắp thế giới làm hơn 1,25 triệu người nhiễm bệnh (Ảnh: theenglishpost.com).
Dịch bệnh COVID-19 do virus Corona mới gây ra đã lây lan ra khắp thế giới làm hơn 1,25 triệu người nhiễm bệnh (Ảnh: theenglishpost.com).

Đây là trường hợp mới nhất sau khi một tổ chức dân sự Mỹ khởi kiện tập thể Trung Quốc. Theo các cơ quan truyền thông Ấn Độ The Times of IndiaBusiness Today, hai tổ chức quốc tế là Ủy ban Luật gia quốc tế (International Commission of Jurists - ICJ) và Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ (All India Bar Association - AIBA) đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự lây lan của virus Corona mới trên toàn thế giới, gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tâm lý, cũng như gây nguy hại về kinh tế và xã hội cho người dân trên thế giới.

Ông Adish C. Aggarwala, Chủ tịch Ủy ban Luật gia Quốc tế đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ, viết trong đơn khiếu nại: “Chúng tôi khiêm tốn khẩn cầu Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc yêu cầu và buộc Trung Quốc bồi thường xứng đáng cho cộng đồng quốc tế và các quốc gia thành viên, đặc biệt là Ấn Độ”.

Trong đơn khiếu nại mà ông Aggarwala đệ trình có nói, trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã cố tình ém nhẹm thông tin liên quan, che đậy cảnh báo của Tiến sĩ Lý Văn Lượng và Tiến sĩ Lý Văn Lượng cũng bị họ phê phán và trừng phạt. Trung Quốc đã không quản chế một cách hiệu quả việc di chuyển của những người bị nhiễm bệnh, điều này dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh trên toàn thế giới.

Ủy ban Luật gia Quốc tế được thành lập vào năm 1952 với mục đích đảm bảo sự phát triển tiến bộ và thực hiện có hiệu quả các quyền con người và luật nhân đạo quốc tế; bảo đảm thực hiện các quyền dân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội; sự độc lập của ngành tư pháp và nghề luật.

Ông Adish C. Aggarwala, Chủ tịch Ủy ban Luật gia Quốc tế đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ (Ảnh: The Print)
Ông Adish C. Aggarwala, Chủ tịch Ủy ban Luật gia Quốc tế đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ (Ảnh: The Print)

Vụ kiện đầu tiên  

Đây không phải là vụ kiện đầu tiên được tiến hành chống lại Trung Quốc. Vào ngày 12/3, Công ty luật Berman ở Florida, Mỹ, đã tiến hành vụ kiện tập thể chống lại Trung Quốc vì che giấu dịch bệnh. Các nguyên đơn là 4 công dân và 1 doanh nghiệp Mỹ. Các bị đơn bao gồm chính phủ Trung Quốc, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia, Bộ Quản lý Khẩn cấp, Bộ Dân chính (Nội vụ), Chính quyền tỉnh Hồ Bắc và Chính quyền thành phố Vũ Hán.

Đây là vụ kiện dân sự đầu tiên đòi bồi thưởng trên thế giới chống lại Trung Quốc vì che giấu dịch bệnh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Luật sư của nguyên đơn Moore nói rằng vụ kiện này không nhằm vào người dân Trung Quốc, mà là những người phải chịu trách nhiệm về thảm họa mà thế giới đang phải chịu đựng.

Vụ kiện thứ hai

Vào ngày 17/3, Larry Klayman, một luật sư nổi tiếng người Mỹ, cựu công tố viên của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ đơn lên tòa án miền bắc bang Texas khởi kiện Trung Quốc về việc phát triển vũ khí sinh học, dẫn đến đại dịch về virus Corona mới toàn cầu. Nguyên đơn của vụ kiện để ngỏ, bất cứ ai bị thiệt hại bởi virus Corona mới, không phân biệt danh tính và quốc tịch, đều có thể tham gia vào vụ kiện, sau đó cùng nhau đòi bồi thường.

Bị đơn bao gồm chính phủ Trung Quốc, quân đội, chuyên gia sinh học quân đội Trần Vi, Viện Nghiên cứu Virus học Vũ Hán, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, giám đốc Vương Diên Dật và nhà nghiên cứu Thạch Chính Lợi. Đơn khiếu nại yêu cầu tòa án tiểu bang tiến hành xét xử và đòi Trung Quốc bồi thường số tiền “ít nhất 20 nghìn tỷ USD”.

Dịch bệnh COVID-19 đã từ Trung Quốc lây lan ra khắp thế giới (Ảnh: AP).
Dịch bệnh COVID-19 đã từ Trung Quốc lây lan ra khắp thế giới (Ảnh: AP).

Giới chính trị Mỹ kêu gọi truy trách nhiệm Trung Quốc

Đến ngày 5/4, dịch bệnh COVID-19 đã lan khắp thế giới, khiến hơn 1,25 triệu người được chẩn đoán nhiễm bệnh, gần 70.000 người đã chết, trở thành thảm họa lớn nhất đối với nhân loại kể từ Thế chiến II.

Theo số liệu mới nhất, hơn 330.000 người ở Hoa Kỳ đã được chẩn đoán nhiễm coronavirus mới và hơn 9.500 người đã chết. Xung quanh nguồn gốc của virus và các vấn đề khác, giới chính trị Hoa Kỳ và công chúng tiếp tục lên án và đổ lỗi cho Trung Quốc.

Vào ngày 31/3, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một cuộc họp báo rằng một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chết sau khi bị nhiễm virus Corona mới. Đồng thời, một lần nữa ông lại chỉ trích những hậu quả của việc Trung Quốc che giấu dịch bệnh.

Trước đây, ông Pompeo đã nhấn mạnh trước mắt cần phải làm hết sức để hạn chế sự lây lan của virus Corona mới. Trong tương lai, phải tiến hành điều tra về dịch bệnh này và Hoa Kỳ có quyền yêu cầu Trung Quốc bồi thường.

Ông Pompeo cho rằng không có quốc gia nào có quyền che giấu dịch bệnh, giống như một người mắc bệnh truyền nhiễm, không thể che giấu nó. Luật pháp của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều rất rõ ràng. Che giấu bệnh tật dẫn đến những người khác bị lây nhiễm đều sẽ bị kết án phạm tội nghiêm trọng.

Hạ nghị sĩ Jim Banks đảng Cộng hòa bang Indiana và các thành viên khác của Quốc hội đã đệ trình một dự luật liên đảng vào ngày 24/3, yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành động sai trái che giấu dịch bệnh thời kỳ đầu và gây ra hậu quả lớn, phải trả khoản tiền bồi thường rất lớn cho tổn thất kinh tế và sức khỏe cho nước Mỹ và người dân Mỹ.

Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley bang Missouri, đã đề xuất một dự luật khác tại Thượng viện kêu gọi các quan chức y tế công cộng từ nhiều quốc gia tiến hành một cuộc điều tra quốc tế để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh toàn cầu và gây tổn hại cho người Mỹ và mọi người trên khắp thế giới.

Dự luật này đề xuất các đòi hỏi thiết thực hơn, bao gồm định lượng thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra cho các quốc gia, thiệt hại về và sức khỏe cho nước Mỹ và dân chúng, đồng thời thiết lập một cơ chế bồi thường.