Ưu và nhược điểm của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot Mỹ cung cấp cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong lúc Tổng thống Ukraine Zelensky đang thăm Mỹ, ngày 21/12, ông Joe Biden công bố sẽ cung cấp tiếp gói viện trợ quân sự trị giá 1,8 tỷ USD cho Kiev, trong đó bao gồm một hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Các bệ phóng tên lửa của hệ thống Patriot trong biên chế Quân đội Đức (Ảnh: Deutsche Welle).
Các bệ phóng tên lửa của hệ thống Patriot trong biên chế Quân đội Đức (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo các nhà phân tích quân sự, hệ thống phòng thủ tên lửa “Patriot” Mỹ cung cấp sẽ giúp Ukraine có thể đối phó với các mối đe dọa khác nhau từ trên không. Nhưng nó cũng có một nhược điểm chết người là chi phí vận hành cực kỳ cao.

Hệ thống phòng thủ tên lửa MIM-104 “Patriot” có lịch sử khá lâu đời. Hệ thống này được nghiên cứu phát triển từ những năm 1960, nhưng phải đến một thập kỷ sau, nó mới có hình dạng như hiện tại và tên gọi "Patriot" mới ra đời. Vào những năm 1980, hệ thống phòng thủ tên lửa mang tên “Patriot” bao gồm radar, chỉ huy, giám sát và các tên lửa đánh chặn khác nhau bắt đầu được quân đội Mỹ chính thức sử dụng.

Hệ thống "Patriot" được Raytheon, một doanh nghiệp quân sự của Mỹ sản xuất. Công nghệ của hệ thống cũng liên tục được nâng cao trong mấy thập kỷ qua. Raytheon nói rằng sự phát triển và cải tiến nâng cấp tiếp theo của hệ thống Patriot sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là năm 2048.

Phiên bản mới nhất của “Patriot” có thể đánh chặn tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay cánh cố định có người lái và "các mối đe dọa khác"; còn "các mối đe dọa khác" là gì thì Raytheon từ chối tiết lộ chi tiết.

Tên lửa Patriot rời bệ phóng (Ảnh: Deutsche Welle).

Tên lửa Patriot rời bệ phóng (Ảnh: Deutsche Welle).

Phạm vi bảo vệ và nhược điểm của hệ thống “Patriot”

Một số trang thiết bị vũ khí bay mà Nga đưa vào chiến trường Ukraine thuộc phạm trù mà "Patriot" có thể phòng thủ. Chính vì vậy, Kiev rất mong muốn có được các hệ thống “Patriot”. Tuy nhiên, các loại thiết bị bay nhỏ mà Nga cũng đang sử dụng, chẳng hạn như máy bay không người lái tự sát Lancet, cũng là một vấn đề nan giải đối với “Patriot”.

Hệ thống radar của Patriot có thể phát hiện cùng lúc 50 mục tiêu và thực hiện tấn công đồng thời 5 mục tiêu trong số đó. Tùy thuộc vào loại đạn, tên lửa đánh chặn “Patriot” có thể bay tới độ cao 20-25 km và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 160 km. Tuy nhiên, để đánh chặn một tên lửa của đối phương, Patriot thường cần phải phóng nhiều tên lửa đánh chặn cùng lúc nên chi phí vận hành hệ thống là cực cao. Theo dữ liệu do Trung tâm Chiến lược Quốc tế (ISIS), một tổ chức tư vấn của Mỹ cung cấp, để vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot phải cần tới khoảng 90 binh sĩ.

Tên lửa Patriot thực hiện đánh chặn tên lửa Scud ở Saudi Arabia năm 1991 (Ảnh: AP).

Tên lửa Patriot thực hiện đánh chặn tên lửa Scud ở Saudi Arabia năm 1991

(Ảnh: AP).

Cuộc chiến Trung Đông, thành công lẫn thất bại của “Patriot”

Hệ thống “Patriot” lần đầu tiên được triển khai chiến đấu thực tế để đánh chặn tên lửa Scud của Iraq trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc giải phóng Kuwait năm 1991. Khi đó, đại diện của Mỹ và hãng Raytheon đã hết lời ca ngợi hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa này. Tuy nhiên, một cuộc điều tra độc lập tiến hành sau đó cũng chỉ ra rằng hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa “Patriot” có thể đã được phóng đại một cách có chủ ý.

Dù được đặt dưới sự che chở của hệ thống phòng thủ tên lửa “Patriot” nhưng một doanh trại quân đội Mỹ ở Saudi Arabia vẫn bị trúng tên lửa Scud khiến 28 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Đây rõ ràng là thất bại thê thảm nhất của hệ thống phòng thủ tên lửa “Patriot”. Tuy nhiên, sau đó hệ thống này đã được cải tiến và lại được đưa vào sử dụng trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.

Đánh chặn máy bay không người lái thường là “lỗ vốn”

Đối với hệ thống phòng thủ tên lửa “Patriot”, việc duy trì lợi thế công nghệ trước đối phương không phải là thách thức lớn nhất, mà thách thức thực sự là chi phí vận hành quá cao. Theo các báo, Ba Lan đã phải chi tổng cộng 4,6 tỷ USD cho lần mua hệ thống Patriot đầu tiên, tương đương hơn 1/4 ngân sách quân sự cả năm 2023 của nước này.

Theo dữ liệu do Tập đoàn Rand của Mỹ cung cấp, mỗi lần tiến hành thử nghiệm đánh chặn sẽ tốn khoảng 100 triệu USD. Đổi lại, những mục tiêu mà “Patriot” cần đánh chặn ở Ukraine, như máy bay không người lái, giá thành chỉ bằng một phần nhỏ so với tên lửa đánh chặn “Patriot”. Vào tháng 10 năm nay, các đồng minh NATO đã đạt được sự đồng thuận rằng từ nay về sau, tất cả các nước thành viên sẽ cùng gánh chịu chi phí mua các hệ thống phòng không như Patriot.

Phiên bản Patriot với bệ phóng 16 quả đạn (Ảnh: Wiki).

Phiên bản Patriot với bệ phóng 16 quả đạn (Ảnh: Wiki).

Nga nghiêm khắc cảnh báo

Theo các thông tin được tiết lộ, Ukraine sẽ nhận được một hệ thống “Patriot”, gồm 8 bệ phóng, mỗi bệ chứa từ 4 đến 16 tên lửa. Quân đội Mỹ sẽ giúp đào tạo binh sĩ Ukraine vận hành và giúp bảo trì hệ thống này ở nước thứ ba, có thể là Đức. Việc chuyển giao hệ thống “Patriot” cho Ukraine sẽ cần phải có thời gian, chúng khó có thể đến được Ukraine trước mùa xuân năm 2023.

Quyết định cung cấp hệ thống tên lửa “Patriot” cho Ukraine của chính quyền Tổng thống Biden được đưa ra bất chấp những lời cảnh báo từ Nga. Moscow cho rằng việc Washington cung cấp hệ thống tên lửa tiên tiến này cho Kiev sẽ là bước đi mang tính khiêu khích, đồng thời tuyên bố hệ thống này sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 21/12 đưa ra cảnh báo về việc Mỹ tăng cường chuyển giao vũ khí cho Ukraine, khẳng định động thái này sẽ làm leo thang căng thẳng xung đột. Hãng tin TASS dẫn lời ông Peskov nói với báo giới: “Washington vẫn chuyển giao vũ khí, và phạm vi của các loại vũ khí đang được mở rộng. Động thái này chắc chắn dẫn đến xung đột leo thang và không phải điềm lành cho Ukraine”,.

Trước đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng Mỹ rằng việc liên tục cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể dẫn đến xảy ra nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO, đồng thời cáo buộc phương Tây kéo dài xung đột ở Ukraine.

Trong cuộc họp báo hàng tuần ngày 21/12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Mỹ đã “thực sự trở thành một bên” trong cuộc xung đột ở Ukraine. Bà nhấn mạnh động thái tăng cường viện trợ quân sự của Mỹ, bao gồm việc chuyển giao hệ thống “Patriot” cho Ukraine, đồng nghĩa với việc Mỹ tham gia rộng rãi hơn vào các hoạt động chiến sự và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.