Điểm 9, 10 sẽ lại tràn lan
Dù bậc tiểu học đã hạn chế chấm điểm, đánh giá học sinh giỏi, tiên tiến nhưng kết quả các bài kiểm tra cuối năm 3 môn Văn-Toán-Tiếng Anh không thể không xuất hiện trong học bạ của học sinh. Đây lại được cho là căn cứ để các trường THCS tên tuổi như Hà Nội - Amsterdam, Cầu Giấy, Marie Curie, Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu… xét tuyển, ít nhất trong năm học 2015-2016.
Sau nhiều bàn thảo thì cuối cùng các phương án khảo sát năng lực IQ, EQ vốn được coi là cách đánh giá tiên tiến, đáng tin cậy, được nhiều quốc gia áp dụng vẫn bị loại bỏ khỏi phương thức tuyển sinh lớp 6 của Hà Nội. Điều này khiến nhiều vị hiệu trưởng hết sức lúng túng.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie vừa mới phấn khởi giới thiệu với báo chí ngày 17-4 những câu hỏi mô phỏng cách đánh giá năng lực học sinh được cho là sẽ áp dụng trong kỳ tuyển sinh lớp 6 sắp tới, thì ngay sau đó đã phải công bố phương án này sẽ bị hủy để tiếp tục nghiên cứu xét tuyển như thế nào cho công bằng.
Ông Nguyễn Xuân Khang khẳng định, nếu chỉ xét tuyển bằng học bạ sẽ rất khó khăn cho các trường vì tần suất điểm 9, 10 rất lớn. Đây vốn chỉ được coi là điều kiện cần để chọn học sinh vào vòng thi tuyển của trường như trong các kỳ tuyển sinh trước đây, vì lâu nay tỷ lệ học sinh khá giỏi nhiều lớp ở Hà Nội gần như đạt 100%.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường dân lập Lương Thế Vinh cũng chia sẻ: “Với cách đánh giá các môn học ở bậc tiểu học là đạt hay không đạt thì rất khó xác định tiêu chí xét tuyển. Hơn nữa các điểm 9, 10 ở tiểu học lâu nay vẫn khiến mọi người nghi ngờ, nếu chỉ dùng học bạ để xét tuyển thì chắc chắn càng nảy sinh tiêu cực”.
Chị Phạm Minh Anh, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công nửa mừng, nửa lo vì con mình các năm trước đều đạt học sinh giỏi, các môn Văn, Toán đều đạt 9, 10. Nếu như các trường xét tuyển dựa vào học bạ thì chỉ cần đầu tư nốt cho con học kỳ II lớp 5 này, khả năng trúng tuyển về lý thuyết là rất cao.
“Tuy nhiên, theo tôi hiểu thì những trường hợp như con tôi rất nhiều. Mọi năm những trường như Hà Nội-Amsterdam đều yêu cầu học sinh phải đạt học sinh giỏi 5 năm, đạt 9, 10 các môn Văn-Toán mới đủ điều kiện dự thi. Số học sinh đạt điều kiện này đã lên tới vài nghìn, chưa kể những học sinh khác cũng đạt điều kiện này nhưng không dám dự thi. Nếu năm nay xét tuyển học bạ như vậy thì chắc chắn lượng hồ sơ còn tăng lên gấp bội. Tôi không biết nhà trường sẽ xét tuyển bằng cách nào? Liệu có chuyện đi sân sau hay không khi học bạ đồng đều như nhau?”, chị Minh Anh thắc mắc.
Chạy đua với các cuộc thi
Nếu như có học bạ đẹp là đã có cơ hội trúng tuyển vào lớp 6 các trường “hot” năm nay thì phải nói đến suất chắc ăn nhất chính là những học sinh sở hữu một giải thưởng nhất, nhì, ba nào đó từ cấp quận đến thành phố, quốc gia. Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cũng cho biết, trường chất lượng cao Cầu Giấy sẽ tuyển thẳng những học sinh đoạt giải.
Nếu như năm trước trường chỉ tuyển được khoảng 50 suất vào thẳng thì năm nay cơ cấu giải thưởng sẽ mở rộng hơn, khi học sinh đoạt giải ba các cuộc thi từ cấp quận trở lên cũng là đối tượng tuyển thẳng. Ông Khang còn cho biết, ngoài các giải ở môn thi văn hóa thì nhà trường cũng tính tới việc tuyển thẳng học sinh đoạt giải các môn thể dục, thể thao, nghệ thuật… vì xét cho cùng đây cũng là những năng khiếu mà các trường đều cần ở học sinh. Có thể thấy cơ hội đang mở rộng cho những học sinh đã tham gia các cuộc thi trí tuệ như Violympic Toán, Olympic tiếng Anh…
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là việc tuyển thẳng học sinh đoạt giải cũng sẽ trở thành một trong những lý do khiến cho các học sinh dù muốn hay không cũng phải lao vào ôn luyện, đầu tư cho các kỳ thi tương tự. Điều này dường như lại đi ngược với quan điểm của ngành giáo dục là giảm tải cho học sinh tiểu học.
Bên cạnh đó, vấn đề tiêu cực tại các cuộc thi cũng có khả năng gia tăng. Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Khang chia sẻ: “Đặt địa vị là một hiệu trưởng, liệu có ai chê một học sinh đoạt giải nhất tiếng Anh hay Toán hay không? Còn việc có nảy sinh tiêu cực hay khả năng nở rộ các cuộc thi gây áp lực cho học sinh thì trách nhiệm này trước tiên phải thuộc về Bộ, Sở, những đơn vị quản lý, tham gia tổ chức các cuộc thi này”.
Minh bạch, công bằng trong xét tuyển lớp 6, làm sao để tránh được tiêu cực, áp lực cho học sinh tiểu học đang là câu hỏi chờ có sự giải thích rõ của ngành giáo dục.
Theo: An ninh Thủ đô