Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia). |
Theo Đài truyền hình Mỹ CNN màn trình diễn đầu tiên tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Chu Hải là Trung Quốc muốn nhấn mạnh việc loại máy bay chiến đấu tàng hình tối tân nhất J-20 của họ sử dụng động cơ sản xuất trong nước. Sự xuất hiện của chiếc máy bay chiến đấu này được cho là một cột mốc nổi bật nhất trong công nghệ quân sự của Trung Quốc, tượng trưng cho việc máy bay chiến đấu tàng hình Trung Quốc đang không ngừng thu hẹp khoảng cách với loại chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ. Tuy nhiên, dù Trung Quốc luôn lạc quan cho rằng J-20 của họ đã có thể sánh ngang với F-22 hoặc F-35; nhưng các quan chức Mỹ lại không nghĩ vậy, thậm chí còn cho rằng J-20 chỉ tương đương với loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ đầu tiên F-117A mà Mỹ đã loại biên không dùng nữa.
Biên đội 5 chiếc J-20 bay trong cuộc diễu binh hôm 1/7/2021 (Ảnh: Xinhua). |
Theo bài phân tích trên trang web CNN ngày 29/9, chiếc J-20 đã bay trình diễn các kỹ năng của nó trên bầu trời ở thành phố Chu Hải, miền nam nước này, với động cơ WS-10 được trang bị. WS-10 được Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc Thứ nhất nghiên cứu phát triển và chủ yếu được sử dụng để thay thế phiên bản đầu tiên của J-20 sử dụng động cơ do Nga sản xuất.
Vào tháng 6/2021, Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đã đưa tin rằng các máy bay J-20 được lắp động cơ sản xuất trong nước đã thành lập đơn vị ở vùng đông bắc Trung Quốc, và CCTV thậm chí đã phát sóng hình ảnh bay của đội hình những chiếc J-20 trong buổi duyệt binh kỉ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/2021). Tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Chu Hải lần này, đây là lần đầu tiên chiếc J-20 lắp động cơ sản xuất trong nước Trung Quốc bay trình diễn trước công chúng Trung Quốc và quan khách nước ngoài.
So sánh hình dạng J-20 và F-22 (Ảnh: Military Watch). |
CNN cho biết chiếc chiến đấu cơ hai động cơ J-20 của Trung Quốc bay thử lần đầu tiên vào năm 2011 và ra mắt công chúng tại Triển lãm Hàng không Chu Hải vào tháng 11/2016, và Trung Quốc tuyên bố chính thức đưa vào biên chế sẵn sàng chiến đấu năm 2018.
Bài viết của CNN chỉ ra rằng J-20 từ lâu đã được khoa trương là sự đáp trả của Trung Quốc đối với F-22 của Mỹ (được coi là máy bay chiến đấu tàng hình hàng đầu thế giới) và F-35. Các nhà phân tích cho rằng J-20 có hai nhiệm vụ cốt lõi chính là tác chiến không đối không và tấn công mặt đất.
Theo “Report by the China Power Project” (Báo cáo về Dự án quyền lực Trung Quốc) của cơ quan tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington (CSIS), động cơ WS-10 sẽ mang lại cho J-20 khả năng bay siêu âm tầm thấp (low supercruise), đồng nghĩa với việc chiến đấu cơ này có thể hoạt động trong thời gian dài ở chế độ bay siêu âm.
Máy bay F-22 Raptor của Mỹ (Ảnh: Military Watch). |
Tất cả những điều này khiến Thời báo Hoàn cầu cho rằng việc sử dụng động cơ nội địa đồng nghĩa với việc J-20 ngày càng trở nên hoàn thiện hơn về mặt công nghệ. Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh rằng "trong tương lai, sẽ có ngày càng nhiều nhiều J-20 dự kiến sẽ được triển khai cho quân đội PLA trên khắp các địa phương Trung Quốc, giúp tăng cường đáng kể khả năng của Không quân trong việc bảo vệ chủ quyền, không phận và các lợi ích phát triển của Trung Quốc".
Máy bay tàng hình thế hệ đầu F-117A của Mỹ (Ảnh: Jetphotos). |
Tuy nhiên, CNN dẫn một quan điểm từ lâu nay của các quan chức Mỹ cho rằng J-20 không thể so sánh được với các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ. Thậm chí, vào năm 2016, tướng David Goldfein, khi đó đang là Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho rằng công nghệ của J-20 chỉ giống như loại máy bay cường kích F-117A Nighthawk. F-117A bay lần đầu vào năm 1981, chính thức đưa vào phục vụ Không quân Mỹ từ năm 1983 và đã loại biên vào năm 2008.
Máy bay J-20 bay trình diễn tại Chu Hải hôm 28/9 (Nguồn: CNN). |
So sánh một số tính năng của J-20 và F-22
Đặc điểm thiết kế
J-20 và F-22 có kích cỡ tương đương nhau. Chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc dài 20,3m, sải cánh 12,9m. Trong khi, F-22 dài 19m và sải cánh 13,6m.
Cả hai máy bay đều được làm bằng hợp kim, trọng lượng rỗng khoảng 17 tấn. Khi có mang theo tải trọng, trọng lượng của J-20 là 25 tấn, so với F-22 khoảng 29 tấn. F-22 của Mỹ có thể cất cánh với trọng lượng tối đa là 38 tấn, nhiều hơn 1 tấn so với J-20.
Về tính năng
Cả hai máy bay đều có tốc độ thiết kế tối đa là 2.470 km/giờ (Mach 2), nhanh hơn tốc độ âm thanh. F-22 bay tầm ngắn, tham chiến trong bán kính 800km, còn J-20 với thùng nhiên liệu có thể tham chiến trong bán kính 1.100km hoặc hơn.
Động cơ
F-22 hoạt động với động cơ phản lực cánh quạt đẩy F119-PW-100, cho phép máy bay lướt với tốc độ siêu âm. Trong khi đó, động cơ của J-20 yếu hơn.
J-20 dùng động cơ Al-31FM2/3 do Nga chế tạo hoặc WS-10 B do nước này sản xuất, ảnh hưởng tới tính cơ động và khả năng tàng hình của máy bay khi nó đạt tốc độ siêu âm.
J-20 bay biểu diễn tại Chu Hải hôm 28/9 (Ảnh: CNN). |
Khả năng tàng hình
Khả năng tàng hình ở phía trước và bên cạnh của J-20 được cho là tương đương F-22, tuy nhiên, nó bị đánh giá là dễ bị radar phát hiện từ phía sau hơn. Mỹ khẳng định, hiển thị hình ảnh J-20 trên radar sục sạo của họ đặt ở Nhật vẫn khá rõ nét.
Vũ khí mang theo
Để duy trì khả năng tàng hình, cả hai loại máy bay chiến đấu này đều cất vũ khí bên trong thân. J-20 có thể đem theo 6 tên lửa không đối không tầm gần PL-10, tầm trung PL-15 hoặc tầm xa PL-21, ít hơn F-22. Tuy nhiên, nhờ khoảng không lớn ở phần thân, J-20 có thể mang tên lửa tầm xa hơn và bom dẫn đường chính xác LS-6. J-20 không được gắn kèm súng.
F-22 có thể mang 8 tên lửa không đối không tầm ngắn, tầm trung và tên lửa tầm nhiệt. Nó còn mang theo pháo Gatling M61A2 20mm và 12 bom.
Giá thành
Chi phí sản xuất một chiếc F-22 là 339 triệu USD còn J-20 là từ 100 tới 110 triệu USD.