Quan hệ Trung - Mỹ đảo lộn vì một bức điện giữa đêm khuya
Trước đó một ngày, Hạ nghị viện Mỹ cũng đã thông qua “Luật Đảm bảo Đài Loan 2019” ủng hộ Đài Loan đối phó với áp lực quân sự và ngoại giao đến từ Trung Quốc Đại Lục với tỷ lệ phiếu 414/0! Những động thái cứng rắn này đã đẩy quan hệ Trung - Mỹ lâm vào tình trạng xấu nhất trong nhiều tháng qua.
Sau vòng đàm phán thứ 10 tại Bắc Kinh, cả hai bên Mỹ, Trung đều bày tỏ lạc quan về những kết quả đã đạt được. Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ tới Washington trước ngày 9.5 để chốt lại nội dung cuối cùng của bản hiệp nghị, sau đó sẽ công bố thời gian tiến hành cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình để ký kết bản hiệp định có tính lịch sử, chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, tất cả đã sụp đổ bởi một bức điện mật ngoại giao được gửi từ Bắc Kinh vào nửa đêm ngày 3.5.
Theo Reuters, nội dung bức điện khiến phía Mỹ sửng sốt: trong dự thảo hiệp nghị dài 150 trang mà hai bên đã đạt được, điểm nào cũng bị phía Trung Quốc thay đổi, mọi điểm đạt được trên bàn đàm phán đều bị sửa lại, “Trung Quốc muốn sửa lại hầu như mọi nội dung dự thảo hiệp nghị mậu dịch họ đã thỏa thuận với Mỹ” – Reuters nhận xét.
Bản dự thảo hiệp nghị gồm 7 chương, Mỹ yêu cầu Trung Quốc thông qua sửa đổi luật pháp để đảm bảo hiệp nghị được thực thi. Đó là yêu cầu cơ bản nhất của Mỹ, nội dung sửa đổi chủ yếu liên quan đến vấn đề lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, bảo vệ bí mật thương mại, cưỡng ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, chính sách cạnh tranh, dịch vụ ngân hàng, thao túng tiền tệ.
Phía Trung Quốc đã cự tuyệt việc thông qua pháp luật để đảm bảo thực hiện từng vấn đề. Bức điện mật ngoại giao này đã khiến Tổng thống Donald Trump nổi giận, ngay trong đêm ông thông báo trên Twitter việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% kể từ ngày 10.5, tức sau khi ông Lưu Hạc tới Mỹ và còn đe dọa không loại trừ việc áp thuế trừng phạt đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác.
Ông Donald Trump thông báo áp mức thuế trừng phạt mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc
|
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng, việc Trung Quốc xóa bỏ việc sử dụng hình thức luật pháp để đảm bảo thực thi các điều khoản của bản hiệp nghị là không thể chấp nhận được. Theo ông, Trung Quốc không đáng tin, trong bối cảnh trước đây họ nhiều lần cam kết rồi không thực hiện, việc dùng hình thức luật để xác nhận là rất cần thiết. Ngay từ khi bắt đầu đàm phán, Robert Lighthizer đã đề nghị với ông Trump cần phải đề ra cơ chế giám sát chặt chẽ Trung Quốc thực thi những điều cam kết, mức độ chặt chẽ phải ngang với khung áp dụng đối với Triều Tiên và Iran; nếu không có quy định về pháp luật thì cơ sở của bản hiệp nghị không vững chắc.
Reuters cho biết, vào tuần trước, ông Lưu Hạc đã bày tỏ với phía Mỹ: Mỹ cần tin tưởng Trung Quốc, Trung Quốc sẽ thông qua biện pháp cải cách hành chính và quy tắc hành chính để hoàn thành tất cả những cam kết trong cuộc đàm phán; nhưng cả Robert Lighthizer và Steven Mnuchin đều phản đối việc chỉ áp dụng thủ pháp hành chính để đảm bảo việc thực thi. Họ nhắc nhở Trung Quốc: trong quá khứ các vị đã từng đưa ra cam kết kiểu này, nhưng rốt cục đã không thực hiện.
Trước cú quay ngoắt của phía Trung Quốc, cả ông Robert Lighthizer lẫn Steven Mnuchin đều bày tỏ sửng sốt. Hai ông giải thích, việc Trung Quốc rút lại thỏa thuận đã dẫn đến việc ông Trump ra lệnh tăng mức thuế trừng phạt đối với Trung Quốc.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong việc Mỹ quyết định tăng mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc
|
Reuters dẫn nguồn “người trong cuộc” nói, thực ra vòng đàm phán thứ 10 cuối tháng 4 ở Bắc Kinh đã diễn ra rất khó khăn; ngay khi bắt đầu, Trung Quốc đã từng bước đưa ra đề nghị sửa đổi những điều họ đã cam kết trước đó. “Trung Quốc đã rút lại ít nhất đến10 điểm, nhưng thật kỳ lạ là ông Trump kiên trì đến đêm Chủ Nhật mới nổi cơn thịnh nộ... 20 năm qua Trung Quốc đã hợp tác với Mỹ theo cách của họ, nhưng lần này Bắc Kinh có vẻ đã phán đoán nhầm quyết tâm của chính phủ Mỹ”.
Sau khi ông Trump tuyên bố tăng thuế, bất chấp những dự đoán về một phản ứng tiêu cực từ phía Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn quyết định cử đoàn đại biểu tới Washington với hy vọng đạt được một thỏa thuận vào ngày 9.5 đồng thời với việc hôm 8.5 Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố: nếu biện pháp tăng thuế của Mỹ được thực thi, Trung Quốc cũng sẽ có biện pháp đáp lại. Bà Sarah Sanders, người phát ngôn Nhà Trắng tối 8.5 nói với báo chí: “Họ vẫn hy vọng đạt được một bản hiệp nghị. Đoàn đại biểu hai bên đang tiếp tục hiệp thương; ngày mai họ sẽ tới đàm phán, chúng ta sẽ chờ xem tình hình phát triển ra sao”.
Tối 8.5, phát biểu tại một hoạt động tại bãi biển Florida, Tổng thống Donald Trump nói ông tăng thuế là do “Trung Quốc đã phá hoại hiệp nghị. Họ không được làm như thế nên phải trả giá”. Ông Trump nhấn mạnh: “Dù không đạt được bản hiệp nghị mậu dịch cũng không có vấn đề gì. Mỗi năm chúng ta có thêm 100 tỷ USD (tiền thuế từ hàng hóa Trung Quốc), 100 tỷ USD nhé, trước đây chưa bao giờ có”. Ông trấn an dân chúng: “Dù có xảy ra vấn đề gì cũng không cần lo lắng. Tất cả sẽ được giải quyết thuận lợi”.
Ông Donald Trump: “Trung Quốc đã phá hoại hiệp nghị. Họ không được làm như thế nên phải trả giá”.
|
Sau khi ông Trump thông báo sẽ tăng thuế trở lại trên Twitter, vẫn có ý kiến hoài nghi đây có lẽ là một thủ pháp đàm phán để buộc Trung Quốc nhượng bộ nhiều hơn; nhưng “nguồn tin trong cuộc” cho Reuters biết, mức độ thay đổi văn bản của Trung Quốc nghiêm trọng như thế, sự đáp trả của ông Trump quyết không chỉ là sách lược đàm phán.
Ngày 9.5 tới đây, ông Lưu Hạc sẽ vẫn tới Washington tham gia vòng đàm phán trong 2 ngày. Mới tuần trước dư luận còn phán đoán đây là vòng đàm phán cuối cùng vô cùng quan trọng trước khi đạt được một hiệp nghị mậu dịch lịch sử; nhưng sau khi xảy ra sự kiện ngày Chủ Nhật, giờ đây phía Mỹ không mấy hy vọng, họ cho rằng ông Lưu Hạc sẽ không mang đến bất cứ đề nghị gì khiến cuộc đàm phán quay lại quỹ đạo cũ. Cũng có ý kiến cho rằng, để tránh xung đột leo thang, ông Lưu Hạc có thể buộc phải từ bỏ đề nghị sửa đổi văn bản dự thảo và đồng ý đề ra những điều luật mới, đồng thời tiếp cận lập trường của Mỹ trong các vấn đề then chốt khác như hạn chế sự trợ cấp của chính phủ cho doanh nghiệp và đơn giản hóa trình tự xem xét các sản phẩm biến đổi gene của Mỹ...
Reuters cho rằng, sự “nuốt lời” của Trung Quốc lần này đã tạo cơ hội cho phái cứng rắn với Bắc Kinh trong chính phủ Donald Trump, trong đó có ông Robert Lighthizer thể hiện lập trường cứng rắn hơn của họ. Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump không có bất cứ chỗ nào để lùi. Robert Lighthizer nhấn mạnh: Trung Quốc nuốt lời, đó là điều không thể chấp nhận; nếu ngày 9.5 này ông Lưu Hạc tới Mỹ không đạt được kết quả đàm phán khiến phía Mỹ hài lòng thì theo kế hoạch, bắt đầu từ sáng 10.5, Mỹ sẽ bắt đầu tăng thuế.
Cơ hội đạt được một thỏa thuận về thương mại giữa hai bên trong tuần này không còn nhiều
|
Liệu có cơ hội nào cho việc đạt được một hiệp nghị trong chuyến đi của ông Lưu Hạc? Các chuyên gia của hãng chứng khoán Nhật NOMURA nhận định: sự tráo trở của Trung Quốc dẫn đến cuộc chiến mậu dịch leo thang; và cuộc đàm phán lâm vào thời kỳ khó khăn, e rằng khó có thể đạt được hiệp nghị cuối cùng chỉ trong thời gian ngắn. Theo họ, cơ hội đạt được một hiệp nghị mậu dịch Mỹ - Trung vào cuối tuần này chỉ là...10%, khả năng “tan vỡ hoàn toàn” là 5%, khả năng hai bên tiếp tục đàm phán sau khi Mỹ áp dụng mức thuế trừng phạt mới ngày 10.5 là 45%.
Ông Jamie Dimon, Chủ tịch điều hành JPMorgan Chase&Co không cho rằng hai bên có thể đạt được một hiệp nghị trước ngày 10.5; khả năng “không” là 80%.
Gordon Chang, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn của trang mạng tài chính Finance.yahoo.com thậm chí cho rằng cuộc đàm phán có thể tan vỡ. Ông nhắc nhở: “Chúng ta cần nhớ rằng Trung Quốc là bên gây nên cuộc chiến mậu dịch này”. Ông dự đoán: tuần này sẽ không thể đạt được một hiệp nghị; mặc dù vậy, ông cho rằng chính phủ của ông Trump cần giải quyết vấn đề với Trung Quốc như nạn lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ cho dù mức thuế cao hơn có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) lại tỏ vẻ lạc quan khi cho rằng: cuộc đàm phán Mỹ - Trung ở vào giai đoạn vi diệu, tuần này có đạt được một hiệp nghị hay không quyết định bởi việc ông Lưu Hạc mang theo cam kết gì tới Mỹ. Ông nói với Reuters: “Tôi cho rằng chính phủ của Tổng thống Donald Trump tăng thuế là rất hay. Nếu ông ta (Lưu Hạc) chỉ định đến Washington để nói những lời không cần thiết thì tôi không cho rằng ông ấy đồng ý tới Mỹ”.
Nguyên nhân nào đã khiến Trung Quốc đột ngột thay đổi lập trường về văn bản dự thảo hiệp nghị đã đạt được? Tờ Thế giới Nhật báo của người Hoa ở Mỹ cho rằng: năm nay Trung Quốc có 3 ngày kỉ niệm năm chẵn (100 năm Phong trào Ngũ Tứ, 70 năm Quốc khánh, 30 năm Sự kiện Thiên An Môn), cộng thêm trào lưu chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên mạnh trong nước nên Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng không thể khuất phục, thể hiện yếu kém trước sức ép của Mỹ; vì vậy ông đã phủ quyết việc tiếp tục nhượng bộ Mỹ trong đàm phán, thậm chí nói: “Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, sau khi ông Tập Cận Bình phủ quyết phương án nhượng bộ của đoàn đàm phán Trung Quốc, thái độ của họ với Mỹ trở nên cứng rắn, nhưng hiện không rõ sau vòng đàm phán thứ 10 ở Bắc Kinh, đoàn đàm phán Trung Quốc có trình với ông Tập Cận Bình phương án mới không. Ông Trần Đạo Ngân, Phó giáo sư Quản lý công Học viện Chính trị pháp luật Thượng Hải nói: “Giấc mộng Trung Quốc” với một quốc gia hùng mạnh của ông Tập Cận Bình đã hạn chế năng lực và tính mềm dẻo trong xử lý vấn đề bên ngoài. Ông nói: “Nếu Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của Mỹ về cải cách kết cấu kinh tế và cơ chế thực thi thì trong bối cảnh trào lưu tư tưởng dân tộc đang trỗi dậy trong nước, điều này bị coi là sỉ nhục, người lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận”.
Tổng biên tập “Thời báo Hoàn cầu” Hồ Tích Tiến: Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ cho việc nâng cấp cuộc chiến mậu dịch với Mỹ
|
Đáng chú ý, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ “Thời báo Hoàn cầu” hôm 8.5 đã viết trên trang Twitter cá nhân: “Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ cho việc nâng cấp cuộc chiến mậu dịch với Mỹ, chiến lược mới của Trung Quốc là vừa đánh vừa đàm. Tôi cho rằng Trung Quốc chắc chắn một sự thật là chính trị của mình mạnh hơn chính trị của Mỹ; cuộc chiến mậu dịch cuối cùng sẽ bị quyết định bởi chính trị trong nước”.
Hạ nghị viện Mỹ thông qua Luật đảm bảo Đài Loan 2019
Tối ngày 7.5, với số phiếu 414/0, Hạ nghị viện Mỹ đã thông qua Luật Đảm bảo Đài Loan 2019 khiến Trung Quốc nổi giận. Theo trang tin Đa Chiều, giống như Luật du lịch Đài Loan và Luật Ủy quyền quốc phòng, nội dung các điều khoản liên quan đến Đài Loan trong này đều thể hiện ý kiến của quốc hội Mỹ mà không có tính trói buộc tuyệt đối với cơ quan hành chính.
Nội dung của luật này bao gồm: Mỹ cần giúp đỡ Đài Loan phát triển sức chiến đấu phi đối xứng, bao gồm tác chiến mặt nước và phòng không; cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cần khởi động lại cuộc đàm phán về Hiệp định kết cấu đầu tư Mỹ - Đài (TIFA) trong năm 2019 và tiến tới mục tiêu ký kết Hiệp định mậu dịch tự do (FTA). Luật này còn ghi rõ: “Đài Loan là một bộ phận quan trọng của Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do rộng mở của Mỹ; vì vậy việc bán vũ khí cho Đài Loan phải trở thành chuyện bình thường, nhất là cần giúp đỡ Đài Loan phát triển sức chiến đấu phi đối xứng”.
Trong vấn đề Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế, ý kiến của Hạ nghị viện Mỹ cho rằng: chính sách của Mỹ ủng hộ Đài Loan tham gia Liên hợp quốc, Đại hội Y tế thế giới (WHA). Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL) và các tổ chức quốc tế thích hợp khác.
Dự luật cũng yêu cầu trong vòng 180 ngày sau khi có hiệu lực, Bộ Ngoại giao phải tiến hành kiểm tra các văn kiện như “Chuẩn tắc giao lưu với Đài Loan” và ban hành lại những chuẩn tắc để cơ quan hành chính tuân thủ.
Hạ nghị viện Mỹ thông qua Luật Đảm bảo Đài Loan 2019 vào lúc này khiến quan hệ Mỹ - Trung càng trở nên tồi tệ
|
Reuters cho rằng, việc Hạ nghị viện Mỹ nhất trí thông qua Luật Đảm bảo Đài Loan thể hiện Mỹ quan tâm đến mọi nỗ lực của Trung Quốc Đại Lục nhằm gây ảnh hưởng đối với Đài Loan. Mỹ và Đài Loan tuy không có bang giao chính thức, nhưng cần phải giúp đỡ và cung cấp vũ khí phòng vệ cho Đài Loan.
Hiện không có thông tin về việc khi nào thì Luật Đảm bảo Đài Loan được đưa ra biểu quyết tại Thượng viện, một điều cần thiết trước khi nó có thể trở thành đạo luật chính thức.
Trước động thái này của Hạ nghị viện Mỹ, phía Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ. Chiều 8.5, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã nói: dự luật liên quan đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Một nước Trung Quốc và quy định của 3 bản Thông cáo chung Trung - Mỹ, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ Trung Quốc, phía Trung Quốc kiên quyết phản đối và đã nghiêm khắc giao thiệp với phía Mỹ. Ông Cảnh Sảng yêu cầu phía Mỹ tuân thủ nguyên tắc Một nước Trung Quốc và quy định trong 3 bản Thông cáo chung, ngăn chặn quốc hội xem xét triển khai đạo luật liên quan, xử lý ổn thỏa vấn đề liên quan đến Đài Loan để tránh gây tổn hại nghiêm trọng đến sự hợp tác Trung - Mỹ trong lĩnh vực quan trọng và hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan.
Ngày 9.5, Tân Hoa xã đã phát đi bài bình luận “Quyết không cho phép bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp vấn đề Đài Loan – Bàn về việc quốc hội Mỹ thông qua nghị án liên quan đến Đài Loan”. Bài báo viết, phía Mỹ không ngừng chạm đến sợ dây thần kinh nhạy cảm Đài Loan, tiếp tục truyền đi tín hiệu sai trái tới thế lực “Đài Loan độc lập”, mưu đồ hiểm ác, dùng mọi hành động thực hiện ván bài chính trị dùng Đài Loan bao vây ngăn chặn Trung Quốc. Mỹ thao túng cục diện biển Đài Loan, nhằm đạt lợi ích bản thân bất chấp lợi ích của người Trung Quốc hai bên bờ eo biển, thể hiện rõ chủ nghĩa vị kỷ và tư duy bá quyền của họ.
Bài báo nhấn mạnh, tính chất của động thái chính trị này của Mỹ cực kỳ xấu xa, gây nguy hại nghiêm trọng tới hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan và quan hệ Trung - Mỹ. “Chúng ta cảnh cáo phía Mỹ, vấn đề Đài Loan là việc nội bộ của Trung Quốc, quyết không cho bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp”, “nếu phía Mỹ bất chấp đại cục quan hệ Trung - Mỹ, cứ ngoan cố đi trên con đường sai trái, phía Trung Quốc tất sẽ đáp trả mạnh mẽ, phía Mỹ cần nhận thức đầy đủ hậu quả”.