Kết thúc đàm phán Mỹ - Trung: Vẫn là những kết quả chung chung

VietTimes -- Sau hai ngày diễn ra trong không khí được báo chí mô tả là “không người nào có nụ cười”, vòng đàm phán thứ 6 Mỹ - Trung giữa Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã kết thúc mà không đạt được một hiệp nghị. Nhà Trắng ra tuyên bố nói, Tổng thống Donald Trump khẳng định lại: nếu hai bên không đạt được kết quả hài lòng trước ngày 1.3, Mỹ sẽ tăng mức thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc.
Vòng đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung lần 6 đã kết thúc mà không có được bất cứ kết quả nào rõ ràng.
Vòng đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung lần 6 đã kết thúc mà không có được bất cứ kết quả nào rõ ràng.

Hai bên thông báo khác nhau về kết quả đàm phán

Đây là lần đầu tiên hai ông Robert Lighthizer và Lưu Hạc “giao đấu trực diện” với nhau. Chiều 31.1 theo giờ Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders đã ra tuyên bố: “Trong 2 ngày qua, các quan chức cấp cao Mỹ - Trung đã tiến hành đàm phán gay gắt và có kết quả về quan hệ kinh tế hai nước.Hội nghị lần này đã thảo luận về 7 vấn đề, bao gồm: (1) Công ty Mỹ bị ép buộc chuyển nhượng công nghệ cho công ty Trung Quốc; (2) Trung Quốc cần tăng cường bảo hộ và thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; (3) Các công ty Mỹ chịu nhiều loại thuế và hàng rào phi thuế quan ở thị trường Trung Quốc; (4) Tổn hại gây ra do việc Trung Quốc lấy cắp công nghệ của các công ty Mỹ qua mạng; (5) Các biện pháp thị trường méo mó của Trung Quốc gây nên sản lượng quá thừa, bao gồm trợ cấp và ủng hộ các công ty quốc doanh; (6) Cần hủy bỏ rào cản và thuế quan ngăn cản việc Mỹ bán sang Trung Quốc hàng công nghiệp, nông sản và dịch vụ; (7) Vai trò của tiền tệ trong quan hệ mậu dịch Mỹ - Trung.

Hai bên còn thảo luận tính tất yếu phải giảm bớt sự mất cấn đối mậu dịch ngày càng gia tăng giữa Mỹ - Trung và việc Trung Quốc mua sản phẩm của nông dân, chủ trang trại, hãng chế tạo và các công ty Mỹ.

Hai bên đều thể hiện ý muốn thảo luận về những vấn đề lớn, việc cuộc đàm phán lần này làm thế nào hóa giải các bất đồng. Phía Mỹ đặc biệt chú ý đến vấn đề có tính kết cấu và cam kết có ý nghĩa giảm bớt mức nhập siêu trong mậu dịch; hai bên đồng ý bất cứ hiệp nghị nào cũng đều phải được thực thi hoàn toàn.

Hình ảnh trên báo chí cho thấy bầu không khí đàm phán rất căng thẳng
Hình ảnh trên báo chí cho thấy bầu không khí đàm phán rất căng thẳng

Tuy đàm phán đạt được tiến triển, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tổng thống Donald Trump nhắc lại, tiến trình 90 ngày (hai nhà lãnh đạo) đồng ý tại Buenos Aires là một kỳ hạn khó khăn; trừ phi Mỹ - Trung đạt được kết quả hài lòng trước nửa đêm ngày 1.3.2019, nếu không Mỹ sẽ nâng cao mức thuế quan. Phía Mỹ chờ đợi thương thuyết thêm với Trung Quốc về chủ đề quan trọng này”.

Tháng 12 năm ngoái, cuộc gặp Donald Trump – Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận “ngừng bắn” 90 ngày và triển khai đàm phán; nếu không đạt được một hiệp nghị trước nửa đêm ngày 1.3.2019 thì Mỹ sẽ thực hiện mức thuế quan mang tính trừng phạt đối với 200 tỷ USD sản phẩm Trung Quốc, tăng từ 10% hiện nay lên 25%.

The Wall Strett Journal hôm 31.1 dẫn lời một quan chức Mỹ nói, trong ngày đàm phán đầu tiên, hai bên đều tồn tại bất đồng rất lớn, dự đoán hai bên không thể đạt được một văn kiện khung cho một bản hiệp nghị. Người này tiết lộ ông Lưu Hạc đề nghị cuối tháng 2 sẽ tiến hành cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình tại đảo Hải Nam.

Ông Donald Trump hôm 31.1 đã liên tiếp viết 4 bản Twitter về vấn đề mậu dịch Mỹ - Trung. Ông nói, nếu Bắc Kinh không mở cửa thị trường toàn diện thì Mỹ sẽ không chấp nhận bất cứ giao dịch nào. Ngoài ra, ông còn nói, một hiệp nghị cuối cùng của cuộc đàm phán “sẽ được quyết định tại cuộc gặp mặt giữa tôi với Chủ tịch Tập ít lâu nữa”.

Về phía Trung Quốc, bản tin do Tân Hoa xã phát đi, viết: Dưới sự chỉ dẫn của thỏa thuận chung quan trọng đạt được giữa hai nhà lãnh đạo hai nước tại Buenos Aires, hai bên đã thảo luận về cân bằng mậu dịch, chuyển nhượng công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, rào cản phi thuế quan, ngành dịch vụ, nông nghiệp, cơ chế thực thi và vấn đề mà phía Trung Quốc quan ngại. Hai bên đã tập trung tiến hành thảo luận thẳng thắn, cụ thể, có tính xây dựng  về các vấn đề cùng quan tâm như cân bằng mậu dịch, chuyển nhượng công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế thực thi và vấn đề mà Trung Quốc quan ngại; đã đạt được tiến triển quan trọng mang tính giai đoạn. Hai bên còn xác định thời gian biểu và lộ trình cho việc thương thuyết tiếp theo.

Không khí căng thẳng, kết quả hạn chế

Các phóng viên được phép vào phòng họp chụp ảnh mô tả: các ông Đại diện thương mại Robert Lighthizer, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross, Chủ nhiệm Ủy ban mậu dịch Nhà Trắng Peter Navarro và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngồi đối diện với các ông Lưu Hạc, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dich Cương và Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn; họ không trả lời nhà báo, không ai có nụ cười trên miệng, không khí rất căng thẳng, khác hẳn với không khí vui vẻ, hòa dịu tại cuộc gặp gỡ ở Buenos Aires tháng 12 năm ngoái.

Mở đầu, Robert Lighthizer nói: “Rất hoan nghênh ông (Lưu Hạc) có mặt tại đây, mong cuộc hội đàm có kết quả”. Ông Lưu Hạc đáp: “Tôi muốn tiến hành thảo luận vui vẻ với ông”. Trong khi đó, nét mặt ông Peter Navarro rất lạnh lùng.

Tổng thống Donald Trump tiếp ông Lưu Hạc và đoàn đàm phán Trung Quốc tại Nhà Trắng
Tổng thống Donald Trump tiếp ông Lưu Hạc và đoàn đàm phán Trung Quốc tại Nhà Trắng

Sau khi cuộc hội đàm kết thúc, chiều 31.1, Tổng thống Donald Trump đã gặp ông Lưu Hạc, Trưởng đoàn Trung Quốc và các thành viên hai đoàn đàm phán tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng. Những người có mặt mô tả không khí cuộc gặp khá căng thẳng, cách sắp xếp chỗ ngồi cũng thể hiện vẻ trịch thượng của ông Trump.

Bắt đầu cuộc gặp mặt, người thông dịch phía Trung Quốc đọc bức thư viết bằng tiếng Anh của ông Tập Cận Bình gửi ông Donald Trump, trong đó nói quan hệ Mỹ - Trung đang ở vào thời kỳ then chốt, “hy vọng hai bên tiếp tục hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau” và mong hai bên giữ mối liên lạc chặt chẽ và có sự nhượng bộ lẫn nhau để đạt được một hiệp nghị trước thời hạn ngày 1.3. Donald Trump nghe xong, nói: “Đây là bức thư rất hay” và nói Phó Thủ tướng Lưu Hạc là một người bạn, ông rất vinh hạnh được gặp mặt tại đây.

Trong khi gặp mặt ông Lưu Hạc chủ động nói đến việc sẽ mua đậu tương của Mỹ và có lẽ cách ông sử dụng từ ngữ đã khiến ông Donald Trump hiểu lầm dẫn đến sự cố về truyền thông.

Trang tin Đông Phương ngày 1.2 cho rằng, có lẽ ông Lưu Hạc quá căng thẳng nên đã khiến ông Donald Trump hiểu nhầm nội dung. Mấy tiếng sau khi thông tin được đăng tải, Nhà Trắng đã cải chính “Trung Quốc sẽ mua 5 triệu tấn đậu tương”, chứ không phải “mỗi ngày mua 5 triệu tấn” và cũng không nói rõ khi nào sẽ mua. Truyền thông Trung Quốc thì cho rằng “Nhà Trắng đã nghe sai”.

Theo đoạn video hiện trường được đăng tải trên báo chí thì ông Lưu Hạc trao đổi với ông Trump bằng tiếng Anh: “Chúng tôi sẽ mua 5 triệu tấn đậu hạt”, người phiên dịch của đoàn Trung Quốc cũng nhắc lại bằng tiếng Anh là 5 triệu tấn hạt đậu tương. Ông Trump đáp ngay: “5 triệu tấn, chà!”. Lưu Hạc lại nói “mỗi ngày (per day)”. Ông Trump lộ rõ vẻ mừng rỡ: “Mỗi ngày 5 triệu tấn! Điều này sẽ khiến nông dân của chúng tôi rất mừng”. Lưu Hạc nói tiếp: “Rất cám ơn ngài đã tạo cho chúng tôi cơ hội này.Tôi sẽ đợi đoàn đại biểu của quý vị tại Bắc Kinh,hy vọng chúng ta sẽ đạt được hiệp nghị”.

Giải thích về “sự cố” hy hữu này, tài khoản wechat của Tân Hoa xã nói, qua hỏi những người có mặt và phân tích video hiện trường thì ông Lưu Hạc nói là “today” (hôm nay) chứ không phải “per day” (mỗi ngày). “Nếu như thế thì 1 năm Trung Quốc phải mua 1,8 tỷ tấn, nhưng năm 2017 tổng sản lượng đậu tương của Mỹ chỉ có 119 triệu tấn; đừng nói đậu tương của Mỹ, thậm chí của toàn thế giới cũng không có được ngần ấy”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng chiều 1.2 đã nói tại cuộc họp báo: trong cuộc đàm phán mậu dịch lần này, hai bên đã xác định được thời gian biểu và lộ trình cho bước thương thuyết tiếp theo. Về vấn đề hai nguyên thủ quốc gia gặp gỡ, phía Trung Quốc chú ý đến thái độ chờ đợi của Tổng thống Donald Trump, mong muốn sử dụng các phương thức để giữ liên lạc chặt chẽ với ông.

Thời gian và địa điểm cho cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình tới đây theo đề nghị của ông Tập Cận Bình chưa được xác định
Thời gian và địa điểm cho cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình tới đây theo đề nghị của ông Tập Cận Bình chưa được xác định

Tờ SCMP ngày 1.2 cho biết, chiều 31.1 ông Lưu Hạc đã mời Tổng thống Donald Trump gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình, tiến hành đàm phán thêm về mậu dịch. Ông Myron Brilliant, Phó chủ tịch kiêm chủ quản vấn đề quốc tế của Hội Kinh doanh Mỹ (USCC) đã xác nhận thông tin này, nói ông Lưu Hạc đã “thay mặt Chủ tịch Tập chính thức đề nghị nguyên thủ hai nước gặp gỡ”. Tuy nhiên, ông nói: “Thời gian và địa điểm tiến hành cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình còn là dấu hỏi”. Myron Brilliant cho rằng, thậm chí cuộc gặp gỡ này có thể xảy ra sau thời hạn chấm dứt “ngừng bắn” Mỹ - Trung vào 1.3.

Về khả năng ông Donald Trump sau khi gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 2 tại Việt Nam sẽ gặp gỡ hội đàm với ông Tập Cận Bình tại đảo Hải Nam, Đông Phương cho rằng: nếu ông Donald Trump hội đàm với ông Tập Cận Bình tại Trung Quốc thì sức ép của việc hủy bỏ thuế quan sẽ rơi vào phía Mỹ nên có cố vấn của ông Trump đã đề xuất địa điểm tiến hành ở nước thứ 3 hoặc tại bang Florida. Còn bản thân ông Trump thì đã nói với Robert Lighthizer và đoàn đàm phán Mỹ trước mặt Lưu Hạc: “Các ông sẽ tới Trung Quốc vào đầu tháng 2”, điều này có nghĩa là vòng đàm phán thứ 7 có thể sẽ được tiến hành ở Bắc Kinh vào dịp đó.