Vì sao cuộc gặp gỡ cấp cao Donald Trump - Tập Cận Bình bị đột ngột trì hoãn?

VietTimes -- Hôm 9.3, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn nói tại cuộc họp báo bên lề kỳ họp quốc hội ông rất lạc quan về các cuộc đàm phán với Washington; rằng Trung Quốc và Mỹ đang làm việc ngày đêm để đạt một thỏa thuận thương mại phù hợp với lợi ích của cả hai bên và hi vọng của thế giới, bao gồm xóa bỏ việc trả đũa qua lại về thuế quan. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ đã lên tiếng cho biết: cuộc đàm phán mậu dịch còn tồn tại bất đồng, không cho rằng hai bên sắp đạt được một thỏa thuận và cũng chưa xác định được thời gian cho cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình mặc dù trước đó, thông tin trên báo chí Mỹ cho biết cuộc gặp này dự định sẽ diễn ra vào 2 ngày 27 và 28.3 tại trang trại Mar-a-Lago.
Cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình sẽ không diễn ra vào 2 ngày 27, 28.3 như dự kiến?
Cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình sẽ không diễn ra vào 2 ngày 27, 28.3 như dự kiến?

Trang tin Đa Chiều ngày 11.3 đăng bài cho biết, với việc giành được đột phá trong chuyến thăm Mỹ hồi cuối tháng 2 của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Mỹ cũng hoãn vô thời hạn kế hoạch tăng mức thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc; đồng thời Mỹ cũng đánh tiếng cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 để ký một hiệp nghị mậu dịch, kết thúc cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thế nhưng, tin tức mới nhất cho biết cuộc gặp gỡ Trump - Tập đã bị lui lại tới tháng 4.

Đầu tiên, The Wall Strett Journal ngày 8.3 đưa tin, Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad nói, “thời gian cho cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa được xác định”. Ông còn nói, công tác chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này chưa được triển khai; trước khi sắp xếp cho cuộc gặp này, các nhân viên đàm phán của hai bên còn phải thu hẹp thêm lập trường bất đồng, trong đó có vấn đề thực thi hiệp nghị.

Ông Branstad nói: “Hai bên đều đồng ý cần phải có tiến triển trọng đại, cũng tức là cảm thấy lập trường đã rất gần nhau thì mới mở hội nghị thượng đỉnh. Chúng ta vẫn chưa đạt tới mức đó, nhưng so với thời gian rất dài trước đây thì lập trường của chúng ta đã đến gần nhau hơn”.

Tờ Financial Times ngày 8.3 cũng đưa tin, cuộc gặp gỡ cấp cao Donald Trump - Tập Cận Bình định diễn ra vào cuối tháng 3 sẽ bị trì hoãn. Báo này viết, lịch gặp ngày 27 và 28.3 đã bị hủy bỏ; hai bên Mỹ - Trung muốn chốt các chi tiết trước để tránh xảy ra tình trạng kết thúc mà không đạt bất cứ kết quả gì như cuộc gặp gỡ Kim - Trump tại Hà Nội.

Cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình lần 2 bị Trung Quốc hoãn lại do lo ngại không ký kết được một bản hiệp nghị để kết thúc cuộc chiến tranh thương mại như họ mong muốn?
Cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình lần 2 bị Trung Quốc hoãn lại do lo ngại không ký kết được một bản hiệp nghị để kết thúc cuộc chiến tranh thương mại như họ mong muốn?

Báo này dẫn lời ông Jake Parker, thành viên Hội đồng mậu dịch Mỹ - Trung (US-China Business Council) nói, việc ông Donald Trump quyết định kết thúc cuộc gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un  ở Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận gì khiến phía Trung Quốc “rất lo ngại”. Ông Parker nói: “Họ (Trung Quốc) muốn có một lễ ký kết chứ không muốn có một cuộc đàm phán”.

Hãng FoxNews được cho là có lập trường thân Đảng Cộng hòa hôm 10.3 đưa tin: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không muốn gặp ông Donald Trump vào cuối tháng 3. Người dẫn chương trình chính của FoxNews là Liz Claman viết trên Twitter: “Ông Tập Cận Bình đã hủy bỏ hành trình đến Mar-a-Lago”.

Sau đó, phóng viên kênh tin tức thương mại của FoxNews Edward Lawrence  cho biết thêm, chính phủ Trung Quốc đã chính thức hủy bỏ hành trình vì lo ngại ông Donald Trump cũng bỏ đàm phán ra về giữa chừng dẫn đến cuộc gặp gỡ cấp cao kết thúc mà không có hiệp nghị khiến ông Tập Cận Bình khó xử. Ông Edward Lawrence nói, Trung Quốc đang thảo luận việc cử một đoàn tiền trạm tới Mỹ đạt được thỏa thuận trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ Trump - Tập lần 2. Ông dẫn lời Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói, cuộc gặp gỡ Trump - Tập cũng sẽ diễn ra, nhưng có lẽ vào tháng 4.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow: muốn đạt được hiệp nghị, Trung Quốc cần phải có biện pháp sửa đổi trong các vấn đề có tính kết cấu như bản quyền sở hữu trí tuệ và chuyển nhượng công nghệ
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow: muốn đạt được hiệp nghị, Trung Quốc cần phải có biện pháp sửa đổi trong các vấn đề có tính kết cấu như bản quyền sở hữu trí tuệ và chuyển nhượng công nghệ

Ông Larry Kudlow hôm 9.3 nói, hai bên Trung - Mỹ đã bắt đầu đi vào thảo luận các điều khoản nhưng chưa đạt được văn bản cuối cùng, “còn rất nhiều việc phải làm”. Ông cho rằng muốn đạt được hiệp nghị, Trung Quốc cần phải có biện pháp sửa đổi trong các vấn đề có tính kết cấu như bản quyền sở hữu trí tuệ và chuyển nhượng công nghệ. Larry Kudlow tỏ vẻ lạc quan về tiến triển của cuộc đàm phán, hình dung đây là sự kiện “có tính lịch sử”, nói trong vòng đàm phán thứ 7 khi ông Lưu Hạc tới Mỹ, hai bên đã đạt được một hiệp nghị về cơ bản, “nhưng vẫn cần được ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo thông qua”. Ông nói, hiệp nghị sẽ có những sửa đổi về vấn đề cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ và an toàn mạng của phái Trung Quốc; Mỹ sẽ giảm mạnh mức thuế, cũng có thể ngừng việc thu thuế đối với xe hơi, hàng tiêu dùng, nông sản và hàng công nghiệp của Trung Quốc.

Ông Larry Kudlow cũng nhấn mạnh, nếu một hiệp nghị không giúp gì cho lợi ích lâu dài của nước Mỹ thì những chi tiết trên đều trở nên vô dụng. Thứ Mỹ cần đạt được là một bản hiệp nghị có thể cưỡng chế việc thực thi.

Ngày 9.3, Cố vấn mậu dịch Nhà Trắng Clete Willems cho báo chí biết, hai đoàn đại biểu Mỹ - Trung tạm thời “chưa có kế hoạch gặp lại nhau”, nhưng nói “ngày nào chúng tôi cũng trao đổi với họ (quan chức Trung Quốc)”. Ông cũng phủ nhận việc ông Trump “quá sốt ruột muốn đạt được một hiệp nghị” như quốc hội lo ngại, hay quốc hội và giới kinh doanh cho rằng ông Trump nhượng bộ phía Trung Quốc trong vấn đề tính kết cấu. Ông nói: “Tuyệt đối không có chuyện đó”.

Việc thay đổi lịch trình cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình lần 2 đã khiến nhiều người lo ngại về việc cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung bùng phát trở lại. Đa Chiều nhận định, đối với việc đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung, hai bên cần bình tĩnh và có lý trí.

Theo Đa Chiều, nếu cuộc gặp gỡ cấp cao đúng là bị trì hoãn như báo chí đưa thì quả thực khiến người ta bất ngờ. Trước đó, hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán cấp cao, hai bên đều mấy lần bày tỏ đàm phán “có tiến triển thực chất”. Ông Trump trước đó đã nhiều lần đề cập đến việc chờ đợi gặp ông Tập tại Mar-a-Lago, hai người sẽ chốt lại nội dung bản hiệp nghị mậu dịch Mỹ - Trung để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Về cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình lần 2 này, chính phủ Italy đã tiết lộ ông Tập sẽ thăm Italy từ ngày 22 đến 24.3, ngoài ra có thể thăm Pháp và Monaco; giới quan sát đều cho rằng ông Tập sẽ tới Mỹ gặp gỡ người đồng cấp Donald Trump sau chuyến đi châu Âu này.

Việc thay đổi lịch trình cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình lần 2 đã khiến nhiều người lo ngại về việc cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung bùng phát trở lại
Việc thay đổi lịch trình cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình lần 2 đã khiến nhiều người lo ngại về việc cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung bùng phát trở lại

Cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình nếu bị hoãn cũng sẽ cho thấy những sức ép chính trị mà ông Trump gặp phải trong nước. Các nghị sĩ quốc hội và giới kinh doanh lo ngại ông Trump quá sốt ruột với việc ký một hiệp nghị với Trung Quốc để tuyên bố giành được một thắng lợi trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm tới, mà có thể sẽ chấp nhận một bản hiệp nghị không giải quyết được vấn đề có tính kết cấu kinh tế của Trung Quốc.

Cuối tháng 2, khi ông Trump từ Việt Nam về không đạt được bất cứ thỏa thuận gì với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nhưng các giới trong nước Mỹ lại bày tỏ hài lòng, cho rằng ông Trump đã có sự lựa chọn đúng đắn. Vì vậy, họ mong muốn ông cũng có lập trường kiên quyết, thái độ cứng rắn tương tự trong việc đàm phán để đạt tới một hiệp nghị mậu dịch với Trung Quốc.

Về nguyên nhân trì hoãn cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình lần 2, trang web bản tiếng Nhật của tờ Nikkei Asian Review ngày 9.3 cho rằng Trung Quốc yêu cầu bãi bỏ ngay quan thuế, nhưng Mỹ phản đối. Bài báo viết, Mỹ và Trung Quốc rõ ràng có bất đồng trong việc bãi bỏ thuế quan mang tính trừng phạt. Bắc Kinh kiên trì yêu cầu sau khi đạt được một bản hiệp nghị thì Mỹ phải lập tức bãi bỏ quan thuế, nhưng Washington vẫn muốn giữ lại một số khoản thuế để đảm bảo cho tương lai. Bài báo nhận định, chính vấn đề này và một số vấn đề cốt lõi gay gắt còn treo lại chưa giải quyết được đã dẫn đến việc cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình bị hoãn lại.