Trang tin Đa Chiều ngày 13/12/2018 đưa tin, báo Mỹ The Wall Strett Journal hôm 12/12 đã dẫn lời “nhiều nhân sĩ trong cuộc” cho biết, cơ quan quy hoạch cao nhất và các cố vấn chính sách cấp cao của Bắc Kinh đang soạn thảo một chính sách công nghiệp mới để thay thế cho bản kế hoạch chiến lược “Made in China 2025” với nội dung trọng điểm là giảm bớt vai trò chủ đạo của nhà nước, có thái độ cởi mở hơn, tạo nhiều cơ hội hơn cho các công ty nước ngoài vào thị trường Trung Quốc. Trước đó, nhiều người cho rằng, việc bà Mạnh Vãn Chu – Phó chủ tịch, CFO của Tập đoàn Huawei bị bắt giữ có mối liên quan nhất định đến kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc.
Sau khi thông tin này lan truyền, thị trường chứng khoán Mỹ lập tức tăng điểm mạnh ngay sau khi mở cửa. Đến 11h30’ ngày 12/12 (theo giờ Washington) chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJIA) tăng 360 điểm (1,47%), chỉ số NASDAQ tăng 148 điểm (2,11%), chỉ số S&P 500 Index tăng 42 điểm (1,59%). Một tiếng sau, các chỉ số này đã là: DJIA 400 điểm, NASDAQ tăng 2,2% và S&P 500 tăng 1,7%.
Theo Đa Chiều, giới quan sát quốc tế cho rằng, một nguyên nhân rất quan trọng khiến Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc là bởi lo ngại an ninh quốc gia, nhưng trong tay họ nắm giữ thứ lợi khí là tiền tệ nên an ninh quốc gia không phải vấn đề lớn. Trung Quốc muốn nâng cấp công nghiệp làm cơ sở để gia tăng địa vị kinh tế trên thế giới; nỗ lực đó của Bắc Kinh bị Washington coi là thách thức vị trí bá chủ kinh tế thế giới của họ.
“Made in China 2025” được Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu ra tháng 3/2015, lấy đây là chính sách quan trọng để hy vọng biến Trung Quốc từ “nước chế tạo lớn” thành “cường quốc chế tạo”. Kế hoạch này đề ra những mục tiêu chiến lược khác nhau cho từng giai đoạn từ 2020 đến 2050, liên quan đến các lĩnh vực công nghệ chế tạo mới và công nghệ thông tin mới, năng lượng mới và vật liệu mới, người máy, xe hơi năng lượng mới...và đề xuất các biện pháp trợ giúp chiến lược bao gồm, hỗ trợ về tiền vốn và chính sách thuế, đào tạo nhân lực và thu hút đầu tư...
Kế hoạch “Made in China 2025” bị Mỹ coi là sát thủ thách thức địa vị ưu thế của họ trong lĩnh vực công nghệ cao. “Made in China 2025” được coi là nâng cao và thúc đẩy sự đột phá, sức sáng tạo của Trung Quốc về công nghệ. Tuy GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện mới ở mức trung bình thế giới nhưng lại là quốc gia duy nhất trên thế giới ngành chế tạo công nghệ cao có tỷ trọng tăng nhảy vọt. Đây chính là vấn đề khiến chính phủ Mỹ lo ngại nhất.
Điển hình là việc mấy năm gần đây, Huawei phát triển rất nhanh, sản lượng điện thoại thông minh chỉ đứng sau Samsung, trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới. Tại Ai Cập và các nước Bắc Phi, đâu đâu cũng thấy các quảng cáo của Huawei. Tại các nước này, toàn bộ hệ thống viễn thông từ thiết bị máy trạm, cáp quang tới điện thoại, máy tính tảng...đều là đồ mang nhãn mác Huawei.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS): nếu Trung Quốc thật sự đưa ra chính sách công nghiệp mới, giảm bớt vai trò của chính phủ, chuyển sang nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất thì đó sẽ là “một sự chuyển biến tích cực”. |
Epoch Times ngày 13/12 cho rằng, Mỹ phê phán kế hoạch “Made in China 2025” là dùng trợ cấp của chính phủ và các biện pháp khác như cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ... để giúp các công ty Trung Quốc chiếm được ưu thế cạnh tranh trên các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, bán dẫn... gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ. Mấy tháng qua, tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc khi công khai phát biểu đều không còn nhắc đến cụm từ “Made in China 2025” nữa. Đầu tháng 11, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đã nói: ông đã nói với phía Trung Quốc là kế hoạch “Made in China 2025” có tính đe dọa lớn và “Trung Quốc đã từ bỏ nó rồi”.
Nguồn tin cho The Wall Strett Journal biết, chính phủ Trung Quốc dự tính đầu năm tới sẽ đưa ra chính sách công nghiệp mới vào thời điểm trùng với việc kết thúc thời hạn 90 ngày “tạm ngưng chiến” mà hai bên đã đạt được trong cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình hôm 1/12. Các quan chức hai bên phải đạt được một hiệp nghị trước ngày 1/3, nếu không chính phủ Donald Trump sẽ tăng mức thuế đánh vào 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.
Theo nguồn tin này, cuộc thảo luận về điều chỉnh chính sách công nghiệp trong nội bộ chính phủ Trung Quốc đã đề cập đến việc tăng thêm xu hướng thị trường của chính sách sẽ giúp nâng cấp ngành chế tạo và mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Ngoài ra, Bắc Kinh còn dự tính căn cứ khái niệm “trung lập cạnh tranh” (Competitive Neutrality), tuyên bố chính sách để các công ty quốc doanh, tư nhân và nước ngoài được cạnh tranh công bằng.
Chính phủ Donald Trump khi ký Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ - Canada - Mexico (USMCA) cũng đã đưa vào nguyên tắc “trung lập cạnh tranh”, quy định các chính phủ không được thiên vị công ty quốc doanh.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia về chính sách công nghiệp Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, nếu Trung Quốc thật sự đưa ra chính sách công nghiệp mới, giảm bớt vai trò của chính phủ, chuyển sang nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất thì đó sẽ là “một sự chuyển biến tích cực”.
Điều đáng quan tâm nhất là trong chính sách mới này Trung Quốc có từ bỏ mục tiêu nâng cao tỷ lệ sản phẩm công nghệ tự chế mà “Made in China 2025” đã đề ra hay không? Mục tiêu của kế hoạch hiện hành là nâng cao thị phần của các công ty Trung Quốc: năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ các linh phụ kiện chủ chốt và vật liệu Trung Quốc tự chế lên 40%, năm 2025 sẽ là 70% .
Theo bài viết trên The Wall Strett Journal, nguồn tin cho biết, các quan chức Trung Quốc chủ trương cải cách nhấn mạnh, Trung Quốc cần xuất phát từ lợi ích bản thân mà từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”, thoát khỏi cách làm nhà nước chủ đạo hiện nay.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc và các quan chức cao cấp từng lên tiếng phê phán kế hoạch này chế tạo ra khá nhiều thứ bỏ đi. Ví dụ, mấy năm qua, chính quyền các cấp ra sức cho các công ty chế tạo vay với lãi suất thấp dẫn đến việc sản xuất ăc-quy xe chạy điện quá dư thừa, gây hại đến sự phát triển của ngành này.
The Wall Strett Journal viết, chính sách công nghiệp mới của Trung Quốc không thể giải quyết hết mọi vấn đề mà Mỹ quan ngại, bởi giới lãnh đạo Trung Quốc đã quen chủ đạo phát triển kinh tế, cơ cấu quan liêu và các công ty quốc doanh không muốn mất đi nguồn tài nguyên lớn lao của chính phủ để đối mặt với môi trường cạnh tranh kịch liệt.
Tuy nhiên, trước những thông tin này, các quan chức trong chính phủ Donald Trump đã bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch mới này của Bắc Kinh, một số người đã lên tiếng cho rằng, đây có thể chỉ là một chiêu trò đánh lạc hướng mà thôi.
Ông Jeremie Waterman, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc của Hội kinh doanh Mỹ (United States Chamber of Commerce, USCC) hy vọng kế hoạch mới của Trung Quốc không chỉ là phương pháp trống rỗng với khẩu hiệu và lời lẽ tuyên truyền, mà là “biện pháp điều chỉnh cụ thể liên quan đến trợ cấp, đề ra tiêu chuẩn và thu mua...”.
Việc các công ty Trung Quốc ký hợp đồng mua 500 ngàn tấn đậu tương của Mỹ được coi là động thái tích cực sau cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình hôm 1/12 tại Buenos Aires
|
Phó Thủ tướng Lưu Hạc hôm 11/12 đã điện đàm với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người chủ trì đàm phán mậu dịch với Trung Quốc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Nguồn tin cho The Wall Strett Journal biết, 3 ông khi điện đàm đã thảo luận việc Trung Quốc mua nông sản Mỹ và sự thay đổi chính sách kinh tế cơ bản của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Lưu Hạc có kế hoạch dẫn đoàn tới Mỹ để đàm phán vào dịp sau tết năm mới 2019. Ông Lưu Hạc cũng cho các đồng sự Mỹ biết, Trung Quốc đồng ý hạ mức thuế quan đối với xe hơi nhập khẩu từ Mỹ từ 40% xuống 15%. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ khi nào thì Trung Quốc thực thi.
Trong khi đó, ông Donald Trump sáng 11/12 theo giờ Bờ biển phía Đông nước Mỹ đã viết trên Twitter: “Đối thoại với Trung Quốc có kết quả rất tốt. Hãy lưu ý một số thông báo quan trọng!”.
Một ngày sau đó, (12/12), theo Reuters, Trung Quốc đã ký kết hợp đồng mua ít nhất 500 ngàn tấn đậu hạt của Mỹ. Hai hãng kinh doanh Mỹ đã cho Reuters biết, các công ty Trung Quốc đã mua số đậu tương trị giá ít nhất 180 triệu USD. Phía mua là các công ty Sinograin (Dự trữ lương thực) và Cofco (Tập đoàn Lương thực Trung Quốc). Phía bán là 3 công ty Mỹ Cargill Inc., Louis Dreyfus Company và CHS.