Truyền thông Mỹ coi đây là hành động đánh thẳng vào "trái tim" công nghệ của Trung Quốc. Còn Đa Chiều của Trung Quốc thì nhận định, “Mỹ mở mặt trận mậu dịch mới, đánh trúng đích”.
Truyền thông Mỹ hôm 30.10 cho biết, chính phủ Mỹ đã quyết định ngăn một công ty công nghệ bán dẫn quốc doanh của Trung Quốc mua các nguyên kiện bán dẫn (components) của Mỹ.
Đây là bước phát triển mới trong việc leo thang cuộc chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ra tuyên bố cho biết: “Khi công ty nước ngoài có những hoạt động vi phạm lợi ích an ninh quốc gia của nước ta, chúng ta sẽ áp dụng biện pháp hữu hiệu để bảo vệ. Việc đưa công ty này vào danh sách bị cấm sẽ hạn chế mối đe dọa của nó đối với chuỗi cung ứng linh kiện cần thiết cho hệ thống quân sự của ta”.
Theo The Washington Post, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, bị ngăn chặn là Công ty sản xuất IC Tấn Hoa, Phúc Kiến (Fujian Jinhua Integrated Circuit). Công ty này bị cáo buộc đã tham gia vào hoạt động xâm phạm lợi ích quốc gia của Mỹ, tạo thành “mối nguy hiểm rất lớn”.
Hành động này của phía Mỹ có thể khiến Công ty Tấn Hoa - vốn hoạt động dựa trên nền tảngnhập khẩu nguyên kiện bán dẫn của Mỹ - bị lâm vào tình trạng khốn đốn.
Tờ Đông Phương của Thượng Hải cho biết, Công ty Tấn Hoa là nhà sản xuất chip IC tiên tiến, thành viên của Tập đoàn điện tử tin học tỉnh Phúc Kiến, do Tập đoàn đầu tư năng lượng Tấn Giang đầu tư.
Công ty Tấn Hoa đã được đưa vào quy hoạch sản xuất mạch IC - nằm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc. Cũng theo Đông Phương, chuyên gia về Trung Quốc Derek Scissors của Viện nghiên cứu xí nghiệp Mỹ cho rằng Tấn Hoa là một trong số mấy công ty tiềm năng hàng đầu Trung Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói Công ty Tấn Hoa bị trừng phạt vì có những hoạt động vi phạm lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ
|
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã áp dụng biện pháp tương tự đối với Công ty công nghệ Trung Hưng (ZTE). Nhưng tới tháng 5.2018, theo đề nghị của ông Tập Cận Bình, ông Trump đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ giảm nhẹ hình phạt, rồi sau đó đã hủy bỏ lệnh cấm đối với ZTE, với điều kiện công ty này chấp nhận nộp phạt số tiền rất lớn và cải tổ lại ban lãnh đạo, đồng thời chấp nhận sự giám sát của phía Mỹ.
Nhưng từ lúc đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu xấu đi. Chính phủ của ông Trump ngày càng cứng rắn hơn trong việc giao dịch với hoaphía Trung Quốc.
Để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy trở thành cường quốc kinh tế và công nghệ, Mỹ bắt đầu thẩm tra kỹ lưỡng các vụ giao dịch với nước ngoài để ngăn chặn việc Trung Quốc có được các quyền sở hữu trí tuệ có giá trị của Mỹ.
Tờ The Wall Street Journal thì viết, Mỹ cấm các công ty trong nước giao dịch làm ăn với hãng chế tạo chip Tấn Hoa - doanh nghiệp bị coi là đã lấy cắp bí mật công nghệ Mỹ.
Hành động này không những khiến công ty đã nhận được 5,7 tỷ USD tài trợ của chính phủ Trung Quốc này lâm vào trình trạng “nguy ngập”. Mà còn đánh thẳng vào ý chí mạnh mẽ của Trung Quốc muốn tạo dựng ngành công nghiệp bán dẫn tầm cỡ thế giới.
Hãng CNN hôm 30.10 thì nói, thông qua lệnh cấm đối với Tấn Hoa, Mỹ đã "đánh thẳng vào trái tim của giấc mơ công nghệ Trung Quốc".
Bài báo viết, Mỹ đã giánh một đòn mạnh vào giấc mơ công nghệ Trung Quốc, Điều này bộc lộ rõ Trung Quốc không có nền móng cho một công ty bán dẫn tại chỗ thành công. Đó là chỗ yếu nhất để Trung Quốc có thể trở thành một cường quốc công nghệ thế giới.
CNN cho rằng, lệnh cấm Tấn Hoa có thể khiến công ty này quỳ gối. Hành động tương tự của Mỹ đối với ZTE trước đây đã khiến công ty này lâm vào tình trạng đình trệ suốt mấy tháng.
Lần này phía Mỹ không nói rõ họ cảm thấy lo ngại về những hành vi nào của Tấn Hoa. Nhưng năm ngoái, Tấn Hoa bị cáo buộc đã lấy cắp bí mật thương mại của Công ty công nghệ Micron Technology – hãng sản xuất chip bán dẫn hàng đầu của Mỹ đặt ở bang Idaho.
Tới tháng 7 năm nay, sau khi Tấn Hoa và đối tác hợp tác của họ là Công ty điện tử Liên Hoa Đài Loan (United Microelectronics) bị cáo buộc đã xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của Micron Technology, chính phủ Mỹ đã cấm Micron Technology bán những sản phẩm đĩa cứng SSD và bộ nhớ DRAM của họ tới Trung Quốc.
Theo The Washington Post, một nhà máy của Tấn Hoa trị giá 5,7 tỷ USD mới xây dựng ở tỉnh Phúc Kiến sắp được đưa vào hoạt động với khát vọng trở thành công ty tham gia vào lĩnh vực sản xuất chip lưu trữ (memory chip) toàn cầu.
Nguyên kiện của hãng Micron là mặt hàng Tấn Hoa cần nhưng bị Bộ Thương mại Mỹ cấm bán
|
Ông Marco Rubio, Thượng nghị sỹ Cộng hòa bang Florida hôm 29.10 đã viết trên Twitter: “Các công ty quốc doanh và do nhà nước chỉ đạo của Trung Quốc đã tiến hành dối trá, lừa gạt và trộm cắp theo yêu cầu của chính phủ họ. Công ty Tấn Hoa phải chịu trách nhiệm về việc họ đã tham vào những hành vi phi pháp đó. Hành động của chính phủ hôm nay là động thái đúng đắn để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta”.
CNN viết, chính phủ của Tổng thống Donald Trump trước đây từng tuyên bố, Trung Quốc có ý đồ nắm lấy công nghệ của Mỹ, điều này đem lại mối đe dọa mang tính sống còn đối với kinh tế Mỹ. Chính phủ Donald Trump coi vấn đề này là một bộ phận cốt lõi của cuộc chiến tranh thương mại đối với Trung Quốc.
Phía Trung Quốc đã lập tức lên tiếng phản ứng về động thái mới này của chính phủ Mỹ.
Chiều 30.10, tại cuộc họp báo quốc tế, khi một phóng viên hỏi về bình luận của Trung Quốc trước việc Mỹ cấm Công ty Tấn Hoa mua mọi sản phẩm ở Mỹ, Lục Khảng -người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - nói: “Tôi chú ý đến thông tin liên quan. Tôi muốn nhấn mạnh, chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu công ty của mình hợp tác đầu tư với nước ngoài theo nguyên tắc thị trường và trên cơ sở tuân thủ pháp luật, pháp quy bản địa. Chúng tôi cũng luôn yêu cầu chính phủ nước ngoài đối xử công bằng, đãi ngộ hợp lý với công ty Trung Quốc, tạo môi trường tốt cho công ty Trung Quốc hợp tác đầu tư ở các quốc gia và khu vực. Mong phía Mỹ hãy làm nhiều điều có lợi cho sự hợp tác tin tưởng lẫn nhau, chứ đừng làm những điều ngược lại. Còn về vấn đề cụ thể, ngành chủ quản là Bộ Thương mại sẽ bày tỏ rõ quan điểm sau”.
Tới tối 31.10, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra tuyên bố "phản đối Mỹ mở rộng khái niệm về an ninh quốc gia, lạm dụng biện pháp quản chế xuất khẩu, can thiệp hoạt động hợp tác mậu dịch quốc tế bình thường của công ty". Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu chính phủ Mỹ "lập tức chấm dứt cách làm sai trái này".
Được biết, bản danh sách các thực thể bị quản chế xuất khẩu (Entity List) do Bộ Thương mại Mỹ lập ra nhằm hạn chế các công ty Mỹ xuất khẩu sản phẩm, phần mềm và kỹ thuật của Mỹ cho các công ty có tên trong danh sách này.
Các công ty có tên trong danh sách muốn mua các sản phẩm bị chính sách quản chế của chính phủ thì phải có giấy phép đặc biệt. Hồi tháng 8.2018, Mỹ đã đưa 44 công ty và viện nghiên cứu của Trung Quốc vào trong danh sách này.
Nhà máy của Tân Hoa xây dựng ở Phúc Kiến
|
Theo tuyên bố của Cục An toàn Công nghiệp, Bộ Thương mại Mỹ (Bureau of Industry and Security) đăng tải trên Công báo Liên bang tháng 8.2018, thì: “Những thực thể có tên trong danh sách này là các cơ cấu đã bị chính phủ Mỹ xác nhận có hành vi vi phạm an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách ngoại giao của Mỹ”.
Các nhà quan sát cho rằng, chip bán dẫn là lĩnh vực quan trọng trong kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc. Hành động mới của Bộ Thương mại Mỹ đối với Công ty Tấn Hoa, Phúc Kiến, có thể là nhằm gây thêm sức ép đối với Trung Quốc trong cuộc chiến mậu dịch đang diễn ra gay gắt.