Các công ty nước ngoài tới tấp rời bỏ Trung Quốc
Sau hơn 3 tháng, chuỗi cung ứng toàn cầu đã có sự thay đổi lớn. Hiện tại, xuất hiện xu thế các nhà đầu tư nước ngoài triệt thoái khỏi Trung Quốc. Các công ty nước ngoài đã và đang xem xét việc di chuyển các dây chuyền sản xuất khỏi vùng đất từng được coi là “công xưởng của thế giới”, để sản phẩm của họ tránh được mức thuế cao khi xuất sang Mỹ do có nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc.
Trong làn sóng các công ty nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc đó, các nước Đông Nam Á đã “ngư ông đắc lợi”, nhiều công ty đã chọn nơi này để đặt các dây chuyền sản xuất mới.
Đối với các công ty Mỹ, một cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 29.8 đến 5.9 cho thấy, cho tới thời điểm tác động của chiến tranh thương mại và quan hệ căng thẳng về mậu dịch giữa hai nước, có tới 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc đã và đang xem xét di chuyển ra nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Trinh Nguyen của Ngân hàng Ngoại thương Pháp Natixis Asia nói: “Cục diện căng thẳng về thương mại không ngừng leo thang chỉ có thể đẩy nhanh hơn xu thế này”. Ông nói: “Do giá thành sản xuất thấp và tự do hóa mậu dịch cùng với việc tránh được mối nguy hiểm về địa chính trị, Đông Nam Á vừa là một thị trường rộng lớn đang tăng trưởng, cũng là một căn cứ địa gia công sản xuất đầy tiềm năng”.
Hãng Bloomberg hôm 22.10 đưa tin, theo báo cáo của Ngân hàng Malaysia Maybank Kim Eng Research Pte., trong 9 tháng đầu năm 2018, lượng vốn của ngành chế tạo nước ngoài đổ vào Việt Nam đã tăng thêm 18%. Công ty Hàn Quốc Hyosung đã đầu tư tới 1,2 tỷ USD để triển khai dự án sản xuất Polypropylen.
Đông Nam Á là nơi được nhiều công ty nước ngoài nhắm tới để chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang.
|
Ông Jim Weber, Chủ tịch điều hành Công ty Brooks Running của trùm tài chính Warren E. Buffett hôm 22.10 cho biết, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, ông đang xem xét di chuyển một số nghiệp vụ của công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nếu ở lại Trung Quốc, các sản phẩm của công ty sẽ phải đối mặt với việc bị đánh thuế tới 45%. Ông nói, nếu việc di dời xảy ra thì nó sẽ là vĩnh viễn vì “chuỗi cung ứng của chúng tôi không thể lâu lâu lại đột ngột thay đổi”.
Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Thái Lan cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, số vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp (FDI) vào Thái Lan đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7,6 tỷ USD, số lượng ngành chế tạo đổ vào tăng 5 lần. Tại Philippines, đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào ngành chế tạo đã tăng từ 144 triệu USD lên 861 triệu USD từ năm ngoái sang năm nay (trong cùng thời điểm).
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ thu hút ngày càng nhiều công ty tới các nước Đông Nam Á mở nhà máy để tránh thuế quan” – hai nhà kinh tế học của ngân hàng Malaysia là Chua Hak Bin và Lee Ju Ye nói trong báo cáo – “Giới chế tạo sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng, công nghệ và phần cứng về viễn thông, xe hơi và hóa chất đều đã thể hiện sự hứng thú lớn của họ đối với khu vực Đông Nam Á”.
Theo báo cáo của Maybank Kim Eng Research Pte., các công ty dưới đây đã có kế hoạch chuyển các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới Đông Nam Á hoặc mở rộng, tăng thêm cơ sở thiết bị đã có ở đây:
Công ty sản xuất giày và phụ kiện thời trang Steven Madden Ltd. của Mỹ sẽ chuyển dời dây chuyền sản xuất túi xách từ Trung Quốc tới Campuchia.
Công ty thiết bị mạng Kayamatics hiện có 2 nhà máy ở Trung Quốc, nhưng dự kiến sẽ chuyển dời sang Kuala Lumpur và Penang thuộc Malaysia.
Các Adapter, bộ nguồn của Delta Electronics, Inc. tới đây sẽ không còn ghi "Made in China" nữa.
|
Delta Electronics, Inc., công ty sản xuất điện tử của Đài Loan, nhà cung ứng phụ kiện về nguồn cho hãng Apple, hồi tháng 7 đã chi 2,1 tỷ USD thu mua công ty con Delta Thái để mở rộng dây chuyền sản xuất thay cho dây chuyền tại Trung Quốc.
Công ty Merry Electronics Co. Ltd. chuyên sản xuất sản phẩm tai nghe cho hãng Bose cũng có kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Nam Trung Quốc tới Thái Lan.
Các công ty Đài Loan cũng đang đua nhau “về quê”. Theo Radio of Australia, ngay từ trước tháng 10, quan chức Đài Loan đã tiết lộ, do ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, gần 30 công ty Đài Loan đã từ bỏ các nhà xưởng ở Đại Lục để di chuyển về Đài Loan.
Ông Jason Wu, người sáng lập tổ chức nghiên cứu Golden Rock nói, rất nhiều công ty Đài Loan muốn rời khỏi Trung Quốc không chỉ vì chiến tranh thương mại mà còn cả vì các lý do khác như không khí chính trị và tình hình kinh tế . “Nhiều công ty còn lại đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở đây”. Theo ông, những năm qua, các công ty Đài Loan, nhất là các ngành chế tạo và điện tử đã đóng góp rất lớn đối với Trung Quốc.
Mới đây, Công ty Apple có kế hoạch chi 600 triệu USD tiền mặt để thu mua một bộ phận của hãng chế tạo chip châu Âu Dialog Semiconductor. Hôm 19.10, chủ tịch điều hành Dialog Semiconductor, ông Jalal Bagherli cho biết, công ty ông đang “thận trọng theo dõi xung đột mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Tình hình căng thẳng về mậu dịch Mỹ - Trung vẫn đang leo thang, hai bên tiếp tục gia tăng việc đánh thuế sản phẩm của nhau. Một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của cuộc chiến thuế quan đối với các sản phẩm bán dẫn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Ông Jalad Bagherli nói, nhiều công ty trong lĩnh vực điện tử đều có chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Hiện nay, chiến tranh thương mại vẫn còn chưa ảnh hưởng đến việc vận hành nghiệp vụ kinh doanh của công ty ông. Ông nói: “Hiện nay, xu thế mậu dịch chưa ảnh hưởng lớn đến chúng tôi, nhưng giống như các nghiệp vụ quốc tế khác, chúng tôi cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình gia tăng về thuế quan”.
Tạp chí Nhật Nikkei Asian Review trước đây đưa tin, nhân sĩ trong chuỗi cung ứng cho biết, GoerTek Inc., công ty Trung Quốc ở Sơn Đông lắp ráp tai nghe không dây AirPod của Apple cũng đã dự định di chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe không dây. GoerTek đã yêu cầu tất cả các nhà cung ứng tham gia sản xuất AirPod trực tiếp vận chuyển các nguyên vật liệu và phụ kiện cần thiết tới Việt Nam.
Radio of Australia có được bản báo cáo 2 năm một lần phát hành năm 2018 cho thấy, lãi ròng của công ty năm nay đã giảm 38,11% so với mức 140 triệu USD của năm 2017. Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này nói trong báo cáo: “Do nhân tố kinh tế vĩ mô, ví dụ biến động của thị trường bên ngoài và tranh chấp mậu dịch Trung – Mỹ, hoạt động kinh doanh và quản lý của công ty càng trở nên khó khăn”.
Từ ngày 6.7 đến nay, chính phủ của ông Donald Trump đã đánh thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó mức thuế đối với 200 tỷ hàng hóa từ ngày 1.1.2019 sẽ tăng từ 10% lên 25%. Còn Trung Quốc thì đánh thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ông Donald Trump đã nhiều lần cảnh báo, nếu Trung Quốc không có thành ý thay đổi điều mà ông gọi là “hành vi mậu dịch không công bằng với Mỹ” thì ông sẽ tiếp tục đánh thuế đối với toàn bộ số hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Chính phủ Đức đã ngăn chặn Tập đoàn Đài Hải của Trung Quốc ở Sơn Đông, thu mua Công ty thép Leifeld Metal Spinning.
|
Các nước tới tấp hạn chế đầu tư của Trung Quốc
Theo số liệu mới nhất, nửa đầu năm 2018, đầu tư của Trung Quốc đối với châu Âu nhiều gấp 9 lần sang Mỹ. Nhưng 3 nền kinh tế lớn nhất EU là Đức, Pháp và Anh đều đã áp dụng biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Quốc. Hè vừa qua, chính phủ Đức đã ngăn chặn Tập đoàn Đài Hải ở Sơn Đông, Trung Quốc thua mua Công ty thép Leifeld Metal Spinning. Tiếp đó, Đức lại dình chỉ việc cho phép Công ty điện lưới quốc gia Trung Quốc tham gia cổ phần vào Hãng điện 50Hz của Đức.
Chính phủ Anh đã ngăn chặn hoặc hủy bỏ các dự án thu mua công ty Anh của nước ngoài. Họ đã ngăn chặn việc Trung Quốc đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point ở bờ biển phía Tây nước Anh.
Nước Pháp vào tháng 7 đã quyết định tạm thời quốc hữu hóa Nhà máy đóng tàu Saint-Nazaire STX để ngăn chặn Trung Quốc thu mua. Theo Bloomberg, có ít nhất 15 trong số 28 quốc gia thành viên EU đang tích cực ủng hộ việc soạn thảo một dự luật hạn chế đầu tư của nước ngoài. Nếu được Nghị viện châu Âu thông qua thì đó sẽ trở thành đạo luật, đối tượng nhắm tới được cho là Trung Quốc.
Ngoài ra Australia và Nhật cũng đã cự tuyệt việc Trung Quốc bỏ vốn đầu tư vào mạng lưới điện và ngành IT. Hồi tháng 8, chính phủ Australia tuyên bố sẽ ngăn chặn Trung Quốc bỏ tiền thuê mạng lưới phân phối điện Ausgrid trong 99 năm. Đây là lần đầu tiên một kế hoạch thu mua của Trung Quốc ở Australia bị chặn đứng. Trước đó, vào tháng 6, Australia còn thông qua Luật chống gián điệp và sự can dự của nước ngoài, cấm mọi khoản quyên tiền vào chính trị của nước ngoài để tránh thế lực bên ngoài can thiệp vào chính trị nội bộ. Giới quan sát bên ngoài cho rằng luật này nhằm vào Trung Quốc.
Ngoài ra, theo mạng Nikkei, chính phủ Nhật đã ban hành quy định hạn chế việc các công ty IT của Trung Quốc tham gia bỏ thầu các dự án của nước này để tránh nguy cơ bị lộ bí mật.
Ngày 1.10 vừa qua,ông Donald Trump tuyên bố đạt được Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ - Mexico - Canada trong đó có điều khoản "thuốc độc" nhằm vào Trung Quốc
|
Đáng chú ý nhất là việc hôm 1.10, ông Donald Trump đã tuyên bố đạt được Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ - Mexico – Canada mới (USMCA) trong đó có điều khoản được ví như “viên thuốc độc” nhằm chống Trung Quốc khi quy định nếu thành viên nào có hiệp ước mậu dịch với “quốc gia không có nền kinh tế thị trường” thì các thành viên khác sẽ rút khỏi USMCA.
Bên cạnh đó là việc hàng hoạt dự án thuộc chiến lược “vành đai - con đường” của Trung Quốc liên tiếp gặp trở ngại ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Hồi cuối tháng 8, Tổng thống Mahathir Mohamad của Malaysia đã hủy bỏ các dự án xây dựng tuyến đường sắt và đường ống dẫn khí đốt trị giá hơn 20 tỷ USD. Pakistan sau khi hủy bỏ dự án xây dựng đập nước 14 tỷ USD năm ngoái, mới đây lại cắt giảm kế hoạch đường sắt 2 tỷ USD. Hồi tháng 9, Nepal cũng đã hủy bỏ một dự án xây dựng đập nước. Còn Sierra Leone vừa tuần trước đã tuyên bố từ bỏ một dự án xây dựng sân bay với vốn Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ “băng giá”?
Ông Leland Miller, một chuyên gia phân tích số liệu, phụ trách CBB International – một tổ chức độc lập nghiên cứu về Trung Quốc của Mỹ cho rằng, với đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bước vào “mùa đông khắc nghiệt”. Phát biểu với phóng viên Đài CNBC hôm 22.10, ông nói, đòn đánh thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa mới đây đã khiến Trung Quốc lâm vào tình cảnh khó khăn. Cho đến nay, biện pháp Trung Quốc trả đũa chính sách thuế quan của ông Trump là áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Leland Miller cho rằng, cục diện giằng co về chiến tranh thương mại đã mang tới cho kinh tế Trung Quốc vấn đề rất tồi tệ trong quý 4, sang năm vẫn tiếp tục ảnh hưởng. Cho dù chiến tranh thương mại được giải quyết vào ngày 1.1.2019 thì kinh tế Trung Quốc cũng bị trọng thương.
Vào tuần trước, báo cáo của Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế quý 3 đã giảm xuống 6,5%, thấp hơn mức 6,7% của quý 2 và không đạt được mức dự kiến. Trái lại, kinh tế Mỹ quý 2 đã tăng 4,2%. Trong tuần này Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố số liệu của quý 3, dự kiến GDP quý 3 sẽ tăng trưởng 3,3%.
Leland Miller cho rằng, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại không chỉ do chiến tranh thương mại với Mỹ mà còn bởi một số nhân tố trong nước. Ông nói, các số liệu của Trung Quốc cho thấy, trước khi ông Trump phát động việc đánh thuế, ngành chế tạo Trung Quốc đã lâm vào tình trạng tồi tệ. Sau 2 năm tăng trưởng nhanh, kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy thoái.
Leland Miller nói, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến Hội nghị cấp cao G20 tổ chức tại Argentina vào tháng tới trở nên “vô cùng then chốt”. Nếu hội nghị kết thúc với sự đột phá thì kinh tế Trung Quốc mới có thể tránh khỏi suy thoái. Các quan chức cả hai bên đang nỗ lực thu xếp để 2 ông Donald Trump và Tập Cận Bình có cuộc hội đàm riêng bên lề hội nghị G20.