Trang tin Đa Chiều (DWNews) ngày 8.2 cho biết, hôm 7.2 tại Nhà Trắng, khi một phóng viên hỏi ông có dự định gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 2 hay không, ông Trump đã lắc đầu nói “trong tháng này không có khả năng gặp”. Khi được hỏi tiếp: trong tháng 3 hoặc vào thời gian khác liệu có gặp không, ông trả lời “Tạm thời chưa quyết định. Có thể nhanh quá, nhanh quá!”. Tuyên bố này của ông Donald Trump đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ nổi sóng, các mã cổ phiếu nhất loạt lao dốc.
Hôm 31.1, khi gặp mặt Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại Nhà Trắng, ông Trump đã nói ông chờ đợi cuộc gặp gỡ ông Tập Cận Bình và cũng chờ đợi được gặp ông Lưu Hạc lần nữa trong tháng 2. Sau cuộc gặp ông Lưu Hạc và nhận bức thư tay của ông Tập Cận Bình được ông Lưu Hạc chuyển tới, ông Trump đã viết trên trang twitter cá nhân, khẳng định chỉ có cuộc gặp gỡ giữa ông với ông Tập Cận Bình mới giúp đạt được hiệp nghị cuối cùng. Trong cuộc gặp ông Trump hôm đó, ông Lưu Hạc đã đưa ra đề nghị tiến hành cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình lần thứ 2 tại đảo Hải Nam.
Ông Donald Trump gây bất ngờ khi đột ngột tuyên bố sẽ không gặp gỡ ông Tập Cận Bình trước ngày 1.3 là thời điểm kết thúc “90 ngày ngừng bắn”.
|
Từ những thông tin đó, có thể thấy cuộc gặp với ông Tập Cận Bình đã nằm trong chương trình làm việc của ông Donald Trump. Vậy tại sao nay ông Trump lại đột nhiên thay đổi chủ ý?
Đa Chiều cho rằng: Thứ nhất là về địa điểm gặp gỡ mà hai bên chuẩn bị. Trong Thông điệp Liên bang hôm 5.2, ông Trump đã tuyên bố ông sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Việt Nam vào hai ngày 27 và 28.2. Nếu ông gặp ông Tập Cận Bình hoặc các nhà lãnh đạo 3 bên Mỹ - Trung - Triều gặp nhau tại Việt Nam thì các cuộc thương thuyết giữa ông với ông Kim Jong Un về vấn đề hạt nhân và đàm phán về mậu dịch với ông Tập Cận Bình sẽ đụng nhau, tiêu điểm rất dễ bị một bên phân tán. Căn cứ vào tính cách của Donald Trump hay Tập Cận Bình thì việc có lựa chọn Việt Nam làm địa điểm gặp nhau hay không còn phải cân nhắc thêm.
Còn nếu tiến hành gặp gỡ tại đảo Hải Nam theo đề nghị của Lưu Hạc thì Mỹ rất dễ bị dư luận cho là phía bị động. Trong bối cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Trump luôn thể hiện Mỹ là bên chiếm ưu thế. Thêm nữa, hai bên Mỹ - Trung vẫn chưa nhất trí trong vấn đề mang tính kết cấu, những người thuộc phái cứng rắn trong Nhà Trắng như Đại diện thương mại Robert Lighthizer, Cố vấn kinh tế Larry Kudlow... cũng không muốn bên ngoài cho rằng Mỹ phải thỏa hiệp với Bắc Kinh. Ông Donald Trump cũng ám chỉ ông Tập Cận Bình tới thăm Mỹ là một sự lựa chọn. Ở góc độ Trung Quốc, e rằng ông Tập Cận Bình cũng không muốn gây ấn tượng cho bên ngoài là Trung Quốc đầu hàng Mỹ.
Cũng có báo dự đoán, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung có thể gặp nhau tại Bàn Môn Điếm trên biên giới Hàn - Triều. Hai nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên Moon Jae In và Kim Jong Un đã gặp gỡ nhau tại đó, liệu hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung có tiếp bước họ hay không thì không thể biết chắc được.
Trong ngoại giao không có gì là chuyện nhỏ. Phía sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là ván cờ ngoại giao. Ông Donald Trump là người thường “vỗ trán ra quyết định” (ý nói tự mình quyết định mọi việc). Lúc trước ông nói mình sắp gặp ông Tập Cận Bình có thể chỉ là một ý tưởng trong suy nghĩ, còn việc sắp xếp bố trí thì còn cần phải có thời gian để hai bên thương thảo.
Thứ hai, đây cũng rất có thể là một sách lược của Mỹ. Theo kế hoạch, hai ông Robert Lighthizer và Steven Mnuchin sẽ tới Trung Quốc ngày 11.2 để đàm phán. Trong Thông điệp Liên bang, ông Trump có đề cập “Mỹ đang nỗ lực cho một hiệp nghị thương mại mới với Trung Quốc. Nhưng nó phải bao gồm những thay đổi thực sự về cấu trúc để chấm dứt các hoạt động thương mại không công bằng, giảm thâm hụt thương mại kinh niên của chúng ta và bảo vệ việc làm cho lao động Mỹ”. Sau đây, hai nước Mỹ - Trung sẽ phải tiếp tục “gặm khúc xương cứng về vấn đề mậu dịch”. Việc ông Trump giờ đây tiết lộ việc sẽ không gặp gỡ ông Tập Cận Bình trước ngày 1.3 chính là nhằm tạo thế cho đàm phán, tạo nên bầu không khí Mỹ đang chiếm địa vị chủ động.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng: còn rất lâu mới đến thời điểm diễn ra cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình để kết thúc cuộc chiến mậu dịch giữa hai nước Mỹ - Trung.
|
Ông Robert Lighthizer cũng tiết lộ, nếu cuộc đàm phán Mỹ - Trung có những tiến triển trọng đại, ông Trump cho rằng có thể đạt được một hiệp nghị trên các vấn đề lớn thì sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ. Điều đó có nghĩa là, Mỹ đã gắn cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình với việc cuộc đàm phán thương mại lần 7 có đạt được tiến triển thực chất hay không.
Theo VOA tiếng Trung ngày 7.2, cùng ngày Cố vấn kinh tế Larry Kudlow cũng nói với phóng viên hãng Fox Business: sau này lãnh đạo hai siêu cường Mỹ - Trung có thể sẽ gặp nhau nhưng không phải lúc này. Ông nói: “Vào lúc nào đó, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau, đó là điều Tổng thống Donald Trump luôn nói. Nhưng hiện nay thì còn rất xa mới đến thời điểm đó”.
Tại cuộc gặp gỡ ở Buenos Aires hôm 1.12.2018, hai nhà lãnh đạo đã thỏa thuận “ngưng bắn” để mở ra quá trình đàm phán trong 90 ngày. Nếu đến nửa đêm ngày 1.3 mà không đạt được một hiệp nghị thì từ 0 giờ ngày 2.3, mức thuế quan có tính trừng phạt của Mỹ đối với các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD sẽ tự động tăng từ mức 10% lên 25%. Trong tuyên bố đưa ra hôm 31.1, Nhà Trắng đã khẳng định lại điều này.