Tàu tấn công lưỡng cư Type 075 của Hải quân Trung Quốc tại Thượng Hải (Ảnh: Weibo) |
Thông tin được đưa ra giữa lúc quân đội Trung Quốc (PLA) triển khai thêm một tàu sân bay trực thăng để thử nghiệm trên biển.
Con tàu tấn công đổ bộ thứ hai của Hải quân Trung Quốc, Type 075 – được hạ thủy trong tháng 4 năm nay – được chụp ảnh lúc đang rời khỏi xưởng đóng tàu ở Thượng Hải để tới khu vực biển Hoa Đông trong hôm thứ Ba tuần này.
Giới truyền thông Trung Quốc nói con tàu 40.000 tấn này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Bắc Kinh có sức mạnh áp đảo trong trường hợp xảy ra các vụ đối mặt ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, nơi mà họ thường xuyên xảy ra các vụ chạm mặt với Hải quân Mỹ trong năm nay.
Tổng cộng 8 tàu tấn công lưỡng cư Type 075 được PLA đặt hàng, và chiếc thứ 3 hiện đang được chế tạo, dự kiến sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2021.
Khoảng cách từ thời điểm hoàn thiện và thực hiện hành trình đầu tiên của tàu sân bay trực thăng Type 075 đầu tiên của Trung Quốc chỉ là 10 tháng. Nó được vào biên chế Hạm đội Nam Hải và đã tham gia vào các cuộc tập trận bắn đạn thật tổ chức mới đây.
Khoảng thời gian 8 tháng tính từ lúc hoàn thiện và thử nghiệm của con tàu Type 075 thứ hai cho thấy Trung Quốc đang chế tạo những con tàu này với tốc độ “kỷ lục thế giới”; website tin tức Eastday của Thượng Hải viết. Bài viết này còn so sánh tốc độ đóng tàu của Trung Quốc với việc “làm bánh bao”.
Tàu sân bay trực thăng Type 075 có sức chứa 30 trực thăng tấn công và 900 binh sĩ; theo các báo cáo năm 2019. Giới phân tích, trong năm nay, nói rằng quân đội Trung Quốc giờ sẽ cần phải cung cấp máy bay cho các con tàu này, và để con tàu đầu tiên hoàn toàn đi vào hoạt động thì phải chờ đến cuối thập kỷ.
Trong một báo cáo tháng 11 vừa qua, Trugn tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói rằng các phương tiện đổ bộ của Trung Quốc có thể được triển khai từ vũng tàu đậu của Type 075.
Tờ Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nói rằng những con tàu tấn công lưỡng cư này sẽ cho Trung Quốc khả năng thực hiện việc “triển khai dọc” trong các nhiệm vụ quân sự trên các hòn đảo và bãi cạn, và lấy Đài Loan và Biển Đông như những ví dụ cụ thể.
Các con tàu này cũng sẽ được triển khai trong công tác khắc phục thiên tai hay các nhiệm vụ nhân đạo; theo CSIS.
Tuần trước, sau khi Đài Loan công bố tàu hộ tống tên lửa dẫn đường lớp Tuo Chiang đầu tiên được sản xuất trong nước, các hãng truyền thông ở hòn đảo này đã gọi nó là “sát thủ diệt hàng không mẫu hạm” trong khi giới chuyên gia an ninh cho rằng nó có thể giúp Đài Loan chống lại Hải quân Trung Quốc trong trường hợp một cuộc xâm lược xảy ra.
Tờ Global Times sau đó cho rằng tàu mới của Đài Loan không phải một mối đe dọa đối với lực lượng hàng hải áp đảo của Trung Quốc, nói rằng từng chiếc trong số 11 chiến hạm mới của Đài Loan sẽ bị đánh chìm bởi duy nhất một trực thăng tấn công Z-9 của Trung Quốc.