Ukraine hiện nay công khai tuyên bố rằng họ muốn được Mỹ cung cấp thêm nhiều vũ khí, bao gồm các loại pháo, tên lửa chống tăng Javelin và Stinger, cùng nhiều loại vũ khí khác. Danh sách đề nghị của chính quyền Kiev, ví dụ, còn bao gồm các loại tên lửa có thể đẩy lùi Hải quân Nga khỏi các cảng của họ trên Biển Đen, cho phép Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông sản của họ ra toàn thế giới.
Nhiều quan chức đương quyền và cựu quan chức Mỹ, cùng một số nguồn tin trong Quốc hội chỉ ra rằng có rất nhiều rào cản trong việc gửi cho Ukraine các loại vũ khí mạnh hơn, tầm bắn xa hơn, ví dụ như các yêu cầu huấn luyện trong thời gian dài hơn, bảo trì trang thiết bị khó hơn, hay quan ngại về việc vũ khí Mỹ có thể rơi vào tay lực lượng Nga, từ đó làm tăng căng thẳng giữa hai bên.
Tuy nhiên, 3 quan chức Mỹ và 2 nguồn tin trong Quốc hội nói rằng 2 loại tên lửa chống hạm mạnh mẽ, bao gồm Harpoon do Boeing sản xuất và NSM của hãng Kongsberg/Raytheon Technologies, đang được chính quyền Mỹ cân nhắc chuyển trực tiếp cho Ukraine, hoặc thông qua một nước đồng minh châu Âu cũng sở hữu các tên lửa này.
Trong tháng 4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị Bồ Đào Nha cung cấp cho họ tên lửa Harpoon, có tầm bắn gần 300 km.
Nhưng có một số vấn đề khiến Ukraine chưa nhận được tên lửa này. Thứ nhất, họ thiếu các nền tảng để phóng Harpoon từ bờ biển – đây là một vấn đề thách thức về mặt kỹ thuật, theo một số quan chức – bởi đây là loại tên lửa chủ yếu được lắp đặt trên các nền tảng trên biển. 2 quan chức của Mỹ cho hay, nước này đang gấp rút làm việc để tìm ra giải pháp, trong đó có việc dỡ một dàn phóng khỏi một tàu Mỹ để cung cấp cho Ukraine. Cả hai loại tên lửa trên đều có giá 1,5 triệu USD mỗi trái, theo các chuyên gia quân sự.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Hải quân Nga hiện đang duy trì 20 chiến hạm, bao gồm nhiều tàu ngầm, trên vùng hoạt động Biển Đen.
Bryan Clark, một chuyên gia về hải quân đến từ Viện Hudson, cho hay có 12 – 24 tên lửa giống như Harpoon có tầm bắn trên 100 km được cho là đủ sức đe dọa chiến hạm Nga và có thể khiến Moscow phải dỡ bỏ rào cản trên Biển Đen.
“Nếu ông Putin không chịu, Ukraine có thể tấn công các chiến hạm lớn nhất của Nga, bởi chúng không có nơi nào để trốn trên Biển Đen” – ông Clark nói.
Nga trước đó đã chịu tổn thất đáng kể trên biển, đáng chú ý là vụ chìm soái hạm Moskva, con tàu biểu tượng trong Hạm đội Biển Đen.
Một số quốc gia được cho là sẵn sàng cung cấp tên lửa Harpoon cho Ukraine, theo các quan chức Mỹ và một số nguồn tin Quốc hội. Nhưng không bên nào muốn là bên đầu tiên hay bên duy nhất làm như vậy, bởi lo sợ đòn trả đũa của Nga một khi chiến hạm của nước này bị chìm do tên lửa Harpoon mà họ cung cấp.
Một quan chức Mỹ cho hay, hiện đang có một quốc gia muốn trở thành bên đầu tiên cung cấp Harpoon cho Ukraine. Một khi quốc gia này quyết định như vậy, các nước khác cũng có thể theo sau.
Tên lửa NSM của Mỹ (Ảnh: Naval Post) |
Tên lửa NSM, trong khi đó, có thể được phóng từ bờ biển của Ukraine và có tầm bắn 250 km. Chỉ mất khoảng 14 ngày để huấn luyện binh sĩ sử dụng tên lửa này.
Một số nguồn tin cho hay, NSM được xem là dễ dàng cung cấp cho Ukraine hơn so với Harpoon xét về mặt hậu cần, bởi các đồng minh NATO có thể cho Ukraine mượn dàn phóng sẵn có, trong khi các đầu đạn sẽ do Na Uy cung cấp.
Có 2 quan chức Mỹ cho hay nước này đang cố gắng tìm ra giải pháp để Ukraine nhận được NSM cùng dàn phóng từ các nước đồng minh châu Âu.
Một lựa chọn khác là, Na Uy sẽ cung cấp NSM cho Ukraine, đây là ý tưởng được các thành viên trong Quốc hội Na Uy ủng hộ. Bộ Quốc Phòng Na Uy từ chối bình luận về việc cung cấp vũ khí và thiết bị quốc phòng cho Ukraine.
Mọi đề nghị cung cấp tên lửa Harpoon và NSM cho Ukraine đều cần có sự phê chuẩn của Bộ Ngoại giao Mỹ, và cơ quan này cũng cần hướng dẫn từ Nhà Trắng.
Một loại vũ khí khác cũng nằm trong danh sách đi xin của Ukraine là các hệ thống phóng tên lửa đa nòng (MLRS) như M270 của hãng Lockheed Martin, có thể tấn công một mục tiêu từ khoảng cách hơn 70 km.
Một số quan chức Mỹ cho hay, M270 hoặc một hệ thống tương tự như M142 HIMARS có thể được xem xét cung cấp cho Ukraine, một khi Quốc hội phê chuẩn gói viện trợ quân sự 40 tỉ USD cho nước này.
Theo Reuters, SCMP