Hệ thống này đã xuất hiện trong triển lãm Dimdex 2022 tổ chức tại Doha, Qatar. Hệ thống Bavar được phát triển từ đầu những năm 2010 sau khi Nga đóng băng một hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không tầm xa S-300PMU-1 cho Iran, một trong số những thương vụ vũ khí lớn giữa Nga và Iran bị cản trở bởi sức ép từ phương Tây. Iran đã nhanh chóng bắt tay vào việc phát triển một hệ thống trong nước để thay thế, dựa trên công nghệ của hệ thống S-200 có từ thời Liên Xô mà họ đã mua từ trước.
Việc Nga ngừng thương vụ bán hệ thống phòng không cho Iran diễn ra ngay giữa lúc mà phương Tây đang thực sự cân nhắc về những lựa chọn tấn công Iran, trong đó có lựa chọn không kích nhằm vào các địa điểm hạt nhân và các cơ sở quân sự của Iran.
Hệ thống Bavar-373 được tin là biên chế vào khoảng năm 2017, mặc dù không thể so bì với S-300 nhưng nó vẫn là một hệ thống khá có tiềm năng và có thể được sản xuất trong nước với chi phí thấp hơn nhiều. Hệ thống này được hỗ trợ bởi các hệ thống S-300 mà sau này Nga cũng cung cấp cho Iran – cụ thể là biến thể S-300PMU-2 – cùng với hệ thống Khordad 15 chế tạo trong nước có tầm bắn xa và độ cơ động cao. Ngoài ra, Iran vẫn tiếp tục nâng cấp các hệ thống S-200 của họ và hiện đang là nước sở hữu nhiều nhất hệ thống này.
Hệ thống S-300PMU2 mà Iran mua của Nga (Ảnh: MW) |
Hình ảnh tại triển lãm Dimdex 2022 cho thấy mỗi đơn vị Bavar-373 phiên bản xuất khẩu bao gồm 6 cụm phóng di động, mỗi cụm chứa 4 tên lửa, cùng với một trạm điều khiển, hệ thống radar tìm kiếm và radar theo dõi. Nó có tầm phát hiện mục tiêu khoảng 260 km, theo dõi được 300 mục tiêu cùng lúc và có thể tấn công 6 mục tiêu cùng lúc. Các tên lửa của hệ thống này có thể khóa mục tiêu ở khoảng cách 200 km, độ cao 27 km.
Bavar-373 được cho là sẽ bị các hệ thống phòng không hiện đại hơn cạnh tranh dữ dội, như hệ thống S-400 của Nga và HQ-9B của Trung Quốc, Patriot của Mỹ. Hệ thống của Iran dự kiến sẽ nhắm tới những thị trường ít phát triển hơn, có thể là châu Phi hoặc Mỹ Latin – những khu vực không đủ chi phí để mua các hệ thống hiện đại hơn của Nga, Trung Quốc – và có khả năng là cả Syria, nơi mà các hệ thống phòng thủ của Iran đã được triển khai.
Mặc dù Đạo luật Chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA) đe dọa trừng phạt những nước mua vũ khí của Nga, Iran hay Triều Tiên – điều này khiến mẫu HQ-9 của Trung Quốc có lợi thế - nhưng trên thực tế LHQ chỉ có lệnh cấm vũ khí đối với Triều Tiên chứ không có đối với Iran, điều này giúp hệ thống của Iran có lợi thế hơn so với hệ thống của Triều Tiên.
So sánh Bavar-373 với hệ thống đắt hàng nhất hiện nay là S-400 của Nga, thì hệ thống này có tầm phát hiện mục tiêu chưa bằng một nửa (260 km so với 600 km), tầm bắn bằng một nửa (200 km so với 400 km), khóa được số lượng nhỏ mục tiêu cùng lúc (6 so với 80), và có tầm bắn ở độ cao ít hơn (27 km so với 30 km). Bavar-373 được lắp đặt ít bộ cảm biến hơn và xét tổng thể là có độ hiệu quả thấp hơn so với S-400. Điều này buộc Iran phải lấy giá cả làm lợi thế cạnh tranh nếu so với các hệ thống khác.
Theo Military Watch