Quân đội Nga dùng khinh khí cầu để tiến hành “chiến tranh tiêu hao” lực lượng phòng không Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Người xưa có câu “Binh bất yếm trá”; trên chiến trường Ukraine, quân Nga đã vận dụng mưu kế để đánh lừa, tiêu hao các tên lửa đắt tiền mà phương Tây viện trợ.
Khí cầu Nga mang tấm sắt hình Kim tự tháp bay vào vùng trời Ukraine (Ảnh: QQ).
Khí cầu Nga mang tấm sắt hình Kim tự tháp bay vào vùng trời Ukraine (Ảnh: QQ).

Một quả khinh khí cầu xuất hiện trên vùng trời nước Mỹ vừa qua đã khiến quan hệ Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng, đồng thời cũng khiến nhiều quốc gia nhìn thấy năng lượng khổng lồ chứa trong một quả bóng khí nhẹ. Nhưng ít người biết gần đây, Nga cũng tham gia "cuộc chiến khinh khí cầu" này, và mục tiêu mà họ nhắm tới đương nhiên là Ukraine.

Theo tờ Eurasia Times ngày 14/2, Không quân Ukraine đã công bố thông tin cho thấy kể từ khi xảy ra vụ tranh chấp Trung-Mỹ về sự cố khinh khí cầu, phía Nga rõ ràng đã "noi gương" và bắt đầu "xâm phạm" không phận Ukraine bằng khinh khí cầu.

Binh sĩ Nga thao tác bơm khí vào khinh khí cầu (Ảnh: QQ).

Binh sĩ Nga thao tác bơm khí vào khinh khí cầu (Ảnh: QQ).

Đại tá Không quân Ukraine Ignat nói, kể từ ngày 4/2, quân đội Ukraine đã phát hiện nhiều vụ khinh khí cầu quân sự Nga "xâm phạm" vùng trời Ukraine. Ban đầu, phía Ukraine nghĩ rằng đó là khinh khí cầu giám sát biên giới của Nga bị mất kiểm soát nên vượt qua biên giới, nhưng khi các vụ "xâm phạm" diễn ra thường xuyên hơn, họ đã phát hiện ra rằng đây là một "trận chiến khinh khí cầu" có tổ chức của quân đội Nga.

Nhưng điều then chốt nhất là người Nga đã treo thứ gì lên những quả khinh khí cầu này? Một quả bom hàng không uy lực mạnh mẽ? Thiết bị tình báo theo dõi Ukraine? Hay là loại “vũ khí mới” nào của Nga? Câu trả lời là: đều không phải.

Binh sĩ Nga thả khí cầu lên không trung (Ảnh: QQ).

Binh sĩ Nga thả khí cầu lên không trung (Ảnh: QQ).

Người Ukraine phát hiện ra rằng, mặc dù số lượng những quả khí cầu này của quân đội Nga bay sang Ukraine rất nhiều, nhưng chúng không được trang bị vũ khí sát thương mà chỉ treo bằng một thiết bị hình kim tự tháp được hàn bằng các tấm sắt - đương nhiên là không có "thiết bị giám sát" nào trên đó. Nhìn từ xa, nó giống như một tấm sắt lớn.

Tuy nhiên đừng coi thường thứ này, kỳ thực đây là một "thiết bị phản xạ" được quân đội Nga sử dụng từ lâu. Tác dụng lớn nhất của nó là tạo ra tín hiệu phản xạ radar cực lớn, khiến nó trông giống như một chiếc máy bay không người lái cỡ lớn hoặc máy bay trực thăng trên màn hình radar. Điều này có thể gây nhầm lẫn lớn cho các lực lượng phòng không Ukraine.

Tấm sắt hình Kim tự tháp được treo bên dưới khí cầu của Nga (Ảnh: QQ).

Tấm sắt hình Kim tự tháp được treo bên dưới khí cầu của Nga (Ảnh: QQ).

Chiến thuật này của quân đội Nga thực sự khá cao tay - những mục tiêu lớn chi phí thấp bao gồm bóng bay rẻ tiền và tấm sắt phản xạ này có thể khiến các hệ thống phòng không Ukraine phải mở máy để đối phó, và điều này mang lại cho quân đội Nga cơ hội để những máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa chống bức xạ KH-31 có thể được sử dụng để phá hủy các trận địa phòng không này một cách chính xác và trực tiếp từng điểm từ khoảng cách ngoài 100 km, nhằm giành ưu thế trên không cho các hoạt động tiếp theo của quân đội Nga.

Hơn nữa, ngay cả khi Nga không tấn công bằng tên lửa chống bức xạ, số lớn khí cầu này của Nga cũng đủ khiến lực lượng phòng không Ukraine “phóng đến phá sản”. Người ta đều biết, máy bay không người lái và trực thăng Nga đã gây ra nhiều thương vong cho quân đội Ukraine, quân đội Ukraine phải bắn hạ tất cả nếu phát hiện thấy mới tránh được nguy cơ bị tấn công.

Tuy nhiên, số lượng tên lửa phòng không mà Mỹ và các đồng minh trong NATO cung cấp cho Ukraine là có hạn, và bản thân Ukraine cũng không có nhiều tên lửa phòng không để phóng liên tục. Đó rõ ràng là vấn đề khó tháo gỡ của Kiev. Nếu phóng thì phần lớn các trận địa radar và tên lửa phòng không sẽ rất lãng phí; nhưng nếu không phóng, không may giữa những quả khí cầu này lại có một hai chiếc máy bay không người lái lẫn vào, đánh trúng các cơ sở trọng điểm của quân đội Ukraine, thì tổn thất sẽ rất lớn.

Hơn nữa, kho khí cầu quân sự của Nga khá dồi dào, bởi vì dù là khí cầu khí tượng AN-S1 hay là AN-VM đều là các sản phẩm rẻ tiền từ thời Liên Xô, chỉ cần một vài xe bơm hơi hỗ trợ và xe hậu cần là có thể bay trên không trung được từ 7-12 ngày.

Hệ thống NASAMS của Mỹ viện trợ cho Ukraine (Ảnh: QQ).

Hệ thống NASAMS của Mỹ viện trợ cho Ukraine (Ảnh: QQ).

Có người cho rằng giá của những quả bóng bay này, cộng với chi phí bơm hơi, giá tối đa không quá vài nghìn USD. Trong khi đó hệ thống phòng không NASAMS của Mỹ viện trợ cho Ukraine, một tên lửa đánh chặn có giá hơn 1,2 triệu USD. Nếu Nga tiến hành "trận chiến khinh khí cầu" này dài ngày, đừng nói tên lửa của Ukraine không đủ dùng, mà người Mỹ toàn lực ủng hộ Ukraine cũng phải trả giá đắt.

Chiêu thức này của Nga rõ ràng là rất cao tay; thực tế, tình thế này dường như rất nan giải đối với phía Ukraine, bởi sẽ không có đơn vị nào dám mạo hiểm bỏ mặc các mục tiêu trên không của Nga. Không ai có thể phủ nhận rằng, điều này sẽ càng làm gia tăng áp lực lên lực lượng phòng không của quân đội Ukraine và viện trợ của phương Tây, Nga sẽ càng có ưu thế lớn hơn trong “cuộc chiến tiêu hao” này…