Quân đội Mỹ phát triển vũ khí vi sóng khắc chế chiến thuật “bầy ong máy bay không người lái”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Máy bay không người lái cỡ nhỏ, giá rẻ hiện là mối đe dọa rõ ràng trên chiến trường trong kỉ nguyên mới và đang được thể hiện rõ ràng trong cuộc chiến ở Ukraine. Các bên tham chiến đều tìm cách khắc chế chúng.
Sơ đồ mô tả hệ thống "Leonidas" bắn hạ bầy đàn máy bay không người lái cỡ nhỏ (Ảnh: LDES).
Sơ đồ mô tả hệ thống "Leonidas" bắn hạ bầy đàn máy bay không người lái cỡ nhỏ (Ảnh: LDES).

Các phương thức chống lại máy bay không người lái cỡ nhỏ mà cả hai bên tham chiến Nga và Ukraine hiện đang sử dụng rõ ràng là không đủ. Hầu hết các máy bay không người lái cỡ nhỏ, giá rẻ bị rơi hiện nay đều do tên lửa, pháo phòng không và súng máy trực tiếp bắn hạ, điều này rõ ràng là không hiệu quả về mặt chi phí. Lục quân Mỹ mới đây đã trao cho Công ty Eprius một hợp đồng trị giá 66,1 triệu USD để phát triển hệ thống vũ khí vi sóng, có tên là "Leonidas"; hệ thống "Leonidas" có thể phát ra những chùm vi sóng công suất cao để nhanh chóng bắn hạ hàng loạt máy bay không người lái.

Hệ thống Leonidas triển khai cố định (Ảnh: New Atlas).

Hệ thống Leonidas triển khai cố định (Ảnh: New Atlas).

Theo trang tin New Atlas, để đối phó với mối đe dọa từ máy bay không người lái cỡ nhỏ, trong khoảng 10 năm qua, người ta đã nghĩ ra nhiều phương pháp khác nhau, gần như đủ mọi cách, chẳng hạn như thuần hóa chim ưng để chúng dùng chân quặp “bắt” máy bay không người lái, nhưng hiệu quả không tốt, móng vuốt chim ưng rất dễ bị tổn thương. Sau đó là sử dụng các thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến hoặc sử dụng máy bay không người lái để hạ máy bay không người lái của đối phương theo kiểu “tung lưới bắt cá”. Hầu hết các phương pháp này chỉ giải quyết được một số lượng nhỏ máy bay không người lái và đó không phải là loại máy bay không người lái được trang bị vũ khí quân sự nguy hiểm.

Đối mặt với máy bay không người lái cỡ nhỏ kiểu vũ khí quân sự, ý tưởng của người Mỹ là sử dụng vũ khí năng lượng định hướng, bao gồm tia laser và vi sóng, sử dụng nhiệt độ cao để đốt cháy máy bay không người lái, giá thành chỉ tốn một ít điện năng.

Hệ thống Leonidas di động trên xe bọc thép (Ảnh: BQZS).

Hệ thống Leonidas di động trên xe bọc thép (Ảnh: BQZS).

Không giống như laser là mục tiêu định hướng đơn lẻ, vi sóng có phạm vi rộng lớn hơn. Đây là kế hoạch do Văn phòng Công nghệ Quan trọng và Khả năng Nhanh của Lục quân Mỹ (The Army Rapid Capabilities and Critical Technologies Office, RCCTO) đề xuất. Hệ thống Vi sóng công suất cao (High-Power Microwave, HPM) "Leonidas" đã được phát triển trong vài năm và hiện người Mỹ đã có kế hoạch biến công nghệ trong phòng thí nghiệm thành nguyên mẫu ứng dụng thực tế.

"Leonidas" thông qua phát ra năng lượng vi sóng để tạo thành mạch xung cường độ cao, phá hủy các thiết bị điện tử trên máy bay không người lái, gây ra sự cố mất kiểm soát để làm chúng bị rơi. Về mặt lý thuyết, nó cũng có hiệu quả chống lại tên lửa hành trình.

Nguyên lý của loại vũ khí này rất đơn giản, nhưng phần phức tạp hơn là tìm ra tần số phù hợp nhất. Quá trình này trước đây khá phức tạp, nhưng giờ đây “Leonidas” sử dụng hệ thống mảng theo từng giai đoạn, giúp việc tái cấu hình thiết bị trở nên rất dễ dàng và chỉ cần một vài người vận hành.

Tất nhiên, sẽ còn mất một thời gian nữa chúng ta mới thấy được các sản phẩm hoàn thiện và nó sẽ cần được thử nghiệm trong thực tế trước khi biết liệu nó có đạt được hiệu quả loại bỏ mối đe dọa từ các máy bay không người lái cỡ nhỏ được sử dụng theo chiến thuật “bầy ong” hay không.

Thử nghiệm sử dụng hệ thống Leonidas bắn hạ UAV cỡ nhỏ

(Nguồn: Chinatimes).

Theo Công ty Epirus, hệ thống “Leonidas” có khả năng nhắm mục tiêu chính xác vào từng máy bay không người lái, tạo thành các bức tường vi sóng để ngăn chặn các bầy đàn máy bay không người lái, che chắn các khu vực cụ thể trên bầu trời hoặc định sắp xếp các tham số để cho phép các máy bay không người lái cùng phe phối hợp hoạt động, đồng thời hạ gục các máy bay không người lái đối phương ở trong cùng một vùng lân cận; cấu ​​trúc mở dễ dàng mở rộng và được thiết kế để duy trì khu vực an toàn, tránh gây hại cho sức khỏe con người.

Ông Ken Bedingfield, Giám đốc điều hành của Epirus cho biết: "Chúng tôi đã quan sát kĩ lưỡng, phân tích thấy rằng các hệ thống phòng không hiện tại không được trang bị để đối phó với mối đe dọa từ các bầy đàn máy bay không người lái tự chủ. "Hợp đồng này với RCCTO mang đến một khía cạnh mới cho cuộc chiến chống lại các hệ thống máy bay không người lái. Hệ thống “Leonidas” của chúng tôi tiết kiệm chi phí, module hóa và có thể nâng cấp. Với việc môi trường đe dọa tiếp tục phát triển, khả năng của chúng tôi cũng không ngừng phát triển, đảm bảo cho Lục quân quân đội Mỹ trong mấy chục năm tới đều có thể có đối sách hiệu quả chống lại các mối đe dọa điện tử cận kề và nằm ngoài tầm nhìn."