- Dư luận đang bất ngờ trước thông tin quy định xe máy phải bật đèn chiếu sáng ban ngày, thực hư việc này thế nào?
- Giữa tháng 12, Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức hội thảo các giải pháp an toàn cho môtô, xe máy, có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế. Hội thảo ghi nhận nhiều đề xuất, trong đó có ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội giao thông Thái Lan, Chủ tịch Ủy ban ATGT châu Âu... bàn về quy định bật đèn chiếu sáng phía trước đối với xe máy. Quy định này đã áp dụng tại Canada, các nước Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ lâu. Hiện có 7/10 nước ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... áp dụng quy định này.
TS Khuất Việt Hùng: "Sử dụng đèn chiếu sáng phía trước giống như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy". |
Ủy ban ATGT Quốc gia không đề xuất xe máy phải sử dụng đèn chiếu sáng ban ngày. Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, chúng ta cam kết thực thi 51 tiêu chuẩn với sản phẩm ôtô, xe máy, trong đó có quy định bật đèn chiếu sáng phía trước. Để thực thi theo lộ trình, các bộ ngành liên quan sẽ cùng chỉnh sửa tiêu chuẩn thiết kế đối với xe máy, trong đó quy định phương tiện phải bật đèn chiếu sáng ban ngày khi hoạt động. Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác dụng, mục đích khi sử dụng thiết bị này.
- Nếu quy định được thực thi, các xe sẽ phải thay đổi như thế nào?
- Tôi thấy nhiều người nhầm lẫn về đèn chiếu sáng phía trước và đèn pha. Khác với đèn pha có mục đích chiếu sáng, đèn chiếu sáng phía trước có tác dụng nâng cao khả năng nhận biết cho phương tiện khác khi tham gia giao thông. Tùy theo thiết kế, xe máy thường có một trong 4 loại chiếu sáng phía trước như đèn nhận biết vị trí phía trước, đèn sương mù, chế độ chiếu sáng ổn định của đèn báo hiệu chuyển hướng trước, đèn riêng để bật ban ngày.
Hiện nay phần lớn xe máy được sản xuất, lưu hành trong nước và xe nhập khẩu được thiết kế có đèn nhận biết vị trí hoặc đèn sương mù. Ngay cả những xe Dream II cũng có thiết kế đèn nhận biết vị trí. Những xe cũ hơn như xe bãi Nhật hay Hàn Quốc thì có đèn sương mù. Tuy nhiên, những đèn này thường được nhà sản xuất hoặc người dùng tắt đi do không sử dụng. Sau khi có quy định cụ thể, người dân chỉ cần đưa xe đến đại lý đấu nối lại hệ thống điện để có thể bật đèn chiếu sáng phía trước ngay khi khởi động.
Với các xe mới, nhà sản xuất sẽ đưa thêm tiêu chuẩn là đèn chiếu sáng tự động bật sáng ngay khi khởi động. Nếu người dân không thực thi bằng cách cố tình chỉnh sửa để không sáng đèn thì sẽ bị xử phạt như lỗi thay đổi thiết kế của xe.
Dòng xe máy lưu thông trên đường vành đai 3 ở Hả Nội. Ảnh: Bá Đô. |
- Ông nhìn nhận khả năng giảm tai nạn giao thông như thế nào trong khi chưa có khảo sát về hiệu quả của quy định này?
- Chúng ta tham khảo ngay kinh nghiệm của nhiều nước, ví dụ ở Bắc Âu tai nạn giao thông giảm 10%; ở Malaysia giảm 29% so với trước đó.
Quy định sử dụng đèn chiếu sáng ngày giống như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Không phải lúc nào tai nạn cũng liên quan đến chấn thương đầu song mũ bảo hiểm là thiết bị bảo vệ cần thiết cho người tham gia giao thông; không phải lúc nào tai nạn cũng liên quan đến tầm nhìn của lái xe song xe máy bật đèn chiếu sáng phía trước là rất cần thiết để phòng tránh, nhất là những khu vực có ánh sáng hạn chế hoặc có phương tiện giao cắt nhau. Chúng tôi kỳ vọng việc áp dụng đèn chiếu sáng phía trước tại Việt Nam sẽ giúp giảm khoảng 10% tai nạn giao thông (giảm từ 500 đến 600 người chết/năm).
Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020, số người chết vì tai nạn giao thông ở mức 5.000 người. Đây là một mong muốn, cũng là nhiệm vụ nặng nề đối với các bộ ngành liên quan về biện pháp làm sao giảm được tai nạn, trong khi ở Việt Nam, tai nạn giao thông do mô tô, xe máy chiếm 70% số người chết và bị thương.
Phần lớn xe máy đã có sẵnđèn định vị, đèn sương mù. |
- Không ít người lo ngại khả năng tăng nhiệt độ môi trường nếu hàng triệu xe máy cùng bật đèn chiếu sáng phía trước, ông lý giải thế nào?
- Tôi thấy nhiệt năng tỏa ra từ đèn chiếu sáng ban ngày rất thấp, còn nhỏ hơn nhiệt của động cơ xe máy tỏa ra. Lượng điện mà đèn tiêu thụ cũng vô cùng nhỏ, không ảnh hưởng đến hoạt động của xe. Nhiều người cho rằng chỉ nên sử dụng ở các nước có sương mù song thực tế các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Singapore đã sử dụng hiệu quả, họ không ngại việc tăng nhiệt độ môi trường mặc dù các nước này có thời tiết còn nắng nóng hơn Việt Nam.
- Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của quy định bật đèn chiếu sáng phía trước khi áp dụng thực tế?
- Chúng ta không bàn đến tính khả thi hay không nữa vì đã là cam kết với thế giới thì sẽ phải thực hiện. Bây giờ nên tính toán về lộ trình thực hiện. Tại hội thảo, một số doanh nghiệp sản xuất xe máy khẳng định, nếu thực thi ngay thì họ cần 2 năm để đấu nối hệ thống cho khoảng 40 triệu xe máy đang lưu hành. Ngoài ra, các nhà sản xuất cần thời gian để điều chỉnh về thiết kế, phụ tùng đèn chiếu sáng ban ngày cho mẫu xe máy mới. Tôi cũng cho rằng cần khoảng 2 năm chuẩn bị, chúng ta mới có thể thực thi quy định này.
Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích của việc bật đèn chiếu sáng phía trước khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn người lưu thông bằng xe máy tự có ý thức bật đèn để phòng tránh tai nạn cho bản thân mình. Cũng giống như quy định đội mũ bảo hiểm, ban đầu người dân sẽ không quen đội, song về sau sẽ sử dụng quen dần.
Theo Vne