Những điểm đáng chú ý trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

VietTimes -- Ngày 6.11 tới đây, tại Mỹ sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, được coi là “trận chiến quyết định” đến tương lai của ông Donald Trump bởi tính chất quan trọng và quy mô lớn của nó. Sẽ có 35 ghế thượng nghị sỹ và toàn bộ 435 hạ nghị sỹ được bầu lại. Ngoài ra, còn có 35 bang bầu lại Thống đốc bang.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này sẽ là cuộc đấu quyết liệt của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nhằm tranh giành quyền kiểm soát ở Thượng và Hạ nghị viện.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này sẽ là cuộc đấu quyết liệt của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nhằm tranh giành quyền kiểm soát ở Thượng và Hạ nghị viện.

Giới bình luận thời sự cho rằng, với việc hiện nay Donald Trump đang lãnh đạo tiến hành cải cách chính trị và xã hội toàn diện nhằm dẫn dắt nước Mỹ quay trở lại truyền thống, đụng chạm đến lợi ích của nhiều thế lực chính trị bảo thủ và các phe phái cánh Tả, nên ông Trump và Đảng Cộng hòa đang hứng chịu những phản kích mạnh mẽ từ phía các chính khách và hội đoàn cánh Tả.

Chính vì vậy, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này có tầm quan trọng đối với nước Mỹ và cả cộng đồng quốc tế không kém gì cuộc bầu cử tổng thống 2 năm trước. Cũng vì thế, một số hãng truyền thông phương Tây đã gọi đây là “Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng nhất lịch sử”.

Tờ Epoch Times đã đi sâu phân tích những điểm đáng quan tâm nhất trong cuộc bầu cử này:

Liệu Đảng Cộng hòa có tiếp tục giữ được đa số ghế trong Thượng nghị viện?

Đảng Cộng hòa hiện có 51 ghế trong Thượng nghị viện, trong đó có 9 ghế phải bầu lại; Đảng Dân chủ hiện có 49 ghế (bao gồm cả 2 ghế nghị sỹ không đảng phái), trong đó có tới 26 ghế phải bầu lại. Cuộc chiến tranh giành ghế trong Thượng nghị viện này ẩn chứa sự biến động rất lớn, khó có thể đoán định trước.

Tình hình hiện nay có vẻ lạc quan đối với phe Cộng hòa. Sau hai năm cầm quyền của Donald Trump, chính phủ đã thành công trong việc xốc lại nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, thực hiện giảm thuế trong nước, được đông đảo cử tri ủng hộ, tỷ lệ ủng hộ ông Trump hiện đang ở mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, chỉ số niềm tin tiêu dùng của dân chúng (CCI) cũng ở mức cao nhất trong 18 năm qua.

Vì vậy, hiện nay đa số trong các giới Mỹ cho rằng Đảng Cộng hòa vẫn giữ được quá bán số ghế thượng nghị sỹ để duy trì địa vị đảng đa số, nhưng số ghế cụ thể là bao nhiêu thì chưa thể tính được.

Cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 của Mỹ được truyền thông coi là “Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng nhất lịch sử”.
Cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 của Mỹ được truyền thông coi là 

 “Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng nhất lịch sử”.

Đảng Cộng hòa liệu có giữ được địa vị đảng đa số trong Hạ viện?

Hạ nghị viện là chiến trường tranh giành then chốt trong cuộc bầu cử giữa kỳ lần này. Hạ nghị viện Mỹ có 435 ghế nghị sĩ thì Đảng Cộng hòa hiện giữ 235 ghế, Đảng Dân chủ chiếm 193, 7 ghế hiện để trống. Bên nào muốn giành được địa vị đảng đa số thì cần phải giành được ít nhất 218 ghế qua cuộc bầu cử.

Mặc dù hiện nay qua các cuộc thăm dò của các cơ quan truyền thông, tỷ lệ cử tri ủng hộ Đảng Cộng hòa hiện đều tạm thời thấp hơn Đảng Dân chủ, cộng thêm dự báo về hiệu ứng con lắc (Pendulum Effect) của cử tri, nên Đảng Dân chủ đã rêu rao lần bầu cử này sẽ xuất hiện “Làn sóng Xanh” (Blue Wave). Nhưng do cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã xảy ra chuyện thăm dò sai lệch nghiêm trọng, cộng thêm tình hình quyết liệt của cuộc bầu cử lần này có thể sẽ thúc đẩy thêm nhiều cử tri đi bỏ phiếu, nên kết quả cuối cùng rất khó nói trước.

Ông Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ nghị viện căn cứ vào tình hình các khu vực bầu cử toàn quốc đưa ra dự đoán, Đảng Cộng hòa có thể giành được ít nhất 204 ghế - số lượng chưa đủ quá bán và nhiều nhất là 229 ghế, giữ được vị thế đảng đa số.

Liệu công cuộc cải cách theo chính sách mới của ông Trump liệu có tiếp diễn?

Chính sách mới của Donald Trump đã kéo theo sự tăng trưởng toàn diện về kinh tế và lực lượng quân sự của Mỹ, tăng cường trị an xã hội và an ninh biên giới, cải cách phúc lợi và chăm lo quân đội, về đối ngoại tìm cách khôi phục nền mậu dịch công bằng, đối nội đề xướng giá trị truyền thống và tín ngưỡng, nhằm khiến nước Mỹ giành lại được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế.

Thế nhưng, những chính sách cải cách mới đó liệu có được tiếp tục, liệu có “Keep America Great Again” (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) được hay không? Ở mức độ rất lớn được quyết định bởi kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này, đặc biệt là cuộc cạnh tranh quyết liệt tại Hạ nghị viện.

Do Hạ nghị viện không chỉ có quyền lực lập pháp và phủ quyết luật, mà còn có quyền phát động và quyền điều tra để phế truất tổng thống cùng các thành viên nội các. Nếu Đảng Dân chủ giành được số ghế quá bán trở lên ở Hạ nghị viện thì rất có thể họ sẽ cản trở chính phủ Donald Trump thực thi cải cách trong 2 năm tới. Đồng thời, có thể chuyển hướng trọng tâm của quốc hội sang điều tra vụ “bê bối móc ngoặc người Nga” hiện vẫn tìm ra bất cứ chứng cứ gì và tìm cơ hội để bãi nhiệm ông Trump. Trong bối cảnh đó, chính phủ Donald Trump rất có thể sẽ bị vướng bận bởi cuộc đấu đá chính trị trong quốc hội, việc thực thi chính sách và cải cách sẽ bị kìm hãm.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi là “kỳ thi giữa kỳ” của ông Trump và là phong vũ biểu cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi là “kỳ thi giữa kỳ” của ông Trump và là phong vũ biểu cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Xã hội Mỹ sẽ ngả sang phía Tả hay phía Hữu?

Trước khi ông Trump lên nắm quyền, chính trường và xã hội Mỹ được cho là lâm vào “nguy cơ Tả khuynh”, chính sách và tư duy theo hướng xã hội khá phổ biến, theo đuổi “chính trị chính xác” (political correctness) lấn át xây dựng kinh tế và cải thiện dân sinh, quốc lực và sức mạnh quân sự Mỹ liên tục giảm sút, lâm vào nguy cơ suy yếu.

Donald Trump vừa lên đã thúc đẩy cải cách “chống Tả”, không những bãi bỏ quản chế, khôi phục kinh tế thị trường truyền thống, ra sức đề xướng giá trị truyền thống, phản đối “chính trị chính xác” và dẫn dắt hệ thống tư pháp quay trở lại đường lối bảo thủ, chấn hưng sức mạnh nước Mỹ, đưa Mỹ quay trở lại xu hướng Hữu. Tuy nhiên, đường hướng cải cách quay về nếp cũ đó liệu đi xa được đến đâu có liên quan đến việc quốc hội Mỹ trong tương lai có tiếp tục lập pháp ủng hộ ông Trump hay không.

Nếu Đảng Cộng hòa vẫn giữ được địa vị đảng đa số tại cả Thượng, Hạ nghị viện thì xã hội Mỹ có thể trông chờ vào chính phủ Donald Trump tiếp tục giữ được giá trị truyền thống và di sản chính trị của những vị tiền bối lập quốc, dẫn dắt nước Mỹ hướng tới thời kỳ hùng mạnh mới kể từ sau thời Ronald Reagan; còn nếu Đảng Dân chủ nắm được địa vị đảng đa số trong quốc hội thì chính sách mới của ông Trump không dễ gì giành được sự ủng hộ của quốc hội.

Ông Donald Trump liệu có tiếp tục liên nhiệm trong cuộc bầu cử 2020?

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi là “kỳ thi giữa kỳ” của ông Trump và là phong vũ biểu cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Nếu Đảng Cộng hòa tiếp tục giành được địa vị đảng đa số ở cả Thượng và Hạ nghị viện, có nghĩa là việc Donald Trump cầm quyền được đa số dân chúng Mỹ chấp nhận, con đường liên nhiệm của ông có thể nói rất rộng mở.

Nếu Đảng Cộng hòa không nắm được Hạ nghị viện, trong tình hình Đảng Dân chủ vẫn chưa chọn ra được một gương mặt ứng cử viên sáng giá hiện nay, ông vẫn có cơ hội liên nhiệm cao. Dù cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg đúng là người được Đảng Dân chủ đưa ra tranh cử, thì những thành tích chính trị tốt, năng lực đàm phán đối ngoại xuất sắc cùng khả năng của Donald Trump trong việc chống khủng bố và giữ an ninh quốc gia có lẽ sẽ vẫn khiến ông được liên nhiệm.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này có thể sẽ cao nhất trong lịch sử.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này có thể sẽ cao nhất trong lịch sử.

Cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung liệu có thay đổi?

Mặc dù hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đã đàm thoại với nhau tối hôm 1.11, hai bên đã gửi đi tín hiệu cho thấy cuộc chiến mậu dịch bắt đầu hạ nhiệt. Thái độ của Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển từ kiên quyết không nhượng bộ, ngoan cường đối kháng sang ôn hòa và hiểu biết, hàn gắn quan hệ; nhưng liệu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tiếp tục xu hướng hòa giải và đi đến chỗ chấm dứt hay không thì còn phải chờ xem.

Đặc biệt là kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ, nếu Đảng Cộng hòa chiến thắng, có nghĩa là đa số người Mỹ ủng hộ chính sách của ông Trump, sẽ tăng thêm nhiều vốn liếng chính trị để ông đối kháng với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ càng khó có thể “đánh lâu dài”.

Nếu Đảng Dân chủ nắm được Hạ nghị viện, đem lại mối lo cản trở ông Trump thì Trung Quốc có thể sẽ thay đổi thái độ mềm hóa hiện nay, tính toán ý đồ khác.

Liệu Mỹ có tiếp tục truy kích Trung Quốc?

Từ đầu năm nay, chính phủ Donald Trump đã thay đổi toàn diện sách lược “bình tĩnh” đối với Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm. Chuyển trọng tâm kiềm chế kẻ thù sang Trung Quốc. Ông Trump không những phát động chiến tranh thương mại để gây sức ép với Trung Quốc, yêu cầu họ khôi phục mậu dịch công bằng, từ bỏ việc lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển nhượng công nghệ. Chính phủ, quốc hội và các tổ chức nghiên cứu còn lần lượt đưa ra nhiều báo cáo, cáo buộc Trung Quốc thực hiện chính sách lôi kéo, cài cắm gián điệp, thu mua kinh tế, thậm chí lật đổ trên toàn thế giới.

Nếu Đảng Cộng hòa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử giữa kỳ thì cơn sóng chống Trung Quốc đó có thể tiếp diễn. Nhưng nếu Đảng Dân chủ chiến thắng, trong thời gian ngắn sẽ vẫn thuận thế tiếp tục "thảo phạt" Trung Quốc. Nhưng về lâu dài, liệu họ có tiếp tục ủng hộ, thậm chí mở rộng hoạt động phản kích Trung Quốc hay không thì còn phải chờ xem.

Ông Donald Trump tất bật đi khắp các nơi để tuyên truyền vận động bầu cử cho các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa.
Ông Donald Trump tất bật đi khắp các nơi để tuyên truyền vận động bầu cử cho các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa.

Liệu các cuộc thăm dò dân ý có một lần nữa không chính xác?

Nhìn vào kết quả các cuộc điều tra, thăm dò về cuộc bầu cử giữa kỳ lần này thì hầu như đều thể hiện Đảng Dân chủ dẫn điểm, nhưng mức chênh lệch giữa hai đảng có xu hướng dần thu hẹp lại.

Về cục diện, có vẻ giống như tình hình cuộc bầu cử tổng thống 2 năm trước. Khi đó báo chí thăm dò hầu như đều nhất trí dự đoán bà Hillary Clinton sẽ thắng cử. Nhưng kết quả cuối cùng khiến người ta ngỡ ngàng và trở thành một bài học sâu sắc trong lịch sử chính trị nước Mỹ.

Căn cứ vào số liệu các đợt bầu cử trước (early voting) và bầu cử vắng mặt (absentee voting) thì có ít nhất 17 bang số người đi bỏ phiếu sẽ nhiều hơn các năm 2014 và 2016. Tỷ lệ cử tri của hai đảng đi bỏ phiếu cũng khá cao, ngoài việc thể hiện việc tuyên truyền động viên trước bầu cử khá thành công, cũng phản ánh tầm quan trọng và mức độ quyết liệt của cuộc chiến bầu cử lần này.

Cả báo chí và các chuyên gia đều dự đoán, tỷ lệ đi bầu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay sẽ cao nhất trong lịch sử. Nếu tỷ lệ đi bầu cao, cộng thêm tình hình hàng vạn người di cư Trung Mỹ đang áp sát biên giới Mỹ, có lẽ sẽ càng thôi thúc thêm nhiều cử tri đi bỏ phiếu để thể hiện lập trường. Trong tình hình đó, sẽ không loại trừ xuất hiện sự thay đổi tình hình ngoài dự báo của các cuộc thăm dò ý kiến.

Chính sách của ông Trump liệu có mở rộng ảnh hưởng ra thế giới?

Điểm đáng chú ý nữa trong cuộc bầu cử giữa kỳ lần này đương nhiên là Donald Trump. Vì nó, vị tổng thống 72 tuổi này đã dốc hết sức lực. Mấy tháng gần đây, ông bôn ba từ Đông sang Tây trên khắp nước Mỹ, dốc sức giới thiệu với các cử tri những người “chí đồng đạo hợp” với mình. Chỉ trong 6 ngày gần đây ông đã liên tục tới 6 bang để vận động tranh cử cho Đảng Cộng hòa.

“Tuy tên tôi không có trên phiếu bầu, nhưng thực ra là có, vì đây là một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về tôi”. Để khuyến khích cử tri coi trọng tầm quan trọng của cuộc bầu cử quốc hội lần này, ông Trump đã cho cử tri biết bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa tức là bỏ phiếu cho ông, dùng sinh mạng chính trị của mình để đánh cược cho Đảng Cộng hòa.

Nếu Đảng Cộng hòa thuận lợi nắm được cả lưỡng viện thì ảnh hưởng của ông Trump đối với Đảng Cộng hòa, với chính trường Mỹ sẽ được nâng cao. Và sẽ khiến nhiều chính khách Mỹ, thậm chí người nước ngoài noi theo quan niệm chính trị và tác phong của Donald Trump, dẫn dắt xã hội xa rời xu hướng Tả, quay về truyền thống.

Còn nếu Đảng Dân chủ giành chiến thắng thì ông Trump – người xưa nay “quyết không từ bỏ” sắp tới sẽ giữ chữ tín thế nào, tiếp tục thực hiện những cam kết của ông trước cử tri ra sao? cũng sẽ trở thành tiêu điểm chú ý.