Nguồn tiền nào để xử lý nợ xấu?

Theo TS Cấn Văn Lực, hiện có bốn nguồn tiền xử lý nợ xấu. Thứ nhất là ngân sách nhà nước với trị giá khoảng 2.000 tỉ đồng. Thứ hai là nguồn phát hành trái phiếu. Thứ ba, lấy “mỡ nó rán nó”, nợ xấu mua về để quay vòng vốn.
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tính đến nay (nguồn: NHNN)
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tính đến nay (nguồn: NHNN)

 Thứ tư là dùng phương pháp tận thu, bán tài sản đảm bảo, tái cơ cấu và thu lãi, xử lý khoản nợ còn lại.

TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế tài chính ngân hàng đề xuất về việc các tổ chức tín dụng (TCTD) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có cơ chế chia sẻ khoản chênh lệch giá mua và giá bán khoản nợ xấu để tạo động lực cho các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Theo TS Cấn Văn Lực, hiện có bốn nguồn tiền xử lý nợ xấu. Thứ nhất là ngân sách nhà nước với trị giá khoảng 2.000 tỉ đồng. Thứ hai là nguồn phát hành trái phiếu. Thứ ba, lấy “mỡ nó rán nó”, nợ xấu mua về để quay vòng vốn. Thứ tư là dùng phương pháp tận thu, bán tài sản đảm bảo, tái cơ cấu và thu lãi, xử lý khoản nợ còn lại”.

Cần tư duy bán nợ theo thị trường

Tính đến hết ngày 30.9.2015, nợ xấu đã đưa về dưới mức 3% theo đúng kế hoạch đề ra. Theo đó, Cty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã xử lý được hơn 13 nghìn tỉ đồng (khoảng 6,3% tổng nợ xấu đã được mua). Tuy nhiên, TS Lực băn khoăn về việc nên có cơ chế chia sẻ khoản chênh lệch giữa giá mua nợ xấu và giá bán “Chúng ta cần tư duy thị trường hơn, lỗ cùng chịu, lãi cùng chia. Nếu mua nợ 70 đồng, bán được 75 đồng thì 5 đồng lãi kia cùng chia. Tương tự như vậy với các khoản lỗ. Đấy mới là cơ chế thị trường và là động lực cho các TCTD ”.

Để tận dụng mọi nguồn lực, nên khuyến khích nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu và xử ly nợ xấu.

Còn nếu để việc xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường và các TCTD phải gánh 100% khoản lỗ rủi ro thì sẽ xảy ra trường hợp các TCTD sẽ thiếu động lực khi bán nợ cho VAMC; Việc đạt được sự đồng thuận của TCTD và VAMC về giá bán cũng gặp khó khăn. Ví dụ, khi VAMC bán tài sản với giá 50 đồng, nhưng TCTD lại không đồng ý vì bị lỗ 20 đồng so với giá mua. Bên cạnh đó, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn trích lập dự phòng rủi ro, thời gian để các TCTD trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và có thể kéo dài từ 5 – 10 năm (tùy theo chấp thuận của VAMC). Vậy 10 năm sau mới xử lý được nợ xấu. Mà thực tế, nợ càng để lâu thì việc xử lý càng tốn kém và gây tắc nghẽn tín dụng.

Mới đây, Thông tư 14/2015/TT – NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC được NHNN ban hành đã giúp VAMC có thêm lựa chọn và lợi ích mới trong xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính – tiền tệ, điều cần thiết và cấp bách hơn là cần có một thị trường mua – bán nợ để có thể giải quyết được tận gốc nợ xấu ngành ngân hàng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, Thông tư 14 của NHNN về cách xử lý nợ xấu của VAMC đã cụ thể hóa Nghị định 34/CP của Chính phủ, trong đó, VAMC từ nay có thể mua nợ xấu bằng giá thị trường, từ đó phát hành trái phiếu bên cạnh trái phiếu đặc biệt trước đó.

Cơ chế này tuy đã tháo gỡ một số vấn đề qua việc xử lý nợ của VAMC, nhưng theo TS Hiếu, vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu của thị trường. Bởi hiện nay, Thông tư 14 vẫn chưa đưa ra cơ sở để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, đồng thời các quy định khác chưa trao cho chủ nợ mới quyền lực cần thiết để xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo như tại các nước tiên tiến.

TS Lực đề cập xử lý nợ xấu bằng trái phiếu. Tuy nhiên, Thông tư 14 cho phép các TCTD phát hành trái phiếu để trả cho các khoản nợ xấu mua từ các TCTD, nhưng trái phiếu này chưa được giao dịch một cách rộng rãi trên TTCK mà chỉ được chuyển nhượng giữa các TCTD và giao dịch với các ngân hàng để tái cấp vốn. Trái phiếu theo cơ chế Thông tư 14 vẫn chưa thể hoán đổi ra tiền mặt một cách nhanh chóng và vì thế chưa có tính thanh khoản cao. Vì vậy, dù việc xử lý nợ xấu cán đích về dưới mức 3%, nhưng để thực hiện một cách hiệu quả hơn, việc thay đổi quy định pháp luật liên quan đến quyền của chủ nợ và thanh lý tài sản bảo đảm là điều đang được xem cần thiết, cấp bách…

Gắn tái cơ cấu ngân hàng với 4 lĩnh vực

Có thể nói, công cuộc tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2012-2015 đã đạt được những thành công nhất định. Hàng loạt các TCTD yếu kém bị sáp nhập hoặc bị mua lại, trong đó NHNN đã mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng. Nợ xấu toàn hệ thống dần được đưa về dưới mức 3% theo đúng kế hoạch đề ra. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo.

Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu không để xảy ra tình trạng đổ vỡ hệ thống ngân hàng, người dân tin tưởng tuyệt đối vào đề án tái cơ cấu các TCTD của NHNN nên đã không xảy ra tình trạng ồ ạt đi rút tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, để tái cơ cấu các TCTD thực sự triệt để trong giai đoạn tiếp theo, cần thực hiện cùng lúc với việc tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công, và tái cơ cấu nông nghiệp.

Trong 4 lĩnh vực kể trên, theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã đạt kết quả cụ thể và được đánh giá là thành công hơn, tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh việc thực hiện đồng thời với những mục tiêu tái cơ cấu trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng để tái cơ cấu các TCTD thực sự hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên: Chính phủ, NHNN, và các TCTD. Đối với Chính phủ, cần phải đặt tái cơ cấu các TCTD trong tổng thể tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, bao gồm các trụ cột khác như tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu nông nghiệp.

Chính phủ cần chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, xử lý nợ xấu, giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, tăng vốn điều lệ các ngân hàng thương mại nhà nước theo đúng lộ trình, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá gồm thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng… Bên cạnh đó, phải kiên quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua cải cách thuế, hải quan, thủ tục hành chính…Chỉ đạo phối hợp chính sách, nhất là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hiệu quả hơn.

Chính phủ cũng cần chỉ đạo phát triển cân bằng thị trường tài chính, thúc đẩy phát triển thị trường vốn, quỹ đầu tư mạo hiểm để tạo thêm kênh huy động vốn, giảm tải hệ thống TCTD.

Xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2016 – 2020, tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; định hướng, hỗ trợ hệ thống các tổ chức tín dụng hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện tốt cam kết mở cửa hệ thống tài chính – ngân hàng.

Đối với vai trò của NHNN, theo nhiều chuyên gia thì NHNN ngoài việc cần sớm hoàn thành dứt điểm tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 1, gắn với việc hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu lại các TCTD, tạo tiền đề cho giai đoạn 2.

Để tận dụng mọi nguồn lực, nên khuyến khích nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu và xử ly nợ xấu. Đồng bộ giải pháp, ổn định tỷ giá, lãi suất, tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô. Định hướng, hỗ trợ tổ chức tín dụng nhiều hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, xử lý vướng mắc trong thanh toán, áp dụng quản lý rủi ro theo chuẩn Basel II đúng lộ trình.

Xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, hướng tới một ngân hàng trung ương độc lập hơn và hiện đại; Tiếp tục kiểm soát chất lượng, hiệu quả tín dụng, đẩy mạnh triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm giảm nợ xấu (dưới 3%), đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới.

Đồng thời xây dựng và thực hiện kế hoạch bán cổ phần cho các nhà đầu tư tài chính, cổ đông chiến lược, minh bạch hóa hoạt động theo thông lệ; tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ tín dụng và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, các sản phẩm dịch vụ cạnh tranh; tăng cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng gồm: đầu tư, tái cơ cấu, quản lý rủi ro, chiến lược kinh doanh, cung cấp thông tin, đào tạo…; nâng cao chất lượng quản trị DN bằng việc áp dụng các thông lệ và chuẩn mực về quản trị DN và quản lý rủi ro theo chuẩn Basel II.

Để tái cơ cấu ngân hàng thực sự thành công, còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi nỗ lực, phối kết hợp của cả hệ thống. Bởi kinh nghiệm cho thấy, tái cơ cấu các TCTD khó thành công nếu tái cơ cấu các lĩnh vực khác chậm, không đồng bộ…

Theo DDDN