“Quốc hội nên có giám sát, ít nhất là có thể thành lập ủy ban lâm thời giám sát toàn bộ việc mua lại ngân hàng giá 0 đồng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) đề nghị tại phiên thảo luận tổ sáng 22/10 của Quốc hội.
Vẫn lo ảnh hưởng ngân sách
Báo cáo về kết quả tái cơ cấu ngân hàng thương mại, Chính phủ cho biết một số ngân hàng yếu kém khác buộc Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành giành quyền kiểm soát thông qua mua lại với giá trị 0 đồng đối với 3 ngân hàng là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Xây dựng.
Đồng ý là khi cấp bách thì phải mua lại, nhưng vấn đề khiến đại biểu Nghĩa băn khoăn là khi mua lại như vậy có những ngân hàng đã âm vốn, nếu mua lại với giá trị 0 đồng thì tức là Nhà nước gánh cái nợ đó, vậy sau này có thu hồi được không, hay sau này dăm ba năm không xử lý được thì ngân sách lại gánh?
Dẫn lời đại biểu Trần Hoàng Ngân rằng hiện nay chưa dùng ngân sách để xử lý, nhưng ông Nghĩa vẫn lo rằng mấy năm nữa không lấy tiền ngân sách thì lấy tiền ở đâu?
“Nếu như thế, đụng tới ngân sách là đụng tới Quốc hội, Quốc hội nên có giám sát, không nên để cho ngân hàng một mình tự quyết định mọi thứ, ít nhất có thể thành lập ủy ban lâm thời giám sát toàn bộ việc mua lại với giá 0 đồng này”, ông Nghĩa đề nghị.
“Khi nào thì anh mua, ngân hàng như thế nào thì anh mua, ít nhất là Quốc hội phải giám sát được”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Nghĩa cũng phản ánh, “có những chuyên gia đề nghị ngân hàng yếu kém cần phá sản thì cho phá sản”.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội cần giám sát việc mua lại ngân hàng.
Nợ xấu vẫn đáng ngại
Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thì đến tháng 9 /2015 nợ xấu còn 2,9% (tháng 9/2012 là 17,43%). Con số này, theo đại biểu Nghĩa là tuyệt vời, nhưng nếu đưa về VAMC rồi “giam” ở đó thì chưa thể gọi là giảm nợ xấu.
“Chỉ tiêu 2015 là đưa nợ xấu về dưới 3% nên ráng đưa về 2,9% nhưng làm sao ra được con số này thì tôi băn khoăn”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nguyên Chủ tịch Viettinbank đề nghị cần sớm ban hành luật đấu giá tài sản trước khối lượng nợ xấu còn lớn hiện nay.
Vị đại biểu này cũng cho rằng cần tháo gỡ những vướng mắc để tổ chức nước ngoài có thể tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu.
Nhìn nhận quản trị thấp chính là nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng, ông Hùng cho rằng cần nâng cao chức năng thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém, có cơ chế phát triển lành mạnh thị trường vốn, định hướng phân bổ nguồn vốn hợp lý.
Cũng liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng, báo cáo trước Quốc hội về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Chính phủ xác định sẽ tập trung tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của VAMC, tăng cường thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, thao túng, gây hậu quả nghiêm trọng, xử lý nghiêm các sai phạm, bảo đảm an toàn hệ thống.
Theo VnEconomy