Theo tìm hiểu của báo chí, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu nới lỏng kiểm soát đối với 3 ngân hàng đã mua lại bắt buộc với giá 0 đồng vừa qua, khi xét thấy có những chuyển biến trong hoạt động.
Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại và tiếp quản Ngân hàng Xây Dựng (VNCB, nay đổi là CB), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), cả 3 ngân hàng đều không phải vay vốn đặc biệt để chi trả tiền gửi.
Các hoạt động nói chung của 3 ngân hàng trên đến nay đều đã ổn định và cải thiện, đáng chú ý là đã có dư thừa thanh khoản.
Nợ xấu, tài sản không sinh lời của những ngân hàng này bước đầu được xử lý và thu hồi, tiền gửi mới được gia tăng, tình trạng khách hàng rút tiền hàng loạt chấm dứt, quản trị điều hành được củng cố lại.
Riêng về thanh khoản, nguồn dự trữ sẵn có của OceanBank hiện vào khoảng 7.000 tỷ đồng, của GP.Bank khoảng 3.000 tỷ đồng, của CB khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những cơ sở chính để Ngân hàng Nhà nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Trong đó, bước đầu cho tăng trưởng tín dụng trở lại vào một số lĩnh vực an toàn.
Dù bắt đầu nới lỏng, song các ngân hàng trên hiện đã có sự tham gia trực tiếp trong quản trị, điều hành, cũng như chia sẻ và hỗ trợ trong kinh doanh từ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), cùng sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu.
Trước đó, từ tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc CB, OceanBank, GP.Bank với giá 0 đồng, do vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này đã âm lớn và không thể tự khắc phục.
Theo VnEconomy