Mỹ đanh giọng tố Trung Quốc “gây hại cho Mỹ trên mọi mặt“

Quan hệ Mỹ-Trung đã căng thẳng với hàng loạt xung khắc từ chiến tranh thương mại, gián điệp mạng, tự do hàng hải ở Biển Đông nay càng leo thang. Phó tổng thống Mike Pence tố cáo Bắc Kinh phá nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, Lầu Năm góc còn cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc có khả năng phá hoại an ninh Mỹ bằng "con ngựa thành Troy điện tử".
Giới chức Mỹ tiết lộ kế hoạch tập trận rầm rộ suốt một tuần ở Biển Đông và eo biển Đài Loan nhằm cảnh cáo Trung Quốc sau vụ tàu khu trục Trung Quốc cắt mặt chiến hạm Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở khu vực Trường Sa
Giới chức Mỹ tiết lộ kế hoạch tập trận rầm rộ suốt một tuần ở Biển Đông và eo biển Đài Loan nhằm cảnh cáo Trung Quốc sau vụ tàu khu trục Trung Quốc cắt mặt chiến hạm Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở khu vực Trường Sa

Phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Hudson (Washington) ngày 4/10 vừa qua, phó tổng thống Mỹ Mike Pence cực lực đả kích Trung Quốc là đã có một loạt hành động gây hại cho Mỹ, từ mưu toan can thiệp vào cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Mỹ để làm hại chính quyền tổng thống Donald Trump, thủ đoạn ăn cướp về mặt kinh tế thương mại, cho đến hành vi "gây hấn" tại Biển Đông, Biển Hoa Đông với mục tiêu đánh bật Mỹ ra khỏi châu Á.

Trong bài diễn văn, ông Pence khẳng định "Bắc Kinh đang triển khai một chiến dịch toàn diện và có phối hợp nhằm phá hoại sự ủng hộ dành cho tổng thống (Donald Trump)", tác động trên kết quả cuộc bầu cử giữa kì theo hướng bất lợi cho đảng Cộng hòa. Mục tiêu là để trả đũa những chính sách thương mại chống Trung Quốc được chính quyền Donald Trump ban hành.

Đối với phó tổng thống Mỹ, việc Nga can thiệp vào các vấn đề của Mỹ trước đây "vẫn còn mờ nhạt so với việc Trung Quốc làm với Mỹ. Ông Pence đã liệt kê một loạt hành động của Bắc Kinh, tương tự như tổng thống Trump vào tuần trước trên diễn đàn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cũng tố cáo Trung Quốc tìm cách can thiệp vào bầu cử Mỹ 2018, nhưng cả hai đều không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Về các hành vi gây hấn của Trung Quốc nhằm tìm cách đuổi Mỹ ra khỏi châu Á, phó tổng thống Pence đã nói nguyên văn:

"Trung Quốc hiện đang chi vào quân sự một món tiền lớn bằng toàn bộ chi phí của toàn châu Á gộp lại, và Bắc Kinh đã ưu tiên cho việc phát triển các năng lực nhằm bào mòn lợi thế của Mỹ trên bộ, trên biển, trên không và trên không gian. Trung Quốc không muốn gì khác hơn là đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương và cố gắng ngăn cản không cho Mỹ hỗ trợ các đồng minh. Thế nhưng họ sẽ thất bại».

Về Biển Đông, ông Mike Pence tố cáo: «Trung Quốc đang tăng cường việc sử dụng sức mạnh với mức độ chưa từng thấy... Trong lúc chủ tịch Trung Quốc đứng trong Vườn Hồng (Rose Garden) tại Nhà Trắng vào năm 2015 và nói rằng đất nước của ông ấy "không có ý định quân sự hóa" Biển Đông, thì ngày nay, Bắc Kinh đã triển khai tên lửa chống hạm và phòng không tiên tiến tại một loạt căn cứ quân sự được xây trên các đảo nhân tạo».

Một minh chứng cụ thể về hành vi hung hăng của Trung Quốc đã được phó tổng thống Mỹ nêu bật: "Thái độ hung hăng của Trung Quốc vừa bộc lộ trong tuần này, khi một chiến hạm Trung Quốc xông tới cách tàu Mỹ USS Decatur 45 yards (hơn 40 m) khi chiếc này đang tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Điều đó đã buộc tàu Mỹ phải nhanh chóng thao tác để tránh va chạm".

Ông Mike Pence tuyên bố cứng rắn: "Bất chấp hành vi sách nhiễu thô bạo đó, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động hàng không, hàng hải ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và đáp ứng lợi ích quốc gia của Mỹ. Mỹ sẽ không để bị đe dọa và sẽ không lùi bước".

Trong báo cáo dài tới 150 trang công bố ngày 5/10, Bộ Quốc phòng Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng nguy hiểm cho công nghệ vũ khí của Mỹ và đề xuất một loạt biện pháp khắc phục 300 nhược điểm.

Theo Reuters, Mỹ cần phải tăng cường hiệu năng của công nghiệp vũ khí, gia tăng đầu tư trực tiếp vào các lãnh vực chủ chốt theo một kế hoạch cụ thể chưa được tiết lộ. Trái lại, nguy cơ đe dọa của Trung Quốc được phân tích chi ly.

Thứ nhất, Trung Quốc gần như thống lĩnh nguồn cung chất khoáng chất hiếm, thành tố cốt yếu trong vũ khí. Trung Quốc cũng chiếm thị phần quan trọng trong việc cung cấp linh kiện điện tử và hóa chất được sử dụng chế tạo bom đạn trong quân đội Mỹ. Với thế "cầm dao đằng chuôi", không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc là mối hiểm nguy đe dọa an ninh quốc gia, theo nhận định của Lầu Năm góc.

Thứ hai, trong lĩnh vực điện tử, 90% mạch in trên thế giới được sản xuất tại châu Á, mà hơn phân nửa là từ Trung Quốc. Trong xu thế này, đến một lúc, quân đội Mỹ không biết mình đang sử dụng linh kiện của ai và chứa gì trong đó. Từ lâu, Lầu Năm Góc đã nghi ngờ Trung Quốc cài bộ phận "vô hiệu hóa" vận hành trong các linh kiện này. Trong trường hợp xung đột quân sự với Bắc Kinh, chuyện gì sẽ xảy ra với "con ngựa điện tử thành Troy" cài trong hệ thống quốc phòng Mỹ?

Nguy cơ thứ ba, bản báo cáo quy trách nhiệm cho ngành đào tạo khoa học tại Mỹ, phát triển chậm, không tiên liệu đúng và đáp ứng đúng nhu cầu của quân đội.

Một viên chức cao cấp Mỹ ẩn danh đã phác họa nhiều biện pháp không để cho Trung Quốc áp dụng chiến thuật "nội gián điện tử" và "công lương" kiểu mới. Biện pháp đó là tích trữ khoáng sản hiếm và nâng cao khả năng chế tạo tại Mỹ những bình điện bằng Lithium hoạt động trong nước biển, thành tố không thể thiếu trong vũ khí chống tàu ngầm.

Mối đe dọa của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Trong năm nay, các cơ quan tình báo Mỹ cũng nhiều lần cảnh giác về khả năng Trung Quốc sử dụng điện thoại di động và linh kiện điện tử chế tạo tại đại lục để nghe lén, theo dõi người Mỹ.

Một điều trớ trêu được nêu lên trong bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ là trong khi Trung Quốc dùng biện pháp cạnh tranh bất chính như là bán hàng giá rẻ, đánh cắp sở hữu trí tuệ để đánh phá công nghiệp Mỹ thì doanh nhân Mỹ lại nhập hàng từ quốc gia gây khó khăn cho chính mình, thậm chí đuổi công ty của mình ra khỏi Trung Quốc.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ củng cố thêm chính sách "ưu tiên mua sản phẩm Mỹ" nhằm tạo ra công ăn việc làm và lợi nhuận hàng tỷ USD cho kỹ nghệ vũ khí, theo chủ trương của tổng thống Donald Trump, có thể sẽ làm cho quan hệ Mỹ-Trung lên cơn sốt, Reuters bình luận.

Mọi chỉ số đều đi theo hướng tăng nhiệt: Từ tuyên bố của tổng thống Donald Trump hồi tháng 9 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án Bắc Kinh can thiệp vào bầu cử tháng 11, cho đến diễn văn của phó tổng thống Mike Pence ngày 4/10, cáo buộc Bắc Kinh xem Donald Trump là đối thủ cần phải "xử lý".

Trung Quốc gay gắt phản đối cáo buộc của Mỹ

Trung Quốc đã lập tức bác bỏ và phản đối những lời tố cáo của phó tổng thống Mỹ Mike Pence, cho đấy là những điều không có cơ sở, mang tính chất vu khống lố bịch. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 5/10 cho rằng phát biểu của phó tổng thống Mỹ đã đưa ra "những cáo buộc không xác đáng nhằm chống lại chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời vu khống Bắc Kinh can thiệp bầu cử và vấn đề nội bộ của Mỹ".