Theo The Wall Strett Journal ngày 13/9, trước khi Washington quyết định áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, hôm 12/9 Mỹ đã đề nghị khởi động lại cuộc đàm phán thương mại với các quan chức Trung Quốc. Theo đó Mỹ nhận được thông tin rằng chính phủ Trung Quốc muốn theo đuổi giải pháp đối thoại, nên Bộ trưởng Thương mại Steven Mnuchin đã gửi lời mời Trung Quốc tham dự cuộc hội đàm. Ngày 14/9, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo xác nhận “đã nhận được lời mời của phía Mỹ và bày tỏ hoan nghênh, hai bên đang tiến hành trao đổi thêm về các vấn đề chi tiết cụ thể”.
The Wall Strett Journal cũng cho biết, cuộc đàm phán về Chiến tranh thương mại sẽ diễn ra trong vài tuần tới; phía Mỹ không chỉ đề nghị Trung Quốc cử đoàn đại biểu cấp Bộ trưởng, mà còn ngầm bày tỏ đây là cơ hội mà chính phủ Donald Trump dành cho Trung Quốc trước khi thực thi đợt gia tăng thuế quan mới. Báo này viết, cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc đã giáng đòn mạnh vào người tiêu dùng Mỹ; tiếp đó là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, sức ép chính trị đối với ông Trump đang không ngừng gia tăng nên đòi hỏi ông phải làm dịu bớt tranh chấp mậu dịch trước ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Báo này cho biết, Mỹ đưa ra lời mời đàm phán để tạo cơ hội cho Bắc Kinh tránh khỏi việc bị Mỹ áp mức thuế mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa. Lời mời đã được Bộ trưởng Thương mại Steven Mnuchin gửi tới Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, đề nghị Bắc Kinh cử cấp Bộ trưởng tham gia, thời gian trong vài tuần tới, địa điểm có thể ở Washington hoặc Bắc Kinh.
Cũng ngày 12/9, ông Larry Kudlow khi trả lời phỏng vấn hãng tin FoxNews đã xác nhận tin Mỹ đã gửi tới Trung Quốc lời mời tiến hành vòng đàm phán mới, nhưng ông đồng thời bày tỏ “không đảm bảo cuộc đàm phán đạt kết quả”.
Tuy nhiên, theo Nhật báo Kinh tế Hongkong, sau đó một ngày, ông Donald Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân phản bác lại tin của “The Wall Strett Journal” và nhấn mạnh: Mỹ không chịu sức ép phải đạt được hiệp nghị với Trung Quốc,mà chính Trung Quốc đang đứng trước áp lực phải đạt được hiệp nghị với Mỹ. Ông Trump viết trên Twitter: thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm, nhưng thị trường Trung Quốc đang sụp đổ (collapsing); Mỹ sắp nhanh chóng có được hàng chục tỷ USD thu nhập từ thuế và có số lượng rất lớn sản phẩm được sản xuất ngay tại đất Mỹ.
Tổng thống Donald Trump: thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm, nhưng thị trường Trung Quốc đang sụp đổ, Mỹ sắp có được hàng chục tỷ USD thu nhập từ thuế và có số lượng rất lớn sản phẩm được sản xuất ngay tại đất Mỹ.
|
Các chuyên gia không mấy lạc quan
Trong khi đó cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutíerrez bày tỏ, ông lo ngại cuộc chiến thương mại mà Mỹ tiến hành với Trung Quốc sẽ “đẩy Trung Quốc xuống vực” và gây rắc rối cho kinh tế toàn thế giới. Tuy ông tin rằng hai nước cuối cùng sẽ đạt được một hiệp nghị về mậu dịch, nhưng các chuyên gia lại bày tỏ không nên kỳ vọng về kết quả cuộc đàm phán tới đây.
Ông Carlos Gutíerrez đã giữ chức Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống G.Bush con, hôm 13/9 đã trả lời phỏng vấn hãng CNBC đã nói: “Tôi lo ngại tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ là 3% chứ không phải 6% thì tình hình không biết sẽ ra sao…Chúng ta có thể thấy, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể không phải là điều tốt với Mỹ, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược…nhưng nếu Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng thì chúng ta sẽ hối hận”.
Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc là động cơ cho kinh tế thế giới tăng trưởng; từ sau cuộc khủng hoảng tiền tệ 2008 đến nay, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã có cống hiến lớn nhất cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới. Quý 1 năm nay kinh tế Trung Quốc tăng 6,8%, quý 2 tăng 6,7%; mặc dù vẫn có tốc độ khá cao, nhưng giảm rất mạnh so với sự tăng trưởng mức hai con số suốt mấy chục năm qua. Sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu trước khi ông Donald Trump gây ra Chiến tranh thương mại.
Ông Gutíerrez cho rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là bởi tác hại của chính sách thuế quan của Mỹ. Ông nói, nếu Tổng thống Trump quyết định đánh thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với Trung Quốc. Ông cũng cho rằng việc công khai chỉ trích Trung Quốc không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề. “Theo tôi nên lựa chọn cách giải quyết riêng. Làm lớn chuyện công khai chốn đông người là làm nhục một quốc gia. Chúng ta nói chuyện với một quốc gia có chủ quyền chứ không phải một công ty. Việc công khai chỉ tên Trung Quốc có thể là sự sỉ nhục, làm họ mất mặt, ắt sẽ không thành công”.
Ông Gutíerrez cũng cho rằng, coi nhập siêu nhiều tức là Mỹ đã thua, là giả định rất nguy hiểm. Số liệu của Mỹ cho thấy, năm 2017 Mỹ nhập siêu từ Trung Quốc 375,6 tỷ USD; 7 tháng đầu năm nay mức nhập siêu đã là 222,6 tỷ USD. Vị bộ trưởng về hưu này cho rằng, việc Mỹ muốn tiến hành vòng đàm phán mới với Trung Quốc là một dấu hiệu tích cực cho thấy có sự phát triển. Theo ông, hai bên cuối cùng sẽ đạt được một hiệp nghị, cho dù hiệp nghị đó khó có thể giúp giảm mức nhập siêu trong cán cân thương mại theo như mục tiêu mà Tổng thống Donald Trump mong muốn.
Ông Carlos Gutíerrez, cựu Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống G.Bush con: "việc công khai chỉ trích Trung Quốc không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề"
|
Ông Edward Alden, nghiên cứu viên cao cấp của Ủy ban quan hệ ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ không mấy hy vọng về kết quả của vòng hội đàm mậu dịch Mỹ - Trung sắp tới. Ông cho rằng: “Kết quả lớn nhất chỉ là hai bên đồng ý tiếp tục hội đàm. Tôi không cho rằng việc đàm phán hoàn toàn đi vào thực chất trừ phi nó do ông Đại diện thương mại Robert Lighthizer chủ đạo; nhưng hiện ông ấy đang bận rộn đàm phán về Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ”.
Douglas Paal, Phó Chủ tịch Quỹ Carnegie Endowment for International Peace cũng bày tỏ không mấy lạc quan về thành công của cuộc hội đàm sắp tới. Ông nói: “Tôi chẳng thấy biểu hiện gì cho thấy chính phủ Donald Trump đã thay đổi chính sách; điều đó có nghĩa là cuộc hội đàm sẽ không thành công. Phía phản đối đạt được thỏa thuận có lẽ không thể phản đối hội đàm về nguyên tắc, nhưng họ sẽ phản đối kết quả đạt được”.
Vị cựu trợ lý đặc biệt kiêm Chủ tịch Ủy ban các vấn đề an ninh châu Á của Tổng thống G.Bush cha này bày tỏ: phía Trung Quốc có lẽ hy vọng đạt được một hiệp nghị trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng nay thì điều này đã trở nên xa vời.
Mặc dù ông Donald Trump rất lạc quan về tình hình thị trường chứng khoán Mỹ cũng như thu nhập từ thuế, nhưng Ted Tepper, chuyên gia nổi tiếng của Quỹ Hedge Fund hôm 13/9 đã cảnh báo: Nếu tình hình mậu dịch Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi, thì thị trường chứng khoán Mỹ có thể giảm từ 5% tới 20%. Ông tỏ ra bất ngờ về tình hình thị trường cổ phiếu Mỹ hiện nay: chỉ số S&P 500 Index tăng 8,5%, còn chỉ số Nasdaq tăng tới 16,3%; trái lại, do ảnh hưởng bởi Chiến tranh thương mại, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ 2 năm rưỡi trở lại đây.
Edward Alden, nghiên cứu viên cao cấp của Ủy ban quan hệ ngoại giao Mỹ bày tỏ không mấy hy vọng về kết quả của vòng hội đàm mậu dịch Mỹ - Trung sắp tới: “Kết quả lớn nhất chỉ là hai bên đồng ý tiếp tục hội đàm".
|
Khó trông chờ có một kết quả tốt đẹp
Từ trước đến nay giữa quan chức 2 nước Trung Quốc và Mỹ đã diễn ra 4 cuộc đàm phán:
Lần thứ nhất diễn ra tại Bắc Kinh trong 2 ngày 3 và 4/5/2018 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, không đạt kết quả gì.
Lần 2 diễn ra từ 15 đến 19/5 tại Washington giữa Lưu Hạc và Mnuchin. Kết thúc đàm phán, phía Mỹ công bố Thông cáo chung, còn Lưu Hạc thì nói với báo chí Trung Quốc: hai bên đạt được thỏa thuận không tiến hành chiến tranh thương mại.
Lần 3 diễn ra tại Bắc Kinh từ 2 đến 4/6. Trưởng đoàn Mỹ là Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Sau hội đàm không có thông cáo chung, cũng chẳng có thông tin gì về cuộc hội đàm.
Lần thứ 4: từ ngày 22 đến 23/8 tại Washington, cuộc đàm phán bị hạ xuống cấp thứ trưởng. Trưởng đoàn Trung Quốc là Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn; phía Mỹ là Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpas; không đạt bất cứ kết quả gì.
Giới phân tích quốc tế cho rằng, xét từ diễn biến tình hình cuộc chiến thương mại hiện nay thì cho dù cuộc hội đàm tới đây có khôi phục ở cấp bộ trưởng như trước thì cũng khó mà hy vọng đạt được một thỏa thuận chung khi mà lập trường hai bên cách nhau quá xa, nhất là ông Donald Trump vẫn kiên định chủ trương “bức hàng” Trung Quốc.