Tờ Thời báo Tài chính Anh bản tiếng Trung ngày 3/8 cho rằng vài tháng gần đây, những diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đã gây chấn động cho không ít người cho rằng ông Donald Trump chẳng qua chỉ muốn thể hiện "tư thế chính trị" trong năm bầu cử giữa kỳ.
Bản thân ông Donald Trump thay đổi thất thường và thiếu tin cậy, cùng với lập trường cực đoan của phái diều hâu, rất dễ làm cho người ta đánh giá thấp quy mô của chiến tranh thương mại. Nhưng, thực ra vài cuốn sách mới được xuất bản từ đầu năm đến nay đã làm rõ sự "vỡ mộng" phổ biến của giới tinh hoa Mỹ đối với Trung Quốc.
Trong con mắt của rất nhiều học giả và tổ chức nghiên cứu Mỹ, cải cách mở cửa của Trung Quốc đã đến "thời điểm cuối cùng", trong khi đó "cuộc cách mạng thứ ba" đang phát triển theo phương hướng trái ngược với cải cách mở cửa. Đối với việc chính phủ Trung Quốc tuyên bố quyết tâm kiên trì cải cách mở cửa, Mỹ lại giải thích là lấy "bức tường ảo" để kiểm soát chặt chẽ hơn trao đổi tư tưởng và vốn với bên ngoài.
Elizabeth Economy, chủ nhiệm nghiên cứu châu Á, Ủy ban quan hệ Mỹ - Trung gần đây có bài viết cho rằng: "Tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc đang xoay chuyển xu thế mở cửa chính trị, kinh tế và chính sách ngoại giao kín tiếng thời đại Đặng Tiểu Bình 30 năm trước.
Tại sao nói Mỹ lại "vỡ mộng" đối với Trung Quốc? Sự đảo ngược quan điểm này về bản chất có ảnh hưởng thế nào đối với quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai?
Nhìn lại từ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon trở đi, trong 46 năm qua, về cơ bản, lịch sử của quan hệ Trung - Mỹ được xây dựng trên một loại "ảo tưởng": Tôi chơi với anh thì anh sẽ chấp nhận tôi; hoặc anh chơi với tôi thì anh sẽ ngày càng giống tôi.
Để thuyết phục Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ Trung Quốc trở thành thành viên của WTO, lý do đưa ra vào năm 2000 của Tổng thống Mỹ Bill Clinton là: "Thông qua gia nhập WTO, Trung Quốc không chỉ đồng ý nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn, mà còn đồng ý nhập khẩu một trong những giá trị được coi trọng nhất của dân chủ, đó là tự do kinh tế... Khi có thể thực hiện được giấc mơ, họ (Trung Quốc) sẽ yêu cầu có tiếng nói lớn hơn.
Trong tưởng tượng của ông Bill Clinton, Trung Quốc gia nhập WTO có thể thực hiện "tầm nhìn dân chủ" của Tổng thống Thomas Woodrow Wilson, tức là "một thị trường tự do đầy đủ, bầu cử tự do và thế giới do nhân dân tự do cùng nỗ lực... làm cho Trung Quốc giống hơn với Mỹ".
Từ góc độ thể chế kinh tế và chính trị, "làm cho Trung Quốc giống Mỹ hơn" chính là "ảo tưởng" lâu dài của Mỹ đối với Trung Quốc. Nhưng cách nghĩ này hầu như chỉ đến từ một phía.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tham gia hoạt động của Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie ngày 25/7/2018. Ảnh: Sohu.
|
Ngày 25/7, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nhận lời tham dự hoạt động của Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie. Ông Thôi Thiên Khải cho hay đối với mục tiêu và ý đồ của Trung Quốc, bên ngoài có không ít hiểu nhầm và đọc nhầm. Ông cho rằng Trung Quốc và Mỹ vẫn đang trên một con thuyền, vẫn cần "cùng hội cùng thuyền".
Thôi Thiên Khải chỉ rõ: "Làm thay đổi Trung Quốc là một loại ảo giác. Tôi không cho rằng hai nước Trung - Mỹ thật sự có thể đi thay đổi đối phương như có một số người nói. Trung Quốc có lịch sử, văn hóa, chính trị và thể chế kinh tế của mình. Trung Quốc bất kể thay đổi thế nào đều do lịch sử lâu dài của Trung Quốc quyết định. Bất cứ nước nào đều không thể thực sự làm thay đổi được Trung Quốc. Làm thay đổi Trung Quốc không nên là mục tiêu chính sách đối với Trung Quốc của bất cứ nước nào, bao gồm chính phủ Mỹ. Tin rằng đây cũng không phải là mục tiêu chính sách đối với Trung Quốc của các đời Tổng thống Mỹ".
Cho dù Mỹ ban đầu không có ý định làm thay đổi tích cực Trung Quốc, nhưng điều không thể phủ nhận là khi xử lý quan hệ với Trung Quốc, Mỹ luôn tìm cách thông qua đưa Trung Quốc vào trật tự thế giới theo tư duy Mỹ, Trung Quốc sẽ từ thay đổi về kinh tế, thúc đẩy cải cách về xã hội, chính trị, từng bước đi theo quan niệm giá trị do Mỹ thúc đẩy.
Mãi đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi trật tự thế giới, từ WTO đến các loại cơ chế thương mại quốc tế, đại diện thực sự của "toàn cầu hóa" là một trật tự được "Mỹ hóa", đương nhiên cũng đã phản ánh một số quan điểm đã định và thành kiến của Mỹ.
Đàm phán thương mại Trung - Mỹ mặc dù liên quan đến nhiều phương diện như thuế quan nhập siêu, chuyển giao công nghệ, tỷ giá hối đoái, nhưng đã bộc lộ hơn xung đột bản chất của "đối lập" về ý thức hệ. Ở góc độ này, cuộc chiến tranh thương mại này không khác gì ranh giới nhận thức về nhau của hai bên.
Từ cuộc khẩu chiến giữa Đại sứ thường trú của Trung Quốc và Mỹ ở WTO gần đây có thể nhìn thấy hai bên có quan điểm hoàn toàn khác nhau khi định nghĩa về kinh tế thị trường và vai trò của chính phủ trong nền kinh tế thị trường.
Trên thực tế, sự kiện ZTE, Hoa Vi và tranh cãi về "Chế tạo Trung Quốc 2025" bề ngoài là đang xoay quanh chủ đề cạnh tranh khoa học công nghệ giữa Trung - Mỹ, đồng thời, trong mắt người Trung Quốc là Mỹ muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Còn Mỹ cho rằng chính phủ Trung Quốc dùng phương thức vi phạm nguyên tắc của kinh tế thị trường để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp và doanh nghiệp cụ thể, dẫn đến cạnh tranh "không công bằng". Nhưng chủ đề ẩn đằng sau tranh cãi về việc chính phủ phải chăng cần tài trợ cho doanh nghiệp.
Từ phương diện kinh doanh của doanh nghiệp, khoảng cách giữa Trung - Mỹ biểu hiện ở sự khác nhau về quan điểm đối với "doanh nghiệp nhà nước" và "sự tham gia của chính phủ". Điều này giống như thói quen, cách thức nuôi con điển hình ở Trung Quốc: Trong giai đoạn sơ sinh, bọc lấy đứa trẻ như chiếc bánh tét, lo sợ trẻ nhiễm lạnh. Nhưng trẻ em Mỹ bắt đầu từ rất nhỏ đã uống nước có đá, trời rét mặc áo phông, vì vậy hình thành thói quen không sợ lạnh.
Tương tự, nhà nước hỗ trợ quá mức doanh nghiệp, dễ dẫn đến phản ứng dây chuyền, bao gồm không có văn hóa doanh nghiệp độc lập, hoạt động thương mại thiếu minh bạch, từ đó doanh nghiệp thiếu khả năng "chống rét". Trên phương diện quản trị công ty, thiếu chế độ tư pháp tương đối độc lập để bảo đảm quyền lợi của cá nhân và doanh nghiệp. Chính phủ Mỹ cũng có những ngành nghề được hỗ trợ, nhưng đa số do chính phủ làm tài trợ bên thứ ba, đồng thời không tích cực can thiệp vào quản trị nội bộ của công ty.
Đương nhiên, nội bộ Mỹ cũng có những tranh cãi đối với việc chính phủ tài trợ cho doanh nghiệp. Những nhà bình luận Mỹ châm biếm những khoản tài trợ chính phủ này là "tiền trợ cấp doanh nghiệp".
Tổ chức "Ưu tiên công việc tốt" của Mỹ vào năm 2015 đã lần đầu tiên tiến hành hạch toán tổng hợp lần đầu đối với trợ cấp Liên bang, bao gồm những ghi chép về hơn 164.000 giải thưởng trong 137 kế hoạch Liên bang, đồng thời đã mở rộng dữ liệu thu thập từ năm 2010 đến nay.
Nghiên cứu của họ phát hiện, người nhận được lớn nhất từ khoản tiền trợ cấp liên bang và tín dụng thuế là công ty năng lượng Iberdrola Tây Ban Nha, công ty này thông qua "đầu tư lượng lớn vào các cơ sở phát điện của Mỹ" để có được trợ cấp liên bang.
Ngoài ra, một báo cáo của Mỹ kết hợp số liệu liên bang tương tự và số liệu trợ cấp nhà nước phù hợp, đánh giá những khoản tài trợ, cho vay và các khoản trợ cấp khác do chính phủ liên bang phân phát từ năm 2000 đến nay. Trong quá trình 15 năm này, chính phủ liên bang đã phân bổ 68 tỷ USD khoản tiền tài trợ và tín dụng thuế đặc biệt, trong đó 2/3 được lợi là các công ty lớn, 6 công ty đã nhận được 1 tỷ USD trở lên, còn 21 công ty đã nhận được 500 triệu USD trở lên.
Về tranh cãi kinh tế thị trường, bản thân Trung Quốc luôn nhấn mạnh vẫn sẽ tiếp tục cải cách mở cửa, nhưng tại sao phương Tây lại cảm thấy Trung Quốc quay đầu? Ở đây chủ yếu thể hiện trên 3 phương diện: cải cách doanh nghiệp nhà nước, hình thức hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm của chính phủ và sự kiểm soát của chính phủ đối với doanh nghiệp và cá nhân (như thiết lập cơ chế bí thư đảng tại công ty).
Ngày 26/7/2018, Đại diện Trung Quốc Trương Hướng Thần và Đại diện Mỹ Dennis Shea đã có cuộc "khẩu chiến" tại hội nghị của WTO. Ảnh: People's Daily.
|
Hội đồng chung của WTO ngày 26/7 đã tổ chức hội nghị lần thứ ba trong năm tại Geneva, Đại sứ Mỹ thường trú ở WTO Dennis Shea dựa trên văn kiện trình trước hội nghị của Mỹ, tiến hành chỉ trích mô hình kinh tế của Trung Quốc, bao gồm tấn công "kinh tế kế hoạch":
"Hiến pháp Trung Quốc trao quyền cho chính phủ Trung Quốc và đảng cộng sản Trung Quốc phát triển 'kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa', việc trao quyền này cũng được thể hiện trong khung pháp lý rộng lớn hơn ở Trung Quốc. Theo đó, chính phủ và đảng cộng sản thông qua các phương thức như chế độ sở hữu chính phủ, kiểm soát các thực thể kinh tế then chốt và chỉ lệnh của chính phủ, tiếp tục tiến hành kiểm soát trực tiếp và gián tiếp đối với việc phân bổ các nguồn lực.
Kết quả, tư liệu sản xuất hoàn toàn không được tiến hành phân bổ hoặc định giá có hiệu quả dựa trên các nguyên tắc của thị trường. Trái lại, chính phủ và đảng cầm quyền tiếp tục kiểm soát hoặc dùng phương thức khác để gây ảnh hưởng lên giá cả các yếu tố sản xuất quan trọng, bao gồm đất đai, lực lượng lao động, năng lượng và vốn.
Giống như khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đóng vai trò to lớn trong kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, vài chục năm qua chính phủ và đảng cộng sản thông qua các biện pháp như bổ nhiệm cán bộ quản lý cốt lõi và ưu tiên cung cấp đất đai, năng lượng và vốn cùng các hoạt động đầu tư quan trọng khác để kiểm soát các doanh nghiệp này...
Thể chế của Trung Quốc còn lấy pháp luật làm công cụ nhà nước, dùng để thúc đẩy chính phủ thực hiện mục tiêu chính sách ngành nghề, đồng thời bảo đảm đạt được thành quả kinh tế nổi bật. Ngoài ra, cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp then chốt như tòa án cũng được thiết kế để hưởng ứng chỉ đạo của đảng. Loại thể chế này làm cho doanh nghiệp rất khó hành động độc lập với chính sách ngành nghề một cách toàn diện, liên tục.
Các doanh nghiệp chủ yếu của Trung Quốc cũng đã xác nhận kinh tế Trung Quốc hiện nay về căn bản có thuộc tính phi thị trường. Chẳng hạn, công ty Alibaba từng cho biết "phần lớn tài sản mang tính sản xuất của Trung Quốc vẫn do chính phủ sở hữu", "Chính phủ Trung Quốc thông qua thực hiện chính sách ngành nghề để tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trên phương diện phát triển các ngành nghề kiểu mẫu", "Chính phủ Trung Quốc còn thông qua phân bổ nguồn lực để tiến hành kiểm soát rõ rệt đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc".
Đại sứ Trung Quốc Trương Hướng Thần lại trực tiếp phản bác những chỉ trích của Đại sứ Mỹ Dennis Shea, cho rằng Mỹ áp đặt quan điểm của Mỹ lên nước khác, thậm chí lên quy tắc đa phương:
"Năm 1992, khi Trung Quốc tuyên bố xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, tôi nhớ rất rõ, tại phòng hội nghị Room W ở bên cạnh, khi được hỏi tại sao là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đại diện Trung Quốc trả lời, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mà chúng tôi nói đến chính là kinh tế thị trường do đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.
26 năm qua đi, chúng tôi chưa từng thay đổi quan điểm của mình. Còn một số người cho rằng Trung Quốc sẽ thay cờ sau khi gia nhập WTO thì đó chỉ mong muốn riêng của họ. Trên thế giới, kinh tế thị trường không chỉ có một mô hình, Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm con đường kinh tế thị trường phù hợp với tình hình đất nước, bất kể người khác nói gì, chúng tôi đều sẽ kiên định đi con đường này.
Đại sứ Mỹ Dennis Shea vừa mới sử dụng khái niệm 'tính chất phi thị trường của kinh tế Trung Quốc', nhưng lật lại các quy tắc của WTO, chúng tôi không tìm được định nghĩa 'kinh tế thị trường'. Trên thế giới cũng không có tiêu chuẩn 'kinh tế thị trường' chung. Quy tắc của WTO không trao quyền đặc biệt như vậy cho bất cứ thành viên nào lấy mô hình kinh tế của mình làm tiêu chuẩn 'kinh tế thị trường', một khi có nước nào không đồng ý làm theo thì chính là 'kinh tế phi thị trường'".
Đối với việc kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc phải chăng phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Trung Quốc, các học giả phương Tây có mỗi người một ý. Trong đó có một giáo sư tại Đại học Harvard giữ quan điểm tương đối khách quan, viết cuốn sách "Câu hỏi về Trung Quốc: Đánh giá sự trỗi dậy của một cường quyền".
Cuốn sách đã phân tích tình hình và các mức độ thực hiện WTO của Trung Quốc, cho rằng "Vấn đề cốt lõi không ở chỗ Trung Quốc có thực hiện nghĩa vụ rộng rãi hay không, mà là tinh thần khả năng đạt được thỏa thuận".
Chuyên gia vấn đề Trung Quốc Nicolas Lardy của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Petersen cho rằng, thỏa thuận WTO nhằm ngăn chặn vai trò của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, khi đó Trung Quốc cam kết sẽ chỉ vận hành theo điều khoản thương mại. Theo nhận định của ông, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, thực sự thấp hơn 40% vào năm 2001. Nhưng, Nicolas Lardy cho rằng mấy năm gần đây có sự đảo chiều, tốc độ tăng trưởng đầu tư của nhà nước đối với kinh tế gấp 3 lần đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục trở thành trung tâm trong quyết sách kinh tế của Trung Quốc.
Nhiều năm qua, Nicolas Lardy luôn kêu gọi Trung Quốc rốt cuộc có nỗ lực cho kinh tế thị trường tự do hay không? Hay là kinh tế chịu sự giám sát chặt chẽ và chi phối của nhà nước? Điều này rất quan trọng đối với tương lai của Trung Quốc. Hiện nay, mệnh đề hai phương án này trở thành một vấn đề cơ bản giằng co giữa hai bên trong chiến tranh thương mại.
Nói ví dụ, từ năm 2008 đến nay, thông qua trợ cấp chính phủ, năng lực chế tạo của ngành tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc đã tăng trưởng 10 lần, rất nhiều người cho rằng điều này đã dẫn đến cung vượt cầu trên toàn cầu. Việc tăng vọt xuất khẩu tấm panel cách nhiệt của Trung Quốc khiến cho giá cả thế giới giảm 75%.
Tỷ lệ nợ vào năm 2012 của 6 công ty năng lượng mặt trời lớn Trung Quốc trên 80%. Tờ "Bình luận thương mại Harvard" cho rằng nếu không có trợ cấp, những công ty này sẽ phá sản. Nếu chính phủ Trung Quốc quyết định chấm dứt cung cấp tài chính cho những nhà chế tạo tấm pin năng lượng mặt trời thiếu triển vọng và ủng hộ cải cách ngành này thì chắc chắn sẽ có nhiều vụ phá sản và tái sắp xếp hơn.
Mặc dù thấy được chính phủ Trung Quốc xem xét lại sự ủng hộ đối với ngành pin năng lượng mặt trời là đáng khích lệ, nhưng nhà nước sẵn sàng trả giá cho hiệu suất kinh tế thấp để thực hiện các mục tiêu chính trị, xã hội, kinh tế và ngoại giao. Trợ cấp khổng lồ của Trung Quốc dẫn đến năng lực sản xuất toàn cầu tăng mạnh, xuất khẩu tăng lên, giá cả toàn cầu trượt dốc, đã bóp chết nền tảng công nghiệp của nước khác".
Gần đây tác giả "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3" có bài viết trên tờ Nhật báo Phố Wall Mỹ cho rằng: "Là khách quen của Trung Quốc, đầu năm nay, khi tôi lần đầu tiên nghe thấy một quan chức Trung Quốc gọi nước mình là 'siêu cường', tôi cảm thấy rất kinh ngạc. Nhưng cái nhìn của Trung Quốc đối với địa vị của họ trong trật tự quốc tế đang thay đổi nhanh chóng... Mục tiêu là tạo ra một cục diện địa chính trị mới".
Những người cho rằng cải cách mở cửa của Trung Quốc đã không được tiếp tục như giáo sư Carl Min Zina, Đại học Fordham cho rằng: "Thời đại cải cách của Trung Quốc sắp kết thúc, các nhân tố cốt lõi của đặc trưng này (ổn định chính trị, mở cửa ý thức hệ và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng) đang tan rã... Thời đại 'cải cách mở cửa' sau năm 1978 sắp kết thúc. Trung Quốc đang đóng cửa, tính không chắc chắn còn tồn tại".
Chiến tranh thương mại mới chỉ là khởi đầu của đối đầu chiến lược lâu dài Trung - Mỹ. Ảnh: Qianlong.
|
Đối mặt với sự "vỡ mộng", các học giả Mỹ cũng giữ quan điểm khác nhau đối với con đường làm thế nào để chung sống với Trung Quốc. Giáo sư Robert Ross, khoa chính trị, Học viện Boston, Mỹ cho rằng quan hệ Trung - Mỹ rơi vào vòng xoáy "rơi thẳng" từ năm 2010, quan hệ chiến lược Trung - Mỹ không những là điểm thấp nhất kể từ khi Richard Nixon thăm Trung Quốc vào năm 1972. Tuy nhiên, giáo sư Robert Ross cho rằng những chính sách mới gần đây của Mỹ là sai lầm, thậm chí làm lung lay vị trí an ninh của Mỹ ở Đông Á.
Theo Robert Ross, mặc dù Mỹ đã tập trung phát triển và tăng cường hợp tác an ninh với Hàn Quốc, Philippines..., nhưng cũng hoàn toàn không thể hạn chế được Trung Quốc tăng cường triển khai quân sự ở Biển Đông.
Việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc cũng hoàn toàn không có ý nghĩa thực chất đối với an ninh của Mỹ. Việc tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam cũng có hiệu quả hạn chế.
Trong khi đó, các hành động đi lại tự do trên biển và hoạt động tập trận trên biển được công khai tuyên truyền không thể tăng cường những tính toán an ninh của Mỹ. Mặc dù vậy, Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ khó có thể áp dụng chính sách ngoại giao để làm giảm xung đột.
Giáo sư quan hệ quốc tế Arystar Johnstown, Đại học Harvard cho rằng với đặc điểm về chính trị của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ theo đuổi đường lối đối ngoại ngày càng cứng rắn hơn và mặc dù luôn nhấn mạnh dân tộc Trung Hoa là dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Dựa trên kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại, Đại học Bắc Kinh đối với 2.600 người tại khu vực Bắc Kinh vào năm 2015, giáo sư Arystar Johntown cho rằng những người được hỏi chủ trương Trung Quốc yêu chuộng hòa bình có quan hệ tỷ lệ thuận với việc họ ủng hộ tăng chi tiêu quân sự.
Theo giáo sư Arystar Johntown, đề xướng đặc trưng hòa bình của Trung Quốc là có mục đích chính trị, làm cho giới tinh hoa và người dân đều cho rằng khi xảy ra xung đột với nước khác, thì chắc chắn là do nước khác gây sự, bởi vì mình vốn đã yêu chuộng hòa bình thì hoàn toàn vô tội. Nhưng tính nguy hiểm của quan điểm này là không ngừng nhấn mạnh tính chất hòa bình độc đáo của mình, vô hình trung coi người khác thuộc "hạng hai", gây ra hậu quả ngược là bị người khác cho mình là kiêu ngạo.
Trong con mắt của Trung Quốc, sự "vỡ mộng" của Mỹ đối với Trung Quốc chỉ là do phía Mỹ, nhưng đây cũng là cơ hội để xem xét và định nghĩa lại quan hệ Trung - Mỹ. Điều quan trọng hơn là, trong thời điểm Trung Quốc tròn 40 năm cải cách mở cửa, ngoài việc để thế giới nhận thức được những thành tựu của cải cách mở cửa, vẫn cần phải xem xét thích đáng những vấn đề của tương lai, chẳng hạn: Sự hỗ trợ hợp lý của chính phủ là gì? (để so sánh, thậm chí phê phán, phương thức hỗ trợ của chính phủ Mỹ đáng để nghiên cứu). Trợ cấp chính phủ ngoài việc để cho những ngành nghề trọng điểm có được ưu thế trong ngắn hạn, có những lợi, hại gì cho cá thể doanh nghiệp và kinh tế đất nước tổng thể? Kinh tế thị trường "đặc sắc Trung Quốc" rốt cuộc là gì? Có đóng góp gì cho kinh tế toàn cầu? mở cửa kinh tế có thể bất đồng với mở cửa chính trị không?