“Thập diện mai phục”
Theo Epoch Times, ngày 14/9. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố các số liệu kinh tế cho thấy: tháng 8/2018, đầu tư cố định chỉ tăng 5,3% (tháng 7 tăng 5,5%), mức tăng thấp kỷ lục, thấp hơn cả năm 1992 là thời điểm bắt đầu tăng đầu tư cố định. Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng dân cư CPI tháng 8 tăng 2,3%, tăng liên tiếp 2 tháng liền, mức tăng được cho là lớn hơn dự kiến nhiều.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 15/9 công bố số liệu xuất nhập khẩu tháng 8 cho thấy: tháng 8 xuất khẩu tăng 9,8% (tháng 7 là 12,2%), nhập khẩu tăng 20%, thấp hơn mức tăng tháng 7 (27,3%).
Chuyên gia tài chính Hạ Giang Binh: "Nếu trong 2 tháng tới không giải quyết được vấn đề va chạm mậu dịch với Mỹ, kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào mô thức tan vỡ"
|
Chuyên gia phân tích tài chính nổi tiếng Trung Quốc Hạ Giang Binh khi trả lời phỏng vấn tờ “Nhật báo Bình Quả” (Hongkong) đã nói: nếu trong 2 tháng tới không giải quyết được vấn đề va chạm mậu dịch với Mỹ, kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào mô thức tan vỡ. Ông cho rằng, nhìn vào số liệu kinh tế của Cục Thống kê thì thấy tháng 8 đã trực tiếp rơi vào mô thức tan vỡ, cho rằng “chiến tranh thương mại kéo dài 1 ngày thì kinh tế Trung Quốc sẽ sớm tan vỡ 1 năm”.
Đồng thời với việc chiến tranh thương mại, các công ty công nghệ như Huawei tham gia vào thị trường kinh tế hải ngoại cũng ngày càng bị hạn chế hoạt động. Lấy lý do xem xét vấn đề an ninh quốc gia, các nước Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật…tới tấp loại bỏ các nghiệp vụ như công nghệ 5G của Huawei.
Hoạt động thu mua các công ty công nghệ cao nước ngoài của các công ty Trung Quốc cũng liên tiếp bị kiềm chế. Từ đầu năm nay, chính phủ Mỹ đã từ chối các công ty đầu tư Trung Quốc thu mua các công ty thiết bị bán dẫn Exera và Qualcomm; chính phủ Đức hồi tháng 8 cũng ngăn chặn việc bán Công ty cơ khí Leifeld Metal Spinning cho nhà đầu tư Trung Quốc.
Ngoài ra, sáng kiến “Vành đai, con đường” mà chính phủ Trung Quốc đang thi triển liên tục gặp cản trở; không chỉ bị nhiều nước như Malaysia, Ấn Độ, Nepal, Philippines tẩy chay, mà mới đây hạng mục lớn nhất của nó là Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan cũng bị chính phủ Pakistan yêu cầu đàm phán lại. Chính phủ mới của Thủ tướng Imran Khan lên cầm quyền hồi tháng 7 vừa qua cho rằng hiệp nghị về dự án này không công bằng đối với Pakistan.
Theo Reuters và The Wall Strett Journal ngày 15/9, chính phủ của Tổng thống Donald Trump sẽ quyết định gia tăng 10% thuế suất đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu sớm nhất vào ngày 17/9, thấp hơn mức 25% như đã dự kiến. Tờ The Wall Strett Journal dẫn lời “người trong cuộc” nói, sau khi trưng cầu ý kiến của công chúng và các hãng nhập khẩu đã quyết định điều chỉnh mức thuế đợt trừng phạt thứ 3 xuống 10% để giảm bớt tác động đến người tiêu dùng Mỹ, nhất là trước mùa bán hàng cuối năm và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới đây. Thế nhưng, nếu Trung Quốc không thay đổi tập quán kinh tế theo yêu cầu của Mỹ thì ông Trump sẽ có thể khôi phục lại thuế suất 25% như dự kiến.
Hiện nay, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận gì về việc tăng thuế đợt 3 này, nhưng giới phân tích dự đoán, nếu việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa thành sự thật, rõ ràng sẽ khiến kinh tế Trung Quốc càng bi đát thêm.
Brock Silvers, Tổng giám đốc Kaiyuan Capital Advisors Limited: hiện nay Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ nợ nần rất lớn và một loạt nhân tố bất lợi ... nếu cứ tiếp diễn thì sau 1 năm tình hình sẽ trở nên tồi tệ.
|
Ngày 13/9, hãng BBC của Anh dẫn lời ông Brock Silvers, Tổng giám đốc Kaiyuan Capital Advisors Limited cho rằng, hiện nay Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ nợ nần rất lớn và một loạt nhân tố bất lợi như kinh tế tăng trưởng chậm lại, đầu tư suy yếu, thị trường vốn mỏng, đồng tiền mất giá, chiến tranh thương mại và dân số lão hóa, nếu cứ tiếp diễn thì sau 1 năm tình hình sẽ trở nên tồi tệ.
Ông Brock Silvers cho rằng: “Theo đuổi cuộc Chiến tranh thương mại không thể thắng được là điều Bắc Kinh không cần nhất. Trung Quốc cần có sự thỏa hiệp cần thiết để dẹp yên cuộc chiến mậu dịch, sau đó tiếp tục xử lý những vấn đề kinh tế cấp bách hơn ở trong nước”.
“Chúng ta không còn nhiều đạn để đánh tiếp”
Hôm 15/9, nhiều tờ báo Trung Quốc đã đăng tải bài nói của Giáo sư Ngụy Kiệt – một nhà kinh tế nổi tiếng ở Đại học Thanh Hoa nhan đề “Giải mã những vấn đề nóng của kinh tế Trung Quốc hiện nay”. Bài nói của ông Ngụy Kiệt hiện đang là một đề tài bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, gồm 3 vấn đề lớn sau đây:
Thứ nhất, cuộc Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ gây ảnh hưởng lớn đến đâu với Trung Quốc? Ngụy Kiệt cho rằng: “Tuy chiến tranh thương mại không lớn lắm, nhưng ảnh hưởng lại cực lớn. Ví dụ, chỉ cần Mỹ vừa tăng thuế thì ngay hôm sau thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm. Nếu tâm trạng ảnh hưởng nghiêm trọng thì sẽ lan sang các lĩnh vực khác, không chỉ là lĩnh vực chiến tranh thương mại.
Thứ hai, bước tiếp theo Trung Quốc sẽ đánh chiến tranh thương mại thế nào? Mỹ đã chính thức tuyên bố khởi động việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc là: “Các ông đánh, chúng tôi sẽ phản kích”. Nhưng Ngụy Kiệt nhắc nhở: Mỹ xuất sang Trung Quốc chỉ có 130 tỷ USD hàng hóa, “thực tế chúng ta đã trả đũa 60 tỷ, chỉ còn lại khoảng 70 tỷ…Chúng ta đánh trả họ, nhưng thực tế đã không còn nhiều đạn; mà trong số 70 tỷ USD đó có một số thứ không thể tăng thuế được. Ví dụ màn hình cảm ứng điện thoại di động, Trung Quốc là nước sản xuất lớn nhất, nhưng nguyên liệu lại nhập từ Mỹ, chúng ta không sản xuất được thứ nguyên liệu đó nên không thể tăng thuế đối với sản phẩm này. Do đó, Mỹ đánh kiểu Mỹ, Trung Quốc đánh kiểu Trung Quốc”.
Thứ 3 là ổn định ngoại hối. “Không được để ngoại hối xảy ra vấn đề, nếu ngoại hối có vấn đề là chúng ta thua toàn diện”. Ngụy Kiệt cho rằng ổn định ngoại hối có 2 mục tiêu: đồng nhân dân tệ không được tiếp tục mất giá đến mức 7 tệ ăn 1 USD; thứ 2, dự trữ ngoại hối không được tiếp tục giảm, mục tiêu không được dưới mức 3000 tỷ USD.
Ngụy Kiệt cho rằng, vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế Trung Quốc là nguy cơ về tài chính. Năm 2017, tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 82 ngàn tỷ NDT, số nợ tới 250%. Hiện nay tổng số nợ của Trung Quốc là 210 ngàn tỷ NDT, vượt quá ranh giới báo động đỏ quốc tế. “Có người cho rằng nếu mức nợ vượt quá 270% GDP sẽ xảy ra khủng hoảng tài chính, dẫn đến kinh tế Trung Quốc thụt lùi ít nhất 5 đến 10 năm”.
Ngụy Kiệt cho rằng, 3 năm 2018, 2019, 2020 tình hình tài chính rất nghiêm trọng, “nhưng ít nhất năm nay sẽ không bùng nổ vì chỉ còn lại mấy tháng nữa”. Ông cho rằng, chỉ cần 3 năm này không xảy ra khủng hoảng tài chính thì sẽ thúc đẩy được xã hội Trung Quốc phát triển.
Giáo sư Ngụy Kiệt: trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã "không còn nhiều đạn nữa"
|
Tương lai cuộc đàm phán thứ 4 mờ mịt
Tở The Wall Strett Journal ngày 16/9 đưa tin, Trung Quốc vốn định cử quan chức cao cấp Bộ Thương mại sang Mỹ tiền trạm bàn bạc để đặt cơ sở cho Phó Thủ tướng Lưu Hạc sang đàm phán. Tuy nhiên, theo lời một quan chức Trung Quốc thì Bắc Kinh đang xem xét, nếu Mỹ mấy hôm tới tuyên bố áp mức thuế mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thì họ có thể sẽ không quay trở lại bàn đàm phán theo lời mời của Mỹ. The Wall Strett Journal cho biết, một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên đã nói thẳng: “Trung Quốc sẽ không ngồi đàm phán trong tình huống bị kẻ khác dí súng vào đầu”.
Trước việc Mỹ gây sức ép, một số quan chức Trung Quốc đề nghị chủ động nâng cấp chiến tranh thương mại, hạn chế xuất khẩu những vật liệu then chốt, thiết bị và linh kiện trong chuỗi cung ứng cho ngành chế tạo Mỹ, thậm chí hạn chế việc lắp ráp Iphone ở Trung Quốc.
Ông Lâu Kế Vỹ, cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc hôm 15/9 nói tại một hội nghị giới quản lý cấp cao các công ty Mỹ - Trung tại Bắc Kinh: Mục đích chính sách của Mỹ là kìm hãm kinh tế Trung Quốc trỗi dậy, trong thời gian ngắn tới đây sẽ không thay đổi. Trung Quốc ngoài việc đưa ra biện pháp thuế quan trả đũa cũng cần phải dùng đòn hạn chế xuất khẩu để phản kích lại Mỹ.
Ông Myron Brilliant, chủ quản vấn đề quốc tế của Hiệp hội kinh doanh Mỹ (US Chambers of Commerce) cho rằng, nếu chính phủ Donald Trump kiên quyết thực thi kế hoạch tăng thuế 200 tỷ USD trong 2 tuần tới thì rất có thể Trung Quốc sẽ không cử đoàn cấp cao tới Mỹ để đàm phán.