Máy bay không người lái bị nổ cách Moscow 150 km hôm 6/2 là của Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga xác nhận một máy bay không người lái mang theo quả bom có ​​sức nổ mạnh nặng 100kg đã phát nổ cách Moscow 150 km hôm 6/2. Một số ý kiến cho rằng đây là UAV Tu-141 do Liên Xô sản xuất và được Ukraine cải tiến.
Mảnh vỡ của chiếc máy bay không người lái bị nổ rơi ở Kaluga hôm 6/2 (Ảnh: orientaldaily).
Mảnh vỡ của chiếc máy bay không người lái bị nổ rơi ở Kaluga hôm 6/2 (Ảnh: orientaldaily).

Trang web quân sự avia-pro của Nga hôm thứ Hai (6/2) đưa tin rằng một chiếc máy bay không người lái kiểu tự sát đã phát nổ trong một khu rừng gần thành phố Kaluga của Nga, cách biên giới Nga-Ukraine 300 km. Kaluga nằm cách Moscow khoảng 150 km. Người dân địa phương cho biết vụ nổ mạnh đến mức có thể nghe rõ từ rất xa.

Theo các báo cáo, chiếc máy bay không người lái phát nổ trên không cách mặt đất khoảng 50m và khi đang bay ở độ cao thấp để tránh bị radar phát hiện. Hiện vẫn chưa rõ là làm thế nào chiếc máy bay không người lái có thể bay tới khoảng cách ở xa biên giới Ukraine như vậy.

Hình ảnh vụ nổ hôm 6/2 do một camera an ninh tình cờ ghi lại được (Ảnh: orientaldaily).

Hình ảnh vụ nổ hôm 6/2 do một camera an ninh tình cờ ghi lại được

(Ảnh: orientaldaily).

Theo trang web avia-pro, các chuyên gia Nga đã nhanh chóng đến hiện trường và cho biết chiếc máy bay không người lái này được hoán cải từ loại máy bay trinh sát không người lái Tu-141 thời Liên Xô. Trang web tin tức Mash của Nga cho biết mục đích của chiếc máy bay không người lái này là tấn công một cơ sở quân sự ở vùng Kaluga, nó bị nổ là do bị va chạm với cành của một cây lớn. Cũng có ý kiến phân tích cho rằng, có thể chiếc máy bay này định tập kích Moscow nhưng đã bị bắn hạ giữa chừng.

Trang web The Drive của Mỹ đưa tin chiếc máy bay không người lái này mang theo một quả bom nổ mạnh OFAB-100-120 nặng 100kg, một loại bom không đối đất tương đối phổ biến chứa đầy các mảnh vỡ và chất nổ mạnh dựa trên TNT.

Máy bay không người lái Tu-141 của Ukraine trên bệ phóng (Ảnh: Singtao).

Máy bay không người lái Tu-141 của Ukraine trên bệ phóng (Ảnh: Singtao).

Tin cho biết, vào tháng 3 năm ngoái, loại máy bay không người lái đã được hoán cải này lần đầu tiên được giới truyền thông tiết lộ. Bằng cách bổ sung các quả bom, Ukraine đã biến máy bay không người lái giống như tên lửa hành trình này thành thứ vũ khí tấn công. Chiếc máy bay không người lái Tu-141 phát nổ gần Kaluga cho phép mọi người lần đầu tiên nhìn thấy "chân dung" của chiếc máy bay không người lái đã được hoán cải này. Cho đến nay, phía Ukraine vẫn chưa lên tiếng về vụ việc.

Tuy nhiên, Bendett, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ, cùng ngày 6/2 nói với truyền thông Mỹ rằng chiếc máy bay không người lái này là Tu-141.

Trên thực tế, kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine tháng 4 năm ngoái, đặc biệt là trong những tháng gần đây, Nga đã nhiều lần bị Ukraine tấn công.

Trong số đó, ấn tượng nhất và gây tổn thất nghiêm trọng nhất cho quân đội Nga là căn cứ không quân Engels nằm cách biên giới Nga-Ukraine hàng trăm km, bị máy bay không người lái Ukraine tấn công 3 lần trong vòng một tháng hồi cuối năm 2022, dẫn đến hậu quả là một số quân nhân Nga thiệt mạng, 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS bị hư hại. Đặc biệt vào ngày 5/12 năm ngoái, các căn cứ không quân Engels ở Saratov và căn cứ không quân Dyagilevo ở Ryazan đã liên tiếp bị tấn công bằng máy bay không người lái Tu-141.

Máy bay không người lái "Sokol-300" do Ukraine phát triển (Ảnh: Sina).

Máy bay không người lái "Sokol-300" do Ukraine phát triển (Ảnh: Sina).

Với việc công nghệ máy bay không người lái quân sự phát triển nhanh chóng, các cuộc tập kích đang trở nên ít tốn kém hơn. Cuối năm ngoái, Ukraine cho biết họ đã nghiên cứu phát triển được loại máy bay không người lái quân sự tầm xa "Sokol 300".

Các quan chức Ukraine tuyên bố rằng loại máy bay không người lái này có thể bay xa tới 1.000 km, không chỉ tới được Moscow mà thậm chí có thể tới Siberia.

Tuy nhiên, chi phí và độ khó của máy bay không người lái vẫn rất cao, chưa kể Nga dân cư thưa thớt. Không khó để nhận thấy từ các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của máy bay không người lái Ukraine vào nội địa Nga cho thấy mạng lưới phòng không của Nga không phải là bất khả xâm phạm, mà có những sơ hở nhất định.

Ngoài ra, khi ngày càng nhiều vũ khí tiên tiến của phương Tây được chuyển đến tay quân đội Ukraine, khả năng tấn công tầm xa của Ukraine cũng đang ngày càng được nâng lên. Mặc dù Tổng thống Ukraine Zelensky đảm bảo với phương Tây rằng ông sẽ không sử dụng vũ khí của phương Tây viện trợ cho Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga, nhưng liệu một lời đảm bảo như vậy có tin được không?

Hiện trường chiếc UAV bị nổ rơi xuống Kaluga hôm 6/2 (Ảnh: Singtao).

Hiện trường chiếc UAV bị nổ rơi xuống Kaluga hôm 6/2 (Ảnh: Singtao).

Câu trả lời rõ ràng là không, một khi hai bên quyết chiến với nhau, thậm chí không đếm xỉa đến nguyên tắc của chiến trường, ai còn quan tâm đến những đảm bảo và lời hứa này?

Mới đây, Thư ký Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Danilov đã tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNN rằng việc Ukraine có được máy bay chiến đấu F-16 chỉ là vấn đề thời gian, đồng thời ám chỉ rằng Ukraine có khả năng sử dụng vũ khí của mình để tiến hành các cuộc tấn công vào nội địa Nga.

Cho đến nay, cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào Nga vẫn đang ở giai đoạn "đánh và quấy rối nhỏ", nhưng không ai có thể đảm bảo liệu cường độ tấn công có gia tăng hay không.

Một khi nội địa Nga hứng chịu một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Ukraine, xung đột giữa Nga và Ukraine chắc chắn sẽ leo thang hơn nữa, và đến lúc đó, tình hình sẽ càng khó kiểm soát hơn.