Lực lượng Không quân vũ trụ Nga thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hãng tin RIA Novosti cho biết, trên thao trường Sary-Shagan – nước cộng hòa Kazakhstan, lực lượng không quân vũ trụ Nga đã phóng thử hệ thống phòng thủ tên lửa mới.
Nga hoàn tất thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại thao trường Sary-Shagan- Kazakhstan. (Nguồn AIF)
Nga hoàn tất thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại thao trường Sary-Shagan- Kazakhstan. (Nguồn AIF)

Chỉ huy đơn vị phòng thủ tên lửa thuộc lực lượng không quân vũ trụ Nga – thiếu tướng Sergei Grabchuk cho biết : “Các kíp chiến đấu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt được mục tiêu giả định với độ chính xác đã đề ra. Sau hàng loạt các đợt phóng thử, hệ thống tên lửa mới đã khẳng định được thông số của nhà sản xuất”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Trên thao trường Sary-Shagan - Kazakhstan, từ năm 2017 đến 2021, Nga đã thực hiện hàng chục vụ phóng thử hệ thống phòng thủ tên lửa mới”.

Nga đang nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 – “Amur”, nhiệm vụ của hệ thống này là đánh trả đòn tấn công hạt nhân hạn chế của đối phương vào Moscow và khu công nghiệp trung tâm.

Hệ thống A-135 bao gồm tổ hợp radar “Don-2N” đặt ở Sofrino – ngoại ô Moscow, 68 tên lửa nhiên liệu rắn 53T6, một phần trong số tên lửa này mang đầu đạn nhiệt hạch, các hầm phóng tên lửa – những hầm phóng này được bố trí trực chiến từ năm 1995.

Hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 có thể sử dụng đầu đạn hạt nhân để tiêu diệt đầu đạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của đối phương khi chúng đang bay với tốc độ từ 6 đến 7 km/s. Hệ thống A-135 được chia làm hai thê đội, thê đội thứ nhất có nhiệm vụ tấn công tên lửa tầm cao ngoài khí quyển, thê đội thứ 2 sẽ tấn công những tên lửa tầm thấp bên trong khí quyển. Hệ thống A-135 có thể phân biệt được mục tiêu đích thực với mục tiêu giả.

Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên phóng thử tên lửa trên thao trường Sary-Shagan, căn cứ vào kết quả thu được để gia hạn sử dụng cho số tên lửa nhiên liệu rắn 53T6 – những tên lửa này đã hết hạn sử dụng.

Trong số những lần phóng đó, Nga đồng thời thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa mới A-235 “Nudol”, dự kiến sẽ thay thế cho hệ thống A-135. Khác biệt chính của hai hệ thống phòng thủ tên lửa này là hệ thống A-235 có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, hệ thống A-235 “Nudol” có thể được sử dụng như một vũ khí chống vệ tinh. Trong khi đó, hệ thống A-135 chỉ mang đầu đạn hạt nhân với độ chính xác không cao lắm.

Hệ thống A-235 bắt đầu được thử nghiệm từ tháng 8/2014, tiếp theo đó là hàng loạt các vụ thử khác, kết quả được khẳng định là rất thành công. Từ năm 2022, hệ thống A-235 được đưa vào sử dụng, thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa thống nhất với một hệ thống thông tin.

Trao đổi với phóng viên báo Argument I Fakt (AIF), phó tổng tư lệnh lực lượng không quân vũ trụ Nga Aitech Bizhev cho biết: “Giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đối với hệ thống A-235 “Nudol” đã hoàn tất, kết quả của tất cả các đợt phóng thử đều khẳng định các thông số kỹ - chiến thuật của nhà sản xuất, các kíp chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu giả định bị tiêu diệt với độ chính xác đã đề ra, không lâu nữa, A-235 “Nudol” sẽ được đưa vào trang bị cho quân đội, tham gia trực chiến và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mà nòng cốt là hệ thống A-135. Hệ thống phòng thủ tên lửa mới sẽ bảo vệ bầu trời Moscow trước các cuộc tấn công của đối phương từ không gian vũ trụ, kiểm soát không phận và cảnh báo sớm các cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương”.

Tháng 8/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố: “Nga đã hoàn tất những phần việc quan trọng trong nhiệm vụ nâng cấp, hiện đại hóa quân đội của mình, hôm nay tôi có thể khẳng định quân đội Nga là quân đội hiện đại, có tính cơ động cao, và có đủ sức mạnh chiến đấu, là một trong những quân đội có công nghệ hiện đại, tiên tiến và phát triển trên thế giới. Số vũ khí mới trang bị cho quân đội chiếm 70,1%, đối với lực lượng hạt nhân chiến lược là 86%”.