Khi Nhật vẫn chi phối ngầm kinh tế Trung Quốc

Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong thứ tự tiếp cận và tiếp xúc với kinh tế Trung Quốc, dễ hiểu khi Nhật luôn có được một ảnh hưởng lớn đến kinh tế Trung Quốc, gần như một sự chi phối ngầm.
Khi Nhật vẫn chi phối ngầm kinh tế Trung Quốc

Ý định của người Mỹ khi chấp nhận để Trung Quốc gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế cùng việc thiết lập mối quan hệ kinh tế song phương với Trung Quốc là hướng tới việc biến đất nước khổng lồ này trở thành một động lực hữu ích với nền kinh tế toàn cầu. Ý định đó đã phần nào đó trở thành hiện thực, khi sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc đang góp phần không nhỏ tạo thịnh vượng cho nền kinh tế thế giới.

Nhưng một quy luật bất biến trong kinh doanh là: ai đến trước thì người đó có lợi. Có những sự khác biệt nhất định trong thứ tự tiếp cận và tiếp xúc với kinh tế Trung Quốc của các cường quốc kinh tế lớn trên thế giới. Nhật Bản là một trong những người đi đầu trong số đó, và dễ hiểu khi Nhật luôn có được một ảnh hưởng lớn đến kinh tế Trung Quốc, gần như một sự chi phối ngầm.

 Người Mỹ không biết rằng, khi họ chấp nhận nối lại quan hệ với Trung Quốc vào đầu những năm 1970 như một sách lược kiềm chế Liên Xô và sau đó là thiết lập quan hệ thương mại giữa hai nước, họ đang tạo điều kiện cho một quốc gia khác thu được lợi ích khổng lồ. Đó là Nhật Bản. Ngay từ giai đoạn những năm 70, Nhật Bản đã chuyển một phần chiến lược thị trường của mình từ phương Tây về châu Á. Những nhà máy được dựng lên ở những nước châu Á như Singapore ngày càng nhiều hơn, và người Nhật ngày càng hướng đến các thị trường châu Á khi đó hơn, như Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ. Chỉ trừ Trung Quốc khi đó vẫn đang đóng cửa, người Nhật hầu như đã tạo được một mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng hóa rộng khắp ở khu vực châu Á.

Vì thế, khi Trung Quốc mở cửa đất nước vào năm 1978, Nhật Bản chính là một trong những quốc gia đầu tiên tiếp cận thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng này một cách nhanh chóng và trên quy mô lớn nhất. Trong khi các nước phương Tây vẫn ngại ngần chưa muốn đầu tư do những rủi ro về chính trị và những điều kiện khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc mới mở cửa khi đó, thì các doanh nghiệp Nhật Bản là những người đầu tiên đến đầu tư và thiết lập các nhà máy tại đây. Trung Quốc với dân số cả tỷ người là một thị trường béo bở cho mạng lưới sản xuất và tiêu thụ rộng khắp ở châu Á mà Nhật Bản đã thiết lập được.

Điều này dẫn đến việc, ngoại trừ các công ty quốc doanh thuộc quyền kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, một phần lớn nền kinh tế Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng của các tập đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản.

 Người dân Trung Quốc cũng tỏ ra ưa chuộng những hàng hóa chất lượng cao của Nhật Bản hơn là những hàng hóa đến từ phương Tây, khi ngày càng nhiều người Trung Quốc đi du lịch Nhật Bản và kết hợp với việc mua sắm theo kiểu vơ vét các hàng hóa ở Nhật Bản. Dù các chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật thỉnh thoảng vẫn diễn ra do các nguyên nhân về chính trị và tranh chấp lãnh hải, thì nó cũng nhanh chóng kết thúc.

 Và một phần nguyên nhân của hiện tượng này cũng được cho là bắt nguồn từ việc người Trung Quốc cũng nhận thức được rằng nền kinh tế của họ đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ các tập đoàn và công ty Nhật Bản.

 Một trong những sự kiện được xem là tiêu biểu cho tình trạng này, đến từ chính một trong những niềm tự hào của người Trung Quốc, đó là tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. Không nhiều người biết rằng, tập đoàn được xem như biểu tượng của trí tuệ và trình độ phát triển của Trung Quốc này khởi sắc như ngày nay chính là nhờ những khoản đầu tư đến từ Nhật Bản, và hiện nay vẫn bị người Nhật chi phối mạnh mẽ.

 Khi Jack Ma khởi nghiệp và lập công ty vào năm 1999, cũng như các công ty mới lập khác Alibaba gần như không có tiếng tăm và vì vậy cũng không nhận được những khoản đầu tư do rủi ro quá cao. Vì vậy, khoản đầu tư trị giá 20 triệu USD vào năm 2000 từ Masayoshi Son, người sáng lập và là CEO của tập đoàn SoftBank được xem như đòn bẩy thực sự đầu tiên chắp cánh cho sự phát triển của Alibaba.

 Ở thời điểm đó, không chỉ người Trung Quốc mà cả nhiều người Nhật Bản đều không tin tưởng vào khoản đầu tư lớn đó và cho rằng nó quá mạo hiểm. Nhưng thực tế đã chứng minh tầm nhìn của tỷ phú Nhật Bản. Alibaba nhanh chóng phát triển và thâu tóm thị trường để trở thành tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, chi phối quá nửa thị trường khổng lồ của nước này.

 Và sự mạo hiểm của Masayoshi đã được đền đáp, khi khoản đầu tư 20 triệu USD ban đầu giờ đây đã trở thành một chiếc chìa khóa vàng, đem lại hàng chục tỷ USD cho vị tỷ phú này, biến ông trở thành người giàu thứ hai Nhật Bản. Alibaba ở thời điểm hiện tại vẫn đang là một con ngỗng vàng thực sự đối với SoftBank, khi một phần lớn lợi tức hàng năm của Alibaba vẫn được chuyển về cho tập đoàn Nhật Bản, giúp SoftBank dần trở thành một đế chế thực sự ở châu Á và trên thế giới, với những khoản đầu tư hàng tỷ USD trên nhiều lĩnh vực.

 Theo Một Thế giới/Bloomberg