Được Nga mô tả đây là tên lửa hạt nhân tầm xa uy lực mạnh nhất trên thế giới, tên lửa Sarmat không chỉ có một mình, nó là một thành viên của “gia tộc tên lửa khủng” bao gồm các tên lửa Kinjal (hay Kinzhal), Zircon và Avangard. Nga đã sử dụng những tên lửa này để chống lại phương Tây và kẻ thù của họ trong hầu hết các trường hợp, đặc biệt là kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu hơn sáu tháng trước.
Vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Nga đã bắt đầu sản xuất hàng loạt số lượng lớn tên lửa bội siêu thanh và trong năm 2022 đã kí hợp đồng trị giá gần 500 tỉ rúp, ngoài ra còn tiếp tục sản xuất tên lửa Kinjal.
Nhà phân tích chiến lược và quân sự người Iraq Aayad Al Twfan chỉ ra những tên lửa đáng sợ này của Nga là một trong những nguyên nhân ngăn cản phương Tây khiêu khích Nga. Vì nó có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh thế giới thứ Ba mà không ai có thể lường trước được hoặc phải gánh chịu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera, ông Twfan cũng nói rằng trong cuộc chiến với Nga, các đồng minh của Kiev đã cung cấp cho nước này những vũ khí tiên tiến nhưng hạn chế, chẳng hạn như hệ thống tên lửa HIMARS và lựu pháo. Nhưng để ngăn chặn xảy ra hành động khiêu khích, họ vẫn cẩn thận không cung cấp vũ khí mạnh hơn.
Cựu Chuẩn tướng quân đội Iraq Twfan cũng cho biết mọi người đã bị sốc khi thứ mà ông nói là tên lửa siêu thanh Kinjal của Nga được tiết lộ vào năm 2018. Điều này đã thúc đẩy CIA bắt đầu tìm hiểu các chi tiết, đặc điểm cũng như các loại vũ khí tối tân mà Nga vẫn che giấu và họ đã tìm thấy một cơ hội thích hợp như vậy trong cuộc chiến Nga-Ukraine.
Tên lửa Sarmat được đưa xuống giếng phóng ngầm dưới mặt đất (Ảnh: Sina). |
Trong cuộc chiến mấy tháng qua, những thành viên nổi bật nhất trong gia đình siêu tên lửa của Nga là những loại nào? Liệu chúng có thực sự khiến kẻ thù của Moscow sợ hãi?
Tên lửa liên lục địa RS-28 Sarmat
Sarmat là tên lửa đạn đạo liên lục địa hạt nhân của Nga. Moscow cho biết nó mạnh đến mức chỉ một quả có thể phá hủy phần lớn nước Anh hoặc Pháp. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/6/2022 cho biết tên lửa này sẽ đưa vào sử dụng vào cuối năm 2022.
Tên lửa RS-28 Sarmat của Nga được giới chức quân sự phê chuẩn vào năm 2011 và được liệt vào danh sách vũ khí của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga để thay thế cho tên lửa R-36M ra đời những năm 1970 (được phương Tây gọi là SS-18 "Satan").
Sarmat nặng khoảng 100 tấn và có khả năng mang theo trọng tải hạt nhân 10 tấn. Đồng thời, sức nổ của nó mạnh gấp 2.000 lần so với những quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản năm 1945.
Được phương Tây gọi là “Satan-2”, Sarmat được người Nga gọi là "Vua tên lửa" và "Ngày tận thế". Tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng và được phóng từ giếng (silo) giấu trong lòng đất. Đồng thời, khả năng dự trữ động lực của tên lửa cho phép nó bay qua cả Bắc Cực và Nam Cực.
Tháng 4/2022, Nga phóng thử tên lửa Sarmat từ bãi phóng vệ tinh gần Arkhangelsk (Ảnh: Aljazeera). |
Hãng thông tấn Nga Sputnik đưa tin, tên lửa này có công nghệ mới không giống bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào. Ngoài ra, một trong những ưu điểm của Sarmat là trọng lượng tương đối nhẹ và tầm hoạt động hơn 11.000 km.
Tên lửa RS-28 Sarmat có thể mang từ 7 đến 10 đầu đạn hạt nhân và có khả năng tự dẫn đường độc lập. Nó cũng có khả năng cơ động trên không và bay ở tốc độ cận âm trở lên.
RS-28 Sarmat nổi tiếng với khả năng thay đổi độ cao, phương hướng và tốc độ. Tên lửa chủ động cung cấp mức độ bảo vệ cao cũng như mức độ phòng thủ an ninh cao trong các hình thức chống tên lửa và hệ thống phòng không. Chưa hết, nó còn mang theo 40 đầu đạn mồi nhử khiến việc đánh chặn nó càng trở nên không thể thực hiện được.
Các quan chức quân sự Nga cho rằng Sarmat sử dụng nhiên liệu lỏng và không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không hiện tại. Vụ phóng thử đầu tiên của tên lửa này diễn ra ngày 20/4/2022 tại Sân bay vũ trụ Plesetsk ở vùng Arkhangelsk.
Tên lửa Kinjal
Nga gần đây đã thông báo rằng họ đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kinjal lần đầu tiên trong cuộc chiến chống Ukraine. Tên của nó trong tiếng Nga có nghĩa là "Dao găm". Tên lửa này đã được sử dụng ba lần trong vài tháng qua.
Tiêm kích MiG-31 mang tên lửa siêu thanh Kinjal (Ảnh: Aljazeera). |
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho biết tên lửa Kinjal có đặc điểm không loại tên lửa nào trên thế giới có được về tốc độ và hướng. Nó có thể bắn trúng mục tiêu khi thay đổi quỹ đạo theo chiều dọc và chiều ngang. Ông Shoigu cũng giải thích rằng những tên lửa như vậy không thể bị đánh chặn. Do đó, Moscow sử dụng nó để tấn công các mục tiêu rất quan trọng.
Kinjal có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc TNT thông thường, với trọng lượng đầu đạn khoảng 500kg. Nó được thiết kế để phóng từ máy bay chiến đấu như MiG-31 và Tu-22, nhưng cũng có thể phóng từ tàu và tàu ngầm.
Tên lửa Kinjal được thiết kế để tiêu diệt các tàu chiến lớn và tàu sân bay, đồng thời có thể phá hủy toàn bộ hoặc một phần mục tiêu.
Theo các nguồn tin Nga, tên lửa này có khả năng định vị chính xác cao và đánh trúng mục tiêu tương tự như bắn tỉa. Độ lệch không quá một mét. Tên lửa Kinjal có thể bay với tốc độ khoảng 5.000 km/h, gấp hơn 4 lần tốc độ âm thanh.
Tên lửa có thể di chuyển với tốc độ nhanh gấp 12 lần tốc độ âm thanh, tương đương 14.800 km/h và có tầm bắn lên tới 3.000 km, đồng thời nó cũng có thể cơ động ở mọi giai đoạn trong khi bay. Tốc độ cao giúp nó có khả năng xuyên thủng các mục tiêu được bọc thép dày.
Đường đi quanh co của tên lửa cho phép nó xâm nhập các mạng lưới chuyên biệt để chống tên lửa. Nó cũng có khả năng thay đổi hướng bay trong khi cơ động để tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Ngoài ra, tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách hai nghìn km. Ở độ cao thấp, tốc độ phát hiện nó của hệ thống phòng thủ tên lửa trở nên khó khăn hơn. Khi bị phát hiện, tên lửa đã tiếp cận mục tiêu.
Nga phóng thử tên lửa Zircon từ tàu chiến trên biển Barents (Ảnh: Aljazeera). |
Tên lửa Zircon
Hồi cuối tháng 3, trong một tuyên bố Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã phóng tên lửa hành trình Zircon từ biển Barents, đánh trúng mục tiêu ở Biển Trắng (White Sea) khoảng cách lên tới 1.000 km.
Tuyên bố nói vụ phóng là một phần của "cuộc thử nghiệm vũ khí mới" của Nga.
Vũ khí siêu thanh hoặc bội siêu thanh, bao gồm cả Zircon, có thể di chuyển với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh. Năm 2021, Nga đã tiến hành các cuộc thử nghiệm phóng tên lửa Zircon từ tàu chiến mặt nước và tàu ngầm.
Tên lửa Zircon đầu tiên được phóng vào tháng 10/2020. Tổng thống Nga Putin đã ca ngợi đây là một "sự kiện lớn". Nga sau đó lại tiến hành các cuộc thử nghiệm khác, đặc biệt là phóng từ hộ vệ hạm Đô đốc Gorshkov và từ tàu ngầm dưới nước.
Trong bài phát biểu tại St.Petersburg nhân Ngày Hải quân Nga hồi tháng 7, ông Putin cũng cho biết tên lửa Zircon sẽ trang bị cho Hải quân Nga trong vòng vài tháng tới. Khu vực triển khai của nó sẽ được xác định tùy theo tình hình có lợi cho Nga, mà không xác định khu vực cụ thể.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu