Donald Trump bài binh bố trận bao vây Trung Quốc

VietTimes -- Năm 2018, tình hình quốc tế trở nên biến ảo, thế giới đang phải đón nhận sự sắp đặt lại trật tự lớn nhất kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh. Mỹ lại một lần nữa trở thành kẻ bài bố lại cục diện, còn Trung Quốc thì trở thành trung tâm của sự thay đổi trong thế kỷ; có điều lần này họ trở thành trung tâm bị bao vây với những khó khăn tứ bề.

“Bạn cũ” trở mặt, hô hào “Liên Nga kháng Trung”

Theo tin của trang mạng tin tức Daily Beast hồi cuối tháng 7, Tiến sỹ Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã kiến nghị ông Donald Trump hãy liên kết với Nga để chống Trung Quốc. Henry Kissinger từng nổi tiếng bởi chiến lược Liên Trung kháng Xô những năm 1970 trước đây, nhưng lần này ông ta lại đề xuất một kiến nghị ngược lại.

Tuy Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này và Henry Kissinger cũng cự tuyệt trả lời về bài báo của Daily Beast, nhưng những hành động của ông Donald Trump có vẻ đang diễn ra đúng như kiến nghị của “người bạn già của nhân dân Trung Quốc”.

Mặc dù chính trường Mỹ bị ảnh hưởng bởi các thế lực chống Donald Trump và báo chí phái hữu, có xu hướng chống Nga mạnh mẽ, nhưng ông Donald Trump vẫn bất chấp tất cả, kiên quyết tiến hành cuộc gặp gỡ ông V.Putin tại Helsinki và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người.

Donald Trump giải thích động cơ của mình: “Tôi thà mạo hiểm về chính trị để tìm kiếm hòa bình chứ quyết không vì lợi thế chính trị mà để hòa bình gặp nguy hiểm”. Còn báo chí Nga thì không ngần ngại gọi cuộc gặp gỡ giữa nguyên thủ quốc gia hai nước là “Mỹ Nga liên kết đối phó Trung Quốc”. Đối tượng mà ông Donald Trump muốn liên kết không chỉ có nước Nga.

Mỹ bài bố lại cục diện Ấn Độ dương - Thái Bình dương

Ngày 3/8, Mỹ đột nhiên phá lệ cho Ấn Độ hưởng địa vị (quy chế) đối tác mậu dịch chiến lược (STA-1), khiến nước này trở thành nước châu Á thứ 3 có được STA-1 sau Nhật và Hàn Quốc. Địa vị này cho phép Ấn Độ được nhập khẩu các sản phẩm kỹ thuật cao từ Mỹ, trong đó có kỹ thuật quốc phòng  nhạy cảm. Báo chí Ấn Độ đánh giá, STA-1 vô cùng quan trọng đối với quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa hai nước.

Ngày 4/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi dự Hội nghị cấp cao các nước ASEAN tại Singapore đã cam kết cung cấp 300 triệu USD quỹ an ninh cho các nước Đông Nam Á, thúc đẩy an ninh ở khu vực Ấn Độ dương - Thái Bình dương.

Trước đó, hôm 30/7 tại Diễn đàn các xí nghiệp Ấn Độ dương - Thái Bình dương do Hiệp hội các nhà kinh doanh Mỹ tổ chức, ông Mike Pompeo đã công bố một loạt kế hoạch đầu tư trong “Chiến lược Ấn Độ dương - Thái Bình dương”; bao gồm đầu tư đợt đầu 113 triệu USD để phát triển kinh tế số, năng lượng và xây dựng cơ sở.

Ông Pompeo giải thích, khoản đầu tư này là sự thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ dương - Thái Bình dương; còn đầu tư thực sự sẽ dựa vào các công ty; Mỹ khuyến khích kinh tế thị trường, “trước nay chưa hề và quyết không chủ đạo Ấn Độ dương - Thái Bình dương”. Ông nhấn mạnh: “Chiến lược Ấn Độ dương - Thái Bình dương” nhấn mạnh hợp tác chứ không chủ đạo, sẽ lấy ASEAN làm trung tâm để triển khai, rằng “những nơi Mỹ đến đều tìm kiếm hợp tác chứ không để xưng bá”.

“Chiến lược Ấn Độ dương - Thái Bình dương” được ông Donald Trump đề ra khi đi thăm châu Á hồi tháng 11/2017, mục tiêu là bảo vệ tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ dương - Thái Bình dương. Tuy Mỹ chưa bao giờ chính thức thừa nhận, nhưng “Chiến lược Ấn Độ dương - Thái Bình dương” được giới phân tích quốc tế cho rằng để đối phó với việc mở rộng kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc mấy năm gần đây.

Chiến lược “Một vành đai, một con đường” được Trung Quốc đề ra và thực hiện năm 2013, được coi là lấy danh nghĩa hợp tác kinh tế, mậu dịch khu vực, dùng đầu tư cơ sở và vay vốn làm “mồi dụ” để họ đưa ra ngoài khả năng sản xuất dư thừa, đồng thời chiếm đoạt tài nguyên chiến lược của các nước tham gia, thông qua bẫy vay nợ để gây ảnh hưởng và can dự vào chính sách đối nội, đối ngoại của những nước tham gia kế hoạch này.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS, Center for Strategic and International Studies) hồi tháng 3 công bố kết quả nghiên cứu cho thấy: trong số 68 quốc gia tham gia “Một vành đai, một con đường”, đã có 23 nước lâm vào nguy cơ mắc nợ chồng chất, trong đó 8 nước đứng trước nguy cơ “mắc nợ chủ quyền”. Nhiều nước Nam Á, trong đó có Pakistan và ASEAN đã tham gia “Một vành đai, một con đường” và nợ nước ngoài tăng vọt. Srilanka sau khi tham gia “Một vành đai, một con đường” do mắc nợ nhiều quá đã phải giao một cảng chiến lược trên Ấn Độ Dương cho Trung Quốc.

Chiến lược Ấn Độ dương - Thái Bình dương mà ông Donald Trump đề ra, Mỹ không phải bỏ ra nhiều tiền, theo Mỹ chỉ nhằm tới mục đích chiến lược bài bố lại cục diện ở khu vực này “không bá quyền khu vực, chỉ nhằm đảm bảo tự do và cởi mở về hàng hải trên Ấn Độ dương - Thái Bình dương”. Thực tế, Mỹ đang dựng lên một tuyến phòng ngự về địa duyên chính trị, ngoại giao và kinh tế từ Nhật, các nước Đông Nam Á, Australia đến các nước Nam Á…với trung tâm bao vây là Trung Quốc.

Mục tiêu của chiến tranh thương mại chính là Trung Quốc

Ông Donald Trump đang thiết lập tuyến phòng ngự cũng không chỉ nhằm vào “Một vành đai, một con đường”; cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mới là vở kịch chính trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, trong khi tiến hành chiến tranh thương mại, ông Donald Trump không chỉ từng bước đẩy lui Trung Quốc mà cũng khiến các đồng minh khó chịu.

Hồi tháng 3/2018, sau khi tuyên bố sẽ đánh thuế hàng hóa Trung Quốc, ông cũng tuyên bố sẽ đánh thuế đối với thép và nhôm của các đồng minh Canada, Mexico và EU. Xem ra ông muốn tiến hành chiến tranh thương mại trên toàn thế giới, gây chiến tứ bề. Sau mấy lần trì hoãn, từ ngày 1/6 Mỹ quyết định đánh thuế thép và nhôm nhập từ Canada, Mexico và EU. Lập tức, các nước này tới tấp tuyên bố sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế hàng hóa Mỹ nhập khẩu.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là EU và Canada cũng bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với sắt thép nhập khẩu để ngăn chặn sắt thép giá rẻ ồ ạt chảy vào. Thì ra, ông Donald Trump “khai hỏa” vào đồng minh nhưng mục tiêu chính vẫn là Trung Quốc, cụ thể hơn là sắt thép Trung Quốc bán tháo đã được thay hình đổi dạng.

Theo “The Wall Strett Journal”, Trung Quốc đã sử dụng thủ đoạn tinh vi để trốn tránh bị đánh thuế chống bán tháo. Đó là: xây dựng các nhà máy sản xuất sắt thép ở nước ngoài.

Được chính phủ trợ cấp, từ 2000 đến 2013, sản lượng sắt thép của Trung Quốc đã tăng gấp 7 lần, năm 2013 chiếm một nửa tổng sản lượng của cả thế giới; giá sắt thép xuất khẩu của Trung Quốc năm 2016 giảm xuống chỉ bằng 50% năm 2011 khiến ngành công nghiệp sản xuất sắt thép toàn thế giới bị “trọng thương”.

Mỹ đánh thuế sắt thép nhập khẩu để chống bán tháo, tuy đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng đều bắt đầu từ Trung Quốc. Trump “khai hỏa” vào đồng minh, nhưng rõ ràng không thực sự coi họ là mục tiêu để đánh, mà là để thực hiện mục tiêu cuối cùng là tự do mậu dịch mà ông theo đuổi: “không thuế quan, không rào cản, không trợ cấp”. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, ông Trump phát động tấn công mậu dịch vào đồng minh chỉ là mưu lược. Khi các đồng minh bày tỏ tán thành mục tiêu tự do mậu dịch là hai bên liền bắt tay dàn hòa và lập tức chuyển hướng nhằm vào Trung Quốc.

Ngày 25/7, sau khi Tổng thống Donald Trump hội đàm với Chủ tịch EU Jean Juncker hai bên đã tuyên bố hòa giải về mậu dịch, đạt được hiệp nghị khung, đồng ý thực hiện “không thuế quan, không rào cản, không trợ cấp” đối với các sản phẩm trừ xe hơi. Đồng thời, EU cũng mở rộng việc mua đậu tương là sản phẩm mà Mỹ bị ảnh hưởng nặng trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Ngày 1/8, Mexico bày tỏ đã đạt được hiệp nghị trong đàm phán về xe hơi – vấn đề trở ngại chính trong Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ. Mỹ cũng nói, hy vọng sẽ ký được Hiệp định tư do mậu dịch Bắc Mỹ mới với Canada và Mexico trong tháng 8.

Ngày 9/8, Mỹ và Nhật tiến hành đàm phán về mậu dịch tại Washington. Trước đó, hồi tháng 7, Nhật và EU đã ký được Hiệp nghị không thuế quan giữa hai bên.

Mỹ và các đồng minh “bước trước rút kiếm khỏi bao, bước sau đã vui vẻ cùng nhau”, tình thế thay đổi quá nhanh khiến Trung Quốc vốn đang có ý đồ “liên Âu kháng Mỹ” trở nên bối rối, ngỡ ngàng.

Điều khiến Trung Quốc khó xử hơn nữa, là lãnh đạo EU trước khi đi thăm Mỹ và tiến hành đàm phán mậu dịch không những đã cự tuyệt sự lôi kéo của Trung Quốc, mà sau khi hòa giải với Mỹ còn công khai ủng hộ hành động của Mỹ chống lại “mậu dịch không công bằng” của Trung Quốc.

Nhìn lại những chiêu thức ra tay của ông Donald Trump, người ta chợt nhớ đến câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc “Hạng Trang múa kiếm, ý tại Bái Công”, mục đích thực sự của chiến tranh thương mại là nhằm vào Trung Quốc.