Chính giới trí thức Mỹ đã… bơm Trung Quốc lên
Phóng viên: Tiếp tục mạch câu chuyện lần trước, ông có thể làm rõ hơn về vai trò dẫn dắt của các nước lớn và sự hình thành cực của thế giới trong bối cảnh có những thay đổi chiến lược như hiện nay?
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Thứ nhất, tôi khẳng định lại rằng nền chính trị thế giới phụ thuộc vào các nước lớn và các nhân vật lớn, gọi một cách khái quát là các yếu tố cầm lái đời sống chính trị. Chính trị, suy cho cùng, là hoạt động tìm kiếm đồng thuận xã hội đủ để làm rõ một vài khuynh hướng phát triển, nếu không hiểu được các yếu tố cầm lái chính trị thế giới thì sẽ rất khó để hệ thống chính trị ở mỗi quốc gia định hình khuynh hướng phát triển của mình.
Thứ hai, tôi khẳng định chắc chắn thế giới sẽ phát triển theo hướng lưỡng cực. Chính trị buộc phải có sức hút mới xác lập được trật tự xã hội, không có từ trường chính trị không có trật tự xã hội. Là một thứ có từ tính như vậy thì đương nhiên nó phải tồn tại hai cực. Tôi nghĩ rằng lưỡng cực là xu thế tất yếu của thế giới. Trong lần trao đổi trước, tôi khẳng định luôn có một cực không thay đổi là Mỹ, còn cực thứ hai đang tiếp tục được hình thành.
Thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ vẫn đang vận hành đến một thế lưỡng cực mới. Tôi dự đoán cực thứ hai chắc sẽ là Trung Quốc. Ấn Độ và Nga không làm được việc ấy. Nga cũng đang trong trạng thái vận hành đến thế lưỡng cực của thế giới, nhưng Trung Quốc mới là hạt nhân của cực thứ hai thật sự.
Giới trí thức Trung Quốc, sau những thất bại gần đây trong quan hệ với Mỹ, liên quan tới chiến tranh thương mại, bắt đầu dao động. Giới trí thức nào trên thế giới này cũng bấp bênh, dao động như thế, nhưng cần hiểu rằng không có phương án thay thế nào khác cho thế giới. Sở dĩ Donald Trump làm những việc như bây giờ vì đấy là cơ hội cuối cùng của nước Mỹ. Sở dĩ ông Tập Cận Bình hành động như bây giờ cũng vì đó là cơ hội cuối cùng của Trung Quốc.
Gần đây xuất hiện nhiều bài báo phê phán nhân vật mà tôi đã nghiên cứu từ lâu là Henry Kissinger, cho rằng ông ta thâm độc, từ trước tới nay toàn “xui nguyên giục bị”, trước đây xui Trung Quốc đánh Liên Xô, còn bây giờ lôi kéo Nga để chống Trung Quốc. Tôi nghĩ đấy là gán tội theo kiểu trẻ con. Tôi cho rằng hiện tượng mà Kissinger nói đến là một hiện tượng tự nhiên của đời sống chính trị quốc tế, không phải chờ ai xui mà mọi thứ tất yếu sẽ phải chuyển động theo hướng đó.
Nguyễn Trần Bạt: Giới trí thức Trung Quốc, sau những thất bại gần đây trong quan hệ với Mỹ, liên quan tới chiến tranh thương mại, bắt đầu dao động
|
Nhưng hầu như các học giả ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đều có chung quan điểm như vậy?
-Như tôi đã nói lần trước, nước Mỹ là một quốc gia khởi nghiệp, luôn luôn hình thành những nhóm khác nhau với động cơ riêng. Họ sẵn sàng bơm thổi nhiều thứ để kiếm lợi cho mình. Không phải người Trung Quốc tự bơm mình lên, thậm chí cũng không phải giới trí thức Trung Quốc bơm Trung Quốc lên như một hiện tượng mà chính là giới trí thức Mỹ bơm.
Tôi đến trường Harvard năm 1990, lúc đó tôi thấy họ bàn luận rất nhiều về Trung Quốc, ông Giáo sư Hiệu trưởng Trường Luật Harvard còn tặng tôi quyển sách “Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh”. Chính sự cường điệu của người Mỹ về Trung Quốc làm cho Trung Quốc nổi lên như một nền kinh tế mới trỗi dậy.
Cả giới tài phiệt Trung Quốc cũng muốn qua hệ thống trí thức của nó thổi Trung Quốc lên để lôi kéo vốn đầu tư. Thời gian đó có một sự dịch chuyển lớn về sản xuất từ các nhà máy ở Mỹ sang Trung Quốc. Tôi đến thăm thành phố Philadelphia, thấy rất nhiều nhà xưởng để hoang vì người ta di chuyển sản xuất đến thị trường được giới trí thức Mỹ thổi lên là Trung Quốc.
Trung Quốc chưa bao giờ thành công khi phát triển theo hướng phương Tây
Nếu thế thì chắc là giới tinh hoa của Trung Quốc cũng nhận ra được điều ấy?
-Giới trí thức các nước mới nổi bao giờ cũng bắt đầu một quá trình nhận thức từ đơn giản đến phức tạp dần và thường nhận thức dựa vào truyền thông. Giới tài phiệt khi muốn xúc tiến thương mại thì họ sẽ dùng truyền thông. Ngay ở nước ta cũng vậy, không cẩn thận truyền thông cũng trở thành công cụ của các nhóm lợi ích.
Quay trở lại câu chuyện thời sự quốc tế hiện nay, chúng ta thấy Trump khuấy động nền chính trị quốc tế là có động cơ chứ không phải vu vơ. Ông ấy đưa ra một vài phép thử làm bộc lộ tất cả nhược điểm của các nước lớn. Chiến tranh thương mại vừa khởi động đã làm bộc lộ rất nhiều vấn đề của Trung Quốc. Giới truyền thông Trung Quốc, giới học giả Trung Quốc đã đặt ra nhiều vấn đề bên trong nội bộ của họ để nghiên cứu, thậm chí có những người lật lại các kết luận của Đảng cộng sản Trung Quốc về tình hình kinh tế.
Trong cuộc trò chuyện lần trước, tôi có nói rằng Tập Cận Bình thức dậy hơi sớm. Khoảng 2025-2030 Trung Quốc mới bắt đầu bước những bước đầu tiên để trở thành một cực chính trị trong thế giới lưỡng cực, như vậy các tuyên bố của ông Tập Cận Bình đưa ra sớm khoảng 5-10 năm. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng không còn cơ hội nào cho Trung Quốc nữa nếu không có Tập Cận Bình. Nếu không đi theo hướng như hiện nay thì Trung Quốc lại tiếp tục “thao quang dưỡng hối” và dần dần đi theo hướng phương Tây.
Đi theo hướng phương Tây không phải là lối thoát của Trung Quốc. Trung Quốc chưa bao giờ thành công khi phát triển chính trị theo hướng phương Tây. Người đầu tiên muốn phát triển theo khuynh hướng phương Tây là Tôn Trung Sơn. Cách mạng Tư sản Dân quyền của Tôn Trung Sơn (Chủ nghĩa Tam dân) đã bắt đầu có từ những năm đầu của thế kỷ XX, nhưng Tôn Trung Sơn thất bại, buộc phải nhường chỗ cho chủ nghĩa cộng sản.
Từ đó, Trung Quốc trở thành một nước cộng sản thay vì biến thành một nước dân chủ theo kiểu Tôn Trung Sơn. Bởi vì Trung Quốc không chuẩn bị đầy đủ tiêu chuẩn cho một nền chính trị phát triển theo hướng phương Tây, mặc dù nhiều lực lượng luôn muốn phát triển theo hướng ấy. Trong Đảng cộng sản Trung Quốc những khuynh hướng phương Tây hoặc phi phương Tây một cách cực đoan đều thua.
Nguyễn Trần Bạt: Nghiên cứu thái độ của ông Trump với ông Putin và ông Tập Cận Bình về mặt cá nhân, chúng ta thấy ông ấy rất trân trọng hai nhân vật đó.
|
Có hai trào lưu chính trị trong phong trào cộng sản của thế giới là chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Ở Trung Quốc, chủ nghĩa cộng sản Liên Xô đại diện bởi rất nhiều nhân vật được đào tạo từ Quốc tế Cộng sản như Vương Minh, Lạc Phủ… Chính trong Đảng cộng sản Trung Quốc, cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và khuynh hướng quốc tế cộng sản rất dữ dội. Cuối cùng, cả khuynh hướng cộng sản thuần túy theo kiểu quốc tế cộng sản và khuynh hướng dân chủ phương Tây của Tôn Trung Sơn đều thất bại, mặc dù những người cộng sản Trung Quốc không thể chê bai Tôn Trung Sơn được.
Sau khi quan sát những chuyển biến của các nền dân chủ trên khắp thế giới, tôi thấy thế giới sẽ tiệm cận đến các tiêu chuẩn dân chủ với tốc độ cực kỳ chậm và bằng nhiều con đường khác nhau.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Nói thẳng ra thì ông Putin và ông Tập Cận Bình là cơ hội của ông Trump, nếu không có hai nhân vật chiến lược tầm cỡ như thế thì cuộc chơi này ông Trump không có kẻ đối thoại.
|
Ba nhân vật lớn xuất hiện để chơi “ván cờ” chiến lược
Trước nhiệm kỳ của Trump, báo chí Mỹ luôn nói tại sao Mỹ lại dồn Nga vào thế buộc phải xích lại gần Trung Quốc, trong khi nước Nga nhiều lần ngỏ ý họ có thể hợp tác với Mỹ nhiều hơn. Theo ông, thế trận chính trị giữa ba nước lớn ấy thực tế hiện nay như thế nào ?
-Giống như Trung Quốc, Nga cũng ngại Mỹ. Người Trung Quốc vốn dĩ thận trọng và có kinh nghiệm đau khổ vì từng chịu đựng sự nô dịch của phương Tây, cho nên giới trí thức Trung Quốc rất ngại phương Tây nói chung. Còn Nga, tuy là một quốc gia có vũ khí hạt nhân nhưng vẫn tiếp tục truyền thống ngại Mỹ của Liên Xô. Khrushov từng đập cả giày lên bàn hội nghị, nhưng người Mỹ buông lời đường mật thì xuống thang ngay. Trong thực tế, hòa hoãn là xu hướng chính của thế giới.
Bộ ba quyền lực nhất thế giới
|
Bây giờ thế giới đang chuyển động, Trung Quốc đang bị cản trở, bị kìm hãm ở trạng thái lửng lơ của quá trình hình thành cực chính trị thứ hai sau Mỹ. Nhưng trong khi quá trình trở thành cực thứ hai của Trung Quốc bị làm chậm lại thì Mỹ cũng yếu đi, vì khi va chạm với những cải cách quá mạnh mẽ của Trump thì các quan hệ chiến lược cơ bản của Mỹ cũng gặp vấn đề.
Liên Xô sụp đổ một phần là vì không đủ sức để đánh đu với Mỹ và phương Tây trong Chiến tranh Lạnh. Coi chừng, với tình thế phải tiếp tục cõng Châu Âu và Nhật Bản, nước Mỹ cũng sẽ sụp đổ giống Liên Xô, mặc dù mức độ và hình thức có thể khác.
Nghiên cứu thái độ của ông Trump với ông Putin và ông Tập Cận Bình về mặt cá nhân, chúng ta thấy ông ấy rất trân trọng hai nhân vật đó. Nói thẳng ra thì ông Putin và ông Tập Cận Bình là cơ hội của ông Trump, nếu không có hai nhân vật chiến lược tầm cỡ như thế thì cuộc chơi này ông Trump không có kẻ đối thoại. Lâu lắm rồi thế giới không có các nhà chiến lược thực sự để đối thoại với nhau mà toàn những người “lừa nhau”.
Có thể nói, mấy chục năm qua, quan sát hành động của các nhân vật khôn ngoan làm chính trị, ta thấy họ biết lợi dụng sự hớ hênh của đối thủ trên trường quốc tế, chứ chưa thấy được nhà chiến lược nào cho đến khi ông Putin, ông Tập Cận Bình và ông Trump xuất hiện. Ba nhà chiến lược này tụ họp để đánh ván cờ chiến lược mà thế giới trước đây không làm được.