Trang tin Đông Phương ngày 14/8 đã đăng bài của Tiến sĩ Lưu Khai Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quan sát xã hội đương đại Thâm Quyến về tác động của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, trong đó có một số luận điểm và thông tin đáng chú ý liên quan đến Việt Nam. Viettimes xin chuyển ngữ để bạn đọc tham khảo:
Tiến sỹ Lưu Khai Minh: Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có thể dẫn tới việc kinh tế Trung Quốc mất đi động lực và nguồn gốc tăng trưởng. Đáng lo ngại hơn là, nhiều công ty vốn nước ngoài ở Trung Quốc đang đẩy nhanh việc di chuyển qua nước khác.
|
“Cuộc Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chính thức bùng nổ vào quý 3, bao gồm một số sản phẩm của các ngành vật liệu kim loại, thiết bị cơ điện và hóa chất. Nếu biện pháp tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được Mỹ thực thi vào tháng 9 tới đây, thì Thâm Quyến – căn cứ địa gia công xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc tất nhiên hứng đòn đầu tiên, sau đó sẽ lan sang Hongkong, vùng tam giác Chu Giang, thậm chí kinh tế toàn quốc; có thể dẫn tới việc kinh tế Trung Quốc mất đi động lực và nguồn gốc tăng trưởng. Đáng lo ngại hơn là, nhiều công ty vốn nước ngoài ở Trung Quốc đang đẩy nhanh việc di chuyển qua nước khác.
Trung Quốc trỗi dậy từ đầu Thế kỷ 21, trở thành “công xưởng của thế giới”, đóng vai trò đòn bẩy đối với kinh tế toàn cầu. Có người tự hào phấn khởi vì điều đó, đến nỗi “Thật lợi hại, đất nước ta” trở thành câu cửa miệng mà quên đi đó là kết quả của cuộc đại điều chỉnh chuỗi sản xuất toàn cầu hồi thế kỷ trước.
Rất nhiều công ty nước ngoài chuyển từ các quốc gia và khu vực phát triển có giá thành đắt đỏ tới Trung Quốc mở nhà máy, sử dụng những tài nguyên của Trung Quốc như giá nhân công rẻ để thực hiện những đơn hàng xuất khẩu; rất nhiều nhà máy đã vì thế mà phát tài.
Tháng 4/2018 vừa qua, Samsung đã đóng cửa nhà máy cuối cùng của họ ở Thâm Quyến
|
Nếu cuộc chiến tranh thương mại lần này khiến người Mỹ nâng cao ngưỡng cửa thị trường của họ, khiến môi trường đầu tư của Trung Quốc xấu đi, thì các đơn hàng sẽ chạy sang các nơi khác, các nhà máy cũng di chuyển. Thực ra, các công ty vốn nước ngoài ở Trung Quốc mấy năm gần đây đã lặng lẽ rời khỏi đây, nhiều công ty là người khổng lồ của một ngành, việc họ ra đi có thể gây nên hiệu ứng Domino.
Ví dụ Tập đoàn Pouchen (Bảo Thành) của Đài Loan, có thời điểm số công nhân của họ ở Trung Quốc lên tới trên 200 ngàn người; tập đoàn này mấy năm gần đây đã di chuyển sang Đông Nam Á, hiện số công nhân của họ ở Việt Nam có 160 ngàn, ở Indonesia có 120 ngàn. Do tác động bởi Tập đoàn Pouchen, hầu như tất cả các công ty sản xuất giày của Đài Loan đều đã tới Việt Nam mở nhà máy.
Nhiều dây chuyền sản xuất của các công ty nước ngoài đac chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á
|
Năm ngoái, Trung Quốc hãy vẫn còn là nơi sản xuất giày lớn nhất toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu đạt tới 48,1 tỷ USD, nhưng hiện đang trong xu thế giảm sút; còn xuất khẩu giày của Việt Nam đang thể hiện rõ xu thế tăng trưởng rất nhanh. Năm ngoái, tại Việt Nam có tới hơn 1,500 nhà máy giày với hơn 1 triệu công nhân, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, đạt 16,4 tỷ USD, trong đó 35% là xuất khẩu sang Mỹ.
Mấy năm gần đây các công ty của Nhật và Hàn Quốc cũng có xu hướng rời khỏi Trung Quốc; nhiều công ty đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Các công ty Hàn Quốc còn triệt thoái nhanh và triệt để hơn. Ví dụ Tập đoàn Samsung từng có tới 150 ngàn công nhân ở Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu tới hơn 60 tỷ USD; nhưng 2 năm gần đây Samsung đã chuyển sang đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam và Ấn Độ. Tháng 4 vừa qua họ đã đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Thâm Quyến. Theo gót Samsung, các đại gia như LG cũng đã rời sang Việt Nam, một loạt hãng sản xuất linh, phụ kiện cho các công ty lớn này cũng lần lượt chuyển đi.
Ngoài ra, các công ty vốn Đài Loan lớn như Foxconn cũng đã đầu tư lớn tại Mỹ, Ấn Độ và Việt Nam; trong 5 năm tới Foxconn sẽ xây dựng 12 nhà máy ở Ấn Độ, thuê tới 3 triệu công nhân. Chuỗi sản xuất toàn cầu triệt thoái khỏi Trung Quốc đã trở thành hiện thực và đang diễn ra. Di chuyển khỏi Trung Quốc không chỉ có các ngành công nghiệp kỹ thuật thấp, cần nhiều nhân công như đóng giày, may mặc quần áo; mà cả những công ty lớn, kỹ thuật cao, vốn lớn như Samsung, LG, Toshiba, Sony.
Ngành công nghiệp điện tử vốn Đài Loan có sức cạnh tranh mạnh nhất ở Trung Quốc Đại Lục liệu có bị “ngửi khói” các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản vì cuộc Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ này hay không? là điều khiến người ta lo lắng.
Công ty Đài Loan Foxconn đang rời khỏi Trung Quốc tới Mỹ, Việt Nam, Ấn Độ
|
Cuộc Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ lần này, về khách quan đã làm xấu đi môi trường kinh doanh của Trung Quốc, làm gia tăng thêm mối nghi ngại của giới chủ xí nghiệp toàn cầu đối với Trung Quốc. Các xí nghiệp vốn nước ngoài ở Trung Quốc chuyên gia công cho các nhãn hàng của châu Âu, Mỹ, Nhật nếu không còn được ưu đãi về chế độ thuế thì sẽ mất đi các đơn hàng từ thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật.
Để công ty tồn tại và tiếp tục nhận được đơn đặt hàng, di chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á – nơi có mức thuế quan ưu đãi, có thể là sự lựa quan trọng của họ.
Trong 10 năm qua, Việt Nam đã lấy đi từ Trung Quốc ít nhất 150 tỷ USD đơn hàng và dây chuyền sản xuất. Nếu sắp tới môi trường mậu dịch của Trung Quốc không ổn định, việc các nước Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia cùng hợp sức lấy đi các đơn hàng và dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc không còn là lời đe dọa suông. Số lượng lớn công nhân sẽ thất nghiệp, những ngày tốt đẹp của dân chúng cũng có thể chấm dứt”.
Tiến sỹ Lưu Khai Minh, sinh năm 1965 tại Quảng Tây là người sáng lập và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quan sát xã hội đương đại Thâm Quyến. Trong 10 năm gần đây ông được coi là nhà hoạt động tích cực, uy tín trong lĩnh vực pháp trị, phát triển xã hội, lao động – việc làm và bảo vệ quyền lợi người lao động…. Ông cũng là người thường xuyên diễn thuyết tại các hội nghị, diễn đàn về các lĩnh vực liên quan tổ chức ở Trung Quốc và quốc tế. Ông đã được mời thuyết giảng tại Liên hợp quốc, Nghị viện châu Âu, Ngân hang thế giới, các trường đại học: Havard, Yale, California, Michigan, Bowdoin College, Tokyo, Hokkaido, Diễn đàn kinh tế thế giới, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Hoàng gia Anh… |