Sau khi Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát, đậu tương của Mỹ trở thành một mặt hàng chủ yếu để Trung Quốc trả đũa Mỹ. Vào thời điểm đó, con tàu Peak Pegasus chở 70 ngàn tấn hạt đậu Mỹ dù mở hết tốc lực vẫn không kịp cập cảng trước thời hạn hai bên áp dụng biện pháp trừng phạt thuế quan bằng cách tăng thuế suất 25% hôm 6/7. Khi đó có tin con tàu phải đổ số đậu này xuống biển, tuy nhiên đó chỉ là thông tin phỏng đoán của giới phân tích kinh tế.
Tầu Peak Pegasus cập cảng Đại Liên để dỡ 70 ngàn tấn đậu tương sau khi Trung Trữ Lương chịu nộp 6 triệu USD tiền thuế chênh lệch
|
Theo Đông Phương, sáng ngày 12/8, tàu Peak Pegasus đã cập cảng Đại Liên dỡ hàng sau hơn 1 tháng buông neo và trôi dạt ngoài biển, 70 ngàn tấn đậu này là số đậu tương Mỹ đầu tiên được Trung Quốc nhập khẩu sau khi xảy ra chiến tranh thương mại. Để số đậu này lên được bờ, khách hàng Trung Quốc – Tổng công ty dự trữ lương thực Trung Quốc (Trung Trữ Lương) đã cực chẳng đã, phải chấp nhận trả mức thuế nhập khẩu mới chênh lệch 6 triệu USD so với mức trước đây.
Báo chí địa phương xác nhận tàu Peak Pegasus đã cập cảng Đại Liên và bắt đầu xuống hàng. Hôm 11/8, Trung Trữ Lương cũng cho biết, tàu Peak Pegasus đang xếp hàng đợi vào cảng dỡ hàng và công ty sẽ giao nộp các khoản chi phí và thuế theo các quy định liên quan của nhà nước.
Hồi tháng 6, Trung Quốc đã chính thức áp dụng biện pháp trả đũa lại việc Mỹ tăng thuế lên 25% đối với 34 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu, đậu tương được đưa vào danh sách các mặt hàng bị tăng thuế. Tàu Peak Pegasus dự kiến tới cảng Đại Liên vào trước 4h sáng 5/7 nhưng thực tế phải 17h chiều 6/7 mới đến nơi cho dù đã mở hết tốc lực khi vào Hoàng Hải. Do không đến trước thời hạn việc tăng thuế có hiệu lực, nên tàu không vào cảng xuống hàng được mà phải thả neo và trôi dạt loanh quang ở vùng biển gần cảng suốt hơn 1 tháng trời. Ngoài Peak Pegasus, còn có thêm một con tàu khác chịu chung số phận; đó là tàu “Jennifer Star” cũng chở đầy đậu tương Mỹ, đến Đại Liên hôm 24/7, đến nay vẫn thả neo chờ đợi kết quả đàm phán giữa hai bên chủ hàng và khách hàng.
Ảnh chụp quỹ tích di chuyển của con tàu khi phải buông neo, trôi dạt hơn 1 tháng trên biển phía ngoài cảng Đại Liên
|
Theo báo chí Anh, tàu Peak Pegasus thuộc sở hữu của Công ty quản lý tài sản “JPMorgan Chase”, được Công ty nông sản Louis Dreyfus trụ sở ở Amsterdam thuê để chở đậu tương sang Trung Quốc. Louis Dreyfus phải chi trả 12.500 USD tiền thuê tàu cho mỗi ngày; tổng số tiền mà công ty này phải trả cho việc con tàu neo đậu và quanh quẩn trên biển gần cảng Đại Liên đã vượt quá 400 ngàn USD.
Được biết, tàu Peak Pegasus bất đắc dĩ phải thả neo và luẩn quẩn gần cảng Đại Liên bởi theo luật thì số đậu tương này không được chở trả lại nơi lên hàng; chỉ có thể lựa chọn giữa việc trả thêm 6 triệu USD tiền chênh lệch do mức thuế tăng để dỡ hàng xuống cảng Đại Liên, hoặc tìm khách mua khác; nhưng việc vận chuyển số đậu hạt này tới quốc gia khác cũng chịu phí tổn rất lớn, lại còn có nguy cơ bị khách hàng ép giá, vì vậy con tàu đã chọn cách ở lại đây và chờ đợi.
Có ý kiến phân tích cho rằng, gần đây giá đậu tương ở Mỹ giảm xuống nhiều, vì vậy dù Trung Trữ Lương phải nộp mức thuế mới thì giá đậu mua vào lúc này cũng không cao hơn trước khi xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nước là mấy, chỉ có bên bán là bị giảm mức lãi.
Sau khi bùng nổ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, với việc hai bên trừng phạt lẫn nhau, giá đậu tương của Mỹ bị giảm mạnh vì không bán được cho Trung Quốc; còn Trung Quốc lại phải quay sang mua đậu tương của các nước Nam Mỹ với giá đắt. Xem ra, cả hai bên đều bị thua thiệt trong cuộc chiến mậu dịch này, chỉ những nước như Brazil là được lợi.
Để giải quyết vấn nạn thiếu hàng, Trung Quốc buộc phải mua đậu của các nước Nam Mỹ với giá đắt hơn, nhưng thực ra đó là đậu Mỹ được các nước này mua của Mỹ với giá rẻ rồi bán cho Trung Quốc với giá đắt
|
Theo số liệu chính thức, nhu cầu về đậu tương của Trung Quốc hiện thiếu 90 triệu tấn. Gần đây có cơ quan nghiên cứu về buôn bán đậu của Đức cho rằng có lẽ Trung Quốc buộc phải quay lại mua đậu của Mỹ. Tuy nhiên, ông Hàn Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc khi trả lời báo chí đã nhấn mạnh: Trung Quốc hoàn toàn có thể đối phó được vấn nạn thiếu đậu do giảm nhập từ Mỹ, nhiều nước ngỏ ý muốn bán và có năng lực thay thế thị phần của Mỹ ở Trung Quốc.
Báo chí Trung Quốc dẫn lời người phụ trách Trung Trữ Lương cho biết, tập đoàn này đang tích cực điều chỉnh nguồn cung cấp đậu hạt. Từ tháng 5 tới nay, trong số 2,5 triệu tấn đậu tương công ty này nhập khẩu, hơn 90% là mua của Nam Mỹ với giá đắt hơn mua của Mỹ trước đây; sau tháng 4 họ không mua đậu của Mỹ nữa. Sau khi tăng thuế suất 25%, giá thành nhập khẩu mỗi tấn đậu Mỹ đã tăng từ 700 đến 800 tệ, đắt hơn đậu của Brazil khoảng 300 tệ. Nhưng vấn đề ở đây là, các nước Nam Mỹ như Brazil không thể cung ứng đủ số lượng đậu tương mà Trung Quốc đang thiếu hụt. Bởi vậy, hiện đang có tình trạng các nước Brazil và Argentina đang mua đậu của Mỹ với giá rẻ rồi bán sang Trung Quốc với giá đắt.