Như VietTimes đã đề cập, giá trị các giao dịch bán và thuê lại máy bay (sales and leaseback, viết tắt: SLB) luôn chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu doanh thu cũng như lợi nhuận hàng năm của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet - Vietjet Air (HoSE: VJC).
Khoản lãi mà Vietjet Air kiếm về từ các giao dịch đặc biệt này thậm chí còn vượt trội so với nguồn thu từ các hoạt động cốt lõi của hãng nói riêng và các hãng hàng không khác nói chung, là vận chuyển hành khách hay kinh doanh phụ trợ.
Thống kê của chính Vietjet Air cho hay: “Kết quả các giao dịch SLB đã tạo lợi thế tài chính cho VietJet là 50,6 tỷ đồng trong năm 2014; 518,4 tỷ đồng trong năm 2015 và 1.330,5 tỷ đồng trong năm 2016”. Có nghĩa, đóng góp từ các khoản “buôn máy bay” đã chiếm đến quá nửa cơ cấu lợi nhuận hàng năm của Vietjet Air.
Đó thực sự là một cơ cấu lợi nhuận khác thường, không chỉ là trên bình diện so sánh với đối thủ trong nước của họ là Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines, như đã phân tích trong kỳ trước.
SLB trong báo cáo tài chính của các hãng hàng không quốc tế
Quan sát báo cáo tài chính năm đã kiểm toán gần nhất (niên độ 2015) của Air Asia X BHD, Asia Aviation Plc, Cebu Air Inc., Air Arabia PJSC – 4 hãng hàng không được chính Vietjet Air lấy ra làm cơ sở so sánh cho việc định giá cổ phiếu trước khi lên sàn – thấy rằng, thu nhập hàng năm của các hãng đều đến chủ yếu từ các hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa và kinh doanh phụ trợ.
Đáng nói, trong 4 hãng, chỉ thấy duy nhất báo cáo tài chính của Air Asia X BHD có sự liệt kê doanh thu từ các giao dịch sales and leaseback nhưng giá trị cũng rất hạn chế. Chứ không lớn đến lạ như ở Vietjet Air!
Theo đó, trong 108 trang báo cáo thường niên năm 2015 (Annual Report 2015), cụm từ “sales and leaseback” chỉ xuất hiện đúng một lần, và lại chỉ được được xem như một khoản doanh thu phụ, hạch toán trong tài khoản thu nhập khác.
Tại thuyết minh số 7. Other income (thu nhập khác), Air Asia X BHD cho hay, Gain on disposal of aircraft and engine pursuant to sales and leaseback arrangements (thu nhập từ thanh lý tàu bay và động cơ theo các hợp đồng SLB) của hãng trong năm 2015 là 32.541.000 ringgits - khoảng 166 tỷ đồng.
Trong khi, tổng doanh thu từ các hoạt động cốt lõi của hãng (vận chuyển hành khách hàng hóa, phụ phí nhiên liệu, kinh doanh phụ trợ, cho thuê chuyến bay, cho thuê tàu bay) là 3.062.553.000 ringgits.
Tuy vậy, tính chung cả năm 2015, Air Asia X BHD vẫn lỗ 349.616.000 ringgits. Lưu ý, một trong các khoản chi lớn nhất của hãng hàng không chi phí thấp này là chi phí thuê máy bay (Aircraft operating lease expenses). Với giá trị 706.058.000 ringgits, nó đã tăng gấp hơn 2 lần so với con số tương ứng của 2014 (337.978.000 ringgits).
Trở lại với Vietjet Air, thời gian qua, hãng luôn đẩy mạnh các giao dịch SLB, nhằm mở rộng lợi nhuận, đồng thời giảm hệ số nợ.
Họ mua máy bay từ các nhà cung cấp như Boeing hay Airbus rồi bán lại cho các công ty cho thuê máy bay với mức giá cao hơn, để thu lợi nhuận. Rồi sau đó, Vietjet Air lại ký hợp đồng với chính các đối tác này để thuê lại các máy bay mà họ vừa bán đi.
Tuy nhiên với cách làm này, trong tương lai, gánh nặng từ các khoản chi phí thuê máy bay sẽ là vấn đề hệ trọng mà Vietjet Air sẽ phải đối diện - cũng tương tự như vấn đề đang xảy ra với Air Asia X BHD.
Một câu hỏi có lẽ nên được đặt ra, là phải chăng các hãng hàng không quốc tế thiếu sự tinh tường và vị thế như Vietjet Air, để sáng tạo và thu lời từ các thương vụ sales and leaseback (?!).
Đâu là đối tác đã mua máy bay của Vietjet Air?
Vietjet Air nói rằng, họ đặt hàng mua số lượng lớn máy bay từ Airbus hoặc Boeing, sau đó, chuyển giao sở hữu máy bay cho các công ty cho thuê máy bay với giá thị trường - thông thường tốt hơn giá mua từ nhà sản xuất máy bay.
“Ðể có thể đặt đơn hàng với số lượng lớn, ngoài yếu tố tài chính, hoạt động và thương hiệu của Công ty thì tiềm năng phát triển của thị trường cũng là một yếu tố để các hãng sản xuất máy bay xem xét trước khi ký hợp đồng bán máy bay cho các hãng vận chuyển”, Vietjet Air dường như muốn lý giải tại sao họ có thể bán máy bay cho các đối tác với giá cao, để thu lời.
Hãng bay này còn cho biết, hoạt động chuyển giao sở hữu và thuê máy bay của hãng đã tăng trưởng 33,6% so với nãm 2015, do đội tàu của công ty tăng thêm 10 máy bay SLB trong năm 2016.
Vậy đâu là các đối tác đã đem đến con số lợi nhuận khủng cho Vietjet Air từ các thương vụ SLB?
Theo tìm hiểu của VietTimes, một số đối tác quen thuộc của Vietjet Air trong các thương vụ SLB là GE Capital Aviation Services Limited, Awas Aviation Trading Limited; Awas 7170 Ireland Limited; Avation PLC; Goshawk Aviation Limited; Goshawk Management (Ireland) Limited; Jackson Square Aviation, LLC…
Có thể kể đến như một vài thương vụ như:
Ngày 7/7/2015, Vietjet Air – với tư cách là “bên bán” - đã ký Thỏa thuận về việc bán và thuê lại (SLB) một tàu bay A321-200 với “bên mua” là Goshawk Aviation Limited (GAL). Theo thỏa thuận mà Vietjet Air ký với nhà cung cấp Airbus S.AS, tàu bay có lịch giao vào tháng 05/2017. Giá trị thanh toán của thương vụ là 17,2 triệu USD (383 tỷ đồng) và khoản phải thu này đã được Vietjet Air thế chấp vào Vietcombank.
Ngày 6/11/2015, được sự ủy quyền của công ty mẹ Viejet Air, VietJet Air IVB No. I Limited – với tư cách là “bên bán” - đã ký Hợp đồng mua bán tàu bay số seri 6936 với “bên mua” là VietJet Air IVB No. I Limited, để chuyển nhượng sở hữu tàu bay A321-200. Trước đó, ngày 27/4/2015, Vietjet Air và Jackson Square Aviation, LLC đã ký ý định thư. Giá trị thanh toán của thương vụ - 16,7 triệu USD (khoảng 377 tỷ đồng), cũng đã được Vietjet Air thế chấp vào Vietcombank.
Gần nhất, ngày 11/10/2016, Vietjet Air cũng đã ký thư hứa (LOI) với Goshawk Management (Ireland) Limited. Trên cơ sở này, hai bên (hoặc các bên thứ 3 được chỉ định) sẽ ký hợp đồng SLB, để bán và thuê lại 2 tàu bay Airbus A321 và 3 tàu bay Airbus A321 neo, có lịch giao vào tháng 7/2017. Các quyền tài sản phát sinh từ thương vụ này hiện cũng đã được Vietjet Air thế chấp vào Vietinbank.
Theo thông tin trên Bloomberg, Goshawk Aviation Limited là một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ cho thuê tàu bay, mới chỉ được thành lập từ năm 2013, có trụ sở tại Dublin, Ireland – địa điểm “tránh thuế” quen thuộc của nhiều tập đoàn.
Jackson Square Aviation, LLC cũng là một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ cho thuê máy bay thương mại, bao gồm cả các giải pháp tài chính, trong đó có các giao dịch sales and leasseback. Công ty được thành lập vào năm 2010, trụ sở đặt tại San Francisco, California, với các văn phòng đại diện tại Dublin, Toulouse, Singapore, Bắc Kinh và Lima. Jackson Square Aviation, LLC hoạt động như một công ty con của JSA International Holdings, L.P.
Tương tự, GE Capital Aviation Services Limited, Awas Aviation Trading Limited; Awas 7170 Ireland Limited hay Avation PLC cũng là các công ty cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay, với các giải pháp tài chính như SLB. Trong lời giới thiệu công ty trên Bloomberg, Avation PLC cũng đã kịp thời cập nhật Vietjet Air trong danh sách khách hàng, bên cạnh Virgin Australia, Thomas Cook, Condor, Air France, Air Berlin, Fiji Airways và UNI Air.
Được biết, để phục vụ chiến lược kinh doanh, Vietjet Air đã thành lập một số doanh nghiệp ở nước ngoài – đều là những “thiên đường thuế”. Trong đó có 2 công ty con ở British Virgin Islands là VietJet Air IVB No. I Limited và VietJet Air IVB No. II Limited, 1 công ty ở Singapore là VietJet Air Singapore Pte. Ltd. Công ty còn lại là VietJet Air Ireland No. 1 Limited. Cả 4 doanh nghiệp này đều do Vietjet Air sở hữu 100% vốn, có hoạt động chính là kinh doanh máy bay, hay cụ thể hơn là phục vụ cho các thương vụ SLB của hãng.
Cập nhật đến 31/12/2016, Vietjet Air vẫn chưa thực hiện góp vốn vào 4 công ty con nêu trên, dù các pháp nhân vốn đã được thành lập từ năm 2014.
Không thể phủ nhận các thương vụ SLB đã đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ và “làm đẹp” rất nhiều cho sổ sách kế toán của Vietjet Air. Các con số đẹp này chính là tiền đề quan trọng để cổ phiếu VJC có thể trình sàn một cách hợp lý với mức giá tham chiếu 90.000 đồng, và giúp Vietjet Air tạo sóng với giới đầu tư.
Ít người biết, trước thời điểm Vietjet Air đưa ra mức giá tham chiếu 90.000 đồng/cổ phiếu cho ngày giao dịch trên HoSE, một cổ đông sáng lập của hãng bay này đã thế chấp hàng triệu cổ phần VJC vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) với trị giá vượt xa mệnh giá./.