DN non trẻ “đứng tên” cho bà chủ Vietjet Air trong thương vụ 1.894 tỷ đồng

VietTines -- Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny – nhà đầu tư dự kiến “bỏ” 1.894 tỷ đồng vào Vietjet Air – là một doanh nghiệp còn rất non trẻ, vừa mới chỉ được thành lập ngày 02/11/2016, với vốn điều lệ vỏn vẹn 1 tỷ đồng.
"Bà chủ" Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.
"Bà chủ" Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.

CTCP Hàng Không Vietjet (Vietjet Air) vừa công bố Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Nghị quyết mang số hiệu 01 – 17/VJC-ĐHCĐ-NQ, phát hành ngày 05/01/2017, đã thể hiện quyết nghị của ĐHCĐ Vietjet Air ở nhiều nội dung quan trọng. Đầu tiên là thông qua việc đăng ký, lưu ký cổ phiếu của Vietjet Air tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HOSE).

Đặc biệt, cũng tại Nghị quyết, ĐHCĐ Vietjet Air đã thông qua phương án phát hành 22.388.060 cổ phần riêng lẻ (tương đương 7,46% số cổ phần đang lưu hành) cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (MST: 0314092837).

Với mức giá phát hành là 84.600 đồng/cổ phiếu, dự kiến số tiền Vietjet Air sẽ thu được sau khi phát hành là hơn 1.894 tỷ đồng.

“Toàn bộ số lượng cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất phát hành. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2017 sau khi được ĐHCĐ thông qua và UBCK chấp nhận”, Nghị quyết nêu rõ.

Sau thương vụ, vốn điều lệ của Vietjet Air sẽ tăng tương ứng từ mức 3.000 tỷ đồng hiện nay lên 3.223,88 tỷ đồng.

Trên cơ sở Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01 – 17/VJC-ĐHCĐ-NQ, cùng ngày, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietjet Air cũng ban hành Nghị quyết Hội đồng quản trị số 01 – 17/VJC-HĐQT-NQ để thông qua chủ trương triển khai các quyết sách của ĐHCĐ.

Tại Nghị quyết này, HĐQT Vietjet Air đã làm rõ phương án sử dụng 1.894 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành 22.388.060 cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Theo đó, tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành dự kiến sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động cho Công ty. Chi tiết dự kiến như sau: Thuê, đặt cọc mua máy bay (1.454 tỷ đồng); Đầu tư hệ thống công nghệ thông tin (225 tỷ đồng); Mục đích khác (215 tỷ đồng).

Có một chi tiết khá thú vị, Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny – nhà đầu tư dự kiến “bỏ” 1.894 tỷ đồng vào Vietjet Air – là một doanh nghiệp rất non trẻ, vừa mới chỉ được thành lập ngày 02/11/2016, với vốn điều lệ vỏn vẹn 1 tỷ đồng.

Chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, không ai khác, chính là “bà chủ” Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo. Thông tin này sẽ lý giải phần nào mối băn khoăn theo kiểu “doanh nghiệp vốn 1 tỷ đầu tư 2 nghìn tỷ”. Bởi việc phát hành riêng lẻ 22,4 triệu cổ phiếu Vietjet Air cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, suy cho cùng, cũng chính là phát hành cho cá nhân bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Nghị quyết ĐHĐCĐ của Vietjet Air ghi nhận, tỷ lệ biểu quyết thông qua phương án phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ là 91,07% - trong đó nhấn mạnh “đã loại trừ số lượng cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông có lợi ích liên quan là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny” – nên có thể hiểu rằng nhà đầu tư này hiện đã là cổ đông của Vietjet Air.

Một thông tin cho hay, nhà đầu tư này hiện đang nắm giữ gần 44 triệu cổ phần, tương đương 14,66% vốn Vietjet Air.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, tờ Reuters đã thông tin cho biết, Vietjet Air vừa bán 44,8 triệu cổ phiếu (của cổ đông hiện hữu) cho các nhà đầu tư tổ chức với giá 84.600 đồng và 3,5 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân với giá 86.500 đồng/cổ phiếu.

Với mức giá phát hành và chuyển nhượng cổ phần Vietjet Air vừa đề cập, có thể dự đoán rằng, mức giá chào sàn cổ phiếu Vietjet Air khi lên HoSE nhiều khả năng cũng sẽ được xác định quanh khu vực 85.000 đồng/cp.

Nên nhớ rằng, mức giá chào sàn UPCoM của cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines – hãng hàng không nổi trội hơn Vietjet Air về nhiều mặt – cũng chỉ là 28.000 đồng/cp. Sau nhiều phiên điều chỉnh tăng, chốt ngày giao dịch gần nhất, hiện thị giá của cổ phiếu HVN mới chỉ là 38.300 đồng/cổ phần – có nghĩa là mới bằng non nửa so mức giá mà Vietjet Air vừa phát hành cho nhà đầu tư của mình.

Tháng 3/2016, công chúng trong nước từng một phen xôn xao trước thông tin Việt Nam sắp xuất hiện nữ tỷ phú USD đầu tiên.

Tất cả bắt nguồn từ bài viết “How Bikini Airline Helped to Create Vietnam's First Woman Billionaire” (tạm dịch: Hãng hàng không “bikini” giúp tạo nên nữ tỷ phú đầu tiên của Viêt Nam thế nào) trên Bloomberg.

Bài báo cho biết, rằng bằng các dữ liệu và tính toán của Bloomberg Billionaires Index, thì sau khi hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam (Viet Jet Air) thực hiện IPO, bà chủ Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ có tài sản ròng vượt 1 tỷ USD, để sẵn sàng trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của không chỉ của Việt Nam mà còn là cả Đông Nam Á.

Từ đó, khi nhắc đến nữ CEO của Vietjet Air, cụm từ “nữ tỷ phú USD đầu tiên” cũng bắt đầu được sử dụng thường xuyên hơn.

Bên cạnh trùng trùng những ý kiến tán dương và ngưỡng mộ, đâu đó vẫn có người tỏ ra băn khoăn về một “chiêu trò” IPO road show.

Được biết, theo công bố mới nhất trong năm 2017 của Tạp chí Forbes, Việt Nam vẫn chỉ có duy nhất 1 tỷ phú USD duy nhất là ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup./.