Khi nào F0 thật sự chuyển nặng?
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, toàn bộ các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM đều đã quá tải. Thành phố đã triển khai thực hiện cách ly điều trị hơn 45.000 ca F0 tại nhà. Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, bác sĩ nội tổng quát Phòng khám Đa Khoa Hòa Hảo, trong cuộc giao lưu trực tuyến sáng nay 28/8 đã giải đáp thắc mắc về việc cần làm khi là F0, F1.
“Chúng tôi thương nhau, tương trợ lẫn nhau để các bác sĩ trên tuyến đầu đủ sức chống chọi, không gục ngã trước dịch bệnh, nên tất cả các bác sĩ tham gia điều trị COVID-19 từ xa như chúng tôi đều sẵn sàng làm việc cả ngày, cả đêm, không có giờ giấc, không phân địa bàn. Hễ nhận được điện thoại của bệnh nhân hoặc điện thoại của sinh viên báo có ca chuyển nặng, là chúng tôi online ngay lập tức để điều trị, hướng dẫn, tư vấn. Chỉ mong số ca nhiễm sẽ giảm đi. Hoặc nếu ai mắc thì không chuyển nặng nữa” – Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai nói.
Bác sĩ Tuyết Mai chỉ ra những bí quyết đơn giản để các F0 thể nhẹ cách ly tại nhà cần lưu ý, trong chế độ ăn uống, luyện tập, dự phòng các phương tiện y tế đơn giản, dễ kiếm, hướng dẫn sử dụng máy đo nồng độ Oxy trong máu (SpO2).
BS Nguyễn Thị Tuyết Mai hướng dẫn đo nồng độ Oxy trong máu đúng cách |
“Có những lúc thở bị hụt hơi, khó nói, hoặc ngủ một đêm sáng dậy không nổi, thậm chí trở mình không nổi. Đây chính là thời điểm cần đo nồng độ Oxy trong máu. Những bệnh nhân bị tụt Oxy xuống dưới 95 gặp phải triệu chứng này, chụp hình gửi cho chúng tôi, là chúng tôi biết ngay họ bị tụt Oxy trong máu. Bác sĩ sẽ hướng dẫn các bệnh nhân này cách thở sâu để tăng Oxy trở lại. Cần bình tĩnh, tập thở 15-20 phút rồi hãy đo lại. Không nên quá tập trung vào SpO2 vì khi quá chú ý, bệnh nhân sẽ sợ. Sự sợ hãi làm cho bệnh nhân càng tụt Oxy và càng khó thở hơn. Còn nếu bệnh nhân đã tập thở kiên trì, sau 15-20 phút rồi mới đo lại mà vẫn bị tụt Oxy thì đây chính là lúc bệnh nhân cần liên lạc với cơ sở y tế để được hỗ trợ” – Bác sĩ Tuyết Mai nhấn mạnh.
Thuốc dự phòng và bí quyết giữ bình tâm
Về các loại thuốc cơ bản mà F0 cần dự trữ tại nhà, bác sĩ Tuyết Mai khuyến cáo các F0 thể nhẹ nên tham khảo hướng dẫn của Sở Y tế, Bộ Y tế, dự phòng một số loại thuốc kháng sinh như Amoxicilin, thuốc hạ sốt thông thường, một số loại thuốc ho… “Kháng sinh để điều trị bội nhiễm vì ảnh hưởng của COVID-19 nhưng riêng kháng sinh chỉ được mua để dành sẵn, việc uống thuốc kháng sinh chắc chắn phải theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Ngay cả việc uống thuốc ho cũng phải theo chỉ định của bác sĩ, không thể tự uống vì mỗi người có thể rơi vào trường hợp chống chỉ định khác nhau. Có thể mua Orezone để phòng ói nhiều, tiêu chảy, mất nước mà chưa có biện pháp nào khác thì pha với nhiều nước rồi uống” – Bác sĩ Mai nói.
“Đặc biệt, một số loại như thuốc chống đông máu, kháng viêm (Corticosteroid), thuốc ức chế virus Remdesivir… các F0 nếu có thể mua dự phòng thì cứ mua nhưng nên nhớ các “vũ khí” này chỉ là để dự phòng, việc uống để điều trị bắt buộc phải theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Đừng tự hại mình khi tự quyết định uống thuốc” – Bác sĩ Mai nhấn mạnh.
"Trước mỗi một cơn hoảng loạn, chỉ cần bình tĩnh, hít một hơi thật sâu, thở ra một hơi thật chậm, sẽ trở lại bình tâm” – Bác sĩ Mai hướng dẫn. |
Trước câu hỏi làm thế nào để giữ được sự bình tâm trong suốt quá trình chống chọi với COVID-19? Bác sĩ Tuyết Mai lưu ý các F0 thể nhẹ: “Bình tâm không khó nhưng không dễ. Khi hoảng loạn, bệnh nhân quên mất cách làm thế nào để bình tâm. Ngay cả các bác sĩ, khi nhận cuộc gọi của bệnh nhân cũng dễ bị kéo theo cơn hoảng loạn của bệnh nhân. Trước mỗi một cơn hoảng loạn, chỉ cần bình tĩnh, hít một hơi thật sâu, thở ra một hơi thật chậm, sẽ trở lại bình tâm” – Bác sĩ Mai hướng dẫn.
Bác sĩ Mai tự sự: “Kiểm soát các cơn nóng giận cũng vậy. Trước đây, chính tôi cũng nóng tính lắm, như Thiên Lôi ấy. Nhưng sau tôi nghiệm ra, ông bà mình dạy rất đúng, nóng giận mất khôn. Khi mình nóng giận, những điều mình nói ra đều rất dở, làm mất lòng người khác, mất đi tình cảm. Chỉ cần hít thật sâu, thở ra thật chậm rồi hãy phản ứng, thì bất cứ việc gì cũng sẽ tốt hơn. Việc kiểm soát sự bình tâm cũng thế. Khi bệnh nhân COVID-19 bắt đầu có vấn đề về sức khoẻ, nếu bệnh nhân gọi đến chúng tôi thì chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân thực hiện việc hít sâu, thở chậm để bình tâm lại. Còn nếu đã đo được chỉ số Oxy trong máu đang tụt rất thấp, mà chưa liên lạc được với bác sĩ thì không ai khác hơn chính mỗi người phải tự kiểm soát điều đó. Một khi đã không thể làm được gì khác, thì chỉ có thể tự mình cứu mình thôi. Hãy là người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi một bản nhạc hay nhất của chính mình”.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu