Điều trị COVID-19 từ xa: ĐH Y Dược TP.HCM chăm sóc F0 cách ly tại nhà có gì khác biệt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM hiện nay đã ghi nhận trên 155.000 ca bệnh COVID-19, tử vong trên 5.100 trường hợp, hơn 43.000 F0 đang cách ly tại nhà. Đại học Y Dược TP.HCM vừa triển khai mô hình điều trị COVID-19 từ xa. 
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y Trường Đại học Y Dược TP.HCM
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y Trường Đại học Y Dược TP.HCM

Trước thực trạng số ca F0 tăng nhanh, lan rộng trong cộng đồng; tử vong tại nhà cũng như tỷ lệ tử vong cao ở tại các bệnh viện; quá tải ở tất cả các bệnh viện, không chỉ bệnh viện điều trị COVID-19, Đại học Y Dược TP.HCM vừa đưa vào vận hành mô hình chăm sóc F0 tại nhà.

Trao đổi với VietTimes, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y Trường Đại học Y Dược TP.HCM phân tích: “Nguyên nhân được xác định do biến thể Delta hoành hành dữ dội, người dân chưa được tiêm ngừa đủ. Đồng thời, khi số ca tăng nhanh cũng đồng nghĩa với bệnh nhân nặng tăng theo, dẫn tới quá tải y tế. F0 nặng không phát hiện kịp thời, không được cấp cứu kịp thời, chuyển viện không đúng tầng điều trị”.

“Điều trị COVID-19 từ xa, chăm sóc F0 cách ly tại nhà nhằm giảm thiểu số ca F0 chuyển nặng, giảm tỷ lệ tử vong” – PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết mô hình chăm sóc F0 cách ly tại nhà có 2 trụ cột chính, gồm Đội 1 giám sát từ xa và Đội 2 cấp cứu ngoại viện do trường tổ chức, có sự gắn kết với địa phương và cơ sở y tế. Chi tiết, có tất cả 4 trụ kết hợp, trụ 0 cung cấp và cập nhật danh sách F0, trụ 1 giám sát từ xa, trụ 2 cấp cứu ngoại viện, trụ 3 điều trị và hồi sức.

Mô hình chăm sóc F0 cách ly tại nhà được Đại học Y Dược TP.HCM triển khai

Mô hình chăm sóc F0 cách ly tại nhà được Đại học Y Dược TP.HCM triển khai

PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho rằng, các vấn đề cần quan tâm khi cách ly F0 tại nhà là tâm lý hoang mang, lo lắng về diễn tiến bệnh; phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng; cấp cứu kịp thời; chăm sóc các bệnh lý nền và chuyển viện đúng tầng”.

“Tổ chức Đội 1 gồm các bác sĩ đa khoa huy động từ nhiều nguồn, sinh viên khối ngành sức khoẻ, có nhiệm vụ liên lạc với F0 tại nhà khi họ chưa hoặc không có triệu chứng; trấn an, tư vấn tâm lý; phân loại nguy cơ diễn tiến nặng của COVID-19. Đồng thời, Đội 1 sẽ tư vấn sức khỏe theo mô hình bác sĩ gia đình, thực hiện thăm khám mỗi 1-3 ngày tùy theo nguy cơ và ngày diễn tiến bệnh; phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng; liên lạc với Đội 2 báo tình trạng bệnh” - PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết chi tiết.

PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan thông tin thêm: “Tổ chức Đội 2, để chăm sóc mỗi nhóm 20 ca F0 sẽ có 4 bác sĩ chuyên khoa, 4 bác sĩ đa khoa, 12 điều dưỡng, 1 hộ lý và 8 sinh viên khối ngành sức khoẻ. Đội 2 có nhiệm vụ phản ứng nhanh, đến ngay hiện trường xem bệnh khi có thông báo từ đội 1; xử trí cấp cứu, hỗ trợ hô hấp kịp thời, tăng cơ hội cứu sống người bệnh; phân tầng, chuyển viện kịp thời và an toàn lên các bệnh viện tầng trên. Nếu bệnh nhân ổn định, cho xuất trạm. Khi xuất trạm, đội 2 liên lạc với đội 1, chuyển đội 1 để tiếp tục giám sát cho đến khi khỏi bệnh”.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Tham gia các đội chăm sóc điều trị F0 tại nhà, cứ mỗi 2 - 3 ngày, các bác sĩ sẽ chủ động gọi điện hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân, khám bệnh từ xa, tư vấn chăm sóc bệnh nhân, không chờ F0 có triệu chứng mới gọi. Về đêm, khi F0 có sự cố sức khỏe thì có thể gọi trực tiếp cho bác sĩ đang theo dõi mình. Như vậy, bác sĩ sẽ biết bệnh nhân bị vấn đề gì, phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng.

“Khác biệt so với mô hình khác là chúng tôi tôi đã cá thể hóa chăm sóc sức khỏe F0 theo mô hình bác sĩ gia đình. Tổ chức cả 2 đội và phối hợp chặt chẽ giữa đội 1 và đội 2 giải quyết vấn đề phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng, cấp cứu kịp thời, chuyển viện an toàn, xuất trạm được theo dõi tiếp tục, phân tầng và chuyển viện đúng tầng, giảm tải bệnh viện”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan nói.

Theo chỉ đạo từ Thành uỷ TP.HCM, chương trình đang được Đại học Y Dược triển khai ở quận 10, quận 8 và chuẩn bị chuyển giao tại quận Bình Tân. Đây đều là các điểm nóng về dịch bệnh của thành phố.