Điều gì khiến Moscow bắt đầu khởi động hệ thống “Starlink” phiên bản Nga?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quân đội Nga sẽ xây dựng một hệ thống vệ tinh viễn thám Trái đất hoạt động trong mọi thời tiết tương tự như hệ thống "Starlink" của Công ty SpaceX (Mỹ); đó là điều họ rút ra từ thực tiễn cuộc chiến Nga-Ukraine.
Từ tháng 10/2022, Nga đã phóng các vệ tinh trong Kế hoạch Sphere (Ảnh: Xinhua).
Từ tháng 10/2022, Nga đã phóng các vệ tinh trong Kế hoạch Sphere (Ảnh: Xinhua).

Theo trang web Nga “Взгляд” (Vzglyad, vz.ru hay “Quan điểm”), các chuyên gia tin rằng tình hình chiến sự ở Ukraine là lý do khiến Nga khởi động dự án này- Nga không thể có được các hình ảnh tư liệu chiến trường cập nhật kịp thời như các đồng minh phương Tây của Ukraine. Vậy Nga có thể xây dựng một hệ thống tương tự như vậy nhanh đến mức nào?

Công ty Lavochkin R&P sẽ tạo ra một hệ thống vệ tinh viễn thám Trái đất hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết cho Bộ Quốc phòng Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nói trong một hội nghị chuyên đề qua điện thoại hôm thứ Ba (7/2) rằng hệ thống này sẽ giúp tăng hiệu quả chiến đấu của quân đội.

Nhiều loại vệ tinh tạo thành một “Hệ thống hoạt động mọi thời tiết”

Giới khoa học trước đây đã chỉ ra rằng các hệ thống phần mềm để xử lý dữ liệu như vậy chủ yếu được phát triển ở Mỹ. Để không phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, Nga cần có nền tảng phân tích của riêng mình.

Roscosmos sẽ chi 180 tỉ rúp cho Sphere Project (Ảnh: Sputnik).

Roscosmos sẽ chi 180 tỉ rúp cho Sphere Project (Ảnh: Sputnik).

Tổng giám đốc Tập đoàn Vũ trụ quốc gia Nga (Roscosmos) Yuri Borisov trước đây đã nói Nga nên có ít nhất 1.000 vệ tinh liên lạc, vệ tinh viễn thám Trái đất, vệ tinh thời tiết và vệ tinh dẫn đường vào năm 2030. Hiện nay Nga mới chỉ có khoảng 200 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo; để đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên cần phải có thêm 250 vệ tinh mỗi năm và khi gần đến năm 2030 cần chế tạo được 300-350 vệ tinh/năm. Ông Borisov nói rằng tốc độ chế tạo hiện tại không thể theo kịp nhu cầu.

Đối với hệ thống vệ tinh viễn thám Trái đất hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết mà Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đề cập, xét từ góc độ công nghệ, hệ thống này có khả năng bao gồm nhiều loại vệ tinh viễn thám khác nhau. Ngay cả một loại phương tiện không gian tiên tiến nhất cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ như vậy một mình. Điều này bởi cơ sở của viễn thám là phát hiện đa phổ - bao gồm cả phát hiện phổ nhìn thấy và phổ hồng ngoại. Nói cách khác, cần phải sử dụng tổng hợp dữ liệu và thông tin mà hệ thống này thu được để hiểu những thứ không thể quan sát được bằng ánh sáng nhìn thấy thông thường.

Ảnh mô tả hệ thống vệ tinh trong Kế hoạch Sphere của Nga (Ảnh: Zhihu).

Ảnh mô tả hệ thống vệ tinh trong Kế hoạch Sphere của Nga (Ảnh: Zhihu).

Ví dụ: hệ thống này có thể xác định các thiết bị được ngụy trang trong rừng. Những bức ảnh thông thường cơ bản không thể phân biệt được lớp ngụy trang với địa mạo màu xanh xung quanh. Ngoài ra, công nghệ chụp ảnh hồng ngoại giúp camera có thể thu được hình ảnh vào ban đêm mà camera thông thường không làm được. Không thể quan sát được nếu mặt đất bị mây che phủ. Trong trường hợp này, radar của tàu vũ trụ có thể hữu ích.

Do đó, hệ thống viễn thám trái đất trong mọi thời tiết không phải chỉ gồm một loại thiết bị mà là một hệ thống thiết bị hoàn chỉnh. Ngoài ra, trên mỗi quỹ đạo nên có nhiều thiết bị không gian để cung cấp hình ảnh cập nhật vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Ngoài ra cũng cần bổ sung các trạm mặt đất để hỗ trợ hoạt động của vệ tinh và tự động xử lý hình ảnh thu được. Đây mới là hệ thống có thể thực sự nâng cao hiệu quả chiến đấu của quân đội.

Sơ đồ hoạt động của Sphere Project (Ảnh: Zhihu).

Sơ đồ hoạt động của Sphere Project (Ảnh: Zhihu).

Dịch vụ "Starlink" chỉ là một trong những chức năng

Các chuyên gia Nga cũng tin rằng quân đội cần có một hệ thống vệ tinh mới. Ông Alexey Apilogov, Chủ tịch của Quỹ nghiên cứu cơ bản Nga (BRFFR) chỉ ra rằng: "Đó là bởi vì ngày nay xuất hiện những nhiệm vụ thiết thực như kiểm soát tình hình ở tiền tuyến". Ông nói: "Chúng ta đã nhiều lần nghe báo cáo rằng tất cả các vệ tinh của các nước phương Tây đang phục vụ cho Ukraine, ít nhất có 200 thiết bị không gian đang được sử dụng trong trường hợp này."

Ông Apilogov nói, việc giám sát chiến trường Ukraine của quân đội Nga "không được chính xác như kẻ thù", “ngoài ra, chúng ta không thể có được các hình ảnh trực tiếp qua mạng. Do đó, trinh sát không gian đã trở thành ‘gót chân Achilles’. Việc tạo ra một hệ thống như vậy sẽ cho phép chúng ta có thể để bắt kịp các đồng nghiệp phương Tây."

Hệ thống mới sẽ có khả năng trinh sát hình ảnh, vô tuyến và hồng ngoại. Apilogov chỉ ra: "Để hệ thống có thể liên tục bao phủ bất kỳ điểm nào trên mặt đất, số lượng vệ tinh phải lên tới hàng trăm. Mỗi vệ tinh phải hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ với mặt trời và 'chải lược' diện tích mặt đất mà nó bao phủ. Bởi vì mỗi vệ tinh chỉ có thể quan sát một khu vực khá nhỏ."

Một vệ tinh thông tin của Nga trên quỹ đạo (Ảnh: Zhihu).

Một vệ tinh thông tin của Nga trên quỹ đạo (Ảnh: Zhihu).

Chuyên gia này chỉ ra rằng những vệ tinh như vậy phải được phóng lên quỹ đạo đồng bộ với mặt trời, vì vậy "tuổi thọ của chúng thấp hơn nhiều so với vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh", và mỗi năm cần bổ sung ít nhất 10 vệ tinh mới.

Ông Apilogov rất tự tin về điều này: "Lavochkin R&P có các nền tảng tiên tiến cho phép lắp ráp các vệ tinh theo module. Chúng tôi đã phát triển các kế hoạch 'Ether' và ‘Sphere’ liên quan đến dự án nghiên cứu và phát triển này. Những kế hoạch này sẽ đảm bảo tiết kiệm tối đa chi phí cho các dự án vệ tinh viễn thám Trái đất. Kế hoạch ‘Sphere’ (Sphere Project) với chi phí 180 tỉ rúp sẽ tạo ra một hệ thống gồm 600 vệ tinh tương tự như 'Starlink' của Mỹ. Hệ thống này không chỉ thực hiện các nhiệm vụ do thám mà còn cung cấp các dịch vụ liên lạc."

Ông Ivan Moiseyev, giám đốc Viện Chính sách Không gian, cũng tin rằng Nga cần khẩn trương tạo ra một hệ thống vệ tinh viễn thám mới. "Trong thời kỳ Xô Viết, đất nước chúng ta có thiết bị tương tự. Nhưng trong mấy chục năm qua không có công việc nào được thực hiện trong lĩnh vực này, có dự án hiện đã bị đình chỉ, bây giờ chúng ta quyết định tiếp tục. Ngoài ra, các vệ tinh ban đầu được chế tạo đều là dùng cho mục đích dân sự, nhưng về sau những vệ tinh này đã trở thành quân dụng, đây là theo xu hướng của thời đại.”

Ông Putin thực hiện chương trình "Vladimir Putin online" qua vệ tinh (Ảnh: Zhihu).

Ông Putin thực hiện chương trình "Vladimir Putin online" qua vệ tinh

(Ảnh: Zhihu).

Vậy hiện Nga đang có bao nhiêu vệ tinh trinh sát quân sự trên quỹ đạo? Tổ chức tư vấn Mỹ "Jameston Foundation" ngày 24/5/2022 đã công bố một báo cáo nghiên cứu, cho phép có cái nhìn khái quát. Theo dữ liệu giám sát dài hạn của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Phòng không Hoa Kỳ, Nga hiện có tổng cộng 102 vệ tinh quân sự đang hoạt động trên quỹ đạo.

Tuy nhiên, màn thể hiện của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine khiến giới quan sát quân sự toàn cầu không mấy coi trọng năng lực trinh sát không gian của Nga. Người ta cho rằng các hệ thống trinh sát, giám sát, nhắm mục tiêu, chỉ huy và kiểm soát chiến trường của Nga vẫn ở dưới mức dự đoán của thế giới đối với một quốc gia có chương trình vũ trụ và cơ sở công nghiệp quân sự tiên tiến.