Ông Austin nói rằng Đan Mạch đã đồng ý cung cấp cho Ukraine tên lửa chống hạm "Harpoon" và Cộng hòa Séc cũng đồng ý cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ thực chất, bao gồm trực thăng vũ trang và xe tăng.
Hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon là hệ thống tên lửa chống hạm tối tân nhất mà hải quân các nước phương Tây được trang bị, thường được lắp đặt trên tàu chiến, tàu ngầm và thậm chí cả máy bay ném bom, nhưng Đan Mạch là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ có được phiên bản cải tiến của hệ thống phóng tên lửa này, có thể được lắp đặt trên xe tải, trở thành một pháo đài phòng thủ ven biển.
Được trang bị radar tự chủ và hệ thống dẫn đường phức tạp, Harpoon có thể bay ở độ cao rất thấp để tránh bị radar của đối phương phát hiện. Theo nhà sản xuất là Công ty Boeing, nó có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên bộ, với tầm bắn từ 125 đến hơn 300 km, tùy thuộc vào các phiên bản.
Một khi Ukraine nhận được tên lửa chống hạm Harpoon, cảng Sevastopol ở Crimea, do quân đội Nga kiểm soát từ sau khi sáp nhập hồi 2014 và là của trụ sở hiện tại của Hạm đội Biển Đen Nga, sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa Harpoon.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo Đan Mạch sẽ chuyển giao hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon cho Ukraine. |
Hiện tại, Quân đội Đan Mạch được trang bị hệ thống tên lửa đất đối hạm Harpoon. Hệ thống này sử dụng loại đạn tên lửa Harpoon Block2, không chỉ có thể tấn công các mục tiêu trên mặt biển mà còn cả các mục tiêu mặt đất.
Bản tin USNI News của Hiệp hội Nghiên cứu Hải quân Mỹ đưa tin, mặc dù ông Austin không nói rõ mẫu Harpoon nào mà Ukraine sẽ nhận từ Đan Mạch nhưng các đơn vị tên lửa chống hạm bờ biển của quân đội Đan Mạch hiện được trang bị loại tên lửa bờ đối hạm Harpoon RGM-84L-4 Block II không chỉ có khả năng đánh tàu biển mà còn có thể được nâng cấp để đánh các mục tiêu cảng và đất liền.
Tên lửa chống hạm Harpoon do Công ty Boeing của Mỹ sản xuất được chia thành 4 loại theo nền tảng phóng, bao gồm: hạm đối hạm, không đối hạm, bờ đối hạm và từ tàu ngầm đối hạm. Tên lửa chống hạm Harpoon loại RGM-84L-4 BlockII mới nhất đã được thay thế động cơ và bộ phận dẫn đường mới, đồng thời tầm bắn cũng được tăng lên 3000 km, phạm vi tấn công tăng gấp đôi.
Phía Ukraine nói họ cần có những hệ thống tên lửa chống hạm như vậy, nhiệm vụ lớn nhất của nước này hiện nay là bảo vệ tuyến giao thông vận tải từ cảng biển. Sau khi Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với Ukraine và thực thi cấm vận trên Biển Đen, lúa mì sản xuất tại Ukraine, nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, không thể vận chuyển được từ cảng biển Odessa đi các nước.
Tên lửa Harpoon được phóng từ tàu mặt nước. |
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ vừa thông qua và Tổng thống Joe Biden hôm 21/5 đã ký dự luật viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin không tiết lộ Mỹ sẽ cung cấp loại vũ khí nào cho Ukraine.
Phát biểu tại căn cứ quân sự Mỹ ở Đức, ông Austin không trả lời liệu Mỹ có cung cấp cho Ukraine thế hệ mới nhất của hệ thống tên lửa nhiều nòng cơ động cao Himars hay không. Ông lưu ý rằng nhu cầu của Ukraine ở giai đoạn này không thay đổi: họ cần pháo binh, xe tăng, máy bay không người lái và đạn dược.
Loại tên lửa nhiều nòng phóng loạt cơ động Himas có tầm bắn từ 70 đến 150 km, lớn hơn nhiều so với nhóm lựu pháo M777 chỉ có tầm bắn hiệu quả không quá 40 km mà Mỹ mới cung cấp cho Ukraine.
Ông Anton Grashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, mới đây đã đăng bài trên mạng xã hội nói rằng Mỹ đang đề ra kế hoạch tiêu diệt Hạm đội Biển Đen của Nga. Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đã phủ nhận tại một cuộc họp báo, gọi thông tin này là "không đúng sự thật". Tuy nhiên, theo tin của truyền thông Mỹ, ông Kirby không phủ nhận tuyên bố của Grashchenko rằng Mỹ đang xem xét gửi các tên lửa chống hạm Harpoon đến Ukraine trong tương lai.
Tàu chiến không người lái cỡ nhỏ Mantas T-12 Mỹ cung cấp cho Ukraine. |
Trên thực tế, ngay trước đó, Reuters và các cơ quan truyền thông khác đã đưa tin rằng chính phủ Mỹ và các nguồn tin quốc hội tiết lộ rằng Nhà Trắng đang xem xét cung cấp cho Ukraine các tên lửa chống hạm để giúp Ukraine phá vỡ sự phong tỏa đường biển của Nga, nhưng đồng thời một số người trong cuộc cảnh báo điều này có thể dẫn đến xung đột gia tăng.
Theo truyền thông Nga, Mỹ mới đây đã cung cấp cho Ukraine một loại vũ khí mới vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và thậm chí chưa được quân đội Mỹ trang bị: tàu không người lái tàng hình cỡ nhỏ "Mantas" T-12.
Tin cho biết, một nhóm binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện tại một căn cứ hải quân ở Virginia để vận hành loại tàu không người lái này. Truyền thông Nga phỏng đoán rằng Mantas T-12 có thể sẽ sớm xuất hiện tại vùng biển thuộc Biển Đen gần Odessa, khiến cuộc giao tranh xung quanh Đảo Rắn càng thêm căng thẳng.
Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 23/5, ông Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ cho biết, Mỹ đã làm chủ được hệ thống logitic đa dạng và ổn định để vận chuyển vũ khí tới Ukraine. Nếu quân đội Nga phát hiện và tấn công từng lô vũ khí riêng lẻ ở Ukraine, cũng sẽ không làm gián đoạn viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa hành trình Kalibr 3M-54 để phá hủy một số lượng lớn vũ khí và trang thiết bị quân sự nằm trong khu vực nhà ga Marin thuộc vùng Zhitomyr của Ukraine. Những vũ khí và trang bị này do Mỹ và các nước châu Âu cung cấp và kế hoạch ban đầu dự kiến trang bị cho quân đội Ukraine ở vùng Donbass.
Ukraine nói họ đã dùng tên lửa tự chế Neptune bắn chìm tàu tuần dương Moskva, kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen Nga. |
Truyền thông Nga ngày 23/5 cũng đưa tin rằng Josep Borrell, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, nói rằng dự trữ quân sự của Liên minh châu Âu đã "cạn kiệt" và một trong những nguyên nhân chính là do cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Borrell cho rằng việc cạn kiệt dự trữ quân sự do viện trợ quân sự cho Ukraine là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy EU thiếu khả năng quốc phòng. Ông Borrell nói thêm, ngoài ra còn có các lý do khác, bao gồm cắt giảm ngân sách quốc phòng và phân bổ cho lĩnh vực này do chính sách thắt lưng buộc bụng gây nên.
Theo trang tin Newtalk, các nhà phân tích quân sự cho rằng sau khi Ukraine có được tên lửa đất đối hạm Harpoon, Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga sẽ ở trong tình trạng nguy hiểm vì những tên lửa này có thể thực hiện các cuộc tấn công các tàu Hải quân Nga từ khoảng cách xa.
Ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva đã bị chìm. Trước khi xảy ra vụ chìm tàu, Bộ Quốc phòng Nga cho biết con tàu đã gặp hỏa hoạn và gây ra vụ nổ kho đạn trên tàu khiến con tàu bị hư hỏng nặng. Quân đội Ukraine cho biết chiếc Moskva bị đánh chìm bởi tên lửa Neptune do quân đội Ukraine phóng, nhưng cho đến nay Nga vẫn chưa công bố nguyên nhân vụ cháy và nổ tàu Moskva cũng như không có phản hồi nào chính thức đối với tuyên bố của quân đội Ukraine.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu