Quân đội Mỹ lên kế hoạch phát triển bầy đàn robot chiến đấu đối phó Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Quốc phòng Mỹ âm thầm khởi động một chương trình, phát triển khả năng phóng hàng ngàn robot chiến đấu trên bộ, trên biển và trên không nhằm áp đảo và phá hủy ưu thế khu vực phòng thủ của đối phương.
Dự án phát triển công nghệ bầy đàn robot chiến đấu của Quân đội Mỹ. Ảnh The Debrief.
Dự án phát triển công nghệ bầy đàn robot chiến đấu của Quân đội Mỹ. Ảnh The Debrief.

Thông tin chi tiết về dự án đặc biệt được giữ bí mật. Tuy nhiên, ngôn ngữ trong các tài liệu mời thầu trước được cập nhật gần đây cho thấy sự phát triển của những bầy phương tiện tự hành khổng lồ, có khả năng tập trung cụ thể vào một mục tiêu như ngăn chặn hoặc đánh bại một cuộc xâm lược Đài Loan tiềm tàng của Trung Quốc.

Theo các tài liệu, dự án này do Văn phòng Công nghệ Chiến lược của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) quản lý và thực hiện.

DARPA chưa chính thức công bố khởi động chương trình mới, nhưng những hồ sơ ban đầu cho thấy, chương trình sẽ được triển khai với mật danh là: dự án “Bầy đàn thích ứng đa miền tự trị” hay “AMASS”.

AMAS không phải là dự án DARPA đầu tiên hoặc duy nhất hiện được tiến hành, sử dụng công nghệ bầy đàn UAV robot mang lại lợi thế cho quân đội Mỹ trên các chiến trường trong tương lai.

Trong 6 năm qua, Chương trình Chiến thuật Kích hoạt bầy đàn OFFensive (OFFSET) đã hoàn thiện khả năng cho tối đa 250 phương tiện robot trên không và trên bộ tự động đổ bộ xuống môi trường đô thị để yểm trợ hỏa lực cho lực lượng bộ binh.

Thông thường, những dự án DARPA như OFFSET liên quan đến hoạt động thử nghiệm tính khả thi của những công nghệ “đột phá” có rủi ro cao và lợi ích cao khác nhau. Thành quả của những công trình này sau đó được chuyển giao cho các quân binh chủng quốc phòng quan tâm để phát triển tăng cường hoặc tích hợp vào các hệ thống hiện có.

Nhưng AMASS có điểm độc đáo là DARPA dường như đã có sẵn một sứ mệnh cụ thể để sử dụng “bầy đàn” robot quân sự.

“Ngày nay, các đối thủ cấp quốc gia ngang hàng với Mỹ có thể tiến hành cuộc tấn công vào các nước láng giềng không cần cảnh báo trước nhờ lợi thế về khoảng cách, thời gian và lực lượng của họ.” Thông báo Mời thầu Rộng rãi (BAA) ngày 30/1 của DARPA cho biết.

“Các lớp phòng thủ A2/AD (chống tiếp cận/khu vực bị từ chối) của đối phương với hệ thống phòng không tinh vi, hỏa lực gián tiếp, vũ khí chính xác và khả năng Tình báo, Giám sát và Trinh sát (ISR) sẽ hạn chế nghiêm trọng những hoạt động của Lực lượng Liên quân và Liên minh Quân đội Đồng minh trong không gian chiến trường này.”

DARPA gợi ý về việc AMASS có một nhiệm vụ xác định bằng một lưu ý, “Chương trình này sẽ được định hướng trình diễn khả năng tác chiến với một số kịch bản cấp chiến trường cụ thể trong khu vực.” BAA nhắc lại thêm, “chương trình này sẽ được thử nghiệm và tập trung vào kịch bản tác chiến tại một địa bàn khu vực cụ thể.”

Trong thông báo mời thầu không nêu tên bất kỳ “đối thủ ngang hàng” cụ thể nào. Nhưng đề cập đến khả năng tấn công quốc gia láng giềng với không có cảnh báo và AMASS có “sự nhấn mạnh cụ thể vào khu vực” gợi ý rất rõ ràng về mối lo ngại của Lầu Năm Góc trong khả năng Trung Quốc sẽ sát nhập Đài Loan bằng vũ lực.

“Trọng tâm của chương trình AMASS là khả năng lên kế hoạch và thực hiện những nhiệm vụ, sử dụng hàng nghìn thực thể tự trị làm suy giảm hoặc đánh bại năng lực tác chiến A2/AD của đối phương.”

Các tài liệu cho thấy mục tiêu của AMASS là phát triển khả năng phóng và chỉ huy, điều hành hàng nghìn, có thể là nhiều nghìn UAV robot, liên kết phối hợp phá hủy hàng loạt hệ thống phòng thủ của kẻ thù, bao gồm các phương tiện phòng không, vũ khí hỏa lực gián tiếp độ chính xác, hệ thống tình báo, chỉ huy, giám sát, trinh sát, điều hành tác chiến của đối phương.

“Tầm nhìn ngắn hạn là bầy đàn robot chi phí thấp, các cảm biến đa dạng và các hiệu ứng tấn công động học và phi động học, mục tiêu chủ yếu sẽ được định vị trước và UAV được phóng từ xa, cung cấp khả năng phản ứng nhanh, khả năng thích ứng môi trường tác chiến phức tạp, vượt qua lợi thế về khoảng cách và thời gian của đối phương.”

Chương trình AMASS dự kiến ​​sẽ bao gồm hàng loạt các phương tiện tự động hóa đa miền như Máy bay không người lái (UAV), Phương tiện mặt nước không người lái (USV) và Phương tiện mặt đất không người lái (UGV).

Trong phiên họp ngày 10/1 với các đối tác tiềm năng trong ngành, một quan chức của DARPA làm rõ, các phương tiện ngầm dưới nước không người lái (UUV) cũng sẽ được xem xét cho chương trình AMASS.

Những tài liệu mời thầu cho thấy, AMASS không phải là một chương trình nghiên cứu theo hướng tìm tính khả thi. Thay vào đó, Lầu Năm Góc tin tưởng chắc chắn sẽ cần một đội quân robot quy mô lớn.

Người chiến thắng giải thưởng của hợp đồng AMASS rõ ràng bị cấm tiến hành các nghiên cứu “chủ yếu dẫn đến những cải tiến mang tính hiện đại hóa đối với tình trạng trang thiết bị thực tiễn hiện tại.” Một nhà thầu sẽ phải tập trung vào “những phương pháp đổi mới, tạo ra những tiến bộ mang tính cách mạng trong khoa học quân sự, thiết bị hoặc hệ thống”.

DARPA lưu ý, khả năng hoàn thành thành công hợp đồng AMASS có thể sẽ dẫn yêu cầu một đối tác trong ngành tận dụng nhiều loại công nghệ và kết hợp với “những bài học kinh nghiệm” từ chương trình của DARPA “Đơn vị nhỏ tăng cường Hệ thống của Hệ thống (SESU).

Khoản tài trợ ban đầu cho dự án AMASS dự đoán là 78 ​​triệu USD, phần thưởng dự kiến ​​sẽ là Hợp đồng cho một nhà thầu tư nhân duy nhất.Nhưng DARPA cũng cảnh báo “trên cơ sở mức độ phức tạp của chương trình này, những doanh nghiệp công nghệ được khuyến khích tìm kiếm những thỏa thuận hợp tác với các nhà thầu phụ có sản phẩm và chuyên môn phù hợp.”

Theo luật liên bang, dự án AMASS được cung cấp công khai trên hệ thống mua sắm điện tử trực tuyến của chính phủ Mỹ, SAM.gov. Nhưng phần lớn nội dung chương trình được giữ bí mật.

“Bản mời thầu BAA của DARPA được phân loại là Bí mật hoặc nói cách khác việc truy cập thông tin hoặc đơn vị đưa ra thông tin được phân loại bí mật,” thông báo mời thầu của AMASS viết. Theo hồ sơ, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ban hành hướng dẫn phân loại bảo mật chính thức cho AMASS trước khi xuất bản thông báo mời thầu ngày 22/11/2022.

“Mục tiêu là phần cứng, phần mềm và dữ liệu thô được thu thập được bảo mật ở mức tối đa có thể,” một quan chức DARPA giải thích trong phiên hỏi đáp dành cho các nhà cung cấp tiềm năng. Những kịch bản thử nghiệm, kết quả thử nghiệm và thử nghiệm trực tiếp dự kiến ​​sẽ được tiến hành ở cấp độ bảo mật hoàn toàn.

Theo DARPA, một số kịch bản thử nghiệm trực tiếp cho dự án AMASS sẽ được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Mỹ, có thể trên một địa bàn không xác định.

Sự bí mật vốn có trong quá trình phát triển của AMASS có thể sẽ làm trầm trọng thêm những lo ngại hiện có đối với các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và UAV robot quân sự. Đặc biệt là sự căng thẳng đối với các hệ thống robot có khả năng độc lập quyết định khi nào bóp cò hoặc thả bom.

Trong một bức thư gửi Liên Hợp Quốc năm 2017, 116 chuyên gia AI, bao gồm cả người sáng lập Tesla và SpaceX, Elon Musk bày tỏ sự lo ngại về mức độ nguy hiểm khi phát triển phần cứng quân sự có khả năng tự “tư duy” không cần đến sự hướng dẫn của con người.

“Sau khi được phát triển, những robot chiến đấu này sẽ thúc đẩy xung đột vũ trang diễn ra ở quy mô lớn hơn bao giờ hết và với thời gian nhanh hơn con người có thể hiểu được,” bức thư viết.

Chính sách hiện nay của Bộ Quốc phòng quy định rằng, những hệ thống vũ khí tự động hóa cao hoặc bán tự động phải được “thiết kế để cho phép các chỉ huy và trắc thủ điều hành thực hiện các cấp độ đánh giá thích hợp trên cơ sở tư duy con người đối với việc sử dụng vũ lực”.

Theo sách trắng năm 2018 của chính phủ Mỹ, Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội nhận thấy rằng, sự mơ hồ trong chính sách của Bộ Quốc phòng đã mở ra cơ hội cho các chỉ huy quân sự cho phép những robot chiến đấu có khả năng tự động sử dụng vũ lực, do đó các phương tiện tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo vẫn có khả năng khai hỏa.

Mặc dù vậy, bất chấp những lo ngại có cơ sở, việc sử dụng công nghệ robot được quân sự hóa không còn là câu hỏi “nếu” mà là câu hỏi chắc chắn “khi nào”.

Trao đổi với The Atlantic, Samuel Bendett, một chuyên gia về vũ khí Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân, mô tả bầy đàn UAV là "chén thánh" của công nghệ quốc phòng. Ông nói: “Đây là điều mà các quốc gia đang hướng tới, ý tôi là các quốc gia tiên tiến và quân đội tiên tiến trong tương lai sẽ sử dụng những công nghệ robot bầy đàn.”

Theo The Debrief