Chứng khoán Việt bốc hơi 11 tỉ USD vốn hóa trong một tuần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thị trường điều chỉnh trong tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm hơn 5% giá trị vốn hóa. Nhiều thời điểm VN-Index đã mất mốc 1.200 điểm.

Thị trường chứng khoán trong nước trải qua một tuần đầy biến động với những áp lực bán tháo trên toàn cầu. Diễn biến xấu của thị trường tài chính chủ yếu liên quan đến việc FED tăng thêm lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức cao nhất trong gần 30 năm dẫn đến những lo ngại về suy thoái kinh tế.

Chứng khoán Việt Nam cũng ngay lập tức phản ứng với tin xấu khi lao dốc 57 điểm phiên đầu tuần và sau đó tăng giảm đan xen. Chỉ số có tổng cộng 3 phiên giảm và 2 phiên hồi phục, nhiều thời điểm đã mất điểm tựa 1.200 điểm.

Cá nhân trong nước bán tháo

Tính chung cả tuần, chỉ số đại diện sàn HoSE lao dốc 66,78 điểm (-5,2%) về mức 1.217,3 điểm. Tổng giá trị vốn hóa sàn này theo đó bốc hơi hơn 265.600 tỷ đồng (gần 11,5 tỷ USD), về còn 4,83 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh đó bộ chỉ số HNX-Index cũng bốc hơi 26,38 điểm (-8,61%) xuống 280 điểm, tương ứng vốn hóa sụt giảm hơn 28.900 tỷ đồng. Chỉ số UPCoM-Index rơi 6,62 điểm (-7,06%) xuống quanh 87 điểm, vốn hóa tương ứng mất đi 77.000 tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp và xấp xỉ so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân giảm nhẹ 3% về mức 19.497 tỷ đồng/phiên, trong đó tổng giá trị khớp lệnh bình quân đạt 17.877 tỷ đồng/phiên.

Diễn biến VN-Index trong tuần 13-17/6. Đồ thị: TradingView.

Diễn biến VN-Index trong tuần 13-17/6. Đồ thị: TradingView.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch theo chiều hướng tiêu cực và gây ra khá nhiều áp lực đến thị trường chung, trong khi đó lực đỡ của thị trường đến từ nhà đầu tư tổ chức trong nước và khối ngoại.

Cụ thể khối nhà đầu tư cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 4 tuần mua ròng liên tiếp trên HoSE bằng việc bán ròng trở lại với con số rất lớn 2.465 tỷ đồng, phần lớn trong đó đến từ giao dịch khớp lệnh. Các mã bị nhà đầu tư nhỏ lẻ xả nhiều là HPG, GAS và bộ phân bón DPM, DCM.

Ngược lại, khối tổ chức trong nước lại quay đầu mua ròng trở lại hơn 1.500 tỷ đồng sau chuỗi 4 tuần bán liên tiếp trước đó. Nhà đầu tư lớn trong nước chủ yếu gom các mã GAS, DPM và chứng chỉ quỹ FUEVFVND.

Cũng có diễn biến tích cực trong tuần qua là khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp. Giá trị mua ròng cũng được duy trì ở mức 1.214 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng hơn 34 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại tập trung gom cổ phiếu ngành thép HPG với giá trị 448 tỷ đồng trong bối cảnh mã này liên tục lao dốc. Nhiều mã khác cũng được mua nhiều trên trăm tỷ đồng như GAS, DPM, VHM, GMD, VGC...

Hàng loạt mã lao dốc 30%

Thị trường chung bị tác động mạnh mẽ bởi quyết định của FED và rổ vốn hóa lớn nhất VN30 cũng không nằm ngoại lệ khi có 24 cổ phiếu kéo giảm và chỉ có 6 cổ phiếu kéo tăng.

Cổ phiếu ngân hàng - vốn chiếm tỷ trọng vốn hóa cao nhất - trở thành tác nhân chính kéo lùi chỉ số. Trong nhóm 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất thì có đến 6 cái tên đến từ các nhà băng như CTG, MBB, VPB, TCB, BID và VIB.

Ngoài ra còn có một số mã lớn khác như GVR của Tập đoàn Cao su lao dốc 13% về 22.700 đồng, HPG của Hòa Phát mất 8,8% còn 23.200 đồng, VHM của Vinhomes giảm 3,4% về 66.000 đồng hay VND của VNDirect bốc hơi gần 30% xuống 16.900 đồng.

Ngoài nhóm ngân hàng thì các cổ phiếu ngành thép, chứng khoán và nhiều mã đầu cơ khác cũng có đà rơi nhanh nhất khiến các cổ đông đang chịu áp lực rất lớn giữa việc đau đớn cắt lỗ hoặc tiếp tục nắm giữ với nguy cơ bị bán giải chấp.

Tại nhóm thép, cổ phiếu đầu ngành HPG giảm gần 9% về mức thấp nhất kể từ 2021 và đã mất gần phân nửa giá trị so với vùng đỉnh lịch sử. Bên cạnh đó HSG của Hoa Sen lao dốc gần 27% trong tuần qua, NKG của Nam Kim rơi 24%, TLH của Thép Tiến Lên mất 23% hay SMC sụt hơn 19% giá trị.

Nhóm cổ phiếu đại diện các công ty chứng khoán bị bán tháo dữ dội từ quy mô lớn đến nhỏ. VND của VNDirect và TVB rơi mạnh nhất gần 30% chỉ sau một tuần. Bên cạnh đó mã đầu ngành SSI cũng rơi 26% về 20.600 đồng. Các mã FTS mất gần 26%, APG sụt 25%, VCG và HCM mất hơn 20% giá trị.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục chìm trong chuỗi ngày tiêu cực sau cuộc thanh lọc thị trường. Tuần qua SJF của Đầu tư Sao Thái Dương rơi thêm 30% xuống 6.350 đồng. Nhóm Louis ghi nhận TGG mất 30% và BII lao dốc 36%. LDG vẫn giảm bất chấp 30% dù lãnh đạo muốn gom cổ phiếu, DIG của DIC Corp giảm 30% khi doanh nghiệp bất ngờ yêu cầu cung cấp danh sách cổ đông...

Trong bối cảnh bán tháo trên phần lớn các sàn chứng khoán thì GAS của PV Gas nổi lên như một trụ cột quan trọng nhất cho chỉ số, mã này bứt phá 12,9% lên đỉnh lịch sử 134.000 đồng và có đóng góp gần 8 điểm tăng cho thị trường.

Sự bứt phá của GAS đã dẫn dắt cổ phiếu năng lượng và tiện ích đi lên để tạo ra tác động khá tốt lên chỉ số, giúp kìm hãm một phần đà rơi của thị trường chung.

Cổ phiếu ngành sản xuất điện ghi nhận REE có thêm gần 10% lên đỉnh lịch sử 99.000 đồng. VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh bứt phá 17% đạt 46.350 đồng. POW của nhà sản xuất điện tổng hợp PV Power tăng trên 7%. GEG của Điện Gia Lai có thêm 10%...

Một mã riêng lẻ gây bất ngờ khác là THD của Thaiholdings trở lại mạnh mẽ với đà tăng hơn 38% lên 54.000 đồng chỉ sau một tuần. Đà đi lên này trùng hợp với thời điểm cổ đông lớn Nguyễn Đức Thụy bán thỏa thuận toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu và rút hoàn toàn khỏi doanh nghiệp.

Theo ZingNews