CEO AirAsia: Hy vọng tháng 7 hay tháng 8 năm sau, AirAsia Vietnam có thể cất cánh

Tổng giám đốc Air Asia Tony Fernandes tuyên bố: "Nếu muốn là hãng hàng không của ASEAN, AirAsia phải đến Việt Nam".

Tại diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018 với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Tony Fernandes, Tổng giám đốc Air Asia ký kết với CTCP Hàng không Hải Âu của ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group về việc ghi nhớ hợp tác thành lập một hãng bay mới tại Việt Nam.

Nếu nhìn ở ngoài, không ai nghĩ đây là một doanh nhân đang sở hữu giá trị tài sản lên tới 745 triệu USD. Tony Fernandes rất thân thiện. Ông kể, thông thường rất ít khi mặc suit, nhưng hôm nay ông có buổi tiếp kiến Thủ tướng.

Đây không phải là lần đầu tiên Air Asia muốn đặt chân vào thị trường hàng không Việt Nam. Nhiều năm trước, Tony Fernandes đã muốn hợp tác với Vietjet nhưng không thành. Lần này, ông được gặp Thủ tướng Việt Nam, chia sẻ về tiềm năng phát triển ngành hàng không Việt Nam và muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch và nền kinh tế Việt Nam.

Lễ ký kết có sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: VnExpress)

Bên lề sự kiện, phóng viên NDH đã có trao đổi riêng với Tổng giám đốc Air Asia về những dự tính của hãng hàng không chi phí thấp lớn nhất Châu Á này tại Việt Nam.

Hy vọng tháng 7 năm 2019 AirAsia Việt Nam có thể cất cánh

- AirAsia từng có ý định đầu tư vào Việt Nam trước đó nhưng không thành công. Tại sao ông vẫn muốn thử?

Vâng, chúng tôi từng bắt tay với Vietjet nhưng không được. Sau đó, công ty này trở thành một tên tuổi lớn.

Tôi mất 7 năm để vào được Kuala Lumpur. Lý do đầu tiên là tôi không bao giờ bỏ cuộc. Thứ 2, chỉ có “khùng” mới không đến Việt Nam. Nước bạn có 100 triệu dân, tiềm năng du lịch lớn, nhiều bãi biển đẹp. Nếu muốn là hãng hàng không của ASEAN, AirAsia phải đến Việt Nam.

- Tại sao ông chọn hợp tác với ông Trần Trọng Kiên?

Ông Kiên thẳng thắn, nhiệt huyết và biết nhiều về ngành du lịch. Ông ấy cũng rất quyết liệt về việc quảng bá Việt Nam. Khi tôi đến đây tối qua, ông ấy gửi cho tôi một quyển sách về Hà Nội. Tôi đọc say sưa nên quên cả ngủ.

- Ông có thể chia sẻ kế hoạch của AirAsia ở Việt Nam?

Hy vọng là vào tháng 7 hay tháng 8 năm sau, AirAsia Vietnam có thể cất cánh.

Chúng tôi sẽ mở nhiều đường bay mới. Chúng tôi có tập dữ liệu và hoạt động marketing số mạnh. Tôi nghĩ đây là lợi thế lớn, chúng tôi đầu tư nhiều vào mạng xã hội để tìm hiểu về khách hàng. Chúng tôi là hãng hàng không đầu tiên dùng internet.

Chiến lược sẽ là quảng bá Việt Nam đến tập khách hàng sẵn có. Ở khách sạn, một người đến gặp tôi và nói: “Nhiều người Malaysia đến đây quá, nhờ vào AirAsia”. Thế mạnh của chúng tôi là marketing.

Ông Tony Fernandes, Tổng giám đốc Air Asia

- Ông nghĩ gì về triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam?

Triển vọng rất lớn! AirAsia tăng trưởng 46% một năm mà chúng tôi mới chỉ bay đến 5 thành phố. Tất nhiên triển vọng và phát triển thực tế là 2 chuyện khác nhau. Vấn đề là các bạn có thể làm được không.

- Ông có được chính phủ hỗ trợ không?

Tôi không rõ. Phó Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết giữa AirAsia và Hải Âu, đó là dấu hiệu tốt. Tôi chưa bao thấy một Phó thủ tưởng ngồi dự một sự kiện du lịch lâu như vậy. Chính phủ Việt Nam hoàn toàn nghiêm túc về ngành công nghiệp này.

Lát nữa tôi sẽ gặp Thủ tướng. Không lý gì chính phủ không ủng hộ chúng tôi. Đến đâu AirAsia cũng mang lại việc làm, du khách và phát triển kinh tế, như ở Philippines, Indonesia, Thái Lan. Chúng tôi cũng không vào để giành thị trường của công ty khác. Malaysia Airlines vẫn giữ nguyên lượng khách như khi chúng tôi bắt đầu, còn chúng tôi đã lớn lên nhiều.

- Việt Nam ngày càng có nhiều hãng hàng không giá rẻ. Ông có nghĩ thị trường này đang trở nên cạnh tranh hơn?

Tôi không muốn cạnh tranh mà muốn xây thị trường mới. Ví dụ đường bay Kuala Lumpur – Đà Nẵng, Kuala Lumpur – Phú Quốc, Bangkok – Đà Nẵng chưa được khai thác. Tôi cũng muốn mở đường bay Chiangmai – Đà Nẵng.

Thứ 2, tôi nghĩ chúng tôi có phí thấp nhất thế giới, đồng nghĩa với giá vé rẻ hơn. Thứ 3, tôi nghĩ chúng tôi có thương hiệu và mạng lưới phân phối mạnh hơn.

Tôi không nghĩ nhiều về cạnh tranh vì luôn có thị trường. Việt Nam có 100 triệu dân, Malaysia chỉ có 30 triệu mà có nhiều máy bay hơn. Thị trường đủ chỗ cho tất cả. Hàng trăm triệu người ở ASEAN, nhiều người chưa đi máy bay bao giờ. Và những người từng đi có thể mới bay nội địa. Đây là điều tôi muốn làm, để các bạn có thể đi du lịch nhiều hơn cũng như đưa những du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Nếu bạn không đủ mạnh, bạn không thể tồn tại. Chúng ta không nên cản trở cạnh tranh vì điều này tốt cho nhiều người, từ khách hàng đến người lao động.

Công ty chúng tôi được thành lập với sự cạnh tranh trong máu. Chúng tôi bắt đầu chỉ với 2 máy bay trong khi Malaysia Airlines có 120, giờ tôi có 250.

- Chiến lược của AirAsia là gì?

Đầu tư nhiều tiền, tất nhiên còn phụ thuộc vào tốc độ phát triển của chúng tôi và đối tác.

- Ông có nghĩ giá dầu tăng là vấn đề không?

Không, bạn phải cố kiếm tiền bất kể giá dầu như thế nào. Tôi nghĩ giá dầu từng quá cao nhưng giờ là 60 USD một thùng. Tôi dự đoán con số này sẽ xuống 50 USD.

- Sân bay ở Việt Nam đang bị quá tải, đó có phải là trở lại cho các hãng hàng không mới gia nhập không? Ông có gợi ý gì để giải quyết vấn đề này?

Tôi nghĩ hạ tầng hiện nay chưa đủ. Một số sân bay trong nước đã quá tải. Theo tôi, các bạn nên cải thiện cơ sở vật chất, không cần sân bay đủ dịch vụ mà có thể là cho riêng hàng không giá rẻ. Vì tăng trưởng của mảng này mạnh nhất và càng rẻ thì xây càng nhanh.

Các cũng bạn nên giảm phí. Tôi không hiểu tại sao tất cả sân bay đều có mức phí như nhau. 2 ngôi nhà giá 100.000 USD và một triệu USD sẽ có giá thuê khác nhau. Ví dụ ở AirAsia, khi cầu xuống, chúng tôi sẽ giảm phí.

Tiềm năng du lịch và hàng không Việt Nam rất lớn

- Ông nghĩ gì về ngành du lịch Việt Nam?

Tôi đánh giá cao về ngành này trong ASEAN, nhất là Thái Lan. Nước này đầu tư rất nhiều trong nhiều năm qua. So sánh với con số khổng lồ này, Việt Nam mới chỉ bắt đầu trong du lịch nhưng đã gặt hái nhiều thành công. Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các bạn bỏ nhiều tiền hơn. Không lý nào Việt Nam không thể thành công như Thái Lan.

Đối với ngành hàng không, mọi quảng cáo đều có ảnh hưởng lớn. Hãy nhìn Emirates nhận được gì từ Dubai. Dù chuyện gì xảy ra, chúng tôi đều sẽ quảng bá cho Việt Nam. Vì vậy chúng tôi không đợi du lịch mà cứ phát triển trước vì tin rằng đất nước các bạn rất tuyệt vời.

- Thế mạnh của Việt Nam là gì, khi so sánh với các nước, thưa ông?

Theo tôi, thế mạnh đầu tiên là sự mới lạ. Đây cũng có thể là điểm yếu nhưng với tôi, đây là thế mạnh lớn nhất. Mọi người thích khám phá những điều mới. Thứ 2 là biết cách làm tốt hơn, bảo vệ môi trường và giúp ngành du lịch bền vững hơn, không phá hủy quốc gia xinh đẹp này. Việt Nam rất dài, có rừng và biển cùng lịch sử và văn hóa tuyệt vời. Rất độc đáo và khác biệt so với các nước!

Tuy nhiên, tôi coi ASEAN như một điểm đến khổng lồ với 10 nước khác nhau. Trong khi ở châu Âu, các nước ít nhiều đều có nét tương đồng.

- Vậy Việt Nam có thể làm gì để phát triển một ngành du lịch lớn mạnh và bền vững?

Hiện có nhiều nghiên cứu về phát triển bền vững. Các bạn không nên mang quá nhiều khách du lịch, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của điểm đến, đảm bảo việc xây khách sạn không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Về vấn đề thu hút du khách, các bạn cứ tập trung vào marketing. Tôi biết rất nhiều lễ hội ở Thái Lan như lễ hội té nước Songkran nhưng chẳng biết gì về nước bạn. Ngành du lịch Thái Lan mạnh về mảng này.

- Việt Nam có thể làm gì để phát triển như vậy?

Các bạn cần xây dựng thương hiệu. Nhắc đến Malaysia người ta nghĩ tới “Malaysia, truly Asia”; nhắc đến Thái Lan sẽ là “Amazing Thailand”. Khẩu hiệu của Malaysia khi đến đây du khách được trải nghiệm mọi thứ. Vậy Việt Nam là gì? Chỉ trong 2-3 từ, các bạn cần truyền tải một thông điệp mạnh mẽ, hơn một đoạn quảng cáo 30 giây trên tivi.

- Ngành hàng không gặp khó khăn gì khi muốn hỗ trợ ngành du lịch ở Việt Nam?

Thực ra là không có gì. Cá nhân tôi muốn nhà ga và hạ tầng cho hàng không giá rẻ. ít yêu cầu thị thực và giảm phí thì tốt hơn. Tuy nhiên tôi nghĩ không có vấn đề gì lớn. Việt Nam khá mở cửa, có nhiều nơi để đi. Không chỉ Hà Nội và TP HCM mà còn nhiều nơi khác. Chúng tôi đã tới 5 địa điểm và đang xem xét 3 địa điểm khác. Các bạn có nhiều triển vọng.

Tôi nghĩ ngành này đang rất phát triển, 45% trong 10 năm qua và đây mới chỉ là bắt đầu. Tôi đang kêu gọi visa cho khối ASEAN. Vấn đề duy nhất là sân bay, tôi nghĩ nên xây nhiều hơn để Việt Nam vượt lên trước các nước. Thực ra có 2 loại sân bay, một với đủ dịch vụ và một cho hàng không giá rẻ. Vì vậy đây là cơ hội cho quốc gia vì hàng không giá rẻ phát triển nhanh hơn nhiều.

- Giữa Singapore với Việt Nam, xâm nhập thị trường nào khó hơn?

Việt Nam tốt hơn nhiều. Tôi nghĩ các bạn chào đón người nước ngoài, chào đón cạnh tranh và đầu tư. Và thực ra Singapore khá nhỏ, chỉ có 6 triệu dân.

- Ông có tự tin về thị trường này không?

Tôi rất tự tin!

- Ông so sánh thế nào giữa Việt Nam và các thị trường khác trong khu vực, ví dụ Thái Lan?

Các bạn không nên tự làm khó mình. Thái Lan làm du lịch rất tốt nhưng nước này bắt đầu từ 50 năm trước và bỏ hàng trăm triệu. Trong khi, Việt Nam còn mới và mới chỉ bỏ 2 triệu đầu tư.

Tuy nhiên, các bạn phải cố gắng để đuổi kịp vì đây không phải một điều bất khả thi. Tôi bắt đầu với 2 máy bay giờ tôi có 250. Bà Thảo chuyển từ lĩnh vực ngân hàng sang hàng không và xây dựng một Vietjet thành công.

- Ông nghĩ gì về bà Thảo?

Tôi nghĩ bà ấy đã làm tốt. Nhiều trong số đó là mô hình của AirAsia vì chúng tôi từng hợp tác và tôi từng hướng dẫn. Tôi rất tự hào vì đã giúp được, khi nhìn vào máy bay hay website của Vietjet, tôi thấy sự tương đồng. Tôi muốn chúc mừng thành công này. Tuy nhiên tôi nghĩ AirAsia có thể làm những thứ khác và có thể cùng tồn tại với Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet. Chúng tôi có thương hiệu mạnh hơn nhiều trên thế giới; tập khách hàng, website, mạng xã hội lớn hơn.

Từ một kiểm toán viên, người kinh doanh âm nhạc đến ông chủ hãng hàng không chi phí thấp lớn nhất Châu Á

Tony Fernandes có một thời gian ngắn làm kiểm toán viên cho Virgin Atlantic, sau đó trở thành người kiểm soát tài chính cho Virgin Communications của Richard Branson ở London từ 1987 đến 1989 trước khi gia nhập Warner Music International London với tư cách là nhà phân tích tài chính cao cấp. Ông có bằng ACCA và là thành viên của Viện Kế toán Chartered ở Anh và xứ Wales (ICAEW).

Fernandes trước đây là một giám đốc điều hành của Warner Music tại Malaysia, và Phó Chủ tịch ASEAN tại Warner Music South East Asia từ tháng 12/1999 đến tháng 7 năm 2001. Tháng 9/2001, ông mua lại giấy phép của Air Asia.

- Ông có thể chia sẻ ngắn gọn về hành trình gây dựng nên AirAsia?

Tôi từng làm trong ngành âm nhạc và không biết gì về hàng không. Tôi nghĩ rằng nếu đi máy bay rẻ hơn, mọi người sẽ thích. Tôi không biết ngành này khó thế nào, tôi không hiểu gì về chính trị hay hàng không. Tuy nhiên, tôi giỏi về marketing và tôi tin rằng nếu sản phẩm tốt, khách hàng sẽ tìm đến. Vì vậy, tôi tạo ra sản phẩm mà mọi người muốn. Cũng như trong âm nhạc, bạn có thể là một ca sĩ giỏi nhưng nếu không có bài hát thì sẽ không có khán giả. AirAsia có sản phẩm tốt.

Sau đó, bạn cần mọi người biết về sản phẩm qua marketing và khuyến mãi. Cuối cùng là mạng lưới phân phối. Chúng tôi có sản phẩm tốt, giá rẻ và có AirAsia.com để khách hàng tìm đến. Thành công của AirAsia có được nhờ vào con người, tôi nghĩ tôi có đội ngũ tốt. Tôi nhận ra rằng các hãng hàng không rất quan liêu, các bộ phận khác nhau không nói chuyện với nhau. Vì vậy tôi đưa tất cả vào một văn phòng. Chúng tôi không mặc vest, công ty áp dụng “cấu trúc phẳng”. Tôi nghĩ lý do khiến tôi thành công là không phải người trong ngành, và do đó tôi suy nghĩ khác so với mọi người. Câu chuyện của chúng tôi thật đáng kinh ngạc, nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao mình làm được. Có lẽ đó là do chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ, không bao giờ từ bỏ và luôn tiến lên.

-Từ những ngày đầu, ông làm thế nào để Chính phủ Malaysia tin tưởng vào AirAsia?

- Tôi mua giấy phép với giá một ringgit vào 2001 vì khi đó AirAsia đang làm ăn kém. Khi tôi đến gặp, Thủ tướng Malaysia Mahathir Bin Mohamad khích lệ và nói tôi làm được vì không phải người trong ngành và có nhiều đam mê. Tuy nhiên, những người khác không có niềm tin vì tôi đến từ lĩnh vực âm nhạc và không có tiền. Họ nghĩ tôi sẽ thất bại trong 6 tháng. Nhưng rồi chúng tôi có 20 máy bay và trở nên nổi tiếng. Vì vậy, chính phủ ủng hộ chúng tôi.

Tăng 20 chuyến bay cho người hâm mộ Việt Nam sang Malaysia dự chung kết AFF Cup

Ông chủ AirAsia có niềm yêu thích cuồng nhiệt với bóng đá. Ông là một fan hâm mộ của câu lạc bộ West Ham, đã có thời điểm ông đã muốn mua 51% câu lạc bộ nhưng không thỏa thuận được về giá. Sau này, ông là nhà đầu tư lớn của câu lạc bộ Queens Park Rangers.

Từng chia sẻ là người rất hâm mộ bóng đá, ông Tony Fernandes cho biết mình đặt trọn niềm tin chiến thắng vào tuyển Việt Nam khi đối đầu Philippines ở trận bán kết lượt về tại sân Mỹ Đình và tuyên bố sẽ tăng 20 chuyến bay chở người Việt sang Malaysia xem trận chung kết.

Theo NDH

Link gốc: http://ndh.vn/tong-giam-doc-airasia-hy-vong-thang-7-8-nam-sau-airasia-vietnam-co-the-cat-canh-2018120603523641p99c121.news