Hãng hàng không dự kiến sẽ là thứ 5 của Việt Nam (bên cạnh Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco) vừa thông cáo như vậy, liên quan đến việc điều chỉnh lịch cất cánh.
Lịch trình cất cánh có sự điều chỉnh ngắn so với dự kiến ban đầu, tuy nhiên, sự điều chỉnh này không ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và mạng lưới bay theo định hướng từ trước của Bamboo Airways - đại diện hãng bay vẫn đang trong quá trình xin cấp phép này khẳng định.
Ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways nói: “Bamboo Airways đang trong giai đoạn hoàn thiện giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (KDVCHK) với sự đồng thuận cao của các bộ, ban, ngành có thẩm quyền. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cuối cùng để hãng có thể chính thức tham gia vào thị trường hàng không, sau khi chúng tôi đã nhận được quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư do Chính phủ công bố trong ngày 9/7 năm nay”.
“Song song với quá trình này, các công tác thuê mua máy bay, nhân sự, thương mại, khai thác bay, khai thác mặt đất v.v.. đã được tích cực triển khai sâu rộng. Về cơ bản, mọi công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên của hãng dự kiến vào cuối quý IV năm nay cũng đã hoàn tất", vị CEO nói thêm.
Cũng theo ông Đặng Tất Thắng, việc điều chỉnh lịch cất cánh dự kiến đạt được sự đồng thuận của toàn bộ Ban Lãnh đạo Bamboo Airways với mục tiêu tối ưu chất lượng dịch vụ, tăng cường cá nhân hóa trong công tác chăm sóc khách hàng, mang lại những chuyến bay thoải mái, an toàn, đúng giờ, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng một cách cao nhất.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp giấy phép KDVCHK cho Bamboo Airways. Tuy nhiên, đến nay, Thủ tướng chưa có văn bản trả lời Bộ này về đề xuất.
Theo kế hoạch công bố trước đó, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 100 đường bay kết nối tất cả các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế. Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, Tp.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - Tp.HCM, Tp.HCM - Vân Đồn....
Để phục vụ cho kế hoạch này, từ tháng 3 đến tháng 6/2018, Bamboo Airways đã ký hai thỏa thuận mua 44 máy bay A321 NEO và 787-9 Dreamliner trị giá 8,8 tỷ USD của hai đối tác quốc tế lớn là Airbus và Boeing.
Tuy nhiên, phải mất vài năm nữa, lô máy bay này mới chính thức được bàn giao. Còn trước mắt, Bamboo Airways sẽ thực hiện thuê tàu bay để từ các đại lý để hiện thực hóa giấc mơ bay của mình.
Hãng tuyên bố đã và đang tiến hành thuê khoảng 20 máy bay trong năm 2018 và bổ sung thêm 20-30 chiếc trong năm 2019, để phục vụ các kế hoạch vận hành đã được đặt ra.
Bamboo Airways được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) thành lập giữa năm ngoái, với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Tháng 7/2018, FLC quyết định bỏ thêm 600 tỷ để tăng vốn điều lệ của hãng bay này lên 1.300 tỷ đồng. Với dự án này, FLC đặt mục tiêu đưa Bamboo Airways trở thành một trong những hãng bay hàng đầu Việt Nam./.