Lễ ra mắt Bộ nhận diện thương hiệu Bamboo Airways được Tập đoàn FLC và Hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức chiều ngày 20/4/2018 tại Hà Nội.
Đại diện hãng và nhà thiết kế cho biết, lấy cảm hứng từ hình tượng cây tre, bầu trời và sắc xanh dương của biển, bộ nhận diện thương hiệu Bamboo Airways mang nhiều ý nghĩa tượng trưng cho bản sắc và niềm tự hào của dân tộc. “Hình tượng cây tre hiên ngang và bất khuất được thể hiện đậm nét trong logo mới của Bamboo Airways. Hình ảnh logo miêu tả phần đuôi máy bay kết hợp với biểu tượng cách điệu của lá tre và thân cây tre”.
Bộ nhận diện thương hiệu của Bamboo Airways ứng dụng những màu sắc chủ đạo chính gồm: Mùa xanh lá tượng tưng cho cây tre – biểu tượng cho sức sống và văn hóa Việt. Màu xanh dương tượng trưng cho bầu trời và mặt biển, thể hiện khao khát cất cánh vươn xa tới những chân trời mới.
“Cảm hứng của chúng tôi khi thực hiện dự án này bắt nguồn từ vẻ đẹp tuyệt vời của Việt Nam và những phẩm chất độc đáo của cây tre. Sử dụng hình ảnh cây tre trong bộ nhận diện thương hiệu là một ý tưởng táo bạo và hiện đại. Với bộ nhận diện thương hiệu này, chúng tôi muốn tại nên những cảm xúc đặt biệt cho khách du lịch không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp nơi trên thế giới khi đến khám phá mảnh đất và con người nơi đây”, ông Daniel Baron, Giám đốc Công ty LIFT Strategic Design – đơn vị thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho Bamboo Airways nói.
LIFT Strategic Design là công ty thiết kế thương hiệu hàng đầu Nhật Bản. Đơn vị này từng thành công với rất nhiều thương hiệu của các hãng hàng không nổi tiếng thế giới, như China Airlines, Philippines Airlines, Oasis HongKong, Orbis International…
Trong khi, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng thì chia sẻ: “Lấy hình tượng cây tre hiên ngang và kiên cường cùng gió bão, chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng Bamboo Airways sẽ mang khát vọng của người Việt bay cao, đưa khách du lịch đến với những miền đất du lịch tuyệt đẹp trên dải đất hình chữ S. Qua đó, nâng tầm hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Tham vọng cất cánh Bamboo Airways trong quý IV/2018
FLC tổ chức lễ ra mắt và chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu Bamboo Airways, nhưng trên thực tế, hãng bay này vẫn chưa nhận được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép bay – ít nhất là cho đến buổi họp báo vừa diễn ra. (Hiện Bamboo Airways vẫn đang chờ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được Chính phủ Việt Nam thông qua).
Không bất ngờ khi tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi đối với lãnh đạo Bamboo Airways và đại diện Cục Hàng không dân dụng về tiến độ xin cấp phép và lộ trình bay của hãng hàng không được kỳ vọng là hãng bay hybrid đầu tiên tại Việt Nam.
“Về tiến độ xin cấp phép, hiện nay chúng tôi đang thực hiện bước cuối cùng” P.TGĐ Tập đoàn FLC kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways khẳng định - Có nghĩa rằng, việc xin cấp phép để Bamboo Airways thực sự trở thành một hãng hàng không vẫn chưa hoàn tất. Tuy vậy, theo chia sẻ của ông Đặng Tất Thắng, Bamboo Airways vẫn đề ra kế hoạch đầy tham vọng, là bay ngay trong quý IV/2018.
Vị Cục phó Cục Hàng không dân dụng – người tham dự buổi lễ với tư cách khách mời của ban tổ chức – được kỳ vọng sẽ đem đến những thông tin chi tiết hơn về tiến độ cấp phép cho Bamboo Airways. Nhưng rất tiếc, vị này đã ra về sớm, ngay trước phần hỏi đáp của báo chí.
Được biết, Bamboo Airways đã chính thức nộp hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không lên Cục hàng không dân dụng Việt Nam từ đầu tháng 6/2017 – tức là đã cách nay hơn 10 tháng. Trước đó ít ngày, Công ty TNHH Hàng Không Tre Việt chính thức được FLC thành lập (31/05/2017) – đây là pháp nhân sẽ quản lý, vận hành, khai thác hãng hàng không Bamboo Airways vừa nêu.
Nhìn nhận một cách khách quan, việc cho phép Bamboo Airways gia nhập thị trường là một điều tích cực đối với người tiêu dùng. Thêm một hãng hàng không nội địa sẽ gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng và gia tăng sức cạnh tranh cho thị trường. Áp lực từ thành viên mới sẽ thúc đẩy các thương hiệu cựu trào đổi mới, cải thiện chất lượng phục vụ, giảm giá thành. Thêm một thành viên gia nhập thị trường cũng sẽ giúp nâng cao năng lực vận chuyển hàng không quốc gia, đưa giấc mơ bay đến gần hơn với nhiều người Việt, và cũng sẽ mở ra cơ hội đưa nhiều khách hàng nước ngoài đến với Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với chủ trương mở cửa bầu trời, chiến lược phát triển du lịch quốc gia.
Đúng như chia sẻ của Tổng Giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng, với một thị trường 100 triệu dân như Việt Nam, con số hai (Vietnam Airlines và Vietjet Air) hay ba (nếu kể cả Jetstar Pacific) hãng hàng không là chưa tương xứng. Với dư địa thị trường như vậy, việc có thêm một sự lựa chọn nữa – như Bamboo Airways – là điều mà người tiêu dùng Việt và thị trường hàng không Việt là điều nên và cần có.
Nhất là khi Bamboo Airways lại định vị là hãng hàng không hybrid, lai giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Nếu hãng hàng không hybrid đầu tiên ở Việt Nam này được bay thực sự, thị trường sẽ có thêm một phân khúc sản phẩm hàng không mới, bên cạnh giá rẻ (Vietjet Air, Jetstar Pacific) và truyền thống (Vietnam Airlines).
Tổng Giám đốc Bamboo Airlines nói rằng, sologan của hãng là “hơn cả một chuyến bay” (more than just flight). “Chúng tôi cam kết giá vé chỉ cao hơn giá rẻ một chút, nhưng sẽ cung cấp một chuyến bay 5 sao” – nếu được như ông Thắng nói thì đây sẽ là điều cực tốt cho thị trường. Nhưng phải đến khi Bamboo Airways cất cánh mới rõ!
Mức giá “cao hơn giá rẻ một chút” và kế hoạch khai thác các chặng bay ngắn đặt ra băn khoăn về việc phải bù lỗ cho Bamboo Airlines. Nhưng ông Thắng cho hay, mỗi hãng bay có một chiến lược khác nhau và mỗi doanh nghiệp có một cách làm, Bamboo Airways có chiến lược và phương án khai thác riêng của mình. Tổng Giám đốc Đặng Tất Thắng nói ông tự tin về doanh thu và kế hoạch kinh doanh của hãng.
Thực tế, Bamboo Airways là một thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. Hãng bay này ra đời từ chính nhu cầu nội tại của FLC – trong việc khai thác 6 quần thể nghĩ dưỡng lớn trải dài trên khắp Việt Nam (và sắp tới sẽ nâng lên 10 quần thể). Có Bamboo Airways, FLC sẽ có thể cung cấp các sản phẩm du lịch kết hợp lữ hành trọn gói. “Chúng tôi vẫn tổ chức các giải golf, có giải thu hút tới hàng nghìn golf thủ. Nhưng hiện tại, chúng tôi mới chỉ tổ chức giải được ở một địa điểm cố định. Nhưng với Bamboo Airways, một giải, chúng tôi có thể tổ chức ở nhiều nơi, tùy ngày thi đấu”, ông Thắng thử hình dung một ví dụ.
Vì năm 2021, Bamboo Airways mới có thể nhận được những chiếc máy bay đầu tiên theo Hợp đồng ghi nhớ (MoU) đã ký với các nhà cung cấp, nên trước mắt, Bamboo Airways sẽ thuê khoảng 10 máy bay để bay trong năm nay. Còn các năm sau sẽ đưa vào khai thác thêm khoảng 10 máy bay mỗi năm.
Tại buổi họp báo, Tổng Giám đốc Bamboo Airlines nhắc lại nhiều lần việc hãng bay này đang trong “bước cuối cùng” của việc xin cấp phép. Và ông cũng nhiều lần tái khẳng định, Bamboo Airlines dự kiến sẽ cất cánh vào cuối năm 2018 này./.