Buồng áp lực dương “tiêu diệt” 99% virus trong không khí trên chuyến bay chở 120 người mắc COVID-19

VietTimes – Nhằm bảo đảm an toàn cho các bác sĩ trên chuyến bay chở 120 người mắc COVID-19 từ Guinea Xích đạo về nước, BS. Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu, phát triển buồng áp lực dương có khả năng “tiêu diệt” 99% virus trong không khí.
Buồng áp lực dương tiêu diệt virus đã được đặt trên máy bay chở 120 công dân Việt Nam mắc COVID-19 từ Guinea Xích đạo về nước (Ảnh: BVCC)
Buồng áp lực dương tiêu diệt virus đã được đặt trên máy bay chở 120 công dân Việt Nam mắc COVID-19 từ Guinea Xích đạo về nước (Ảnh: BVCC)

Ý tưởng táo bạo

Trao đổi với PV VietTimes, BS. Thân Mạnh Hùng cho biết, ngay từ khi nhận được thông báo của Bộ Y tế, Bệnh viện cùng đoàn công tác đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về vật tư, trang thiết bị, máy móc, thuốc,.. cấp cứu bệnh nhân trong trường hợp xấu nhất trên chuyến bay.

Trong 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước có 120 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là một thách thức rất lớn bởi từ trước tới nay chưa có chuyến bay nào chở nhiều người mắc COVID-19. Đây là chuyến bay đầu tiên “giải cứu” nhiều công dân Việt Nam mắc COVID-19. Do đó, nguy cơ lây nhiễm đối với phi hành đoàn cùng các bác sĩ đi cùng chuyến bay rất lớn.

Để tránh lây nhiễm cho phi hành đoàn cùng nhân viên y tế, Bệnh viện đã lên kế hoạch chia máy bay thành 4 khu gồm: Khu dành cho bệnh nhân dương tính, khu bệnh nhân chưa có kết quả xét nghiệm, khu dành cho nhân viên y tế và khu của phi hành đoàn.

BS. Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
BS. Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)

Theo BS. Hùng, giải pháp hiệu quả nhất phòng, tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên chuyến bay được đưa ra đó chính là buồng áp lực dương. Buồng áp lực dương là sản phẩm đến từ ý tưởng của BS. Hùng phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong tình huống nhân viên y tế có những hoạt động khiến nguy cơ lây nhiễm cao như: bỏ khẩu trang để ăn, uống,… trên chuyến bay kéo dài 15 giờ đồng hồ với 120 người mắc COVID-19 thì buồng áp lực dương là giải pháp hiệu quả giảm thiếu tối đa nguy cơ bác sĩ, nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trên máy bay đón các bệnh nhân mắc COVID-19, Trường Đại học Bách khoa đã xây dựng 4 buồng áp lực dương, có thể tháo lắp đơn giản, dễ dàng trong 5-7 phút. Buồng áp lực dương có bộ khung được làm hoàn toàn từ nhựa với màng che trong suốt bằng ni lông, trọng lượng chỉ 7-8 kg.

Tiêu diệt 99% virus

Về nguyên lý, không khí từ bên ngoài vào buồng áp lực dương sẽ phải đi qua một hệ thống máy lọc đặc biệt – do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu, sáng tạo. Hệ thống máy lọc này sử dụng màng lọc HEPA, có tác dụng lọc virus hiệu quả cùng 1 màng lọc đã được Bộ Y tế kiểm định.

Khi không khí bên ngoài có chứa virus đi qua hệ thống máy lọc này, không khí sẽ được thanh lọc, làm sạch.  

Hệ thống máy thổi kiêm lọc khí để tạo áp lực dương (Ảnh: BVCC)
Hệ thống máy thổi kiêm lọc khí để tạo áp lực dương (Ảnh: BVCC) 

BS. Hùng cho hay: “Tùy vào kích thước của hạt bụi, tác nhân có chứa virus. Theo kết quả kiểm định, hệ thống máy lọc có thể lọc được 99% virus trong không khí.”

Ngoài buồng áp lực dương, các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã chuẩn bị nhiều trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại để đưa lên máy bay như máy thở, máy khí dung, monitor theo dõi, phòng áp lực âm, thiết bị thở oxy,…, đồng thời, đào tạo cho điều dưỡng về việc tháo, lắp thiết bị cũng như trang thiết bị phòng hộ.

Theo kế hoạch, đúng 7h sáng nay (28/7), 2 bác sĩ gồm BS. Thân Mạnh Hùng, BS. Nguyễn Xuân Thành cùng 2 điều dưỡng Hoàng Quốc Việt, Trường Văn Trường đã lên máy bay đón 120 công dân mắc COVID-19 từ Guinea Xích đạo về nước.

Khi các bệnh nhân về nước sẽ được chuyển tới Khoa Virus Ký sinh trùng, Khoa Nội và Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tại Bệnh viện để cách ly, điều trị.