PV: 120 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo mắc COVID-19 về nước sớm hơn dự kiến, vậy Bệnh viện đã gặp khó khăn gì khi chuẩn bị để đón các công dân này, thưa ông?
TS. Phạm Ngọc Thạch: Ngay khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận được thông tin về 120 người mắc COVID-19 ở Guinea Xích đạo về nước sớm hơn dự kiến 1 tuần là vào ngày 29/7 (trước đó dự kiến sẽ đón các công dân vào ngày 3/8), tôi cùng các bác sĩ đã gấp rút chuẩn bị nhân lực, mọi phương tiện để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Trên chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, Bệnh viện đã cử 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng ở Khoa Cấp cứu đi cùng đoàn. Cả 2 bác sĩ đều có năng lực, kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị 2 máy thở, 2 máy siêu âm để đưa lên chuyến bay cùng các loại thuốc cần thiết, quần áo bảo hộ, khẩu trang,… Đây là một chuyến bay liên quan tới nhiều bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm đối với các bác sĩ, nhân viên đi trên chuyến bay.
Theo TS. Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ mọi trang thiết bị cần thiết, đặc biệt là quần áo bảo hộ, khẩu trang để bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế khỏi nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay (Ảnh: Minh Thúy) |
PV: Xin ông cho biết Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đề ra những phương án nào để ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trên chuyến bay và khi bệnh nhân về tới Bệnh viện?
TS. Phạm Ngọc Thạch: Chúng tôi đã tính đến rất nhiều phương án có thể xảy ra, trong đó tính đến cả nguy cơ lây nhiễm virus khi các bác sĩ ăn uống, đi vệ sinh. Do thời gian chuyến bay kéo dài tới 12 giờ đồng hồ nên các bác sĩ đã tính tới phương án phải chuẩn bị cả bỉm để sử dụng khi cần thiết. Về ăn uống, các bác sĩ chủ yếu sử dụng lương khô, uống nước hoặc sữa bằng ống hút, hạn chế tối đa việc tháo mở khẩu trang khi đi trên chuyến bay.
Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ mọi trang thiết bị cần thiết, đặc biệt là quần áo bảo hộ, khẩu trang để bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế khỏi nguy cơ lây nhiễm.
Khu vực cách ly tại bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
|
Sau khi 120 công dân Việt Nam mắc COVID-19 về tới Bệnh viện, chúng tôi đã lên kế hoặc chuẩn bị cho tất cả các khoa, phòng; đảm bảo mỗi giường cách ly cách nhau 2 m, phân luồng bố trí từng nhóm nhân viên y tế để cách ly, điều trị bệnh nhân; đảm bảo an toàn trong quá trình ăn uống cho khoảng 250 người gồm bệnh nhân, bác sĩ, bảo vệ,…chuyển 100% bệnh nhân mắc bệnh thông thường sang cơ sở 1 để cơ sở 2 chỉ điều trị, cách ly bệnh nhân mắc COVID-19.
Ngoài ra, Bệnh viện cũng đã chuẩn bị 5 phòng áp lực âm cùng hàng trăm máy thở. Tuy nhiên, Bệnh viện sẽ hạn chế sử dụng phòng áp lực âm bởi việc cấp cứu những bệnh nhân nặng trong phòng sẽ gặp khó khăn.
Có thể nói, 120 ca mắc COVID-19 là một mật độ bệnh nhân lớn nhất từ trước tới nay đối với Bệnh viện. Do đó, công tác phòng ngừa lây nhiễm đóng vai trò vô cùng quan trọng.
PV: Ông đánh giá thế nào về nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên chuyến bay đưa 120 người mắc COVID-19 từ Guinea Xích đạo về nước?
TS. Phạm Ngọc Thạch: Do chuyến bay chở một số lượng lớn bệnh nhân mắc COVID-19 nên không tránh khỏi những diễn biến bất thường, nhất là nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bệnh viện đã làm việc với hàng không để đáp ứng đủ máy thở, thiết bị thở oxy, thuốc men,… trong trường hợp phải cấp cứu tạm thời trên máy bay. Dự kiến sẽ có khoảng 10-15 bệnh nhân nặng mắc COVID-19 trên chuyến bay. Thông thường trong khoảng 7-10 ngày, diễn biến của bệnh sẽ nặng dần lên. Tùy tình huống cụ thể, các bác sĩ sẽ điều trị cho bệnh nhân.
Chuyến đi này là một cuộc chiến với COVID-19 nên các bác sĩ chính là những chiến sĩ. Vì thế, các bác sĩ xác định việc đưa bệnh nhân mắc COVID-19 về nước an toàn là một nhiệm vụ quan trọng phải hoàn thành thật tốt.
Trước đó, khi đón các công dân Việt Nam về từ Vũ Hán, Trung Quốc, chúng tôi vẫn chưa có nhiều thông tin về căn bệnh này nên có hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên với việc đón 120 bệnh nhân mắc COVID-19 từ Guinea về nước lần này (dự kiến vào ngày 29/7), các bác sĩ đã có kinh nghiệm bảo hộ, hiểu rõ hơn về đường lây của virus SARS-CoV-2.
PV: Robot “trợ thủ” giúp bác sĩ trò chuyện, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ được sử dụng như thế nào trong quá trình cách ly, điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 sắp tới thưa ông?
TS. Phạm Ngọc Thạch: Sau khi đón 120 công dân Việt Nam mắc COVID-19 về nước, các bác sĩ sẽ sử dụng robot để giao tiếp với bệnh nhân, hạn chế nguy cơ lây nhiễm giữa bác sĩ với người bệnh, đồng thời, đánh giá tính hiệu quả của robot khi sử dụng trong thực tế.
Cảm ơn ông!